Charles H. Spurgeon: Lời khuyên quý báu gửi đến Mục vụ Thanh Thiếu niên

Oneway.vn – Charles H. Spurgeon không có Mục vụ về Thanh Thiếu niên, nhưng ông là một Mục sư dành cho giới trẻ.

Thời đó, Hội Thánh Metropolitan Tabernacle của Mục sư Charles H. Spurgeon không có Ban Thanh niên hay Mục vụ Sinh viên như chúng ta có ngày nay, nhưng Spurgeon rất quan tâm, viết thường xuyên, và nói nhiều về tầm quan trọng cũng như thực tiễn của Mục vụ đầu tư cho thế hệ kế cận.

Trong những năm thiếu niên, Spurgeon đã được gặp gỡ Chúa và dâng mình hầu việc Ngài. Mục sư Spurgeon luôn nghĩ về thế hệ kế cận trong các bài viết, bài giảng của mình. Các Mục sư, bất kể vị trí của họ, đều có thể học hỏi từ Spurgeon về những điều cần nhấn mạnh trong Mục vụ dành cho Thanh Thiếu niên.


Trách nhiệm của cha mẹ

Spurgeon thừa nhận vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc hình thành đức tin của con cái. Trong một bức thư gửi đến các bậc phụ huynh trong Hội Thánh, ông khuyên họ không nên ngại ngần dạy con cái về trách nhiệm của chúng trong Đấng Cứu Thế. Ông cảnh báo về “tôn giáo hời hợt,” chỉ là hình thức và không tập trung vào sự biến đổi thật sự mà Phúc Âm mang lại.

Thay vào đó, Spurgeon nói rằng cha mẹ nên thực hiện nhiệm vụ được giao trong Sách Phục truyền Luật lệ ký 6. Luôn giữ Phúc Âm ở vị trí trung tâm trong việc nuôi dạy con cái. Điều này có nghĩa là phải đi xa hơn việc nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ hay tập trung vào hành vi đạo đức; nó đòi hỏi những cuộc trò chuyện chân thành về tội lỗi và tầm quan trọng của việc được tái sanh.

Spurgeon viết: “Đừng tâng bốc đứa trẻ bằng những điều vô nghĩa. Hãy nói với con rằng chúng phải được “sanh lại”. Đừng ủng hộ con trẻ bằng ý nghĩ về sự vô tội của chúng, hãy cho chúng nhận thấy tội lỗi của mình”.

Spurgeon cũng mở rộng sự hướng dẫn của mình về vai trò của cha mẹ đến với Thanh niên trong Hội Thánh. Ông khuyến khích giới trẻ cần lắng nghe lời khuyên của cha mẹ và trân trọng giá trị tấm gương đạo đức của họ: “Hãy đến và nghe điều mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời muốn nói qua miệng của người khôn ngoan. Tôi muốn chỉ cho bạn thấy rằng Lẽ thật đã đến với nhiều cuộc đời qua tấm gương tin kính từ cha mẹ”.


Trách nhiệm của các Mục sư cho thế hệ kế cận

Mặc dù Spurgeon nhấn mạnh vai trò chính của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thanh niên, ông cũng không bỏ qua trách nhiệm của người chăn bầy trong Hội Thánh. Mục sư Charles H. Spurgeon khẳng định rằng tất cả Mục sư nên tích cực tham gia vào việc huấn luyện Thanh Thiếu niên: “Người tốt nhất của nhà thờ không quá tốt cho công việc này. Đừng nghĩ rằng vì bạn có công việc khác để làm mà không quan tâm đến hình thức công việc thiêng liêng này”.

Mục sư Spurgeon khẳng định rằng tất cả Mục sư nên tích cực tham gia vào việc huấn luyện Thanh Thiếu niên

Spurgeon hiểu những lời của Chúa Jêsus “Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:15) như một lời kêu gọi ưu tiên việc nuôi dưỡng tinh thần của những tín hữu mới và non trẻ. Ông muốn các Mục sư chú ý cẩn thận và đặc biệt đến các thành viên trẻ của nhà thờ. Nhiệm vụ Mục sư này không phải là bước đệm cho những người mới tin Chúa mà là một nhiệm vụ trung tâm cho tất cả.

Spurgeon tránh xa việc chỉ đơn thuần là giải trí, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn và cố vấn để đào tạo – môn đồ hóa giới trẻ trong Hội Thánh. Ông kêu gọi các Mục sư trở thành những người khích lệ chính cho thế hệ kế cận, không muốn các Mục sư nghi ngờ về hành trình đức tin ban đầu của những tín hữu trẻ. Bằng cách nuôi dưỡng tinh thần mà không có sự nghi ngờ hay hoài nghi, các Mục sư có thể mở khóa một phước lành to lớn cho cộng đồng đức tin trong Hội Thánh.


Dạy con trẻ đầy đủ về tín lý, thần học

Đối với Spurgeon, mục đích của môi trường Mục vụ thế hệ kế cận không phải là giữ cho trẻ nhỏ “trong trật tự”. Thay vào đó, ông ưu tiên giảng dạy các tín lý Phúc Âm một cách rõ ràng và đầy thuyết phục. Ông coi mọi giáo lý đều cần thiết cho sự phát triển tâm linh của trẻ: “Tại sao các giáo lý thần học sâu xa, hay các giáo lý về ân điển lại bị giữ lại không cho thế hệ trẻ biết? Nếu có bất kỳ tín lý nào quá khó đối với một đứa trẻ, thì đó là lỗi của sự nhận thức từ người giảng dạy hơn là khả năng tiếp nhận của đứa trẻ, miễn là đứa trẻ thực sự được đổi mới trong Đức Chúa Trời”.

Spurgeon không có ý muốn các Mục vụ Thanh niên chỉ bao gồm những bài giảng khô khan và nhàm chán. Thay vào đó, ông nói rằng chúng ta phải cố gắng “để làm cho giáo lý trở nên đơn giản; đây là phần chính của công việc chúng ta”. Trái tim của “Hoàng tử thuyết giáo” cùng nhịp với tình yêu dành cho sự rõ ràng về tín lý đã dẫn ông đến một tuyên bố gửi đến người trẻ,

“Chúng ta phải tin vào các tín lý của Lời Chúa. Chúng truyền sức mạnh… Hãy giữ vững các giáo lý của ân điển, và satan sẽ sớm từ bỏ việc tấn công bạn, vì những lời ấy như áo giáp, không có mũi tên nào có thể xuyên qua”.

Trong các nhà thờ ở Mỹ, nơi mà học sinh thường bị giải trí quá mức và được dạy dỗ quá ít, sự tập trung của Spurgeon là một sự điều chỉnh hữu ích. Ông khuyến khích chúng ta không nên giữ lại sự quan tâm của cha mẹ, sự chăm sóc của Mục vụ và các tín lý đúng đắn xa khỏi Thanh Thiếu niên. Khi chúng ta “chăn chiên con,” những đứa trẻ sẽ trưởng thành trong sự hiểu biết và lòng nhiệt thành đối với Chúa.


Mô hình cho các Mục sư/Đặc trách Thanh niên ngày nay

Trong thời đại có nhiều mục vụ riêng biệt, rất dễ nghĩ rằng chỉ một phần trong hội chúng là trách nhiệm của bạn. Nhưng Spurgeon chỉ cho chúng ta thấy các Mục sư cần có trách nhiệm chăm sóc cho tất cả mọi người trong hội chúng. Sự quan tâm và giáo huấn của Spurgeon là một mô hình lịch sử tuyệt vời cho chúng ta. Mỗi Mục sư và Trưởng lão đừng xem việc dạy dỗ giới trẻ trong Hội Thánh hiện tại chỉ dành cho “nhà thờ ngày mai” (các em sẽ đến một Hội Thánh khác,…), mà chính là Hội Thánh của bạn hôm nay.

Chúng ta không chỉ phải dẫn dắt cha mẹ mà còn phải hợp tác với họ để huấn luyện con cái của họ. Điều này có nghĩa không chỉ nói chuyện với người lớn trong các bài giảng, mà còn với cả gia đình. Hãy dành thời gian ý nghĩa trong lịch trình của chúng ta để đầu tư trực tiếp vào cuộc sống của trẻ em và Thanh Thiếu niên. Tìm hiểu những thanh niên đang gặp khó khăn để khích lệ, những đứa trẻ mới tin Chúa để dạy dỗ, và những thanh niên trưởng thành để trang bị cho việc chia sẻ đức tin của họ.

Đừng ngần ngại dạy trẻ những sự thật sâu sắc của Kinh Thánh; hãy học cách truyền đạt khái niệm thần học sâu nhiệm mà bạn được học hỏi, được bày tỏ để đến với những đứa trẻ 5, 10, và 15 tuổi đang rất cần nghe.

Và nếu nhà thờ của bạn Hội Thánh bạn đang được Chúa ban phước bởi một Mục sư/Đặc trách Thanh niên được ơn, hãy tạ ơn Chúa. Hãy hỗ trợ người đó để cùng nhau giúp giới trẻ trong Hội Thánh kinh nghiệm Chúa sâu sắc.

Chăm sóc cho người trẻ không phải là một thách thức mới. Đó là một thách thức vượt thời gian. Vì vậy, hãy theo gương của Spurgeon. Không quan trọng liệu từ “thanh niên” có nằm trong chức danh công việc của bạn hay không. Nếu bạn là Mục sư, bạn có trách nhiệm với từng tín hữu trong Hội Thánh, bao gồm cả thanh thiếu niên.


Bài: Will Standridge; dịch: Sarah Doan
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *