Lòng nhân từ: ‘Mê-phi-bô-sết’ của bạn là ai?

Oneway.vn – Một số người nói đùa rằng, “Mục vụ sẽ dễ dàng nếu không có con người”. Trước đây tôi từng cảm thấy, và dám chắc rằng bạn cũng từng nghĩ như vậy!?

(Ảnh: .thegospelcoalition.org)

Những người khó tính, ngay cả những ai dễ chịu cũng trải qua hoàn cảnh khó khăn có thể nhanh chóng làm cạn kiệt thời gian và sức lực. Nếu muốn yêu thương người khác, chúng ta sẽ cần phải đáp ứng những nhu cầu gần như liên tục.

Tôi thường cảm thấy tình yêu của tôi giống như chiếc hộp sô cô la nhỏ trong ngày Lễ tình nhân. Tôi có thể tặng mỗi miếng cho một vài người, rồi sau đó tôi hết sạch. Vậy làm thế nào để tôi có thể tiếp tục yêu thương? Điều gì sẽ nâng đỡ để chúng ta không mệt mỏi khi làm điều thiện mà Chúa đặt trước mặt (Ga-la-ti 6:9)?

Trong II Sa-mu-ên 9, có một câu chuyện nhắc chúng ta về những sự thật cần thiết để tiếp tục yêu thương.

Lòng nhân từ không xứng đáng nhận được từ nhà vua

Theo lời hứa của Đức Chúa Trời, Đa-vít đã lên ngôi vua Y-sơ ra ên và thiết lập quyền cai trị chống lại những kẻ gian ác, lúc này ông nhớ đến người bạn tri kỷ của mình là Giô-na-than. Là con trai của vua Sau-lơ, Giô-na-than đáng lẽ ra phải là kẻ thù chống lại Đa-vít. Nhưng trước khi chết trong tay của người Phi-li-tin, Giô-na-than vẫn chọn yêu thương Đa-vít và tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đối cùng ông.

(Ảnh: Hope Community Church)

Vì Đa-vít đã nhận được lòng tốt từ Giô-na-than, nên Đa-vít tìm cách để thể hiện điều tương tự với gia đình của Giô-na-than. Ông hỏi, “Nhà Sau-lơ có ai còn sống sót không? Ta muốn vì Giô-na-than mà làm ơn cho người ấy” (II Sa-mu-ên 9:1). Và ông nhận tin từ Xíp-ba – đầy tớ nhà Sau-lơ rằng, có một con trai của Giô-na-than tên Mê-phi-bô-sết vẫn còn sống, mặc dù anh ấy bị tật cả hai chân từ khi còn nhỏ, trong một lần chạy trốn cuộc tấn công (câu 3, 4)

Khi gặp Mê-phi-bô-sết, Đa-vít hứa rằng ông sẽ tỏ lòng nhân từ với cha của anh ấy là Giô-na-than (9:7). Lưu ý, Mê-phi-bô-sết đã không làm gì để xứng đáng với lòng thương xót của Đa-vít, nhưng Đa-vít đối xử tốt với anh vì Giô-na-than. Bởi vì Đa-vít yêu thương Giô-na-than và ông muốn thể hiện tình yêu thương đó bằng hành động.

Đây là một bức tranh tuyệt đẹp về Phúc Âm- và là khuôn mẫu cho những hành động tử tế mang hình ảnh của Phúc Âm.

Lòng nhân từ không xứng đáng nhận được từ Chúa

Giống như Mê-phi-bô-sết, chúng ta chưa làm bất cứ điều gì xứng đáng với lòng thương xót của Chúa – mà hoàn toàn ngược lại – nhưng Chúa yêu thương và nhân từ với chúng ta qua sự hy sinh của Con Ngài. Chúa yêu chúng ta và trong Chúa Jêsus, giờ đây chúng ta thuộc về gia đình của Ngài.

Như Phao-lô nói: “Vì bởi đức tin trong Đấng Christ Jêsus, tất cả anh em đều là con Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 3:26).

Hãy xem điều này trông như thế nào trong lời cầu nguyện. Chúa Cha lắng nghe và nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không phải vì chúng ta là ai nhưng vì Chúa Jêsus là Ai. Khi nói về sự thăng thiên, Chúa Jêsus đã phán cùng môn đồ: “trong ngày đó, các ngươi không còn hỏi ta về điều chi nữa.  Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi.  (Giăng 16:23). Chúa Jêsus hứa rằng Đức Chúa Cha sẽ lắng nghe và ban điều chúng ta cầu xin trong Danh Chúa Jêsus Christ.

Mê-phi-bô-sết có thể đưa ra những yêu cầu táo bạo đối với Đa-vít bởi vì Đa vít quá yêu thương cha của anh ấy. Anh có thể nài nỉ nhà vua bởi vì nhà vua muốn bày tỏ sự tôn cao và tôn trọng với Giô-na-than. Đó là lòng tốt không xứng đáng để nhận được, và chúng ta biết điều này ở khía cạnh vĩ đại hơn. Như Tim Keller từng nói, “Người duy nhất dám đánh thức nhà vua lúc 3g sáng để xin một cốc nước là một đứa trẻ. Và chúng ta có quyền như vậy”. Đa vít yêu Mê-phi-bô-sết vì Giô-na-than, và Đức Chúa Trời yêu chúng ta vì Cứu Chúa Jêsus Christ.


Lòng nhân từ dành cho người không xứng đáng

Câu chuyện về lòng tốt của Đa-vít đối với Mê-phi-bô-sết không chỉ nhắc nhở chúng ta về những lẽ thật của Phúc Âm, nhưng cũng mô tả làm thế nào để thúc đẩy tình yêu của chúng ta đối với người khác, đặc biệt là anh chị em trong cộng đồng đức tin.

Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta cần được đầy tràn trong tình yêu chúng ta dành cho người khác. Như Giăng từng nói, “Tình yêu thương ở trong điều nầy: Không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta. Thưa anh em yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (I Giăng 4:10-11).

Chúng ta đúng khi thấy mình trong đôi giày của Mê-phi-bô-sết: Được yêu không phải vì chúng ta là ai, mà chúng ta đã nhận được ân điển từ Ai. Và ở đây, chúng ta được Đức Chúa Trời yêu, qua ân điển của Chúa Jêsus.

Chúng ta có nhiều anh chị em, khắp trên thế giới và ngay cạnh nhà, những người không làm gì để xứng đáng với lòng tốt của chúng ta. Trong số đó, có thể có những người đã đối xử tệ với ta trong quá khứ. Họ có thể “xứng đáng” bị lăng mạ, trả thù hoặc xúc phạm. Nhưng chúng ta vui mừng thể hiện lòng tốt với họ vì Chúa Jêsus, vì họ thuộc về ngôi nhà thiêng liêng mà Chúa Jêsus đang xây.

Chúng ta đáp ứng nhu cầu vật chất lẫn tinh thần, nói những lời sống động, khích lệ, hỗ trợ tài chính, sử dụng tài năng để phục vụ và yêu thương mọi người một cách hy sinh, như một sự mở rộng về tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, và như một biểu hiện của lòng biết ơn đối với tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

Bạn sẽ tỏ lòng nhân từ với ai?

Mê-phi-bô-sết của ban là ai? Người đó có thể khó tính, hoặc đang đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, điều đó sẽ thử thách lòng kiên nhẫn, làm cạn kiệt thời gian và năng lượng của bạn. Nhưng khi nhớ về những điều Chúa Jêsus đã trả thay cho chúng ta bởi tình yêu, thì việc việc yêu thương người khác trong chúng ta sẽ trở nên điều gì đó vui mừng.


Bài: Brandon Cooper; Dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *