Oneway.vn – Cụm từ “Ta là đường đi, là lẽ thật và là sự sống” là lời tuyên bố của Chúa Jêsus trong Kinh Thánh, được tìm thấy trong Phúc âm Giăng 14:6.
Đây là một phần trong đoạn hội thoại giữa Chúa Jêsus với môn đồ của Ngài, đặc biệt là với Thô-ma – người đã hỏi Chúa Jêsus rằng làm sao để biết đường đi đến nơi Ngài sẽ đến.
“Ta là đường đi, là lẽ thật và là sự sống“
Dưới đây là một cách nhìn sâu hơn về ý nghĩa của từng thành phần của tuyên bố này:
Đường đi: Chúa Jêsus diễn tả chính Ngài là “Con đường” của Đức Chúa Trời, ngụ ý rằng thông qua Ngài, những tín hữu có một con đường đi đến Đức Chúa Trời. Điều này nhận định rằng việc noi theo lời dạy và tấm gương của Chúa Jêsus là con đường dẫn đến sự khai sáng và cứu rỗi tâm linh.
Sự thật: Với tuyên bố bởi chính Ngài là “Sự thật”, Chúa Jêsus khẳng định rằng những từ ngữ và những lời dạy của Ngài là thực tại tối hậu và là nguồn đáng tin cậy của sự khôn ngoan thiên liêng. Đây là tuyên bố nhằm nhấn mạnh niềm tin rằng “sự thật” được tìm thấy trong và qua lời dạy của Chúa Jêsus chứ không chỉ đơn thuần là một khái niệm trừu tượng.
Sự sống: Khi Chúa Jêsus đề cập đến chính Ngài là “Sự sống”, Ngài chỉ ra rằng sự sống thật – đời đời và được làm phong phú về mặt thuộc linh – đều bởi Ngài. Phần này được tuyên bố bằng cách nhấn mạnh ý tưởng về Chúa Jêsus như một sức mạnh của sự sống, mang lại sự tái sinh tâm linh và sự sống đời đời cho những người tin theo.
Nhìn chung, câu này là trọng tâm trong thần học Cơ Đốc vì nó gói gọn niềm tin vào Chúa Jêsus – trung gian thiết yếu giữa nhân loại và Đức Chúa Trời. Nó nhấn mạnh tính độc quyền trong đức tin người Cơ Đốc, rằng Chúa Jêsus là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời, phù hợp với sự dạy dỗ rộng lớn hơn của Tân Ước rằng sự cứu rỗi chỉ thông qua Đấng Christ.
Nhiều người trong số chúng ta quen thuộc với Giăng 14, nơi mà Chúa Jêsus đã nói với các môn đồ của Ngài rằng Ngài chính là Con đường, là Lẽ thật và là Sự sống. Nhưng câu nói đó có ý nghĩa gì đối với họ, và nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Cuộc trò chuyện này được diễn ra vào đêm cuối trước khi Ngài bị đóng đinh, trong suốt bữa ăn của ngày Lễ Vượt Qua. Trước đó, Chúa Jêsus đã rửa chân cho các môn đồ, Ngài tiên đoán được sự phản bội của Giu-đa, báo trước được sự chối bỏ của Phi-e-rơ và nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ sớm ra đi (Giăng 13). Tất cả những điều này gợi lên những câu hỏi về việc Chúa Jêsus sẽ đi đâu và tại sao họ không thể theo Ngài:
Giăng 14: “Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Các ngươi biết ta đi đâu, và biết đường đi nữa.” Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được? Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha (Bản dịch Kinh Thánh Tiếng Việt 1925). Từ giờ trở đi, bạn đã biết Ngài và nhìn thấy Ngài” (Nhấn mạnh thêm).
Bằng cách sử dụng cụm từ này, Chúa Jêsus chứng minh rằng việc nhận biết Ngài không chỉ là một định nghĩa cơ bản và sự hoàn thành cuối cùng của cuộc sống trên đất mà còn là cách duy nhất để nhận biết Cha ở trên trời.
“Ta là đường đi“
Khi Chúa Jêsus nói với các môn đồ của Ngài rằng Ngài là đường đi, có nhiều ý nghĩa liên quan đến.
Đầu tiên, Ngài biết bản năng con người chúng ta rằng muốn biết mình đi đâu trước khi bắt đầu một cuộc hành trình. Môn đồ muốn được biết những bước kế tiếp, lượt tiếp theo, mục đích nền tảng của cuộc hành trình đức tin này sẽ dẫn họ đi đến đâu. Khi chúng ta có một chuyến đi dài ở phía trước, chúng ta muốn bật định vị GPS và biết được mất bao lâu cũng như những con đường chúng ta đi qua để đến đích. Chúng ta xác định những tuyến đường tốt nhất, nhanh nhất và sau đó bắt đầu hành trình của mình. Thô-ma đang tìm kiếm loại thông tin tương tự ấy.
Tuy nhiên, Chúa Jêsus nói rõ cùng họ (hoặc chúng ta) rằng sẽ không biết được con đường xác định mà chúng ta phải du hành trong cuộc đời. Thay vào đó, chúng ta được giao một nhiệm vụ đơn giản là nhận biết và đặt niềm tin vào Chúa Jêsus mỗi ngày, và bước đi trong đức tin rằng Ngài chính là đường đi. Khi chúng ta ở bên trong Ngài, chúng ta sẽ không biết một lộ trình xác định, nhưng chúng ta có thể nghỉ ngơi trong sự thoải mái của đức tin – rằng Ngài sẽ dẫn chúng ta đi đến chính xác địa điểm mà chúng ta cần đến, khi chúng ta bước đi trong Ngài.
Điều này dẫn đến ý nghĩa thứ hai. Trong Giăng 10, Chúa Jêsus so sánh chính Ngài với một người chăn chiên nhân lành:
“Khi đàn chiên ra hết, người chăn đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Chiên không theo người lạ nhưng bỏ chạy, vì chiên không quen tiếng người lạ.” Chúa Giê-xu dung cách nói ẩn dụ này, nhưng những người Pha-ri-si không hiểu Ngài muốn nói điều gì. Vì thế, Chúa Giê-xu lại nói: “Thật vậy, Ta bảo các người: Chính Ta là cửa của chuồng chiên. Tất cả những kẻ đến trước Ta đều là phường trộm cướp, nên chiên không nghe theo họ. Chính Ta là cửa ra vào: Ai qua Ta mà vào sẽ được cứu.Người ấy vào, ra và tìm được đồng cỏ.” (Nhấn mạnh thêm) – (Kinh Thánh bản dịch Mới)
Chúa Jêsus so sánh chính Ngài với người chăn chiên và chúng ta với đàn chiên của Người. Chiên không chọn con đường riêng để đến được nơi an toàn và bảo vệ, mà dựa vào người chăn chiên để bảo vệ và chăm sóc chúng. Để được an toàn, chúng ta cần phải tin tưởng vào người chăn cừu, không đi lang thang trong những cuộc phiêu lưu của riêng mình và cố gắng tìm ra con đường riêng. Điều đó sẽ dẫn chúng ta đến nguy hiểm và đau đớn. Nhưng khi chúng ta theo Chúa Jêsus, Người dẫn chúng ta đến chính xác nơi chúng ta cần đến.
Cuối cùng, Ngài phán rõ ràng Ngài là con đường dẫn đến Đức Chúa Cha thiên thượng, nói rộng hơn là đường dẫn đến thiên đàng. Ngài nói rằng Ngài đi và chuẩn bị một nơi sẵn cho chúng ta khi hoàn tất cuộc hành trình cuộc đời này, chúng ta sẽ nhìn thấy chính mình ở nơi nghỉ ngơi cuối cùng – nơi có Cha Thiên thượng ngự vào lòng.
“Ta là lẽ thật“
Sự thật là gì? Và chúng ta có thể biết về sự thật như thế nào?
Sau khi Chúa Jêsus bị bắt, Ngài đứng trước Bôn-xơ-phi-lát, Thống đốc La Mã của xứ Giu-đê với tội danh bang bổ, kích động nhân dân làm cách mạng, và có tin đồn rằng Ngài tự xưng là Vua. Trong khi nói chuyện với Ngài, Phi-lát không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về tội ác đáng chết, nhưng lại bị cuốn hút bởi lời nói của Ngài về một Vương quốc “không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36)
Phản bác lại thắc mắc của Bôn-xơ-phi-lát rằng liệu người thợ mộc hèn mọn đến từ Ga-li-lê này có thực sự coi mình là một vị Vua hay không, Chúa Jêsus trả lời: “Chính ngươi nói Ta là vua. Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta”. (Giăng 18:37)
Và câu nói tiếp theo của Phi-lát đến dưới hình thức một câu hỏi, cùng một câu hỏi mà nhân loại đã hỏi trong nhiều thế kỷ: “Chân lý là gì?” (Giăng 18:37).
Chúa Jêsus đã trả lời câu hỏi đó trong Giăng 14 với các môn đồ khi Ngài nói với họ, “Ta là lẽ thật”. Chúa Jêsus có thể làm chứng cho sự thật và dạy sự thật bởi vì chính Ngài là Sự thật. Nơi Ngài không có gì sai trái, không có gì sai lạc, không có gì giả tạo hay không chắc chắn.
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng nhận biết được sự thật, nhưng không ai trong chúng ta có thể nhận ra rằng mình thực sự là sự thật. Có rất nhiều điều chúng ta không biết và cũng có rất nhiều điều chúng ta làm sai trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên Chúa Jêsus nhận mình là lẽ thật và khi làm như vậy nghĩa là Ngài nhận mình nên một với Đức Chúa Trời.
Những lời trong Giăng 1:1 đã tạo tiền đề cho chính sự thật này: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”.
Khi chúng ta cố gắng tìm ra đâu là sự thật và đâu là dối trá, chúng ta có thể đo lường nó dựa vào “lời” của Chúa Jêsus, chính Ngài là sự thật.
“Ta là lẽ sống“
Câu nói này cũng vẽ ra cho chúng ta trở lại tương tự câu chuyện về Người chăn chiên trong Giăng 10:
“Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết và hủy diệt; còn Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn.Ta là người chăn nhân từ, Ta quen biết chiên Ta và chiên Ta quen biết Ta, cũng như Cha biết Ta và chính Ta biết Cha vậy. Ta hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên.” (nhấn mạnh thêm) – (Kinh Thánh bản dịch Mới)
Ở đây Chúa Jêsus không chỉ tô vẽ nên một bức tranh về cách Người bảo vệ và dẫn dắt đàn chiên của mình, mà còn báo trước cái chết của Người trên thập tự giá.
Nhưng nếu điều này là sự thật, tại sao những Cơ Đốc Nhân vẫn phải sống vật lộn trong cuộc sống? Tại sao chúng ta vẫn phải chịu đựng những nổi đau về cả thể xác lẫn tinh thần một cách kéo dài?
Bởi vì cuộc sống này không phải là mục đích?
Cuộc sống này không phải là mục tiêu cuối cùng cũng không bao gồm trọn vẹn con người chúng ta. Cuộc sống này chỉ là một giọt nước trong đại dương vĩnh cửu, và đóng vai trò là khối khởi đầu cho cuộc đua Ma-ra-thon dẫn chúng ta đến mục tiêu của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta có thể làm nó chậm lại, chúng ta có thể dành thời gian, tiền bạc và năng lượng để chiến đấu chống lại nó, nhưng chúng ta không thể ngăn nó tiến về phía trước.
Chúa Jêsus đang dạy chúng ta rằng điều mà chúng ta thực sự cần chính là kết nối với không chỉ với cuộc sống này mà còn với cuộc sống vĩnh cửu. Kinh Thánh thường nói về cuộc sống sẽ đến sau cuộc sống của chúng ta trên trái đất này, và khi chúng ta đi theo tiếng của người chăn chiên, chúng ta có thể nắm bắt được cuộc sống vĩnh cửu ở đây và bây giờ là gì. Chúng ta có thể sống cuộc sống này theo cách mà chúng ta không theo đuổi những điều không kéo dài mà theo đuổi những điều tồn tại lâu dài và có ý nghĩa vĩnh cửu. Loại cuộc sống này có tác động vĩnh cửu không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với những người khác xung quanh chúng ta.
Khi Chúa Jêsus tuyên bố mình là đường đi, là sự thật và là sự sống, Ngài đang ban cho chúng ta một cách tốt hơn việc nhận biết Ngài. Chúa đang cho chúng ta thấy rằng qua việc theo Ngài hàng ngày trong đức tin, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, phong phú hơn, ý nghĩa hơn những gì chúng ta có thể tự mình tìm thấy.
Bài: Jason Soroski; dịch: Thuỳ Duyên
(Nguồn: crosswalk.com)
Leave a Reply