Nền Âm nhạc Cơ Đốc cần có người cố vấn thuộc linh!

Oneway.vn – Trong sách Công vụ 17, sứ đồ Phao-lô đến A-then và phát hiện ra một điều lạ lùng – một bàn thờ có khắc dòng chữ “thờ thần không biết”.

Tất nhiên, ông đã khéo léo biến khoảnh khắc này thành cơ hội để chia sẻ sứ điệp Phúc Am. Nhưng điều luôn khiến tôi suy nghĩ là dòng chữ này chẳng có ích gì cho những người thờ phượng đáng thương của vị thần này – một vị thần vừa không biết lại vừa không thể biết được.

Họ không biết gì về bản chất, tính cách, hay thuộc tính của “vị thần” này. Họ không biết liệu vị thần này đã thực hiện những việc làm vĩ đại nào, làm phép lạ nào, hay chiến thắng nào chưa. Họ cũng không biết gì về hình dáng của vị thần này. Thậm chí, không biết tên của vị thần. Chính xác thì điều gì được yêu cầu hay mong muốn từ những người thờ phượng này? Họ hoàn toàn không có gì để dựa vào!

Đối với những người thờ phượng Chúa Jêsus, câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời tự tỏ mình ra, Ngài muốn được nhìn thấy và biết đến. Mỗi trang Kinh Thánh đều tiết lộ về Ngài – không chỉ là những gợi ý, dấu hiệu hay lời thì thầm – mà là những mô tả rõ ràng về Ngài là Ai, Ngài đã làm gì, và tại sao Ngài hoàn toàn xứng đáng được thờ phượng.

Chúng ta không có nghi ngờ gì rằng Ngài vừa uy nghiêm vừa nhân từ, quyền năng nhưng bình an, thánh khiết nhưng khiêm nhường, vinh quang nhưng đầy ân điển. Kinh Thánh cũng nói với chúng ta cách tốt nhất để tiếp cận Đức Chúa Trời và những gì làm Ngài vui lòng.

Khi nói đến việc thờ phượng, rõ ràng là chúng ta không thể tự mình bịa ra những điều này.

Một buổi lễ thờ phượng có thể không bao gồm mọi khía cạnh của lẽ thật về Đức Chúa Trời, nhưng, như cố Marva J. Dawn từng nhắc nhở chúng ta, “thờ phượng không bao giờ được phép chứa đựng những điều không thật”. Chúng ta cũng phải cố gắng hết sức để không bỏ sót những yếu tố quan trọng về Ngài mà chúng ta đang gặp gỡ.

Hai mươi năm trước, tôi đã viết thư cho các mục sư, nhà giảng thuyết và nhà thần học quan trọng, hỏi họ một câu hỏi đơn giản: “Những chủ đề thiết yếu nào của Kinh Thánh đang thiếu trong các cách thể hiện thờ phượng hiện nay của chúng ta?”.

Nhiều câu trả lời đề cập đến Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét, và Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Mặc dù họ có nhận xét tích cực về âm nhạc thờ phượng hiện đại, nhưng vẫn có một cảm giác thách thức: Vì lợi ích của Hội Thánh và vinh quang của Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm tốt hơn.

Hai thập kỷ sau, tôi tự hỏi chúng ta đã tiến xa được bao nhiêu. Âm nhạc thờ phượng đã phát triển và tiến bộ về mặt sáng tạo, xuất hiện trong nhiều thể loại âm nhạc hơn bao giờ hết. Các khía cạnh sản xuất, trình bày cũng đã tiến triển. Nhưng liệu chúng ta có thể nói điều tương tự về nội dung ca từ, thần học không?

Một điều tôi nhận thấy là chúng ta có xu hướng thích hát về sự trợ giúp của Đức Chúa Trời hơn là sự thánh khiết của Ngài. Chúng ta hướng tới những khía cạnh của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích trực tiếp và rõ ràng cho chúng ta – Đức Chúa Trời như một người chăn, an ủi, nơi trú ẩn, hay Đấng giải cứu.

Ảnh: Được cung cấp bởi Integrity Music (Matt Redman ở giữa)

Đây là, nếu bạn muốn, những bài hát về sự giúp đỡ. Nhưng điều cần thiết là chúng ta cũng phải có nhiều bài hát ca ngợi sự thánh khiết của Ngài – những bài hát tôn vinh Đức Chúa Trời vì giá trị của Ngài, dù chúng ta có trong câu chuyện đó hay không. Những bài hát hướng vào các chủ đề như sự vĩ đại, sự công chính, và sự uy nghiêm. Giống như sách Thi Thiên thể hiện sự cân bằng giữa thánh khiết và sự giúp đỡ, chúng ta cũng phải làm như vậy.

Phần lớn trách nhiệm về những gì chúng ta hát trong Hội Thánh thuộc về những người dẫn dắt sự thờ phượng và những nhạc sĩ sáng tác của thời đại chúng ta. Người hướng thờ phượng và các phong trào thờ phượng có tầm ảnh hưởng phải mang trọng trách này với một sự tôn kính thiêng liêng. Nhưng rõ ràng, chỉ sản xuất một album mới có giai điệu cuốn hút hay lấp đầy một sân vận động là chưa đủ. Những điều đó có thể tuyệt vời – nhưng chúng thực sự trở nên đáng tiếc nếu chúng ta không xử lý cẩn thận nội dung thiêng liêng của mình.

Lời kêu gọi tương tự cũng được gửi đến mọi người dẫn dắt thờ phượng tại các Hội Thánh địa phương. Chúng ta có đang chọn những bài hát tôn vinh Đức Chúa Trời một cách đầy đủ nhất có thể không? Hay đôi khi chúng ta bỏ qua việc kiểm tra thần học vì giai điệu âm nhạc quá hấp dẫn? Tôi yêu thích những cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ như bất kỳ ai khác, nhưng chúng ta có thể có, và phải có, cả hai!

Hỡi các Mục sư, các bạn cũng có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Các bạn là người “giữ cửa” cho các buổi lễ thờ phượng trong Hội Thánh. Hãy gọi chúng tôi ra – thúc giục những người dẫn dắt thờ phượng làm tốt hơn. Cấm những bài hát mà các bạn cho là thiếu nội dung hoặc thậm chí mâu thuẫn với Kinh Thánh. Chỉ ra những chủ đề còn thiếu mà các bạn muốn chúng tôi tìm kiếm hoặc thậm chí viết bài hát cho. Đừng để chúng tôi làm ngơ với thần học thiếu sót vì một trải nghiệm âm nhạc dễ chịu.

Không phải bài hát nào cũng cần có sức mạnh ca từ như “Crown Him with Many Crowns” – nhưng nếu quá nhiều bài hát thiếu đi tiêu chuẩn cần thiết, thì xin hãy giúp chúng tôi nhận ra điều đó và cải thiện. Các bạn có thể không cần đưa ra quá nhiều lời khuyên về âm nhạc – nhưng xin đừng giao phó hoàn toàn trách nhiệm về thần học cho chúng tôi.

Nhiều người trong chúng tôi, bao gồm cả tôi, thừa nhận rằng chúng tôi cần sự trợ giúp trong lĩnh vực đó. Chúng tôi có thể không đến từ trường thần học hoặc có được sự huấn luyện thần học sâu sắc; chúng tôi đến đây vì yêu âm nhạc và khả năng chơi hoặc hát.

Chúng tôi khiêm tốn nhận ra rằng mình không thể làm điều này một mình. Chúng tôi cần sự giúp đỡ từ những người suy nghĩ, nhà thần học, và mục sư.

Không phải ngẫu nhiên mà phiên bản Kinh Thánh King James bảo chúng ta “Hãy nhìn xem! (này, kìa, nghe đây,…)” hơn 1.200 lần. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời muốn được nhìn nhận là Ngài là Ai. Lời cầu nguyện của tôi là Hội Thánh sẽ phát triển trong lĩnh vực này – nhìn thấy những bài hát ngày càng sâu sắc và chân thật hơn – và dẫn dắt những buổi lễ thờ phượng giúp chúng ta nhìn ngắm Chúa Jêsus một cách ngọt ngào.

Bài: Matt Redman; dịch: Sarah Doan
Nguồn: christianitytoday.com)

Matt Redman là Nhạc sĩ và là người hướng dẫn thờ phượng, với những bài hát nổi tiếng như “The Heart of Worship,” “Blessed Be Your Name,” và “10,000 Reasons” từng đoạt hai giải Grammy.

Ông là người sáng lập WOR/TH (viết tắt của thờ phượng và thần học), một loạt hội thảo để trang bị cho các nhạc sĩ sáng tác, người dẫn dắt thờ phượng và nhạc công trong nền Âm nhạc Cơ Đốc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *