‘Mục sư ơi, hãy bảo vệ Hội Thánh khỏi sự trôi dạt’

Oneway.vn – Nếu đang đứng gần một thác nước, chúng ta biết có những nguy hiểm xung quanh. Và khi trượt xuống những con thác mạnh, chúng ta phải biết cách giữ thăng bằng nếu không muốn gặp rắc rối.

(Ảnh: thegospelcoalition.org)

Nhưng điều đáng sợ về việc trôi dạt là khi nó đã xảy ra, thường thì quá muộn để sửa chữa. Dòng nước đã cuốn bạn đi xa khỏi nơi an toàn. Đó là lý do khi bạn đi bè vượt thác, bạn cần một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm.

Tôi nghĩ đến hình ảnh này khi trò chuyện với các lãnh đạo Hội Thánh về vai trò của họ trong thời đại văn hóa hiện tại. Câu Kinh Thánh mà tôi luôn hướng tới là Hê-bơ-rơ 2:1: “chúng ta càng phải chú ý kỹ hơn về điều mình đã nghe, kẻo bị trôi lạc chăng”. Phúc Âm là điểm định hướng cố định của Hội Thánh bên bờ an toàn. Chỉ khi giữ mọi người tập trung vào Phúc Âm, họ mới thấy mình đã trôi dạt bao xa. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chống lại dòng nước và thay đổi hướng đi – hy vọng là trước khi quá muộn.


Các thành viên Hội Thánh bị phân tâm

Đầu năm nay, tôi trò chuyện với một mục sư về hưu, người đã dành nhiều năm trong chức vụ ở miền Nam Hoa Kỳ. Tôi hỏi ông về cách mục vụ trong Hội Thánh đã thay đổi qua các năm. Tôi nghĩ ông sẽ nhắc đến mạng xã hội. Câu trả lời của ông đơn giản hơn: sự giàu có.

Sự giàu có tạo ra nhiều cơ hội cho các hoạt động ngoài Hội Thánh. Chúa Nhật đã trở thành ngày để du lịch, giải trí và thể thao, thay vì một ngày để nghỉ ngơi và thờ phượng. Thói quen đi nhà thờ của nhiều người có thể đã giảm từ bốn lần một tháng xuống còn ba, và bây giờ chỉ còn một hoặc hai lần mỗi tháng. Bởi sự dư dật, có quá nhiều hoạt động hấp dẫn khác đang thu hút sự chú ý của chúng ta.

Các môn thể thao du lịch cho thanh thiếu niên sẽ không thể phát triển mạnh nếu không có sự giàu có. Việc theo đuổi học bổng thể thao đang khiến ngày càng nhiều gia đình Mỹ xa rời Hội Thánh. Họ đã trôi dạt từ loại hình thờ phượng này sang một loại khác – từ thờ phượng Đức Chúa Trời sang thờ phượng trong sự hư vinh của các trò chơi trẻ em. 

Sự giàu có cũng tạo ra thời gian rảnh rỗi, điều đã làm cho sự bùng nổ của truyền thông trở nên quá mức. Nếu bạn không muốn dành buổi sáng Chúa Nhật trên sân bóng, bạn có thể xem một vài chương trình Netflix hoặc các trận đấu NFL giữa bữa ăn sáng muộn. Tôi thường cảm thấy như truyền thông đang cuốn tôi vào những dòng nước xoáy lạnh giá. Tôi không thể theo kịp hay tránh khỏi sự tràn ngập của truyền thông. Và tôi phải thú nhận rằng đôi khi tôi cảm thấy bực bội vì việc đi nhà thờ khiến tôi không thể làm những việc tầm thường như sắp xếp đội hình trong giải bóng đá ảo. Thực tế, càng đắm chìm trong truyền thông hiện đại, Lời Chúa càng trở nên xa lạ đối với tôi. Đó chính là lý do mỗi thành viên Hội Thánh cần Lời tiên tri trực tiếp của Đức Chúa Trời mỗi ngày – và đặc biệt là từ mục sư vào ngày Chúa Nhật.


Các thành viên Hội Thánh bị chia rẽ

Tôi không chắc vấn đề lớn hơn do truyền thông gây ra là sự phân tâm hay sự chia rẽ. Chúng có liên quan đến nhau, bởi phần lớn sự chia rẽ của chúng ta là từ những phân tâm. Những tranh cãi trong Hội Thánh thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội gợi nhớ tôi đến lời cảnh báo của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê: “cũng đừng bận tâm đến những chuyện huyễn hoặc và những gia phả bất tận, là những thứ gây ra tranh cãi hơn là mở mang công việc của Đức Chúa Trời trong đức tin” (1 Ti-mô-thê 1:4). Những cuộc tranh luận trực tuyến không mang lại ích lợi cho Hội Thánh, cũng không ảnh hưởng đến công việc mục vụ địa phương trực diện của chúng ta. Tuy nhiên, những tranh cãi đó vẫn tiếp diễn đủ lâu để làm giàu cho các ông trùm mạng xã hội, những người thiết lập các thuật toán được thiết kế để gia tăng sự chia rẽ của chúng ta.

Một số mục sư đã biến mục vụ của họ thành việc giải quyết các vấn đề chia rẽ trên mạng. Họ dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội đến mức không hiểu làm thế nào họ có thể hoàn thành các trách nhiệm mục vụ chính của mình. Giảng trên các phương tiện truyền thông xã hội không phải là chăm sóc linh hồn. Đó không phải là điều mà một Hội Thánh bị chia rẽ cần. Thay vào đó, những người chăn bầy nên hướng sự chú ý của Hội Thánh đến sự giàu có vô hạn nơi Đấng Christ (Ê-phê-sô 3:8).

Hãy nhớ rằng, những người dẫn dắt cuộc trò chuyện không kiếm được tiền nếu họ không thể giữ bạn và các thành viên Hội Thánh của bạn rời xa Kinh Thánh, gia đình, và hàng xóm. Những nhà bình luận chia rẽ để đánh lạc hướng bạn khỏi bất cứ điều gì ngoài chính họ. Vì vậy, khi bạn trực tuyến, hãy luôn nhắc nhở bản thân về những gì mình đang bỏ lỡ ngoài đời thật. Và hãy trở thành một Mục sư bận rộn chăm lo cho Hội Thánh và say mê Kinh Thánh đến mức chúng ta thậm chí không biết về những tranh cãi mới nhất trên mạng.


Mục sư, hãy can đảm

(Ảnh: nationaltoday.com)

Nhiều mục sư đã có nhận thức sai lầm về việc được kêu gọi khi họ bước vào dòng chảy mục vụ. Họ từng trải nghiệm dòng nước nhẹ nhàng với những phản hồi tích cực thời trẻ khi bày tỏ về Chúa Jêsus Những người lớn tuổi đã khẳng định họ. Làm chứng và giúp đỡ người khác dường như là một cuộc sống tốt đẹp. Sau đó, họ đi học thần học và có chức việc trong Hội Thánh. Vấn đề là không ai nói cho họ biết về những ghềnh thác. Không ai cảnh báo về thác nước quanh khúc cua. Không ai chuẩn bị cho họ những tình bạn bị mất và những sự phản bội dẫn đến sự trôi dạt trong lòng họ, đến những suy nghĩ vào sáng thứ Hai về việc tìm một công việc với giờ làm việc tốt hơn và mức lương cao hơn.

Khó để duy trì hành trình suốt đời. Chấp nhận lời kêu gọi bước vào mục vụ là đồng ý chèo thuyền vượt ghềnh thác, hy vọng rằng không có thác nước ở cuối con đường. Là một mục sư, bạn đối diện với nhiều cám dỗ để trôi dạt, không chỉ là kỳ vọng của hội chúng mà còn là sự nghiêng ngả tội lỗi trong lòng bạn.

Những chia rẽ và phân tâm trên mạng xã hội không giúp ích gì. Một ngàn vị mục sư chân chính, khiêm nhường, tử tế. Nhưng chỉ cần một mục sư có tiếng lạm dụng quyền lực với Hội thánh là đủ để khiến một số Cơ Đốc nhân tin rằng dưới mỗi chiếc áo khoác mục sư đều ẩn chứa sự dối trá. Quyền hành của mục vụ chân chính bị gắn mác là độc hại. Và có lẽ công việc bán xe cũ cũng không tệ, vì không ai chỉ trích những người bán xe Buick theo cách như vậy.

Tuy nhiên, số phận sẽ tệ hơn cả việc từ bỏ và rời bỏ lời kêu gọi. Đó là, Hội Thánh sẽ trôi dạt khi, đối diện với sự soi mói này, các mục sư chọn im lặng, họ ‘chọn lọc’ Kinh Thánh để làm vừa lòng những người chỉ trích và bảo vệ chức vụ của mình. Sự can đảm mục vụ là đứng trên bục giảng, sẵn sàng giảng dạy toàn bộ Lời Chúa, dù có chuyện gì xảy ra. Chỉ bằng cách đi theo toàn bộ lời Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể bảo vệ Hội Thánh khỏi sự trôi dạt.


Giữ vững lộ trình

Mục sư là những anh hùng của tôi. Đúng là Hội Thánh đang bị phân tâm và chia rẽ. Đúng là chúng ta dễ nản lòng. Nhưng giữa những tảng đá và ghềnh thác của cuộc sống, các mục sư đã được mời gọi để dẫn đường, để lèo lái con thuyền đến nơi an toàn. Chúng ta không được dao động. Mặc dù lộ trình của bạn có thể dẫn đến việc chèo thuyền qua thác nước, hãy tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa của Ngài khi bạn đâm sầm xuống.

Đức Chúa Trời đã kêu gọi các mục sư đi trên cùng con đường sứ mạng Phúc Âm. Chúa Jêsus phán với các môn đồ của Ngài: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì cớ Ta, thì sẽ tìm lại được” (Ma-thi-ơ 16:24–25). Thập tự giá cũ kỹ trên đồi Gô-gô-tha là chỉ dẫn cho lộ trình phía trước, là con đường trở về nhà. Khi chúng ta giữ mắt mình nhìn vào Cứu Chúa Jêsus, Ngài sẽ giữ chúng ta vững chắc.


Bài: Collin Hansen; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *