Trước khi bạn cắt đứt mối quan hệ với cha mẹ: 3 nguyên tắc cần cân nhắc

Oneway.vn – Mối quan hệ được xây dựng trên sự tha thứ và ân điển là một minh chứng đẹp đẽ cho Phúc Âm.

Trong vai trò là cố vấn đức tin, tôi đã nghe nhiều câu chuyện về cách cha mẹ cư xử tệ với con cái. Tôi trò chuyện với những đứa con (nay đã trưởng thành), những người phải gánh chịu hậu quả từ sự vô tâm, bỏ bê khi còn nhỏ và tiếp tục đối mặt với những lời chỉ trích, mâu thuẫn khi lớn lên. Tôi đã đồng hành cùng họ vượt qua nỗi đau do những biểu hiện thiếu quan tâm nhất quán, tiêu chuẩn quá cao, lời nói khắc nghiệt và kỳ vọng ích kỷ trong gia đình. Dù những tổn thương này xảy ra trong thời thơ ấu hay khi trưởng thành, chúng đều vô cùng sâu sắc.

Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để xử lý những mối quan hệ đau đớn là cắt đứt liên lạc. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều con cái lựa chọn đoạn tuyệt với cha mẹ, và điều này thường kéo theo căng thẳng hoặc gián đoạn trong các mối quan hệ gia đình khác. Cháu có thể bị tách khỏi ông bà; anh chị em có thể tránh mặt nhau do hiểu lầm và bất đồng về động lực gia đình. Cách chúng ta xử lý mối quan hệ cha mẹ – con cái có thể có tác động sâu rộng.

Mặc dù văn hóa hiện nay xem việc cắt đứt quan hệ với cha mẹ là một lựa chọn để bảo vệ bản thân, nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Kinh Thánh dạy gì về việc đối diện với những mối quan hệ khó khăn này? Làm thế nào để áp dụng sự khôn ngoan của Kinh Thánh và hy vọng của Phúc Âm vào mối quan hệ với cha mẹ? Dưới đây là ba nguyên tắc Kinh Thánh cần cân nhắc trước khi quyết định cắt đứt quan hệ với cha mẹ.

1. Hãy hiếu kính cha mẹ

    Kinh Thánh liên tục nhắc nhở chúng ta về việc hiếu kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Lê-vi Ký 19:3; Phục truyền Luật lệ Ký 5:16; Mác 7:10; Ê-phê-sô 6:1–3). Như Thomas Keene giải thích, khi còn nhỏ, chúng ta bày tỏ sự hiếu kính bằng vâng lời; khi trưởng thành, chúng ta hiếu kính bằng cách trở thành một phước lành.

    Điều đáng chú ý là Kinh Thánh không đặt điều kiện cho sự hiếu kính. Không có câu nào nói: “Hãy hiếu kính cha mẹ nếu…” Kinh Thánh thừa nhận rằng cha mẹ chúng ta không hoàn hảo và có thể làm tổn thương chúng ta, nhưng vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tôn kính.

    Một cách để hiếu kính cha mẹ là duy trì kết nối với họ, ngay cả khi chúng ta nhận thấy những khuôn mẫu có vấn đề trong cuộc sống của họ. Tôn kính không đồng nghĩa với việc chấp nhận sự ngược đãi, nhưng thay vì cắt đứt hoàn toàn, chúng ta có thể thiết lập ranh giới và đối thoại một cách yêu thương.

    2. Tha thứ như bạn đã được tha thứ.

      Là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta được kêu gọi tha thứ cho người khác như cách Chúa đã tha thứ cho chúng ta (Ma-thi-ơ 18:21–22; Lu-ca 6:37; Ê-phê-sô 4:31–32; Cô-lô-se 3:12–13). Nhưng ngay cả khi cha mẹ ăn năn và tìm cách hòa giải, sự tha thứ vẫn có thể là một quá trình đau đớn và khó khăn.

      Tha thứ không có nghĩa là quên đi hoặc phủ nhận tổn thương. Nó cũng không phải là sự hòa giải tức thì. Tha thứ là chấp nhận từ bỏ đòi hỏi công lý cá nhân, tin cậy Chúa trong việc phục hồi mối quan hệ. Nếu chúng ta đợi đến khi cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng, có thể chúng ta sẽ mãi chờ đợi mà không bao giờ bước tiếp.

      Nhưng nếu cha mẹ không nhận lỗi thì sao? Chúng ta vẫn có thể tha thứ và bảo vệ lòng mình khỏi sự cay đắng. Việc duy trì một mức độ kết nối, dù ở khoảng cách nào, có thể tạo cơ hội cho sự hòa giải trong tương lai.

      3. Chịu đựng người khác bằng tình yêu thương.

        Kinh Thánh dạy chúng ta chịu đựng nhau trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:1–2; Cô-lô-se 3:13), nghĩa là kiên nhẫn với lỗi lầm và điểm yếu của người khác. Trong mối quan hệ với cha mẹ, điều này có thể bao gồm việc thiết lập ranh giới, học cách phản ứng khác đi và không để những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta.

        Nếu cha mẹ có xu hướng kiểm soát, chúng ta có thể giữ vững quan điểm trong khi vẫn thể hiện sự tôn trọng. Nếu họ có thái độ tiêu cực, chúng ta có thể học cách không bị cuốn vào những lời chỉ trích của họ. Chịu đựng không có nghĩa là dung túng cho sự lạm dụng, nhưng là tìm kiếm cách phản ứng khôn ngoan và bày tỏ ân điển.

        Mục tiêu của việc thiết lập ranh giới không phải là để trừng phạt hay cắt đứt mối quan hệ, mà là để ngăn chặn sự tổn thương tiếp diễn và tạo không gian cho sự thay đổi.

        Cơ hội để ban phước

        Có mối quan hệ khó khăn với cha mẹ không hề dễ dàng. Chúng ta có thể đau lòng khi kỳ vọng về gia đình không như mong đợi. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn có cơ hội để trở thành một phước lành cho cha mẹ, sống theo ân điển mà chúng ta đã nhận lãnh từ Đấng Christ.

        Mối quan hệ được xây dựng trên sự tha thứ và ân điển là một minh chứng đẹp đẽ cho Phúc Âm. Dù chúng ta không thể kiểm soát phản ứng của cha mẹ, chúng ta có thể lựa chọn sống với lòng tôn kính, sự tha thứ và tình yêu thương – như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta.

        Bài: Beth Claes; Dịch: Esther Thùy Trang
        (Nguồn: thegospelcoalition.org)


        Posted

        in

        by

        Tags:

        Comments

        Leave a Reply

        Your email address will not be published. Required fields are marked *