Oneway.vn – Tăng trưởng thuộc linh đến từ việc xây dựng mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện, Lời Chúa và thông công với các Cơ Đốc nhân khác.
Bỏ nhóm và nói rằng đi nhóm không cần thiết giống như một người tuyên bố muốn khỏe hơn và lấy lại vóc dáng nhưng không bao giờ dành thời gian tìm hiểu để tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Rồi họ tự hỏi tại sao không có gì thay đổi, mà thậm chí có thể còn sa sút hơn về đời sống thuộc linh kể từ năm ngoái.
Đức Chúa Trời đã định cho Hội Thánh địa phương là cách thức để Ngài xây dựng sự trưởng thành thuộc linh cho các Cơ Đốc nhân.
Xin cũng hiểu rằng tôi không nói bạn không bao giờ được bỏ nhóm, nhưng khi bạn nói nhóm lại là quan trọng đối với đời sống thuộc linh và bạn cố dạy điều này cho con cái mình, thì bạn cũng cần thực hiện điều bạn nói.
Đừng kiếm cớ để ở nhà trong khi mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời và Lời Ngài rất quan trọng cho sự tăng trưởng thuộc linh của bạn.
Dưới đây là 10 lý do tồi tệ biện minh cho việc bỏ nhóm.
1. “Tôi quá mệt”
Một trong 10 Điều Răn là hãy dành một ngày nghỉ mỗi tuần. Chúng ta được truyền phải giữ ngày này – một ngày rất giá trị. Đức Chúa Trời thậm chí đã làm gương về ngày nghỉ này khi Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ 7 của sự sáng tạo. Còn chúng ta đã tạo ra quá nhiều bận rộn trong cuộc sống mình đến nỗi chúng ta thấy khó để sống chậm lại và có thể tận hưởng thời giờ thường lệ với Chúa.
Mục đích của Ngày nghỉ là để cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi, song cũng để chúng ta có thể tương giao với Đức Chúa Trời mà không bị những lo lắng về đời này xâm chiếm thời giờ đó. Nếu bạn quá mệt để thờ phượng Chúa hàng tuần, thì bạn đã tạo ra sự bận rộn mà Chúa chưa từng muốn.
Chắc chắn có những thời điểm chúng ta hoạt động nhiều hơn, nhưng cũng cần thừa nhận rằng chúng ta đã tạo ra cảm giác gấp gáp không phù hợp nếu chúng ta quá mệt để đi thờ phượng Đức Chúa Trời. Gấp gáp và thiếu nghỉ ngơi không lành mạnh cho thuộc thể lẫn thuộc linh.
2. “Bọn trẻ cần một ngày nghỉ”
Ai tạo ra sự bận rộn cho chúng? Là cha mẹ, chúng ta cần giúp con cái mình học được tính kỷ luật và trách nhiệm. Chúng ta cũng nên bảo vệ chúng khỏi những lựa chọn sai lầm ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng với Đức Chúa Trời.
Nếu đi nhóm là ưu tiên đối với bạn, thì con cái của bạn sẽ dễ ưu tiên việc đó hơn. Hãy làm gương tốt cho con.
3. “Tôi dậy trễ”
Chuyện này cũng có lúc xảy ra. Nhưng mỗi tuần ư? Bạn có hay nghỉ làm vì ngủ quên 30 phút không?
Có lẽ chúng ta nên bớt khoe khoang về tính thiếu kỷ luật của mình đi.
4. “Ghế quá cứng”
Sẽ không ai bị vấp phạm nếu bạn mang theo một chiếc đệm nhỏ để ngồi. Tôi biết không ai thích nghe kể về các nước khác khó khăn hơn là thể nào, nhưng đây là một trong những lĩnh vực mà thực sự chúng ta không nên phàn nàn. Tôi nhớ lại nhiều buổi nhóm đã từng tham gia, nơi chúng tôi ngồi trên các khúc gỗ hoặc băng ghế cứng trong suốt 2 đến 3 tiếng và tôi chưa từng nghe ai phàn nàn về đá hoặc mặt đất mà họ đang ngồi là quá cứng. Kể cả những cụ bà 90 tuổi cũng không.
5. “Trời quá nóng/ quá lạnh”
Nếu trời quá lạnh, hãy mặc thêm áo ấm. Nếu trời quá nóng, hãy dùng thêm quạt. Đừng để một vài độ C ngăn trở bạn học hỏi Lời Chúa.
6. “Nhà thờ toàn những kẻ giả hình”
Tôi thấy câu nói này gần đây và tôi nghĩ nó phù hợp: Nói rằng bạn sẽ không đi nhóm vì những kẻ đạo đức giả giống như nói rằng bạn sẽ không đi đến phòng tập gym vì những người có vóc dáng không cân đối vậy. Đừng để người khác ngăn trở bạn làm điều đúng.
7. “Mục sư giảng quá lâu/ lớn/ nhẹ”
Đó có thể là vấn đề với mục sư, nhưng cũng có thể là vấn đề với bạn. Bạn có khao khát sứ điệp của Chúa không? Bạn vẫn muốn nghe lời Chúa dành cho bạn chứ? Tôi biết Chúa phán với chúng ta qua Lời Ngài, nhưng Ngài cũng dùng những người Ngài đã ủy thác để giảng dạy Lời Ngài nữa.
Hãy cầu nguyện và xin Chúa ban cho bạn lòng đói khát Kinh Thánh. Hãy cầu xin Ngài ban cho bạn lòng khao khát được học hỏi từ mục sư. Có thể lắm mục sư cần bạn cầu nguyện và giúp đỡ để biết cách trình bày sứ điệp của Chúa sao cho bạn có thể học được.
8. “Tôi đã nghe bài giảng này rồi”
Vài tháng trước, một chuyện hài hước đã xảy ra trong buổi nhóm tối Chúa Nhật với con gái của chúng tôi. Mục sư đang giảng trong Sáng Thế Ký và kể về câu chuyện của A-đam và Ê-va. Thay vì chú ý nghe giảng, con gái chúng tôi lại bắt đầu đùa nghịch và tỏ vẻ chán sứ điệp này. Vợ tôi bảo cháu ngồi dậy và chú ý nghe. Con gái của chúng tôi than: “Nhưng con đã nghe câu chuyện này rồi!”
Bạn thực sự nghĩ bạn đã hiểu thấu hết chiều sâu của Lời Chúa? Có người dành cả đời để nghiên cứu Kinh Thánh vì muốn hiểu thêm về Kinh Thánh. Hãy xin Chúa ban cho bạn lòng khao khát được nghe lại hết thảy.
9. “Nhà thờ chán lắm”
Cùng thờ phượng với các Cơ Đốc nhân khác có thể không phải lúc nào cũng là điều thú vị nhất, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, tình trạng tấm lòng và thái độ của bạn đối với Hội Thánh của Chúa như thế nào.
Có rất nhiều điều chúng ta làm vì biết chúng tốt cho chúng ta, chứ không chỉ vì chúng ta thích làm chúng. Có lẽ bạn đã nghe: “Tôi từng ghét tập thể dục, nhưng tôi yêu cảm giác nó đem lại. Bây giờ nó đã trở thành thói quen, và tôi không muốn bỏ lỡ thói quen hàng ngày của mình”.
Là Cơ Đốc nhân, khi chúng ta càng mạnh mẽ và gần gũi hơn với Đức Chúa Trời, chúng ta học được cách khao khát những thì giờ thờ phượng và thông công với các anh chị em khác trong Đấng Christ.
10. “Tôi sẽ đi sau khi tôi ngưng… Hoặc, tôi sẽ đi sau khi tôi bắt đầu…”
Nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ không chấp nhận họ cho đến khi họ từ bỏ một số tội lỗi cụ thể hoặc bắt đầu tham gia một số sinh hoạt nào đó.
Điều họ chưa tính đến đó là bản chất của chúng ta là tội nhân; vậy nên, chúng ta không bao giờ có thể được ơn trước mặt Chúa bởi làm (hoặc ngưng làm) một số việc nào đó.
Chúng ta được ban cho sự cứu rỗi là bởi ân điển của Chúa. Đời sống hàng ngày của Cơ Đốc nhân chúng ta cũng vậy. Chúng ta nên gia thêm lòng khao khát Lời Đức Chúa Trời và tổ chức của Ngài — là Hội Thánh.
Nếu bạn đợi cho đến khi bạn hoàn hảo rồi mới đến thờ phượng Chúa với dân sự của Ngài, thì bạn sẽ không bao giờ bước vào ngưỡng cửa nhà thờ lần nào nữa.
Đừng cho phép những lý cớ tồi tệ này ngăn trở bạn đến nhóm và tăng trưởng thuộc linh trong Lời Chúa.
Hãy cầu xin Chúa giúp bạn hình thành một thái độ mới đối với nhà Ngài và quyết định dành chút thì giờ cho Chúa để đến thờ phượng Ngài trong tuần này.
Bài: David Peach; dịch: Tiểu Nguyên
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)
Leave a Reply