Khi con sói gặp được Người Chăn Chiên Nhân Lành

Oneway.vn – Không có ai quá xấu xa đến nỗi Đấng Christ không thể cứu, và không có ai quá tốt đến nỗi không cần được cứu.

Nhiều năm trước, tôi thích xem chương trình về huấn luyện các con vật. Thật ngạc nhiên khi xem cảnh quay về các chú vật trước khi chương trình ghé thăm – chúng không chỉ không vâng lời mà còn phá hoại và nguy hiểm. Nhưng sau một thời gian cùng huấn luyện viên tận tình, yêu thương, thì từ điên cuồng, bất tuân chúng đã trở nên điềm tĩnh và phục tùng.

Khi đọc Công vụ 9, chúng ta thấy người có tên Sau-lơ nguy hiểm và phá hoại, tấn công nàng dâu của Đấng Christ. Nhưng ở đây, Người Chăn Chiên Nhân Lành đã bước vào, và không mất buổi chiều, hay vài ngày, mà chỉ trong chốc lát, Ngài khiến Sau-lơ trở nên một người hoàn toàn khác – bình tĩnh, phục tùng. Câu chuyện Sau-lơ nhắc chúng ta về quyền năng Đấng Christ khuất phục kẻ thù và tình yêu của Chúa giúp họ trở thành con cái của Ngài.

Mối đe dọa cho Hội Thánh

Sau-lơ là kẻ xấu. Theo cách Lu-ca mô tả trong Công vụ, ông có vẻ giống một kẻ săn mồi. Sau khi chấp thuận việc hành quyết Ê-tiên (8:1), Sau-lơ tàn phá Hội thánh bằng cách lôi người nam và người nữ ra khỏi nhà và tống họ vào tù (8:3). Không hài lòng với việc của mình ở Giê-ru-sa-lem, ông, trong khi vẫn “… cứ hăm dọa và sát hại các môn đồ của Chúa…” (9:1), đã nhận được sự cho phép từ thầy tế lễ thượng phẩm để mở rộng sứ mệnh của mình đến Đa-mách (9:2).

Khi suy ngẫm về đời sống trước đây, ông mô tả mình là “… kẻ phạm thượng, bắt bớ, xấc láo… ” (1 Ti-mô-thê 1:13). Ông là mối đe dọa đối với Hội thánh. Ông nổi tiếng vì sự chống đối dữ dội của mình đối với Hội thánh Đấng Christ (9:13).

Được trang bị các lá thư cho phép bắt giữ những Cơ Đốc nhân, nhưng Sau-lơ đã bị Đấng Christ nắm giữ

Khi con sói gặp Người Chăn Chiên Nhân Lành

Được trang bị những lá thư cho phép bắt giữ và dẫn độ Cơ Đốc nhân, Sau-lơ đã bị Đấng Christ nắm giữ. Ánh sáng rực rỡ từ thiên đàng bao phủ và buộc ông phải quỳ xuống. Trong những ngày thi hành chức vụ trên đất, Chúa Jêsus đã vén bức màn che phủ xác thịt của mình để phô bày vinh quang Ngài trong sự hóa hình (Ma-thi-ơ 17:3). Tương tự như vậy, trên đường đến Đa-mách, Đấng “… ngự giữa ánh sáng không ai có thể đến gần được,… ” (1 Ti-mô-thê 6:16) đã hiện ra cùng Sau-lơ và bày tỏ vinh quang của Ngài. Sự rực rỡ của vinh quang Ngài không chỉ làm tan chảy đôi mắt ông mà còn làm tan chảy cả tấm lòng ông.

Sau-lơ đã quỳ gối, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành tra hỏi ông, “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” (Công vụ 9:4). Theo nghĩa nào Sau-lơ có thể bắt bớ Chúa Jêsus? Ngài ở trên thiên đàng, và Sau-lơ ở dưới đất. Làm sao Sau-lơ có thể với tới thiên đàng để chạm ngón tay vào Chúa Jêsus? Bởi vì Đấng Christ là đầu Hội thánh, là thân thể của Ngài. Cánh tay hoặc ngực có thể chịu đòn mà không ảnh hưởng đến đầu không? Đấng Christ có sự hiệp nhất với Hội thánh của Ngài. Sau-lơ đã tấn công các con chiên, và đã gây chiến với Đấng Chăn Chiên Nhân Lành.

Sau khi thực sự gặp gỡ Đấng Christ – Đấng đã sống lại và trị vì, Sau-lơ trở nên khiêm nhường. Ông tan vỡ. Ông lên kế hoạch đi Đa-mách, và ông đã làm vậy. Trong một khung cảnh bình tĩnh, phục tùng.

Từ kẻ thù thành Đại Sứ

Nếu bạn không biết phần còn lại của câu chuyện, bạn có thể nghĩ Chúa Jêsus sẽ ném Sau-lơ vào ngục tối và vứt chìa khóa đi. Nhưng Ngài không làm vậy. Thay vì loại bỏ mối đe dọa của Hội thánh khi loại bỏ Sau-lơ, Chúa Jêsus loại bỏ mối đe dọa bằng cách ủy quyền cho Sau-lơ nói thay Ngài. Chúa Jêsus không đẩy Sau-lơ ra khỏi Hội thánh; Ngài đưa ông vào để trở thành một phần trong gia đình Ngài.

Không có ai quá xấu xa đến nỗi Đấng Christ không thể cứu, và không có ai quá tốt đến nỗi không cần được cứu.

Có thể hiểu được là điều này rất khó để Hội thánh nhận biết. A-na-nia bày tỏ mối quan tâm của mình với Chúa (Công vụ 9:13–14). Nhưng Chúa Jêsus đảm bảo rằng Sau-lơ “… Ta đã chọn người nầy làm một công cụ cho Ta để đem danh Ta đến cho các dân ngoại…” (9:15).

Chúa Jêsus đã khiến kẻ thù của Hội Thánh Ngài trên đất để trở thành đại sứ cho công tác Nhà Ngài. Đây cũng là bài học quan trọng với chúng ta ngày nay. Bất kể là ai trước khi Chúa Jêsus cứu, họ đều trở thành một phần trong gia đình Ngài. Và Hội thánh chào đón họ như anh chị em trong Đấng Christ. Cái cũ đã qua đi, và mọi sự đều trở nên mới!

Phao-lô là tấm gương cho chúng ta về lòng thương xót kiên nhẫn mà Chúa Jêsus dành cho con người (1 Ti-mô-thê 1:15–16). Không ai quá xấu xa đến nỗi Đấng Christ không thể cứu, và không ai quá tốt đến nỗi không cần được cứu. Chúa Jêsus của chúng ta là Đấng Cứu Thế đầy thương xót, yêu thương và quyền năng. Trong ý muốn của Ngài, Chúa có biến kẻ thù bắt bớ Hội Thánh trở thành sứ giả cho Vương quốc Nước Trời!

Bài: Erik Raymond; dịch: Thùy Trang
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *