Oneway.vn – Có rất nhiều điều đáng học hỏi từ Chúa Jêsus, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là giữ một tấm lòng “khỏe mạnh”.
Chúng ta đều biết rằng, trái tim đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự sống cho cơ thể. Giữ nó luôn hoạt động trong trạng thái tối ưu luôn là điều cần thiết với mỗi người. Sức khỏe cảm xúc của tấm lòng chúng ta cũng vậy, bởi đó là nguồn sự sống, lãnh đạo và tình yêu thương.
Tôi thường được nhắc nhở qua lời của vua Sa-lô-môn rằng,
“Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. (Châm Ngôn 4:23)
Như trái tim cần thiết cho sự sống chúng ta thể nào, thì sức khỏe cảm xúc cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc hướng dẫn và sinh ra sự sống, lãnh đạo, và tình yêu thương cho đời sống chúng ta thể ấy.
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự sống tuôn tràn từ tấm lòng, và việc lãnh đạo trong nhiều khía cạnh của đời sống được ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng của tấm lòng. Sa-tan muốn làm lòng chúng ta chai sạn, nguội lạnh và không kết quả cho Chúa, để rồi chúng ta trở thành những Cơ Đốc nhân trì trệ. Nó muốn làm nghẹt ngòi hạt giống của Lời Chúa trong chúng ta.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần chú tâm đến việc chăm sóc và canh giữ tấm lòng.
Điều ra từ tấm lòng
Kinh Thánh dạy rằng Đa-vít là người chăn, đã dẫn dắt dân sự mình với tấm lòng liêm chính.
“Ông chăn giữ họ với tấm lòng liêm chính, dắt dẫn họ bằng đôi tay khéo léo”. (Thi Thiên 78:72)
Và tình yêu từ tấm lòng
“Đức Chúa Jêsus đáp: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37)
Chúa xem xét tấm lòng (Ê-sai 66:2; Ma-thi-ơ 5:4).
Cuộc đời của Chúa Jêsus là gương mẫu sáng nhất về đời sống trọn vẹn và hài lòng Đức Chúa Trời. Ngài luôn bận rộn nhưng không bao giờ suy tàn. Nhiều người xử tệ với Ngài, nhưng Ngài không cay đắng.
Công tác trên đất này của Đấng Christ rất lớn lao, nhưng chúng ta thấy Ngài luôn sống trong trạng thái bình tịnh.
Bạn có từng thắc mắc tại sao không?
Khi chúng ta ngày càng bận rộn và nhiều việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, chúng ta phải học hỏi từ Chúa Jêsus. Sách Ma-thi-ơ có chia sẻ một bí quyết khiến Ngài không cảm thấy kiệt sức trong chức vụ:
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29)
Bí quyết của Chúa Jêsus
Bí quyết cho ý tưởng về “sự an nghỉ” của Chúa Jêsus không phải là đi nghỉ mát hay nghỉ phép vài ngày, dù đó cũng là những cách tốt. Bí quyết không đến từ những thói quen kỷ luật gò bó, mà nó là tình trạng của tấm lòng Ngài.
Theo Ma-thi-ơ 11:29, nếu chúng ta học biết về tấm lòng Ngài, và tập chú nơi Ngài, thì tấm lòng chúng ta mạnh khỏe, và mang đến sự an nghỉ cho cả thân thể. Chúng ta đừng nên để chức vụ khiến chúng ta xao nhãng khỏi Chúa Jêsus. Nếu không, khi phục vụ, tấm lòng chúng ta sẽ mất dần năng lượng và kiệt sức. Phục vụ không phải để bận rộn. Nhưng đó là đặc ân để chúng ta biết Chúa Jêsus cách cá nhân và được phục vụ Ngài đang khi còn sống.
Có rất nhiều điều đáng học hỏi từ Chúa Jêsus, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là giữ một tấm lòng khỏe mạnh.
Để có tấm lòng khỏe mạnh, chúng ta phải khiêm nhường.
Chúng ta phải để sự thánh khiết thay cho sự hối hả, và ưu tiên sự bình an thay vì áp lực.
Một khi tấm lòng khỏe mạnh, thì sự kiệt sức sẽ được thay bằng lửa linh bùng cháy.
Bài: Vladimir Savchuk; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: https://pastorvlad.org/)