Văn hóa cộng đồng Cơ Đốc và Phúc Âm: Sự khác biệt quan trọng

Oneway.vn – Trong những năm gần đây, một số nhân vật ít ai ngờ tới đã công khai thừa nhận ảnh hưởng tích cực của Cơ Đốc giáo.

Richard Dawkins, Elon Musk, Ayaan Hirsi Ali và Tom Holland – những người trước đây có lập trường hoài nghi đối với Cơ Đốc giáo – đã đưa ra những tuyên bố đáng chú ý về giá trị văn hóa và đạo đức của niềm tin Cơ Đốc. Dawkins, một trong những người chỉ trích tôn giáo mạnh mẽ nhất, đã mô tả bản thân là một “Cơ Đốc nhân văn hóa”, đề cao tinh thần và truyền thống Cơ Đốc như các bài thánh ca. Tương tự, Musk gần đây đã gọi các lời dạy của Chúa Jêsus là “tốt lành và khôn ngoan”.

Những sự công nhận này tuy bất ngờ và đáng khích lệ, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu chỉ dựa trên văn hóa của cộng đồng Cơ Đốc thì có đủ không? Là những người tin Chúa, chúng ta nên phản ứng thế nào trước những người trân trọng di sản của Cơ Đốc giáo nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận Phúc Âm?

Điều tốt: Di sản văn hóa của người Cơ Đốc

Văn hóa cộng đồng Cơ Đốc, ở khía cạnh tích cực nhất, thừa nhận ảnh hưởng sâu rộng của đức tin này trên thế giới. Holland đã mô tả cách nền văn minh phương Tây chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Cơ Đốc giáo. Các khái niệm như nhân phẩm, bình đẳng và chăm sóc người yếu thế đều có nền tảng trong Kinh Thánh. Ông chỉ ra rằng việc xóa bỏ chế độ nô lệ, quan tâm đến người nghèo và thiết lập nhân quyền phổ quát đều xuất phát từ thần học Cơ Đốc.

Di sản này vẫn còn ngay cả trong phương Tây thế tục. Khi những người hoài nghi như Dawkins thừa nhận rằng Cơ Đốc giáo là một hệ thống đạo đức “cơ bản là tốt”, họ đang công nhận rằng các giá trị Kinh Thánh có thể tác động đến cả nền văn hóa. Những tuyên bố này nhấn mạnh sự thật rằng lời dạy của Kinh Thánh không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà còn có sức mạnh biến đổi cả xã hội.

Trong bối cảnh các hệ tư tưởng thế tục ngày càng thách thức những giá trị cốt lõi của Cơ Đốc giáo – như sự thánh thiêng của sự sống (mỗi sự sống đều quý giá theo ý định của Đức Chúa Trời), thực tại của giới tính sinh học (Đức Chúa Trời tạo dựng con người với hai giới tính là nam và nữ theo hình ảnh Ngài), và định chế hôn nhân (một giao ước thiêng liêng giữa người nam và người nữ theo kế hoạch của Ngài) – sự công nhận này nhắc nhở chúng ta về tính thiết yếu và bền vững của đức tin.

Điều chưa đủ: Sự bất lực của văn hóa người Cơ Đốc

Dù có những điểm tốt, văn hóa của người Cơ Đốc rốt cuộc vẫn không đủ. Việc xem Cơ Đốc giáo chỉ như một hệ giá trị hoặc truyền thống sẽ làm mất đi quyền năng của Phúc Âm. Điều này chỉ công nhận kết quả của đức tin mà không chấp nhận cội rễ – là chính Chúa Jêsus Christ.

Kinh Thánh cảnh báo về một sự liên kết hời hợt với đức tin. Phao-lô viết cho Ti-mô-thê rằng có những người “giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính” (2 Ti-mô-thê 3:5). Văn hóa cộng đồng Cơ Đốc có thể tạo ra một sự đồng thuận đạo đức hoặc xã hội với các giá trị Cơ Đốc, nhưng không thể giải quyết vấn đề sâu xa nhất của con người: tội lỗi. Nó không thể mang lại sự hòa giải giữa con người và Đức Chúa Trời.

Văn hóa của người Cơ Đốc cũng rất mong manh. Chỉ ngưỡng mộ nền tảng đạo đức của Cơ Đốc giáo hoặc thích thú với những giá trị vững bền đó không thể duy trì được đức tin. Khi những bài thánh ca Giáng Sinh và các nguyên tắc đạo đức bị tách rời khỏi công tác cứu chuộc của Đấng Christ, chúng sẽ mất đi nền tảng. Sức mạnh của Cơ Đốc giáo không nằm ở các đóng góp văn hóa, mà ở chính Chúa Jêsus, Đấng đã tuyên bố: “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống” (Giăng 14:6).

Điều thiếu sót: Sự hạn chế của văn hóa cộng đồng Cơ Đốc

Cuối cùng, văn hóa cộng đồng Cơ Đốc không thể thay thế Phúc Âm. Nó có thể ngưỡng mộ lời dạy của Chúa Jêsus và trân trọng những tác động của đức tin này lên xã hội, nhưng nó không đòi hỏi sự ăn năn hay đức tin cá nhân. Nó né tránh sự thật khó nghe rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân cần ân điển.

Phúc Âm của Chúa Jêsus Christ không chỉ đơn thuần là một hệ đạo đức hay khung văn hóa; đó là “quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Phúc Âm đối diện với thực tại của tội lỗi và đưa ra hy vọng về sự tha thứ qua sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá. Sự phục sinh của Chúa Jêsus không chỉ là một biểu tượng của sự đổi mới; đó là bằng chứng về sự đắc thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết, và là lời hứa về sự sống đời đời cho những ai tin cậy Ngài.

Văn hóa của người Cơ Đốc cũng không có khả năng biến đổi tấm lòng. Những lời dạy đạo đức dù tốt đẹp đến đâu cũng không thể thay đổi bản chất con người hoặc đem lại sự hòa giải với Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể thực hiện sự tái sinh mà Chúa Jêsus nói đến trong Giăng 3:3: “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời”.

Vượt qua văn hóa cộng đồng Cơ Đốc

Lần đầu tiên thuật ngữ “Cơ Đốc nhân” xuất hiện trong Kinh Thánh là trong Công Vụ 11:26: “Chính tại An-ti-ốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơ Đốc nhân.” Người xung quanh đã nhận thấy đời sống của họ tập trung vào Chúa Jêsus và khác biệt rõ rệt, nên gọi họ như vậy. Điều này phản ánh cách các môn đồ đầu tiên bày tỏ đức tin một cách rõ ràng đến mức cộng đồng xung quanh phải công nhận.

Việc những nhân vật như Dawkins hay Musk thừa nhận giá trị của Cơ Đốc giáo có thể khích lệ, nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta về lời tuyên bố độc nhất của Phúc Âm: Chúa Jêsus không đến để tạo ra những Cơ Đốc nhân văn hóa; Ngài đến để thay đổi chúng ta trở nên những tạo vật mới.

Là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc được xã hội chấp nhận hay đề cao. Trở thành Cơ Đốc nhân không đơn thuần là đồng tình với một hệ đạo đức hay truyền thống. Đó là thuộc về Đấng Christ, sống một đời sống được biến đổi bởi Phúc Âm và đặt hy vọng vào sự sống, sự chết và sự phục sinh huy hoàng của Ngài.

Bài: Thiago M. Silva; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *