Oneway.vn – Một số phân đoạn trong Tân Ước gây tranh cãi nhiều như các lời cảnh báo chống lại sự bội đạo trong sách Hê-bơ-rơ (2:1–4; 3:7–4:13; 6:4–12; 10:26–39; 12:15–25).
Những phân đoạn này đặt ra thách thức cho tín hữu, vì chúng dường như nói về một tội lỗi không thể tha thứ, khiến việc ăn năn và được tha tội trở nên “bất khả thi” (6:4; so sánh 12:17). Chúng có thể được hiểu rằng người Cơ Đốc có thể mất sự cứu rỗi, và dường như mâu thuẫn với những đoạn Kinh Thánh khẳng định rằng một Cơ Đốc nhân thật sẽ được Đức Chúa Trời gìn giữ và bền lòng cho đến cuối cùng (1 Cô-rinh-tô 1:8; Phi-líp 1:6; 1 Giăng 5:4–5).
Những câu hỏi do các phân đoạn này đặt ra rất quan trọng và cần được giải đáp. Nếu hiểu sai, những lời cảnh báo này có thể dẫn đến sự soi xét bản thân quá mức hoặc sợ hãi, làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là câu 12:15, chúng ta sẽ thấy rằng sách Hê-bơ-rơ không mâu thuẫn với giáo lý Kinh Thánh về sự bền đỗ của tín hữu thật, mà nhấn mạnh sự nguy hiểm tiềm tàng của lời xưng nhận đức tin giả.
Sách Hê-bơ-rơ với góc nhìn Cựu Ước
Thường thì chúng ta gặp khó khăn khi hiểu lời Kinh Thánh vì không đặt chúng trong bối cảnh phù hợp. Hê-bơ-rơ 12:15, câu mở đầu của phân đoạn cảnh báo cuối cùng, là một ví dụ rõ ràng. Nghe câu này qua góc nhìn Cựu Ước sẽ giúp làm sáng tỏ mục đích của các lời cảnh báo trong sách Hê-bơ-rơ.
Câu Kinh Thánh chép: “Hãy cẩn trọng kẻo có ai hụt mất ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng đâm ra, gây rối và làm ô uế nhiều người trong anh em chăng”.
Phân đoạn tiếp tục so sánh “rễ đắng” này với Ê-sau, người đã chối bỏ quyền trưởng nam của mình và sau đó không tìm được “cơ hội ăn năn, dù đã tìm kiếm bằng nước mắt” (c. 16–17). Giống như Hê-bơ-rơ 6 (phân đoạn cảnh báo nổi tiếng nhất), câu này cảnh báo về nguy cơ sa ngã và gợi ý về một điểm không thể quay lại.
“Rễ đắng” trong Cựu Ước (Phục-truyền 29:18)
Hê-bơ-rơ 12:15 chỉ đến việc lập lại giao ước trong sách Phục-truyền, nơi Môi-se cảnh báo:
“Hôm nay, nhất quyết không có một người nào trong anh em, dù nam hay nữ, dù gia tộc hay bộ tộc nào được thay lòng đổi dạ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta mà đi thờ cúng các thần của những dân tộc đó. Trong anh em cũng đừng có rễ sinh ra trái độc và quả đắng. Người nào nghe được các lời thề ước nầy thì đừng có tự mãn trong lòng rằng: ‘Ta sẽ được bình an dù ta có cứng lòng đi theo đường lối riêng của mình’… Đức Giê-hô-va sẽ xóa tên nó trong thiên hạ”. (Phục-truyền 29:18–20)
Đây có lẽ là đoạn văn Cựu Ước rõ ràng nhất cảnh báo về nguy cơ của những người không tin (“rễ đắng”) trong sự giao ước, đồng thời liên kết điều này với sự bội đạo và hậu quả không thể tha thứ. Mối liên hệ giữa Hê-bơ-rơ 12:15 và bản dịch tiếng Hy Lạp của Phục-truyền 29:18 rất mạnh mẽ, cho thấy tác giả Hê-bơ-rơ đang suy ngẫm về phân đoạn này.
“Mật đắng” trong Công-vụ 8:23
Trong Công-vụ 8:23, chúng ta tìm thấy một ám chỉ khác đến đoạn Phục-truyền này. Sau khi tuyên xưng đức tin vào Đấng Christ, phù thủy Si-môn cố mua quyền năng ban Đức Thánh Linh cho người khác. Phi-e-rơ cảnh báo Si-môn về sự không thành thật trong lời tuyên xưng: “Anh chẳng được dự phần hoặc chia sẻ trong việc nầy đâu, vì lòng anh không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời.” (c. 21). Phi-e-rơ nói thêm rằng lòng Si-môn đang “ở trong mật đắng” (c. 23), cụm từ phản ánh Phục-truyền 29:18.
Kêu gọi bám chặt lấy Đấng Christ
Khi tác giả Hê-bơ-rơ mô tả những kẻ bội đạo tiềm tàng như “rễ đắng” trong Hội Thánh và so sánh họ với Ê-sau, ý ông rất rõ ràng: Có những người bề ngoài thuộc về gia đình giao ước, nhưng lòng họ không “ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời” (Công-vụ 8:21) – những tấm lòng “xấu xa, không tin” (Hê-bơ-rơ 3:12), cuối cùng sẽ dẫn đến bội đạo.
Những lời cảnh báo trong Hê-bơ-rơ là thật. Những người không ăn năn nhưng nghĩ rằng mình là Cơ Đốc nhân đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng. Nếu họ từ bỏ Đấng Christ, sự cứng cỏi trong lòng sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những “đứa con hoang đàng” ăn năn không thể nhận được sự tha thứ, mà những kẻ bội đạo cố chấp sẽ, như Ê-sau, không “tìm được chỗ” trong lòng mình để ăn năn. Những lời cảnh báo của Hê-bơ-rơ kêu gọi chúng ta xem xét tấm lòng mình và bám chặt lấy Đấng Christ.
Những lời cảnh báo này không nhằm làm lung lay sự đảm bảo của tín hữu thật. Không có tội lỗi nào mà một Cơ Đốc nhân thật – tức là những người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, tin nơi tình yêu của Chúa Jêsus và tôn trọng sự dạy dỗ, hướng dẫn của Đức Thánh Linh – có thể phạm khiến Đức Chúa Trời thu hồi sự chọn lựa của Ngài, khiến Cha Thiên Thượng quay lưng với con cái Ngài, hoặc hủy bỏ lời hứa gìn giữ chúng ta không chỗ trách được cho đến cuối cùng. Và đó là lý do chúng ta phải sống với lòng biết ơn Chúa và cậy ơn Chúa bày tỏ nếp sống đẹp lòng Ngài trọn hành trình trên đất.
Bài: James Beevers; dịch: Dạ Nguyên
(Ảnh: Pixabay.com; Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply