Oneway.vn – Nhiều người đã bị sát hại vì đức tin qua nhiều thời đại.
Thú vị thay, từ ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay để nói về một người bị giết vì đức tin – “người tuận đạo” – là từ ngữ tiếng Hy Lạp được sử dụng trong Tân Ước, có nghĩa là “chứng nhân”. Vì vậy, khi Chúa Jêsus nói “làm chứng nhân cho Ta” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với các môn đồ.
Điều này không có nghĩa là tất cả những người theo Đấng Christ sẽ phải chết vì đức tin, nhưng do các tín đồ của Hội Thánh đầu tiên đã tuận đạo vì lời chứng của họ, nên ngày nay chúng ta dùng từ ngữ này để nói về những người đã chết vì đức tin.
Dưới đây là 10 Cơ Đốc nhân tuận đạo nổi tiếng qua các thời đại. Hầu hết họ là những người từ thời xưa, nhưng tôi cũng muốn nói về một vài người tuận đạo gần đây để nhắc nhở chúng ta rằng ngày nay mọi người vẫn đang hy sinh mạng sống mình cho cơ nghiệp của Đấng Christ.
Ê-tiên
Công Vụ Các Sứ Đồ chương 6 và 7 tường thuật về việc tuận đạo của Ê-tiên. Ê-tiên được coi là một trong những Cơ Đốc nhân tuận đạo đầu tiên sau Cứu Chúa Jêsus Christ.
Ê-tiên đang nói lên lẽ thật của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, lời nói của ông không được lòng người nghe. Họ lập một hội đồng để vu khống những điều Ê-tiên đã nói (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:11-13). Ê-tiên tuyên bố rằng dân sự Chúa đã phạm tội khi cố ngăn cản lời kêu gọi công bình của các nhà tiên tri. Họ thậm chí đã giết Đấng Thánh, là Cứu Chúa Jêsus Christ.
Phản ứng của họ là giận dữ và nghiến răng với Ê-tiên. Họ đuổi Ê-tiên ra khỏi thành và ném đá ông. Tuy nhiên, Ê-tiên kiên cường chấp nhận sự bắt bớ của họ. Ê-tiên cầu xin Chúa đừng quy tội cho họ vì đã ném đá ông. Ông đã lặp lại lời của Đấng Christ trên thập tự giá.
Anh-rê
Anh-rê là một trong những môn đồ đầu tiên của Đấng Christ. Trước đây ông là môn đồ của Giăng (Giăng 1:40). Anh-rê là em trai của Si-môn Phi-e-rơ nổi tiếng. Sau những gì Kinh Thánh chép về cuộc đời của Anh-rê, ông tiếp tục rao giảng quanh khu vực Biển Đen và tham gia thành lập một số Hội Thánh. Ông là người sáng lập Hội Thánh ở Byzantium hoặc Constantinople.
Người xưa nói rằng Anh-rê đã bị đóng đinh trên cây thập tự giá hình chữ X ở bờ biển phía bắc Peloponnese. Các văn bản trước đây ghi rằng đây thật ra là cây thập tự Latinh giống như cây thập tự mà Chúa Jêsus đã bị đóng đinh. Nhưng câu chuyện truyền thống kể lại rằng Anh-rê đã từ chối chịu đóng đinh theo cách giống như Đấng Christ, vì ông nói rằng mình không xứng đáng.
Si-môn Phi-e-rơ
Được em trai Anh-rê dẫn đến với Đấng Christ, Phi-e-rơ nổi tiếng là một môn đồ “nói trước khi suy nghĩ”. Sau khi Chúa Jêsus chịu thương khó, Phi-e-rơ là người rao giảng sốt sắng nổi bật trong nửa đầu sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Ông thành lập Hội Thánh tại An-ti-ốt và đi rao giảng về Đấng Christ chủ yếu cho người Do Thái.
Phi-e-rơ đã tuận đạo dưới triều đại của Nê-rô. Ông đã bị sát hại ở Rô-ma vào khoảng những năm 64 đến 67.
Người xưa truyền lại rằng ông đã bị đóng đinh ngược. Giống như Anh-rê, em trai của mình, người ta cho rằng Phi-e-rơ đã từ chối chịu đóng đinh theo cách giống như Đấng Christ, vì ông nói rằng mình không xứng đáng.
Polycarp
Như nhiều tín đồ trong những thế kỷ đầu, không ai biết ngày sinh và ngày mất chính xác của Polycarp. Ngay cả ngày tuận đạo của ông cũng đang còn tranh cãi; người ta chỉ biết đó là khoảng thời gian từ năm 155 đến 16 sau Công nguyên.
Có thể Polycarp là môn đồ của sứ đồ Giăng – người đã viết Phúc Âm Giăng, ba sách Thư tín Giăng và sách Khải Huyền. Polycarp có thể là một trong những người chịu trách nhiệm biên soạn Kinh Thánh Tân Ước mà chúng ta có ngày nay.
Vì từ chối dâng hương cho Hoàng đế La Mã, ông đã bị kết án thiêu sống trên cây cọc. Người xưa nói rằng ngọn lửa không giết được ông, nên ông đã bị đâm chết.
Wycliffe
John Wycliffe là một nhà thần học thế kỷ 14, được biết đến với cái tên “Sao mai của phong trào cải chánh”. Ông được nhớ đến nhiều nhất trong vai trò dịch giả Kinh Thánh. Ông tin rằng Kinh Thánh cần được dịch thuật theo nhiều ngôn ngữ. Ông đã dịch Kinh Thánh Do Thái tiếng Latinh sang tiếng Anh thông dụng.
Ông đã bị bắt bớ vì lập trường chống lại quyền lực của Giáo hoàng. Dù không bị thiêu trên cọc như những người tuận đạo khác, ông bị bức hại dai dẳng hơn cả cái chết.
Thi thể Wycliffe đã bị khai quật và thiêu hủy cùng với nhiều tác phẩm của ông. Đạo luật Chống Wycliffe năm 1401 khơi mào những cuộc đàn áp trên những người ủng hộ ông, và khẳng định rằng không nên có bất kỳ bản dịch Kinh Thánh nào sang tiếng Anh.
John Huss
Huss là một linh mục người Séc, ông bị thiêu sống vì chống lại các học thuyết của Giáo hội Công giáo. Đặc biệt, ông đã chiến đấu chống lại các giáo lý của Giáo hội và Bí tích Thánh Thể được giảng dạy bởi Giáo hội Công giáo La Mã.
Ông là nhà cải chánh sống trước thời của Luther và Calvin (những nhà cải chánh nổi tiếng khác của Công giáo La Mã).
Huss đã tuận đạo vào ngày 6 tháng 7 năm 1415. Ông bác bỏ những cáo buộc đưa ra chống lại mình. Người ta thuật lại lời Huss nói vào ngày ông qua đời: “Chúa làm chứng cho tôi rằng tôi chưa bao giờ giảng những điều họ dùng để buộc tội tôi. Tôi đã viết, dạy dỗ và rao giảng chỉ một lẽ thật Phúc Âm duy nhất, và tôi đã sẵn sàng chết hôm nay”.
William Tyndale
William Tyndale được biết đến nhiều nhất như một dịch giả chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Anh. Ông là một nhà cải chánh chống lại nhiều giáo lý của Giáo hội Công giáo và phản đối cuộc ly hôn của Vua Henry VIII, đây là một trong những luận đề chính trong Cải chánh. Bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Anh của Tyndale là bản dịch đầu tiên sát nghĩa nhất với các ngôn ngữ gốc.
Tyndale bị trói vào cây cọc và bị siết cổ cho đến chết, sau đó xác của ông bị thiêu rụi. Ngày tưởng niệm Tyndale tuận đạo là ngày 6 tháng 10 năm 1536, nhưng có thể ông đã qua đời sớm hơn vài tuần.
Dietrich Bonhoeffer
Mục sư Dietrich Bonhoeffer bị hành quyết vào ngày 9 tháng 4 năm 1945. Tôi do dự khi đưa Bonhoeffer vào danh sách này vì ông không tuận đạo hoàn toàn vì niềm tin Cơ Đốc. Ông bị xử tử vì liên quan đến Âm mưu ám sát Adolf Hitler ngày 20 tháng 7. Bonhoeffer kiên quyết phản đối cách Hitler đối xử với người Do Thái.
Là một mục sư Cơ Đốc, ông không thể ngồi yên và chứng kiến cảnh nhiều người bị sát hại như vậy.
Dietrich Bonhoeffer bị treo cổ chỉ hai tuần trước khi những người lính Hoa Kỳ giải phóng trại tập trung nơi ông bị giam giữ.
Jim Elliot và bốn người bạn truyền giáo
Jim Elliot, cùng với bốn người bạn đồng đạo đã bị giết vào ngày 8 tháng 1 năm 1956, trong khi cố gắng xây dựng mối quan hệ với người da đỏ Auca ở Ecuador (nay được gọi là người Waodani).
Jim Elliot, Nate Saint, Ed McCully, Pete Flemming và Roger Youderian đã cố gắng làm thân với bộ tộc Auca mà họ nhìn thấy từ trên máy bay. Mặc dù chỉ gặp mặt trực tiếp một người trong bộ tộc, nhưng họ đã tham gia giao dịch nhiều lần với người Auca từ trên máy bay.
Khi Elliot và những người bạn đáp xuống gần bờ sông vào một ngày tháng Giêng năm ấy, họ đã bị tàn sát dưới tay những thổ dân đang chực chờ.
Mặc dù vậy, cái chết của họ không phải là vô ích. Các góa phụ tiếp tục cố gắng xây dựng mối quan hệ hòa bình và cuối cùng đã giành được tình cảm của bộ tộc. Chúa đã sử dụng câu chuyện này để truyền cảm hứng cho các thế hệ truyền giáo mới sẵn sàng hy sinh mạng sống cho những gì họ tin tưởng.
Vụ thảm sát Nag Hammadi
Vào đêm ngày 7 tháng 1 năm 2010, một nhóm gồm 8 Cơ Đốc nhân người Ai Cập đã bị giết khi rời khỏi nhà thờ sau lễ Giáng Sinh ở Nag Hammadi, Ai Cập.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ đằng sau, nhưng người ta biết rằng vụ thảm sát được thực hiện bởi các chiến binh Hồi giáo. Đây có thể là hành động trả đũa sau khi một nam Cơ Đốc nhân bị cáo buộc làm hại một nữ tín đồ Hồi giáo. Cho dù đó có thật sự là lý do, thì việc trả đũa không nhắm vào người đàn ông phạm tội này mà lại nhắm vào các Cơ Đốc nhân khác chỉ vì họ cùng chung tôn giáo.
Trường hợp tuận đạo này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Những cuộc chiến lớn nhỏ vẫn đang diễn ra vì các Cơ Đốc nhân kiên quyết giữ vững niềm tin của mình. Hầu như trong mọi trường hợp, Cơ Đốc nhân không phải là kẻ gây hấn trước. Họ là mục tiêu bắt bớ chỉ vì tôn giáo của họ.
Bài: David Peach; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)
Leave a Reply