“Trend chữa lành” và ý nghĩa chữa lành theo Thánh Kinh

Oneway.vn – Những ngày gần đây, khi lướt trên các nền tảng mạng xã hội chúng ta dễ dàng bắt gặp cụm từ “chữa lành”. 

Chụp một vài tấm hình đi du lịch hay một bữa ăn khá bắt mắt, ghi vài dòng chữ ‘đang đi chữa lành, đã được chữa lành…” và rồi chia sẻ điều này lên Facebook, Instagram,…. Có những người ủng hộ, có người không mấy quan tâm, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Là Cơ Đốc nhân, bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?

“Sự chữa lành” qua cái nhìn tâm lý và Cơ Đốc

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, là một Cơ Đốc nhân có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý, “sự chữa lành” có thể hiểu là những hoạt động, thời điểm có thể giúp cho trạng thái tinh thần được phát triển theo hướng tích cực. Bác sĩ chữa lành bệnh cho bệnh nhân, bệnh nhân đến bệnh viện để được chữa lành. Đó là trong y học. Tuy nhiên, sự chữa lành “trending” hiện nay là chữa lành về tinh thần, tâm lý và gọi nôm na là “sự chữa lành tức thời”.

“Khi những người trẻ không tin Chúa cảm thấy mệt mỏi, họ tìm đến những chuyến du lịch, những hoạt động giúp thư thả tinh thần như vẽ tranh, ngồi thiền, làm gốm,…. Khác với những người không tin Chúa, khi cảm thấy bất an, mệt mỏi Cơ Đốc nhân sẽ tìm đến Chúa qua Lời Chúa, qua sự thăm viếng anh em trong Chúa để chia sẻ và khích lệ, nâng đỡ lẫn nhau. Tất cả những điều kể trên đều là những phương tiện chữa lành, nhưng con cái Chúa sẽ có những phương tiện khác những người không tin”.

Ảnh: Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui

Và Chị chia sẻ thêm: “Nói như vậy không có nghĩa là Cơ Đốc nhân không được phép có những phương tiện chữa lành ngoài Lời Chúa. Phao-lô đã nói trong I Cô-rinh-tô 6:12: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích” và “anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31). Nếu bạn chọn sử dụng chất kích thích, quan hệ trước hôn nhân/ngoài hôn nhân, làm tổn hại cơ thể,… để chữa lành thì rõ ràng đó là những phương tiện “chữa lành độc hại”. Nhưng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và Ngài đã ban cho chúng ta vô vàn niềm vui lành mạnh trong cuộc sống này. Vì vậy, hãy có sự lựa chọn khôn ngoan”.

Kinh Thánh nói gì về sự chữa lành?

Trong Kinh Thánh, “sự chữa lành” bao gồm việc phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần và linh hồn trong mỗi con người.

Lời Chúa cho biết tầm quan trọng, cũng như mối liên hệ mật thiết giữa thân thể, tâm linh và linh hồn của chúng ta (Xem 1 Cô-rinh-tô 6:20; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Chữa lành thể chất: Nhiều câu chuyện về sự chữa lành thân thể được được nhắc đến rõ ràng trong Kinh Thánh:

Người mù được sáng (Giăng 9:1-38 )

Người què bước đi (Công vụ 3:1-9 )

Người điếc được nghe (Mác 7:31-37 )

Người câm được nói (Ma-thi-ơ 9:32-33 )

Chữa lành tinh thần: Chúng ta tìm thấy điều này qua sự chán nản ở tiên tri Ê-li khi ông trốn chạy khỏi Giê-sa-bên, về sự than vãn ở Ma-thê khi cô bị choáng ngợp bởi việc tiếp đón khách, và về sự mòn mỏi tinh thần nơi vua Đa-vít khi phải gánh trên vai trách nhiệm lãnh đạo và thường xuyên bị kẻ thù đe dọa.

Ảnh: Pixabay.com

Cũng như sự chữa lành thể xác, có nhiều ví dụ về người được chữa lành gánh nặng tinh thần trong Kinh Thánh:

Chúa Jêsus bênh vực người phụ nữ đang bị các môn đồ chỉ trích (Mác 14:3-9)

Ê-li-sê đã giúp một góa phụ và các con trả nợ và thoát khỏi tình thế tuyệt vọng (2 Các Vua 4:1-7)

Đức Chúa Trời đã giúp Ê-li thoát khỏi chứng trầm cảm tinh thần để ông có thể bước tiếp (1 Các Vua 19:1-18)

Chúa Jêsus xoa dịu người cha đang đau khổ bằng cách chữa lành đứa con trai bị động kinh (Ma-thi-ơ 17:14-18)

Ngày nay, nhiều người gặp phải khó khăn về sức khỏe tinh thần, như căng thẳng, trầm cảm và lo lắng. Là Cơ Đốc nhân, mừng thay khi biết rằng Chúa không để chúng ta cô đơn. Lời Ngài cung cấp những nguyên tắc để an ủi và chữa lành, đồng thời Ngài hướng dẫn những chiến lược và giải pháp có thể đưa chúng ta vào con đường tốt lành.

Chúa không ngừng kêu gọi con dân Chúa hãy trông đợi nơi Ngài, rằng chúng ta sẽ được thêm sức bởi Đấng Mạnh sức (Phi-líp 4:13).

Chúa bảo đảm rằng dù có thể gặp khó khăn trong cuộc sống này, chúng ta vẫn có thể vui mừng vì Ngài đã chiến thắng thế gian (Giăng 16:33).

Ngài khuyên dạy chúng ta đừng lo lắng, nhưng hãy trình bày những nhu cầu sâu sắc nhất với Ngài qua lời cầu nguyện (Phi-líp 4:7).

Hầu hết mọi người đều đã trải qua thực tế này – rằng càng vui vẻ, chúng ta càng cảm thấy khỏe mạnh. Và càng buồn, chúng ta càng dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng.

Chữa lành linh hồn: Ngoài việc chữa lành thể xác và tấm lòng, Kinh Thánh còn chỉ ra một nhu cầu sâu xa hơn – sự chữa lành linh hồn.

Món quà này đến từ Đấng Christ, được đề cập trong Ê-sai 53:5, “Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, Vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh”.

Sự chữa lành mà Chúa Jêsus bảo đảm cho chúng ta qua sự đau đớn của Ngài, trước hết là sự chữa lành linh hồn.

Những điều như cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hối hận vì đã chống lại đường lối của Chúa. Hay sự chán nản và lo lắng đến từ việc sống trong một thế giới tan vỡ, đầy bất ổn và tội lỗi.

Chúa Jêsus đã trả giá cho sự ác cũng như những lỗi lầm, việc làm sai trái của chúng ta  – chính những điều gây ra bệnh tật cho tâm hồn và thậm chí có thể dẫn đến những bệnh tật về tinh thần và thể xác.

Qua sự hy sinh của Chúa Jêsus, chúng ta nhận được sự tha thứ, phục hồi, đồng thời tìm thấy sự bình an và nghỉ ngơi tuyệt vời nhất mà thế gian không thể ban.

Lời hứa trong Kinh Thánh về sự chữa lành

Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời hứa về việc phục hồi sức khỏe – thể chất, tinh thần và linh hồn.

Giống như Đức Chúa Trời đã phán với dân Y-sơ-ra-ên, Ngài phán với bạn: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bệnh cho các con” (Xuất Ai Cập 15:26). Ngài hứa rằng nếu họ luôn giữ lòng trung tín với Ngài, Ngài sẽ “chữa khỏi [họ] bệnh tật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:25).

Ảnh: Pixabay.com

Nếu bạn đang chống chọi với bệnh tật, hãy biết rằng, “Chúa nâng đỡ [bạn] trên giường bệnh của [bạn] và chữa lành [bạn] khỏi bệnh tật” (Thi Thiên 41:3) trong ý muốn tốt lành của Ngài.

Nếu tấm lòng tan vỡ, bạn có thể được an ủi rằng “Chúa ở gần những người có lòng đau thương, và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối” (Thi Thiên 34:17–22).

Và nếu bạn đang đấu tranh với sự hối tiếc và mặc cảm tội lỗi, bạn có thể ca ngợi Chúa rằng: “Chính Ngài tha thứ các tội ác [bạn], chữa lành mọi bệnh tật [bạn], cứu chuộc mạng sống [bạn] khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và thương xót mà làm vương miện đội cho [bạn]” (Thi Thiên 103:2–4).

Dù hoàn cảnh của bạn là gì, Lời Chúa kêu gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng”” ( Ma-thi-ơ 11:28–29).

Bạn đang tìm kiếm “sự chữa lành”? Trước hết hãy tìm gặp Chúa Jêsus – Đấng Chữa lành, ngay hôm nay!

Bài: Sarah Doan


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *