Oneway.vn – Khi con cái chúng ta còn nhỏ, thế giới của con dường như thật tự do. Các con được chơi đùa thoải mái với bạn bè, đặt câu hỏi không chút do dự và tràn đầy năng lượng – đôi khi còn quá nhiều năng lượng. Các con dễ vui, dễ cười, và hẳn là các con nghĩ rằng cha mẹ mình thật “ngầu”.
Nhưng rồi tuổi thiếu niên cũng đến. Con cái chúng ta không còn nghĩ rằng cha mẹ mình “ngầu” nữa. Các con muốn có khoảng cách, dè chừng trong từng lời nói và cách cư xử. Các con nghe nhiều loại nhạc khác nhau và ở trong phòng cả ngày để lướt điện thoại, chơi điện tử với bạn bè.
Có những thay đổi tự nhiên khi trẻ lớn lên. Nhưng đôi khi có những điều không bình thường. Sẽ ra sao nếu những lo âu tuổi dậy thì chuyển thành cơn giận khó kiểm soát? Sẽ ra sao nếu con chỉ biết ở trong phòng chơi điện thoại mà không giao tiếp với bạn bè? Sẽ ra sao nếu con từ bỏ những hoạt động mà con từng yêu thích?
Nhìn con bị trầm cảm là cơn ác mộng của cha mẹ. Chúng ta thường cố gắng khắc phục vấn đề theo cách rõ ràng nhất, hiệu quả nhất mà mình biết. Chúng ta yêu cầu con mình cầu nguyện và đọc Kinh Thánh nhiều hơn, chúng ta đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm của bản thân, và chúng ta nghiên cứu một danh sách dài những hướng dẫn hữu ích – nhưng điều đó không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề. Những yêu cầu của chúng ta có thể bị phản đối, ý kiến của chúng ta có thể bị bỏ ngoài tai, lời khuyên cầu nguyện và đọc Kinh Thánh của chúng ta thậm chí có thể bị chế nhạo và khinh miệt.
Chúng ta có thể cảm thấy thất vọng, và hơn thế nữa, dường như chúng ta đã thất bại. Chúng ta có thể đổ lỗi cho vợ/chồng mình, trường học, hàng xóm xung quanh hoặc một vài người bạn của con. Có thể chúng ta tự hỏi: Nếu tôi không làm điều này, điều kia thì liệu mọi việc có tốt hơn không?
Là cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ Cơ Đốc, chúng ta cần được trang bị để đối phó với chứng trầm cảm của con mình theo quan điểm Kinh Thánh. Dưới đây là ba lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ có con ở tuổi thanh thiếu niên đang phải chịu đựng chứng trầm cảm.
Xóa bỏ kỳ thị
Tôi làm việc trong những Hội Thánh tại Châu Á. Mặc dù trầm cảm đang được thảo luận thường xuyên hơn, nhưng ở một mức độ nào đó nó vẫn là một chủ đề cấm kỵ trong cộng đồng của tôi. Người lớn sợ rằng nếu thừa nhận các em thiếu niên có bệnh tâm thần thì người khác sẽ né tránh và không cho các em tham gia những hoạt động mà các em thích.
Những phản ứng cực đoan này có thể khiến các bậc cha mẹ phủ nhận việc con cái họ không được hạnh phúc và khỏe mạnh. Nhưng thực tế, nhiều người bình thường lại đang phải đối mặt với chứng trầm cảm. Họ là đồng nghiệp, bạn bè, bạn học và người thân của chúng ta. Hàng năm, khoảng 15% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi bị trầm cảm ở tuổi vị thành niên.
Khi biết rằng người bạn thân của mình đang phải chiến đấu với trầm cảm, tôi đã thấu hiểu người đó theo một cách khác. Thay vì kỳ thị, lòng tôi lại cảm thông với anh ấy như một người bạn trong đức tin, người đang học biết rằng chỉ cần ân điển của Đấng Christ là đủ cho sự yếu đuối mình. Cha mẹ nên hiểu rõ rằng trầm cảm không khiến con trẻ phải chịu đựng một cuộc sống khốn khổ hoặc trở thành kẻ bị ruồng bỏ.
Phân biệt rõ ràng
Trong khi các thế hệ trước có thể chậm nhận ra mối lo ngại về trầm cảm thì Gen Z lại quá nhạy cảm với điều đó. Khi con bạn nói rằng mình bị trầm cảm, bạn cần phải phân biệt được những vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng với những cảm xúc bình thường hàng ngày.
Một ngày tồi tệ chưa hẳn là dấu hiệu của trầm cảm, và cảm giác lo lắng chưa hẳn là dấu hiệu của lo âu. Cha mẹ có thể làm hại con mình khi phớt lờ những vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn và phản ứng thái quá với những cảm xúc nhất thời. Nói chung, trầm cảm nặng bao gồm “một số dấu hiệu và triệu chứng sau đây, diễn ra hầu như xuyên suốt cả ngày, gần như hàng ngày, trong ít nhất 2 tuần” – theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia:
- tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng” kéo dài
- cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan
- cảm giác khó chịu, thất vọng hoặc bồn chồn
- cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực
- mất hứng thú hoặc niềm vui trong các sở thích và hoạt động
- giảm năng lượng, mệt mỏi hoặc cảm thấy chùng xuống
- khó tập trung, ghi nhớ hoặc đưa ra quyết định
- khó ngủ, thức dậy sớm vào buổi sáng hoặc ngủ quá nhiều
- thay đổi khẩu vị hoặc thay đổi cân nặng ngoài kế hoạch
- đau nhức cơ thể, đau đầu, chuột rút hoặc các vấn đề về tiêu hóa không có nguyên nhân rõ ràng và không khỏi khi điều trị
- ý nghĩ về cái chết hoặc tự hại, hoặc cố gắng tự hại
Nếu những dấu hiệu này xuất hiện và kéo dài dai dẳng, cha mẹ nên liên hệ với chuyên gia trị liệu hoặc nhà tâm lý học và xem xét bắt đầu liệu trình điều trị y tế. Rất nhiều cố vấn Cơ Đốc có thể hỗ trợ không chỉ trong việc điều trị mà còn nhờ quan điểm Kinh Thánh về bệnh trầm cảm.
Giải pháp
Một thanh nữ mà tôi biết đã phải đối mặt với chứng trầm cảm nặng. Cô chia sẻ rằng cô cảm thấy khó chịu khi cha mẹ bảo cô “con chỉ cần cầu nguyện”. Dù được nói với mục đích tốt, những lời đó đã không giải quyết được những sắc thái phức tạp trong vấn đề của cô gái trẻ này. Cuối cùng cô ấy cảm thấy tồi tệ hơn và bầu không khí trong gia đình ngày càng căng thẳng.
Cha mẹ phải đảm bảo lời nói và hành động của mình không làm trầm trọng thêm vấn đề của con cái chúng ta trong cơn khủng hoảng.
Trong sách Gióp, ba người bạn đã đến an ủi Gióp sau khi ông phải chịu những tai họa khôn lường. Nhưng họ không giúp được gì nhiều. Họ nói với Gióp rằng tội lỗi đã khiến ông đau khổ và vận mệnh của ông sẽ đảo ngược nếu ông ăn năn. Gióp bắt đầu trở nên phòng thủ, và khi Chúa can thiệp ở chương 38, ông bày tỏ rằng đau khổ không phải lúc nào cũng có lời giải thích rõ ràng.
Giống như bạn bè của Gióp, cha mẹ có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ với con mình trong giai đoạn trầm cảm. Không có công thức, không có đơn thuốc nào cả. Đúng, thuốc có thể giúp con bạn suy nghĩ rõ ràng hơn, nhưng không thay thế được sự hỗ trợ mà chỉ cha mẹ mới có thể mang đến, cũng như không thể chữa lành tấm lòng tội lỗi. Việc giúp con cái chúng ta vượt qua trầm cảm đòi hỏi lòng cảm thông và tình yêu hy sinh mà chúng ta không thể tự mình trao đi – đây là những đặc điểm chỉ đến từ Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Công cụ tốt nhất của chúng ta để giúp các em thanh thiếu niên vượt qua cơn khủng hoảng trầm cảm lo âu chính là Phúc Âm. Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, ngồi bên phải Ngài trên thiên đàng, đã mang lấy bản tính con người và chịu đựng nhiều đau khổ. 1 Phi-e-rơ 2:23 cho chúng ta biết rằng “Khi bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; lúc chịu đau khổ, Ngài không hề hăm dọa, nhưng phó thác chính mình cho Đấng phán xét công minh”.
Khi hướng con cái mình đến với tấm gương chịu đựng của Chúa Jêsus, chúng ta cũng giải thoát chính mình khỏi gánh nặng bất khả thi khi cố trở thành người giải quyết vấn đề. Thay vào đó, hãy trao dâng con cái chúng ta vào vòng tay năng quyền của Chúa, Đấng có thể thay đổi cả những khoảnh khắc đen tối nhất, những nỗi sợ hãi sâu sắc nhất và những giai đoạn trầm cảm đáng lo ngại nhất của con cái chúng ta.
Không có giải pháp dễ dàng nào cho căn bệnh trầm cảm. Một số thanh thiếu niên có thể cần dùng thuốc, một số khác thì không. Có những em chỉ trải qua trầm cảm trong một giai đoạn, nhưng cũng có người phải chịu đựng suốt đời. Một số vấn đề có nguyên nhân rõ ràng, số khác thì không. Nhưng có một Đấng Cứu Rỗi sẽ luôn ở cùng chúng ta, chiến đấu vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta không còn sức lực để chiến đấu.
Bài: Steve Eatmon; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)