Không gì có thể ngăn cản Phúc Âm

Oneway.vn – Khi đang vội vã trên một con đường ở Đông Á, tôi bỗng thấy một chiếc xe dừng lại bên cạnh. Người tài xế nói: “Lên xe đi.”

Tôi ngần ngại trong giây lát – ông ấy là ai? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm theo? Tôi nhìn sang người phiên dịch, cô ra hiệu cho tôi lên xe. Cô biết chuyện gì đang diễn ra. Vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn, tôi mở cửa và ngồi vào.

Tôi có mặt tại quốc gia này để tìm cơ hội rao giảng Phúc Âm giữa một nhóm dân tộc thiểu số. Chính quyền đã tìm cách cản trở sự phát triển của Hội Thánh tại đây, đặc biệt nghiêm ngặt hơn với các dân tộc thiểu số.

Trên khắp thế giới, nhiều thế lực tìm cách ngăn trở Phúc Âm – từ chính quyền, lãnh đạo tôn giáo, những người cực đoan, thậm chí cả gia đình của các tín hữu. Sự đàn áp có thể tinh vi hoặc bạo lực. Nhưng dù bị chống đối ra sao, Lời Chúa vẫn không bị trói buộc mà tiếp tục được rao truyền.


Không gì có thể cản trở Phúc Âm

Sách Công Vụ kết thúc với hình ảnh Phao-lô bị quản thúc tại gia ở Rô-ma, chờ ngày xét xử. Tác giả Lu-ca muốn độc giả nhận ra rằng dù Phao-lô bị xiềng xích, Phúc Âm vẫn không bị ngăn cản. Sách kết thúc bằng cụm từ “không bị ai ngăn cấm” (Công Vụ 28:31, VIE2010). Dù đối diện ngăn trở và bách hại, chỉ trong một thế hệ, Phúc Âm đã lan rộng khắp thế giới.

Những lời cuối cùng của sách Công Vụ vẫn phản chiếu thực tế ngày nay. Dù sự chống đối đến từ chính quyền, xã hội, gia đình hay tôn giáo địa phương, không gì có thể ngăn cản Phúc Âm lan tỏa.


1. Ngăn trở từ chính quyền

Tối hôm đó, khi bước lên chiếc xe ở Đông Á, tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết tài xế không phải là cảnh sát chìm. Ông là một mục sư. Trên đường đi, ông kể về những áp lực mà Hội Thánh ông đang đối diện từ chính quyền – thẩm vấn, quấy nhiễu, và đủ loại cản trở.

Tôi ngạc nhiên khi nghe vị mục sư nói qua người phiên dịch: “Là một tín hữu Thanh giáo, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là những người đã rời đi trên con tàu Mayflower.” Ông xem những người Thanh giáo can đảm vượt Đại Tây Dương để tìm tự do tôn giáo là những anh hùng. Ông đồng cảm với khát khao được tự do thờ phượng Chúa của họ.

Chúng tôi lái xe gần một giờ đến một khu rừng xa khu vực giám sát. Việc thờ phượng trong rừng mang đến sự tự do nhất định. Khi những tín hữu bắt đầu đến, chúng tôi cất tiếng hát qua những lời trong Thi Thiên.

Nói theo cách thông thường, nơi này không có một Hội Thánh địa phương nào -và dĩ nhiên, trong rừng lại càng không. Nhưng tôi đã ở đó, chứng kiến một thế hệ khao khát tự do thờ phượng Chúa dưới những tán cây.


2. Bắt bớ từ gia đình và xã hội

Hội Thánh tăng trưởng nơi ít ai ngờ đến nhất. Trong một ngôi làng gần biên giới Siberia, tôi ngồi trong một túp lều cùng các tín hữu Mông Cổ. Họ đang sống giữa những ánh mắt nghi ngờ từ hàng xóm và gia đình vì đức tin nơi Chúa Jêsus. Họ bị xem là đánh mất bản sắc Mông Cổ.

Dù đất nước này có tự do tôn giáo chính thức, Cơ Đốc nhân vẫn đối diện áp lực xã hội. Theo Đấng Christ nghĩa là từ bỏ shaman (ông đồng) và truyền thống Phật giáo Tây Tạng – điều mà nhiều người Mông Cổ xem là không thể chấp nhận. Với họ, tin Chúa nghĩa là phản bội quê hương và tiếp nhận một niềm tin ngoại lai. Tại nhiều nơi trên thế giới, theo Chúa Jêsus đồng nghĩa với việc bị gia đình và cộng đồng từ bỏ.

Đôi khi sự nghi ngờ dẫn đến bạo lực. Ở Ulaanbaatar, một mục sư người Mông Cổ kể rằng có một thiếu niên bị bố mẹ đánh đập vì đi nhóm. Không chỉ vậy, họ còn đe dọa chính mục sư. Dù vậy, ông vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa. Hội Thánh tư gia của họ vẫn tiếp tục nhóm lại, thờ phượng, và cầu nguyện để Phúc Âm được rao truyền.


3. Áp lực tôn giáo

Tại một khu rừng ở Tây Phi, một mục sư địa phương đến trễ vài ngày để tham dự hội thảo diễn giải Kinh Thánh của tôi. Khi hỏi lý do, ông trả lời rằng cháu trai mình đã bị bắt cóc và sát hại. Ở Liberia, điều này không phải hiếm gặp – nhiều người tin rằng có thể sử dụng nội tạng con người trong các nghi lễ tà thuật để chiếm quyền kiểm soát người khác.

Các Hội Thánh tại Liberia và Sierra Leone thường bị áp bức bởi các cộng đồng truyền thống như Porro và Sandre. Những cộng đồng bí mật này do các shaman địa phương (gọi là “quỷ”) điều hành, đe dọa các tín hữu và mục sư nếu họ từ chối tham gia. Trẻ em Cơ Đốc nhân thường bị bắt cóc, đưa vào rừng để ép buộc tham gia các nghi thức bí ẩn.

Một lần, tôi cố gắng an ủi một người mẹ có con gái bị đưa vào “bụi cây quỷ” để thực hiện nghi thức nhập môn. Một mục sư nói với tôi: “Nếu tôi công khai lên tiếng, họ sẽ giết tôi ngay trên đường.”


Rao giảng Phúc Âm khắp nơi

Cách Lu-ca kết thúc sách Công Vụ vẫn đúng cho đến ngày nay. Phúc Âm tiếp tục được rao giảng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đức Chúa Trời vẫn đang cứu chuộc và bảo vệ dân Ngài tại mọi quốc gia. Thực tế, Phúc Âm Ngài “đã được rao giảng cho mọi tạo vật dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Lời Ngài vượt qua mọi biên giới và chiến thắng mọi sự áp bức. Như Phao-lô viết, dù bị xiềng xích, ông vẫn khẳng định rằng: “nhưng đạo của Đức Chúa Trời không bao giờ bị xiềng xích” (2 Ti-mô-thê 2:9).

Sứ mạng này là lời mời gọi mỗi người dự phần trong việc truyền bá Phúc Âm. Chúng ta không cần rời khỏi đất nước để kinh nghiệm quyền năng của Lời Chúa.

Những sự phản đối từ gia đình, bạn bè, và xã hội có thể khiến chúng ta nản lòng. Nhưng những câu chuyện về việc Phúc Âm lan tỏa tại những vùng đất khô cằn nhất sẽ khích lệ chúng ta tiếp tục trung tín. Nếu Phúc Âm có thể được rao giảng cách không thể ngăn cản tại những nơi khó khăn nhất, thì chắc chắn nó cũng có thể được rao giảng tại nơi chúng ta đang sống và làm việc.


Bài: Ryan Currie | Dịch: Linh Lưu
(Nguồn: The Gospel Coalition)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *