Oneway.vn – Hội Thánh ngày nay thường nói về tội lỗi một cách mơ hồ và chung chung, tránh đối mặt với những “sự thật mất lòng” mà Lời Chúa dạy dỗ chúng ta.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thường tự trấn an bản thân rằng mình không vi phạm những tội lỗi mà Kinh Thánh đề cập. Chúng ta coi như không nghe thấy những lời cảnh báo của Kinh Thánh, không muốn công nhận mức độ nghiêm trọng và trách nhiệm của chúng ta trước những lời cảnh tỉnh ấy.
Điều tồi tệ nhất là, khi đọc về tội lỗi trong Kinh Thánh, chúng ta chỉ nghĩ đến người khác mà không nhìn lại chính mình. Chúng ta không tra xét tâm trí và lương tâm mình khi đọc những từ ngữ mạnh mẽ vạch trần tội lỗi: “tham lam”, “dâm dục”, “nóng giận”, “dại dột”. Chúng ta chỉ tập trung vào những hành động phạm tội rõ ràng, mà bỏ qua những tội lỗi chúng ta âm thầm nuôi dưỡng trong tư tưởng, thái độ và cảm xúc của mình.
Lời Chúa nói về tiền bạc
Nhiều Cơ Đốc nhân hiện đại thường bỏ qua hoặc biến tướng lời Kinh Thánh về tiền bạc, một chủ đề được khai thác rõ ràng trong Tân Ước. Họ tự bào chữa cho mình như sau:
Làm ra nhiều tiền là tốt mà? Tiêu tiền cũng không có gì sai, miễn là không làm điều gì xấu xa hay bất công! Vậy thì, chỉ cần tôi kiếm tiền và tiêu tiền một cách trung thực, cố gắng quản lý tài chính của mình sao cho hợp lý, thì tôi không cần quan tâm đến những lời cảnh báo về sự giàu có. Chắc là ở đâu đó ngoài kia có những người “tham lam” – những kẻ thèm khát tiền bạc và quyền lực – nhưng tôi không giống họ!
Tân Ước thuật lại câu chuyện một người đến gặp Chúa Jêsus và xin Ngài giải quyết vấn đề thừa kế với anh trai mình. Ngài cảnh báo anh ta rằng: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam” (Lu-ca 12:15). Khi nghe câu chuyện này, họ sẽ nghĩ rằng đó là lời nhắc nhở dành cho ai đó ngoài kia, chứ không phải cho bản thân họ. Họ không nhận ra rằng họ đang gặp nguy hiểm trước một mối đe dọa thuộc linh rất lớn.
Thật đáng sợ khi họ không nhận ra mức độ nghiêm trọng trong lời cảnh báo của Chúa Jêsus. Điều này cho thấy sự lơ là và thiếu nhạy bén trước mối nguy mà sự giàu có gây ra cho linh hồn con người. Họ mù quáng không nhận ra sự thật rằng tội lỗi không chỉ thể hiện qua hành động mà còn len lỏi tinh vi trong tư tưởng và tấm lòng họ.
Thời đại của Ma-môn
Chúa Jêsus nói “Hãy cẩn thận, đề phòng!” như thể có một kẻ thù ác đang lén lút theo dõi và chờ đợi cơ hội tấn công nhân lúc chúng ta không cảnh giác. Chúng ta thường nghĩ rằng của cải và tiền bạc chỉ là vật chất vô hại, chúng rất có ích nếu chúng ta biết cách sử dụng, không có gì đáng lo ngại. Vì thế, chúng ta chỉ nhắc nhở nhau về việc tránh lạm dụng hoặc lãng phí của cải, đồng thời hướng dẫn về cách quản lý tài chính khôn ngoan để giữ gìn và gia tăng khối tài sản của mình. Nhưng chúng ta ít khi nhắc đến những lời cảnh báo nghiêm trọng của Chúa Jêsus và các sứ đồ về vấn đề này.
Người ta thường chỉ trích các mục sư vì không dám lên tiếng chống lại những tội lỗi trầm trọng trong xã hội ngày nay, đặc biệt là những tội liên quan đến hành vi tính dục. Nhưng ngay cả những người chỉ trích ấy nhất cũng hiếm khi lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của tiền bạc theo lời Chúa Jêsus. Trong các sách Tin Lành, Đấng Christ đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm khủng khiếp đi đôi với việc tích trữ của cải. Tân Ước cũng đưa ra nhiều lời cảnh báo tương tự, cùng với các nhà thần học và nhà truyền giáo nổi tiếng trong giáo hội xưa.
Cyprian – lãnh đạo giáo hội thế kỷ thứ ba – nói rằng giàu có là một chướng ngại lớn cho việc nuôi dưỡng sự tin kính, của cải trói buộc con người bằng cách “làm yếu đi lòng can đảm, làm phai mờ đức tin, làm suy giảm khả năng phán đoán và bóp nghẹt tâm linh của họ”.
Ông khuyên răn hội chúng: “Làm sao những người bị giam cầm bởi cơ nghiệp của mình có thể theo Đấng Christ được? Họ tự cho mình là chủ, nhưng thực ra họ lại là nô lệ: họ không làm chủ đồng tiền mà bị đồng tiền làm chủ”.
Hãy so sánh mức độ khẩn thiết của lời khuyên răn này với lời dạy phổ biến trong các Hội Thánh ngày nay – hiếm khi đề cập đến sự nguy hiểm của đồng tiền mà chỉ tập trung vào việc tận dụng lợi ích tài chính. Các nhà truyền giáo thời xưa không đưa ra các mẹo quản lý tiền bạc hay cách đầu tư để làm giàu. Họ kêu gọi chúng ta phải suy xét từ gốc rễ, từ cách chúng ta nhìn nhận tiền bạc và tài sản. Tại sao? Vì chính Chúa Jêsus đã cảnh báo về cạm bẫy của sự giàu có—và vì tâm linh chúng ta đang bị đe dọa.
Sự quyến rũ của giàu sang
Trong dụ ngôn về người gieo giống, Chúa Jêsus nói rằng hạt giống được gieo vào bụi gai và cây tật lê đã bị bóp nghẹt bởi “sự quyến rũ của giàu sang” (Ma-thi-ơ 13:22). Nói cách khác, tiền bạc lừa dối chúng ta. Chúa Jêsus ngụ ý rằng của cải rất giỏi phỉnh dỗ lòng người.
Chúa Jêsus phán rằng chúng ta không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời vừa phục vụ tiền bạc. Ngài dùng “Ma-môn” – biểu tượng của tiền bạc để nhấn mạnh quan điểm của ngài, giống như ngày nay chúng ta thường nói: “Có tiền là có tất cả”. Nhưng chúng ta đừng quên mất điều trọng yếu ở đây: vấn đề không phải là chúng ta sử dụng tiền có hợp lý hay không, có trung thực hay không. Vấn đề cốt yếu ở đây là những mưu kế tinh vi mà Ma-môn dùng để gài bẫy con người.
Mối nguy cho đời sống
Kinh Thánh nhiều lần cảnh báo rằng: “Tiền bạc có thể gây hại cho đời sống chúng ta!” Có nghĩa là mỗi khi chúng ta có một khoản thu nhập bất ngờ, một tài khoản ngân hàng đầy ắp hoặc một khoản tăng lương vượt mong đợi, thì hãy ngay lập tức nhận thức rằng sự gia tăng của cải này vừa có lợi vừa có hại.
Sự giàu có dư dật dễ làm thay đổi các ưu tiên trong đời sống, và thay đổi chính tấm lòng của chúng ta, cho đến khi chúng ta bắt đầu đánh giá mọi thứ và mọi người trên thế giới dựa trên những giá trị, lợi ích mà họ có thể mang lại. Andy Crouch viết: Một trong những cách mà tiền bạc làm thay đổi chúng ta là “nó cho phép chúng ta hoàn thành công việc bằng sức lực của người khác mà không cần tình người”. Ma-môn cố gắng cách ly chúng ta với mọi người, bằng cách đưa chúng ta vào một cộng đồng chỉ quan tâm đến những giá trị mà chúng ta có thể mang lại, hoặc bằng cách chi phối tấm lòng và lừa gạt tâm trí chúng ta. Crouch viết:
“Chúa muốn dùng vạn vật để phục vụ con người, để rồi cuối cùng mang lại sự hưng thịnh cho vạn vật thông qua sự hưng thịnh của con người. Còn Ma-môn muốn dùng con người để phục vụ vạn vật, để rồi cuối cùng vạn vật sẽ trở thành nô lệ của nó.”
Tiền bạc liên tục lừa dối chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta thấy tài sản của mình tăng lên hay số tiền tích lũy trong tài khoản ngày càng nhiều, thì có lẽ Ma-môn đang thì thầm: Ta là sự đảm bảo của ngươi. Ta là niềm hy vọng của ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, Chúa Jêsus đang cố cảnh báo chúng ta rằng: Đó là lời nói dối! “Vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật” (Lu-ca 12:15). Và sứ đồ Phao-lô lặp lại lời Đấng Cứu Rỗi: Đó là một cái bẫy! “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất” (1 Ti-mô-thê 6:9).
Những lúc bạn lo lắng về tiền bạc, mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn hoặc cố gắng đạt đến mục tiêu tự do tài chính, hãy dừng lại một giây. Đừng vội vàng. Hãy cẩn thận lắng nghe, để những lời cảnh báo của Chúa Jêsus và các môn đồ vang lên trong tâm trí bạn, vượt qua tiếng gầm chói tai của con quái vật Ma-môn đang xâm chiếm thế giới tôn thờ tiền bạc ngày nay. Hãy để những lời cảnh báo của Chúa thức tỉnh bạn, hướng dẫn bạn và thay đổi tâm linh bạn.
Bài: Trevin Wax; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply