Khi xác định các Thư tín Mục vụ trong Tân Ước, bạn sẽ kể đến những sách nào? Đa số các chú giải Kinh Thánh đều xếp I Ti-mô-thê, II Ti-mô-thê và Tít vào nhóm này. Một số chú giải khác có thể kể thêm sách Phi-lê-môn. Nhưng tôi cho rằng còn có 7 Thư tín Mục vụ khác trong Kinh Thánh cần được nhắc đến.
Vì chúng nằm trong một sách nói về sự mặc khải, nên chúng ta thường không liên hệ lời Chúa Jêsus phán cho bảy Hội Thánh trong Khải Huyền 2–3 với các mục sư. Thách thức của việc dịch cụm từ “cho thiên sứ của Hội Thánh…” đã che khuất sứ điệp quan trọng mà Chúa Jêsus muốn nhắn gửi đến các mục sư về sự quan tâm và tình yêu thương mà Ngài dành cho họ.
Tại sao tôi nghĩ cụm từ được lặp đi lặp lại này phải được hiểu là phán với bảy mục sư? Sau đây là 7 lý do.
1. Từ angelos trong tiếng Hy Lạp có thể được dịch là ‘sứ giả’
Hãy bắt đầu với “thiên sứ”. Mỗi bức thư đều bắt đầu bằng cụm từ “cho thiên sứ của Hội Thánh . . .”. Cụm từ đó kết thúc bằng tên của một thành phố cụ thể.
Chúa Jêsus có ý gì khi nói “thiên sứ của Hội Thánh”? Tân Ước có chép về sự hiện diện của các thiên sứ trong buổi nhóm của chúng ta (I Cô. 11:10, xem Hê. 12:22), nhưng chúng ta thường không nghĩ rằng các thiên sứ sẽ chăn dắt Hội Thánh chúng ta. Tuy nhiên, trong Tân Ước, từ “thiên sứ” trong tiếng Hy Lạp thường được dịch xuyên suốt là “sứ giả”. Từ này có thể bao gồm cả con người (Ma-thi. 11:10) lẫn các hữu thể linh (1:20).
Trong trường hợp này, có vẻ như Chúa Jêsus đang nói đến người đọc thư này trước Hội Thánh ở mỗi thành phố, rất có thể là mục sư hoặc trưởng lão. Đây không phải là cách giải thích mới. Nó đã được đề xuất bởi các nhà giải kinh trung tín xuyên suốt các truyền thống hệ phái từ thời Hội Thánh đầu tiên cho đến ngày nay, là những giáo sư như Augustine thành Hippo, John Owen, Jonathan Edwards, Peter Leithart và John MacArthur.
2. Lãnh đạo đi đâu, thì Hội Thánh sẽ đi theo đó
Kinh Thánh nhiều lần nói về việc Đức Chúa Trời gọi các nhà lãnh đạo đoàn dân giao ước của Ngài như là những người đại diện cho dân sự. Lãnh đạo đi đâu thì Hội Thánh sẽ theo đó. Vì Chúa Jêsus đã viết ra để giải quyết những nhu cầu và những băn khoăn cụ thể trong mỗi Hội Thánh, nên có vẻ hợp lý (và khôn ngoan) khi Ngài bắt đầu bằng cách giải quyết với các lãnh đạo, là những người sẽ thực hiện những thay đổi cần thiết.
3. Các vấn đề được đưa ra trong mỗi bức thư đòi hỏi sự giám sát mục vụ
Ai có thể giúp cho cả Hội Thánh không từ bỏ lòng kính mến ban đầu (Khải. 2:4)? Ai phải sửa dạy những giáo sư giả nổi loạn trong Hội Thánh (c. 19–20)? Ai sẽ khuyên bảo Hội Thánh phải kiên nhẫn và chịu đựng những đau khổ sắp đến (3:10–12)? Bạn cần một lãnh đạo, một trưởng lão, một mục sư để hỗ trợ và hướng dẫn Hội Thánh vượt qua những vấn đề phức tạp này.
4. Trách nhiệm ăn năn thuộc về Hội Thánh và người lãnh đạo Hội Thánh, không phải thiên sứ
Ăn năn là trách nhiệm của mỗi người. Mặc dù chắc chắn Hội Thánh hoặc cộng đồng có thể phạm phải những tội lỗi tập thể, song hành động ăn năn phải đến từ mỗi cá nhân. Vậy nên, khi Chúa Jêsus kêu gọi ăn năn trong các bức thư Khải Huyền (2:5, 16, 22; 3:3, 19), Ngài đang kêu gọi “sứ giả”, hoặc mục sư và các thành viên trong Hội Thánh của Ngài ăn năn, chứ không phải là một hữu thể linh đại diện cho cả một cộng đồng Hội Thánh.
Cách đọc này tương ứng với cách Tân Ước thường xuyên nói về các mục sư có trách nhiệm kêu gọi Hội Thánh của họ phải ăn năn.
Chẳng hạn, trước giả sách Hê-bơ-rơ chẳng ngần ngại khi bảo Hội Thánh phải vâng lời các mục sư của họ.
Tương tự vậy, trong Cựu Ước, người lãnh đạo Ê-xơ-ra đã xưng nhận tội lỗi của mình trước rồi sau đó dẫn dắt Hội Thánh ăn năn về tội lỗi tập thể của họ (Ê-xơ-ra 9–10).
Trong mỗi trường hợp, trách nhiệm canh giữ linh hồn của Hội Thánh thuộc về người lãnh đạo Hội Thánh. Họ sẽ phải khai trình về tình trạng của dân sự Chúa (Hê. 13:17).
5. Sự khải thị đem đến nhiều phước hạnh cho các sứ giả
Toàn bộ sách Khải Huyền được đóng khung xoay quanh tuyên bố về sự chiến thắng toàn cõi vũ trụ của Chúa Jêsus và sự viên mãn của mọi sự.
Mở đầu quyển sách có một lời chúc phước được ban ra: “Phước cho người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy và vâng giữ những điều đã ghi chép trong đó” (1:3).
Những lời này cho rằng một người lãnh đạo (có thể là một mục sư) sẽ đọc sách Khải Huyền cho Hội Thánh của mình. Ông đáng được khen ngợi vì điều đó.
Cuối sách Khải Huyền, cả phước lành lẫn lời cảnh báo đều được ban ra cho những ai chia sẻ, nghe và vâng giữ trọn vẹn sứ điệp trong sách này (22:7, 16, 18–19). Sách này nói rõ rằng các lãnh đạo Hội Thánh, đặc biệt là các mục sư, có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao lời của Chúa Jêsus đến cho các Hội Thánh.
6. Sứ điệp của sách Khải Huyền mang lại hy vọng cho con dân Chúa
Sách kết thúc với lời phán về ý định của Chúa Jêsus: “Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ [sứ giả] Ta đến để làm chứng những điều nầy cho các con trước mặt các Hội Thánh” (22:16, phần nhấn mạnh là của tôi). Nó nhằm mục đích thêm sức, khích lệ và củng cố Hội Thánh với tin mừng rằng dù Hội Thánh của Chúa Jêsus có thể sẽ phải chịu khổ và bị giết dưới tay các thế lực “Ba-by-lôn” mà họ đang sống cùng, nhưng Chúa Jêsus sẽ trở lại cai trị, trị vì và làm mới muôn vật.
Chúa Jêsus sẽ không đưa ra quan điểm về Hội Thánh và về sự lãnh đạo Hội Thánh nào tại đây mà không nhất quán với cơ cấu Hội Thánh đã được đưa ra ở những nơi khác trong Tân Ước. Ngài chỉ định các mục sư và trưởng lão cho các Hội Thánh của Ngài chứ không phải các thiên sứ. Vì vậy, có vẻ phù hợp hơn khi đọc các thư này như là lời phán với các mục sư ngay từ ban đầu, để hiểu rằng họ có nhiệm vụ phải công bố những lẽ thật trong sách này và dẫn dắt dân sự bước đi trong niềm hy vọng.
7. “Tôi cần một lời từ Chúa Jêsus”
Tôi sẽ kết thúc bằng một lý do chủ quan cho việc tôi tiếp cận các thư này dưới dạng thư tín mục vụ. Không sách nào giúp ích cho sự tăng trưởng thuộc linh, phát triển khả năng lãnh đạo và sự hiểu biết của tôi về sự an ninh và địa vị của tôi trong Đấng Christ hơn việc đọc những bức thư này như thể chúng được viết cho tôi vậy.
Là một mục sư, tôi đã đối diện với hầu hết các vấn đề được chép trong bảy lá thư này. Lòng kính mến Chúa của tôi đã nguội lạnh. Tôi đã phải đương đầu với sự đồi bại, bị phỉ báng, ăn năn và dựa dẫm vào bạn bè. Khi tôi đọc và nghe những lá thư này như những lá thư gửi trực tiếp cho tôi như là một mục sư, sức mạnh của Chúa Jêsus và những lời hứa của Ngài thúc giục tôi phải kiên nhẫn. Tôi được nhắc nhở hết lần này đến lần khác rằng tôi thuộc về Chúa Jêsus và có Ngài là đủ.
Bài: Jeremy Writebol; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply