Oneway.vn – Không khí Giáng Sinh tràn ngập khắp mọi nơi – âm nhạc rộn ràng du dương, cây thông xanh thơm hương quế, và đồ trang trí sắc màu được trang hoàng rực rỡ.
Cảm giác thân thuộc và hoài niệm như vậy khiến mùa Giáng Sinh trở thành “thời gian tuyệt vời nhất trong năm”.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, Mùa Vọng năm nay lại là lời nhắc nhở đau đớn về khoảng thời gian tốt đẹp mà chúng ta từng có. Có thể năm nay, bàn tiệc Giáng Sinh sẽ vắng mặt một thành viên gia đình, và lòng chúng ta nặng trĩu khi nghĩ đến những vết thương sâu hoắm. Sự đối lập giữa niềm vui và nỗi đau gây ra nhiều bối rối và tổn thương dường như quá sức chịu đựng.
Nhưng bạn biết không, câu chuyện Mùa Vọng cũng không kém phần lạ kỳ và rối rắm như chuyện đời chúng ta.
Hạ sinh bởi một trinh nữ
Một trinh nữ sẽ sinh con. Những người hoài nghi vẫn tranh luận về vấn đề này hàng năm.
Sách Lu-ca chép rằng Thiên Sứ đã hiện ra với một trinh nữ trẻ tuổi tên là Ma-ri, và nói rằng cô sẽ mang thai – bởi Đức Thánh Linh.
Không những thế, con của cô cũng chính là Con Một của Đức Chúa Trời, vị Vua sẽ nối ngôi Đavít. Chắc chắn lúc này Ma-ri sẽ nhớ đến lời hứa xưa, rằng một trinh nữ sẽ sinh một con trai (Ê-sai 7:14), nhưng dường như điều đó quá đỗi tốt lành để mà trở thành sự thật.
Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác bối rối, niềm vui và vô số suy nghĩ trong đầu Ma-ri không?
Thiên Sứ nói với Ma-ri rằng người họ hàng của cô là Ê-li-sa-bét cũng đang mang thai. Ê-li-sa-bét đã cao tuổi và cả đời son sẻ. Vào thời Chúa Jêsus, người ta coi người nữ son sẻ như kẻ bị rủa sả. Xin hãy tưởng tượng niềm vui mà họ đã cùng chia sẻ với nhau, Ma-ri trẻ tuổi đôi mươi và Ê-li-sa-bét, có lẽ lúc này đã 70 hoặc 80 tuổi, cả hai đều mang thai.
Khi Ma-ri đến thăm người bà con của mình, em bé trong bụng Ê-li-sa-bét (Giăng Báp-tít) đã nhảy mừng trong bụng bà khi Ma-ri cất tiếng chào.
Như một hình bóng của câu chuyện về Áp-ra-ham và Sa-ra trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời đang chứng minh rằng mọi việc Ngài làm sẽ dệt nên một câu chuyện vĩ đại, mặc dù chúng ta khó mà hiểu được. Một trinh nữ chưa ai chạm vào, nhưng vẫn có thể mang trong mình một mầm sống mới. Một phụ nữ son sẻ cả đời, nhưng Chúa vẫn biến điều không thể thành có thể.
Sau khi ở với Ê-li-sa-bét trong ba tháng, Ma-ri quay trở lại Na-xa-rét, và mọi người bắt đầu đặt câu hỏi. Mọi người thì thầm sau lưng, và rồi cả trước mặt Ma-ri, khi quần áo của cô bắt đầu chật chội dần. Xin hãy nhớ rằng, Ma-ri không được phép mang thai vào lúc này. Cô đã hứa hôn với Giô-sép, nhưng chưa kết hôn. Thử tưởng tượng vụ bê bối này xảy ra ở một thị trấn nhỏ như Na-xa-rét mà xem. Giô-sép không muốn bêu xấu cô nên định âm thầm từ hôn. Nhưng trong giấc chiêm bao, Thiên Sứ đã trấn an Giô-sép, đảm bảo với anh rằng Ma-ri là người nữ đoan chính, và hài nhi này được thai dựng bởi Đức Thánh Linh.
Xin hãy nhớ rằng Giô-sép thuộc dòng dõi Đa-vít, là con cháu của Gia-cốp, Y-sác và Áp-ra-ham. Hãy thử tưởng tượng sức nặng mà người thợ mộc khiêm nhu này phải gánh trước tất cả những việc đang diễn ra. Một hài nhi sinh ra trong nhà Giô-sép, nhưng lại không phải là con trai anh. Một con trẻ anh sắp sửa phải nuôi nấng, con trẻ ấy sẽ trở thành trọng trong kế hoạch cứu rỗi tuyệt vời mà Đức Chúa Trời dành cho thế gian.
Chuyến đi dài và lạ lẫm
Sau đó, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ. Giô-sép thuộc một dòng dõi nổi bật, nên càng phải lên đường đi ghi tên vào sổ. Nhưng còn Ma-ri thì sao? Cô đã mang thai tám tháng. Cô đỡ của Ma-ri đang ở Na-xa-rét, cách đó một tuần đi bộ. Đây là một trong những chi tiết lạ lùng nhất của câu chuyện. Các bác sĩ sản khoa ngày nay không khuyến khích thai phụ di chuyển xa trong giai đoạn cuối của thai kỳ.
Nhưng Ma-ri vẫn đồng ý lên đường trên chuyến hành trình dài mà không hẹn ngày trở lại. Và chắc chắn rằng, khi đến thị trấn thôn quê ấy, Ma-ri sẽ chuyển dạ. Họ ở xa nhà, trong một thị trấn nhỏ đông đúc và không còn chỗ ở. Giô-sép hỏi chủ quán trọ liệu còn bất cứ nơi nào để gia đình mình trú ngụ không. Ông ta dẫn họ ra một chỗ phía sau quán trọ của mình – chuồng trại dành cho vật nuôi mà khách trọ mang theo.
Chúa lâm phàm
Đức Chúa Trời Toàn Năng, trong hình hài một con trẻ bằng xương bằng thịt, sẽ hạ phàm nơi thế gian giữa các loài động vật trong chuồng trại. Điều này thực sự kỳ lạ.
Theo sự sắp đặt lạ lùng của Đức Chúa Trời, các mục đồng vinh dự trở thành những người đầu tiên được báo tin về sự ra đời của vị Vua này, và cũng là những người đầu tiên được nhìn thấy Ngài. Cảnh tượng đó chắc hẳn kỳ lạ lắm. Họ là những người chăn chiên nghèo hèn, không có trang phục sang trọng thích hợp để gặp Vua. Nhưng chẳng phải vấn đề nằm ở đó sao? Chúa đến với chúng ta và gặp gỡ chúng ta ở những nơi bất ổn nhất. Giữa hoàn cảnh hỗn độn, thất vọng và thất bại của chúng ta – Vua Jêsus đến và gặp gỡ chúng ta.
Vài năm sau, Hê-rốt biết đến vị Vua này thông qua ba nhà thông thái. Hê-rốt âm mưu tìm Chúa Jêsus – không phải để thờ phượng Ngài, mà là để giết Ngài. Thiên Sứ hướng dẫn các nhà thông thái trở về bằng đường khác, để tránh mặt Hê-rốt. Giô-sép và Ma-ri cũng được chỉ dẫn hãy rời khỏi quê nhà. Đó là khi cuộc diệt chủng hàng loạt khủng khiếp nhất xảy ra, vì Hê-rốt ra lệnh giết tất cả các bé trai dưới hai tuổi nhằm triệt hạ kẻ dám thách thức ngai vàng của ông ta.
Không có sự kiện nào “bình thường” cả
Trong câu chuyện Mùa Vọng, không có một sự kiện nào bình thường cả. Một trinh nữ trẻ tuổi mang thai. Thiên Sứ hiện ra với nhiều người. Diệt chủng trẻ sơ sinh. Đối với các thân hữu, câu chuyện này có vẻ giống vở bi kịch lúc nửa đêm của một nhà viết kịch “loạn trí”, chứ chẳng giống Lời của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta phải giải thích về câu chuyện lạ lùng này ra sao?
Xuyên suốt lịch sử, có vô số dữ kiện chứng minh độ tin cậy của những sự kiện này.
Thật lòng, ai trong chúng ta cũng yêu mến mùa Giáng Sinh. Nhưng Giáng Sinh không chỉ có nghĩa là trang hoàng cây thông, tặng quà cho nhau và tiệc tùng vui vẻ.
Có thể năm nay, bạn hy vọng một thành viên mới sẽ ra đời. Nhưng thay vì tiếng khóc oe oe và tiếng cười khúc khích, tất cả những gì bạn nghe thấy bây giờ chỉ là sự im lặng đớn đau, dai dẳng vì căn bệnh hiếm muộn.
Có thể năm nay, bàn tiệc Giáng Sinh gia đình bỗng trống mất một chỗ, vì bạn đã mất đi một người thân yêu.
Nếu Giáng Sinh chỉ là vật chất bề ngoài, thì sẽ ra sao nếu những điều đó không còn nữa? Có lẽ câu chuyện của chính bạn cũng kỳ lạ như câu chuyện Giáng Sinh, và bạn tự hỏi tác giả sẽ dệt mớ hỗn độn này thành một kết thúc có hậu như thế nào.
Tất cả những câu chuyện này – cổ đại hay hiện đại, vui mừng hay đau đớn – đều có một điểm chung. Và mặc dù có thể rất lạ kỳ, nhưng bí ẩn của Mùa Vọng lại vô cùng rõ ràng đối với những người tin cậy Chúa. Đó là chủ đề xuyên suốt từ Cựu Ước đến Tân Ước, kể từ ngày A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi Vườn Ê-đen. Đấng Cứu Rỗi là ai? Đấng Mê-si-a là ai? Đấng Christ này là ai?
Bí ẩn được tỏ bày
Những bí ẩn, căng thẳng và ly kỳ của câu chuyện Mùa Vọng được tỏ bày nơi chuồng chiên máng cỏ, nơi danh Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Không phải Đức Chúa Trời ở gần hay ở cạnh chúng ta, mà là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Ngài đến thế gian trong hình hài con trẻ, không chỗ gối đầu, nhưng Ngài được bảo bọc trong quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. Ngài là hài nhi khóc đòi sữa, nhưng Ngài cũng là Bánh của Sự Sống. Ngài cần được được dạy cách xỏ dây câu, nhưng Ngài cũng là Tay Đánh Lưới Người. Ngài là một con người cũng bị bệnh, bị ngã, bị thương, nhưng bản thân Ngài chính là Thầy Thuốc Vĩ Đại. Ngài lớn lên với những nỗi sợ, những cám dỗ và những ham muốn rất đỗi con người, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Rỗi của mọi quốc gia, và Ngài không mong muốn gì ngoài việc kiện toàn ý Đức Cháu Cha là Đấng đã sai Ngài đến.
Vị Vua mới sinh này chính là bí ẩn đã được tỏ bày. Ngài là tâm điểm của Lễ Giáng Sinh. Sẽ không có niềm vui Phục Sinh nếu không có nỗi đau Thương Khó. Và sẽ không có Thương Khó nếu không có chuồng chiên máng cỏ. Chính máng cỏ thấp hèn đã trở thành chiếc nôi của Chiên Con Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đến thế gian phía sau một quán trọ không còn chỗ ở, lâm phàm trong một chuồng chiên tạm bợ, Ngài đã bị treo trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, và rồi được chôn cất trong một ngôi mộ tạm bợ.
Đó là lý do tại sao chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh. Thật mầu nhiệm thay, mặc dù tội lỗi chúng ta như hồng điều, nhưng Chiên Con không tì vết của Đức Chúa Trời vẫn ở cùng chúng ta. Ngài đã đến vì chúng ta. Ngài làm cho tội lỗi chúng ta trở nên trắng như tuyết. Mùa Giáng Sinh này, nguyện bạn tiếp tục tìm kiếm vị Vua mới sinh thêm một lần nữa, bởi vì thật sự Ngài đã tìm thấy bạn rồi.
Hãy đến xem câu chuyện mầu nhiệm diệu kỳ.
Bài: Michael Douglas; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply