Oneway.vn – Khi tôi thấy mình là kẻ thất bại, tôi làm hai việc: Tra xem Kinh Thánh và sử dụng một số chiến thuật để chống lại vòng luẩn quẩn của suy nghĩ tiêu cực này.
Tôi không kiểm soát được. Tôi không hoàn hảo. Và tôi cảm thấy cuộc đời mình như sụp đổ.
Có thể hơi cường điệu quá, nhưng tôi thực sự đã cảm thấy vô cùng thất vọng, nản lòng và tội lỗi. Đó thật sự là những gì đã xảy ra.
Tôi đến chỗ làm và nhận ra mình đã lỡ mất buổi họp ngày hôm trước. Một cuộc họp khá quan trọng và tôi cần phải có mặt. Nên tôi đã nhờ một đồng nghiệp thế chỗ mình, sau đó giải thích chuyện đã xảy ra với cấp trên và xin lỗi những người có liên quan. Nhưng mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn ỔN.
Bạn thấy đấy, tôi cảm thấy thật kinh khủng khi khiến ai đó thất vọng và tôi không thể buông bỏ cảm giác đó suốt ngày hôm đó. Cảm giác tội lỗi và thất vọng cứ ngày càng tăng, ngay cả khi tôi đã cố gạt bỏ.
Cả ngày hôm đó tôi cứ tự nhủ rằng có cảm thấy tồi tệ cũng không giải quyết được gì, vậy nên tôi phải quên nó đi. Để rồi cuối cùng, tôi bắt đầu thất vọng vì không thể vượt qua được sự thất vọng của mình. Tôi lại thấy không thể tâm sự được với ai và mọi thất vọng cứ dồn nén trong lòng, ngày càng lớn dần lên.
Tập trung vào thực tại, không phải vào cảm xúc.
Mọi người thường khuyên tôi đừng bị cảm xúc chi phối. Thực tại thì không dựa trên cảm xúc của chúng ta – trên thực tế, nó thường hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn như, dù tôi đã lỡ buổi họp nhưng dự án vẫn đang chạy và hôm đó tôi cũng đã hoàn thành một số việc tốt khác.
Nhưng vấn đề là khi tôi cảm thấy tồi tệ (như thể mọi thứ sụp đổ), tôi bắt đầu suy nghĩ tiêu cực và sau đó tôi lại bắt đầu hành động tiêu cực. Và hành động tiêu cực thường khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn.
Tôi biết một số chiến thuật để chống lại vòng lặp hành vi này và chính tôi đã thử một số chiến thuật này vào ngày hôm đó.
1. Thừa nhận mình đã sai và đang thất vọng
Thay vì cố gắng vượt qua sự thất vọng bằng cách phớt lờ nó, hãy tìm ra lý do tại sao bạn lại thất vọng. Hãy viết nó ra để làm rõ lý do tại sao bạn lại thất vọng đến vậy. Về phần tôi, không chỉ vì tôi đã lỡ mất buổi họp; mà vì tôi sợ mình sẽ bị coi là kẻ không đáng tin cậy. Việc dành một vài phút để cầu nguyện về vấn đề đó có thể giúp bạn điều chỉnh tinh thần và cảm xúc mình theo hướng đúng đắn.
2. Tìm cách để không tái phạm sai lầm
Với tôi, cách sửa sai cho vấn đề này khá đơn giản vì tôi chỉ cần học cách sắp xếp lại lịch online của mình tốt hơn. Nhưng có khi nó phức tạp hơn, chẳng hạn như kiểm soát phản ứng tức giận.
Trong mọi trường hợp, sai lầm có thể thực sự đáng giá nếu nó ngăn bạn không mắc phải sai lầm khác lớn hơn trong tương lai.
3. Đừng tua đi tua lại chuyện đó trong đầu
Tập trung vào việc khác hoặc thư giãn bản thân. Nếu bạn không thể làm vậy, hãy viết ra hoặc nói với ai đó về điều mà bạn đang tua đi tua lại trong đầu, vì làm như vậy thường sẽ giúp bạn phân biệt được thực tế với việc bạn đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Hãy thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng việc độc thoại tích cực.
4. Hãy tiếp tục làm công việc của bạn
Đừng để những cảm xúc tiêu cực ngăn bạn làm những điều bạn cần phải làm. Đừng để sự thất vọng vượt quá tầm kiểm soát đến nỗi nó khiến chúng ta bị tê liệt. Có thể điều này sẽ đòi hỏi tâm lý “giả vờ cho đến khi thành sự thật”: Bạn cảm thấy mình có thể sẽ không làm việc vui vẻ nổi suốt quãng thời gian còn lại trong ngày, nhưng ít nhất bạn có thể tiếp tục làm việc và vui vẻ hết mức có thể, điều này thường đưa bạn đến chỗ vui thật.
Đôi khi những chiến thuật này là đủ để khiến tôi bình tâm hơn. Nhưng đôi khi chúng không đủ. Vậy bạn phải làm gì?
Hãy yên nghỉ trong Chúa chúng ta, Đấng không hề thất bại.
Thật khó để tiếp tục giả vờ khi ở nhà. Sau cùng, tất cả những gì tôi có thể làm là thừa nhận rằng tôi hoàn toàn nương cậy vào Chúa và rằng tôi không kiểm soát được tình hình hay thậm chí cả cảm xúc của mình.
Gần đây tôi đã ghi lại một số câu Kinh Thánh về lời hứa của Chúa. Khi đọc lại, tôi nhận ra rằng đây là những lời hứa phải được thực hiện ngay cả (và đặc biệt) khi chúng ta cảm thấy cuộc đời mình như sụp đổ.
Không phải lúc nào Chúa cũng ban cho chúng ta cảm giác thoải mái, nhưng Ngài luôn lắng nghe. Và hằng là Đấng Thành tín!
Đừng sợ vì Ta ở với con, chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con. (Ê-sai 41:10)
Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài. (Rô-ma 8:28)
Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus. (Phi-líp 4:6-7)
Bạn đang nản lòng và thất vọng về điều gì? Dù nan đề bạn đang đối diện là gì, những lời hứa này vẫn luôn đúng với mọi con cái Chúa. Hãy bám chặt vào chúng mỗi khi cảm xúc nói với bạn rằng cuộc đời bạn sụp đổ rồi.
Bài: Tori Mann; dịch: Ruth
(Nguồn: boundless.org)
Leave a Reply