Phá vỡ xiềng xích của sự hổ thẹn trong Đấng Christ

Oneway.vn – Một người bạn lớn tuổi từng kể cho tôi nghe câu chuyện về một cô gái mà anh ấy đã hẹn hò suốt ba năm. (Trong câu chuyện này, tôi sẽ gọi bạn tôi là “John” và cô gái ấy là “Sue.”)

John và Sue rất gắn bó, chuẩn bị tiến tới hôn nhân. John đang lên kế hoạch cầu hôn, nhưng có một điều luôn khiến anh băn khoăn: Anh chưa từng nói với Sue về quá khứ của mình.

Một ngày nọ, John mời Sue đi ăn tối để trò chuyện về mối quan hệ của họ. Anh nói rằng anh không muốn bước vào hôn nhân với những bí mật và bắt đầu kể về những sai lầm trong quá khứ. Sue im lặng lắng nghe. Khi John kết thúc, anh nín thở chờ phản ứng của cô.

Sau một lát, Sue xin phép vào phòng vệ sinh và ở đó lâu bất thường (đến mức người phục vụ hỏi John liệu cô ấy có quay lại không). Khi Sue trở lại, cô nói rằng cô cần thời gian để suy nghĩ. John mô tả chuyến xe về nhà là “một sự im lặng đầy ngượng ngùng.”

Vài ngày sau, Sue nói rằng cô đã sẵn sàng để nói chuyện. John hồi hộp lái xe đến gặp cô. Sue đi thẳng vào vấn đề và nói ra những lời mà John không bao giờ quên trong suốt hơn 25 năm qua:

“John, em xin lỗi. Nhưng em không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục đi đến hôn nhân với anh.”

Họ chia tay. John suy sụp. Anh bắt đầu nghĩ nhiều hơn về những tội lỗi trong quá khứ và chìm trong sự hổ thẹn sâu sắc. Anh tự hỏi liệu những gì đã qua có khiến anh trở nên không xứng đáng để kết hôn với bất kỳ ai.

Đừng lo lắng – câu chuyện có một cái kết tốt đẹp. John sau đó đã kết hôn với một người khác và có một cuộc sống hạnh phúc hơn hai thập kỷ qua. Nhưng trải nghiệm với Sue chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất mà ai cũng sợ hãi.

Chúng ta lo sợ rằng nếu ai đó biết rõ con người thật của mình, họ sẽ chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng, hoặc tệ hơn là rời bỏ chúng ta. Sâu thẳm trong lòng, chúng ta sợ rằng nếu Đức Chúa Trời và người khác nhìn thấy những phần tệ nhất của mình – tội lỗi, sự bất an, vết thương và sự ô uế – họ sẽ nói:

“Xin lỗi, nhưng tôi không thể yêu một người như bạn.”

Nguồn Gốc Của Sự Hổ Thẹn

Sự hổ thẹn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi, nó xuất phát từ những điều đã xảy ra với chúng ta – những tổn thương do người khác gây ra khiến ta cảm thấy bất mãn, tổn thương, dơ dấy. Nhưng ngay cả khi người khác đã gieo mầm hổ thẹn, chúng ta lại tự nuôi dưỡng nó mà không nhận ra.

Dần dần, chúng ta trở thành “chuyên gia” trong việc làm nhục chính mình:

  • Mấy giờ rồi mà vẫn chưa dậy? Lười biếng!
  • Ăn như vậy à? Bảo sao béo thế!
  • Nói câu đó thật sao? Sao mà ngốc thế!
  • Bỏ lỡ sự kiện của cô ấy à? Bạn bè kiểu gì vậy!
  • Mất kiên nhẫn với con cái sao? Bậc cha mẹ tốt sẽ không làm vậy!
  • Sao vẫn chưa kết hôn? Chưa có nhà? Chưa có con? Có vấn đề gì vậy?
  • Sao không đọc Kinh Thánh nhiều hơn? Cầu nguyện nhiều hơn? Phục vụ nhiều hơn? Tập thể dục nhiều hơn? Học nhiều hơn? Làm việc nhiều hơn? Bạn không đủ tốt. Bạn sẽ chẳng bao giờ đủ tốt!

Tự trách móc bản thân là một cơ chế tự vệ, phản ánh niềm tin rằng chúng ta không đáng được yêu thương. Chúng ta lặp lại những lời cay nghiệt mà ta sợ người khác đang nghĩ về mình – như thể làm vậy sẽ giúp ta bớt đau hoặc khiến ta thay đổi. Nhưng trớ trêu thay, tự trách móc không bảo vệ chúng ta. Nó chỉ khiến ta mắc kẹt trong những lời dối trá độc hại.

Sự hổ thẹn lớn dần qua những lời thì thầm nhỏ nhặt, dai dẳng. Một tác giả từng nhận xét rằng, điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi thức dậy là: “Mình ngủ không đủ”, và điều cuối cùng trước khi đi ngủ là: “Mình chưa làm đủ”, và mọi thứ ở giữa thì không ngừng thì thầm: “Bạn không đủ tốt.”

Satan rất giỏi trong trò chơi này. Hắn muốn dùng sự hổ thẹn để đẩy bạn ra xa Chúa Jêsus, vì hắn biết rằng trong sự hiện diện của Ngài, sự hổ thẹn bị giải phóng. Nhưng nếu bạn chỉ nhớ một điều từ bài viết này, hãy nhớ điều này:

Chúa Jêsus là giải pháp cho sự hổ thẹn của bạn, không phải nguyên nhân của nó.

Ngài chính là Đấng bạn cần nhất khi bạn tan vỡ và đầy tội lỗi.

Ba Bước Để Thoát Khỏi Xiềng Xích Của Sự Hổ Thẹn

1. Từ chối những cáo buộc mơ hồ (buộc chúng phải rõ ràng)

Satan thích giữ cho những lời kết tội trở nên mơ hồ:

  • “Mày là kẻ thất bại.”
  • “Mày vô dụng.”
  • “Mày không đủ tốt.”

Những lời này đủ cay đắng để gây tổn thương, nhưng lại quá mơ hồ để có thể giải quyết. Bạn không thể chống lại thứ mà bạn không thể gọi tên.

Khi cảm thấy mình là kẻ thất bại, hãy hỏi: “Cụ thể thì tại sao mình lại nghĩ vậy?” Có thể bạn đã phạm tội – Chúa Jêsus đã chết để tha thứ bạn (1 Giăng 1:9). Có thể bạn làm ai đó thất vọng – Chúa Jêsus có thể giúp bạn hàn gắn (Ma-thi-ơ 5:23–24). Có thể bạn chưa đạt được kỳ vọng của mình – nhưng Chúa vẫn yêu bạn và có kế hoạch tốt lành cho bạn (Thi thiên 23:6).

Khi bạn buộc những cáo buộc phải rõ ràng, bạn sẽ vạch trần những lời dối trá và biến những sự thật hữu ích còn lại thành động lực để thay đổi.

2. Phân biệt sự thật và cảm xúc

Thay vì nói: “Tôi trượt kỳ thi, tôi thật thất bại,” hãy nói: “Tôi trượt kỳ thi, và điều đó khiến tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại.”

Sự thay đổi này giúp chúng ta nhận ra rằng cảm xúc không định nghĩa con người chúng ta. Giá trị của bạn không dựa vào cảm xúc, tội lỗi, hay kỳ vọng chưa đạt được – mà dựa vào Đấng gọi bạn là con (Cô-lô-se 3:12).

3. Nói chuyện với Chúa, với người khác, và với chính mình

  • Cầu nguyện: Chúa Jêsus không bảo chúng ta giấu cảm xúc, mà mời gọi chúng ta đến với Ngài cùng với những gánh nặng đó (Ma-thi-ơ 11:28–30).
  • Xưng tội với người khác: Khi để người khác biết và yêu thương bạn trong sự chân thật, bạn đang phá vỡ sự dối trá của sự hổ thẹn (Gia-cơ 5:16).
  • Nói lời Chúa với chính mình: Khi cảm xúc đe dọa bạn, hãy đáp lại bằng lẽ thật:
    • “Tôi cảm thấy không được yêu, nhưng Chúa phán tôi là người Ngài yêu dấu” (Cô-lô-se 3:12).
    • “Tôi cảm thấy vô giá trị, nhưng Chúa Jêsus đã hy sinh mạng sống vì tôi” (Rô-ma 5:6–8).

Hãy đem sự hổ thẹn của bạn đến với Chúa Jêsus. Ngài yêu bạn, Ngài ở cùng bạn, và Ngài chờ đợi để thay thế sự hổ thẹn của bạn bằng sự tự do.

Bài: Blake Glosson; dịch: S.D
(Nguồn: thegospelcoalition)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *