Oneway – Bất kể bạn đang chịu đau đớn gì – công khai hay âm thầm, ồn ào hay lặng lẽ – hãy đem nó đến chân thập tự. Đặt nỗi buồn của bạn trên vai của Đấng Cứu Thế. Hãy tin rằng tiếng than vãn của bạn sẽ hóa thành khúc ca khải hoàn.

Càng trưởng thành, tôi càng nhạy bén với những nỗi đau âm thầm – nỗi buồn chúng ta giấu kín và lặng lẽ mang theo; những u sầu chỉ dám thổ lộ với người thân tín nhất; hoặc tệ hơn, là những nỗi đau chỉ một mình ta gánh chịu, rơi nước mắt trong cô đơn mà chỉ có Đức Chúa Trời nhìn thấy được.
Đó có thể là cơn đau đớn triền miên của một căn bệnh mãn tính làm hao mòn thể lực lẫn ý chí. Hoặc là căng thẳng trong một mối quan hệ bị đầu độc bởi cay đắng, là hậu quả lâu dài từ những chọn lựa ích kỷ, hay là những vết thương mới toanh từ người mà ta từng tin cậy. Có thể đó là sự khắc khoải khi chứng kiến một người trẻ lao vào dục vọng hủy hoại, là sự mệt mỏi khi cố làm điều lành giữa thế giới hỗn loạn, là nỗi thất vọng khi công lý bị trì hoãn, chối bỏ, hoặc bị lãng quên.
Đời sống trên đất này bị ghi dấu bởi sự yếu đuối – cả bệnh tật nơi thân thể lẫn bệnh tình trong tâm linh.
Trong thời điểm lặng yên để suy niệm về sự thương khó của Cứu Chúa Jêsus, chúng ta suy ngẫm về tình yêu của Ngài dành cho các môn đồ cho đến cuối cùng – Ngài vác thập tự và đi đến Gô-tha để hiến chính mình làm sinh tế chuộc tội nhân loại. Ngài là Đấng gánh thay tội lỗi chúng ta – gánh chịu cơn thịnh nộ chúng ta đáng phải nhận. Ngài chịu sự rủa sả để chúng ta nhận được phước lành.
Nhưng không chỉ tội lỗi của chúng ta, Ngài còn mang lấy nỗi buồn của chúng ta. Không chỉ là tội lỗi, mà là những đau thương. Không chỉ là vết nhơ từ sự phản loạn, mà là gánh nặng của sự tan vỡ. Tiên tri Ê-sai đã nói:
“Thật, Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh nỗi đau khổ của chúng ta…” (Ê-sai 53:4).
Phúc Âm Ma-thi-ơ nhận thấy lời này được ứng nghiệm không chỉ tại thập tự giá, mà cả trong chức vụ trên đất của Chúa Jêsus – khi Ngài chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ, và nâng đỡ những người tan vỡ (Ma-thi-ơ 8:16–17).
“Mang” nghĩa là nâng lên, là gánh lấy một sức nặng. “Gánh vác” nghĩa là làm gánh nặng của người khác trở thành của chính mình. Chúa Jêsus là Người Đau Thương – không phải vì tội lỗi Ngài, mà vì tội lỗi của chúng ta. Nỗi đau của Ngài đáng lý là của chúng ta. Sự buồn khổ của Ngài là điều Ngài tự nguyện nhận. Ngài mang lấy tội lỗi và nỗi buồn của cả thế giới khi lê từng bước với cây gỗ nặng qua các cung đường trong thành Giê-ru-sa-lem, bị nhạo báng và khinh chê bởi chính những người Ngài đến để cứu.
Khi nhận biết Chúa Jêsus là Đấng Gánh Nỗi Buồn, chúng ta được an ủi bởi một chân lý vĩ đại và lạ lùng về Đức Chúa Trời toàn năng: Ngài biết. Ngài thấu hiểu.
Nỗi buồn bạn đang âm thầm mang lấy? Ngài biết.
Nỗi đau khiến bạn tỉnh giấc nửa đêm và sự xấu hổ cứ bám riết như cái bóng? Ngài biết.
Những câu hỏi chưa có lời đáp, những lời cầu nguyện tưởng như tan biến vào hư không? Ngài biết.
Mục sư John Stott từng viết:
“Vẫn còn một dấu hỏi treo lơ lửng về sự đau khổ của con người, nhưng trên nó, chúng ta mạnh mẽ đóng một dấu khác – thập tự giá, nơi bày tỏ sự đau khổ của Đức Chúa Trời”.
Vinh quang của Sự Thương Khó không chỉ là tội lỗi được tha, mà là mọi nỗi buồn được gánh lấy; nước mắt của chúng ta hòa tan vào đại dương tình yêu của Đức Chúa Trời. Đây cũng là một phần trong sứ mạng của Chúa Jêsus. Tại nhà hội Na-xa-rét, Ngài đã đọc những lời trong sách Ê-sai:
“Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên Ta,
Vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta
Để giảng tin lành cho người nghèo.
Ngài sai Ta đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ;
Để công bố tự do cho kẻ bị bắt giữ,
Và cho những người bị cầm tù được ra khỏi ngục;
Để công bố năm thi ân của Đức Giê-hô-va,
Và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta;
Để an ủi mọi kẻ khóc than;
Để ban mão hoa cho những kẻ khóc than ở Si-ôn
Thay vì tro bụi”. (Ê-sai 61:1–3)
Vì chúng ta ở trong Đấng Christ, nên Ngài gánh lấy nỗi buồn của chúng ta. Nhưng cũng chính vì chúng ta ở trong Đấng Christ, nên chúng ta được dự phần cùng Ngài để gánh lấy nỗi đau của người khác.
Martin Luther đã dịch câu phước lành thứ hai rằng:
“Phước cho những người mang lấy nỗi buồn”.
Dietrich Bonhoeffer viết:
“Những môn đồ Đấng Christ không phủi bỏ nỗi buồn như thể họ chẳng liên can. Trái lại, họ gánh lấy nó… Nỗi buồn không thể làm họ kiệt sức, không thể khiến họ cay đắng hay gục ngã, bởi họ gánh nỗi buồn đó trong năng lực của Đấng đang nâng họ lên – Đấng đã gánh trọn sự đau đớn của cả thế gian trên thập tự.”
Đây là điều chúng ta cần suy ngẫm trong Tuần Thánh: Đức Chúa Trời – Đấng trị vì cả vũ trụ – đã cúi mình xuống để gánh lấy nỗi đau của bạn và giờ đây nâng bạn lên để gánh vác nỗi đau của người khác.

Vậy nên, bất kể bạn đang chịu đau đớn gì – công khai hay âm thầm, ồn ào hay lặng lẽ – hãy đem nó đến chân thập tự. Đặt nỗi buồn của bạn trên vai của Đấng Cứu Thế. Hãy tin rằng tiếng than vãn của bạn sẽ hóa thành khúc ca khải hoàn. Rằng đêm dài lưu đày sẽ nhường chỗ cho làn gió dịu dàng trong khu vườn mới. Rằng khoảng trống trong tâm hồn bạn sẽ được lấp đầy bởi ánh sáng từ ngôi mộ trống.
Tất cả những nốt nhạc lệch lạc của đau thương, mất mát, tan vỡ… sẽ được hòa quyện vào bản giao hưởng vui mừng của Đức Chúa Trời – nơi mọi giai điệu u buồn được chuyển hóa thành hòa âm diệu kỳ vượt ngoài sức tưởng tượng.
Đây là niềm hy vọng của chúng ta khi chờ đợi, khi than khóc vì tội lỗi mình và nỗi buồn từ tội lỗi của thế giới. Chúng ta chăm xem Đấng Đau Thương – đẫm máu, thở hổn hển trên thập tự – Đấng đã gánh lấy nỗi đau của chúng ta.
Hãy xem, đỉnh đầu, tay và chân Ngài,
buồn đau và tình yêu chan hòa tuôn rơi.
Có bao giờ tình yêu và đau thương gặp gỡ,
hay gai nhọn kết nên mão triều vinh hiển đến vậy?
Bài: Trevin Wax; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply