10 nhân vật Kinh Thánh truyền cảm hứng đức tin

Oneway.vn – Kinh Thánh đã vượt qua thử thách của thời gian để trở thành cuốn sách phổ biến nhất trên thế giới.

Không cuốn sách nào bán chạy hơn Kinh Thánh, và Lời Chúa tiếp tục biến đổi những tội nhân hư mất trở thành con cái Chúa. Có nhiều câu chuyện đáng kinh ngạc về những người đầy tớ trung thành của Chúa được cứu khỏi những trải nghiệm đau đớn tột cùng. Có nhiều câu chuyện kể rằng dân sự Chúa công bố chiến thắng giữa những khó khăn chồng chất chống lại họ.

Dưới đây là 10 nhân vật truyền cảm hứng được ghi lại trong Kinh Thánh. Thuật lại đức tin đáng kinh ngạc mà họ có trong hoàn cảnh hỗn loạn hoặc tính mạng bị đe dọa.

1. Môi-se: Người kiên nhẫn

Môi-se đã hết sức kiên nhẫn với dân Y-sơ-ra-ên khi ông dẫn dắt thế hệ vô vọng này đi qua đồng vắng trong 40 năm. Mới phút trước họ còn ca ngợi Chúa, thế mà ngay phút sau đã phàn nàn về Ngài.

Những chuyện như vậy dễ khiến chúng ta nản lòng, nhưng Môi-se đã lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên với sự kiên nhẫn tuyệt vời trong suốt 4 thập kỷ. Đúng là ông đã không được vào Đất Hứa vì không vâng lời Đức Chúa Trời (Dân Số Ký 20:8-12), nhưng nếu đặt mình vào vị trí của ông, có lẽ chúng ta chẳng thể nào ở với dân sự nổi 1 năm, chứ đừng nói đến 40 năm. 

2. Áp-ra-ham: Người tin cậy

Áp-ra-ham và Sa-ra không có con, và họ đã già. Khi Đức Chúa Trời hứa cho Áp-ra-ham một đứa con trai, ông đã 100 tuổi và Sa-ra 90 tuổi (Sáng Thế Ký 17:15-19). Bạn có hình dung được sự nhẹ nhõm khi Y-sác, con trai ông,cuối cùng đã chào đời không? Ông nghĩ rằng độ tuổi sinh sản của vợ chồng ông đã hết. Vì vậy, hãy nghĩ xem điều đó phải tuyệt vời đến thế nào. Với một cơ hội vui mừng như vậy, sau đó Đức Chúa Trời đã thử thách Áp-ra-ham bằng việc bảo ông hy sinh Y-sác (Sáng Thế Ký 22:1-14), Đức Chúa Trời muốn xem Áp-ra-ham có yêu Ngài nhiều hơn Y-sác hay không. 

Bạn sẽ nghĩ gì trong trường hợp này? Sợ hãi nghĩ rằng: “Tại sao, Chúa ơi? Con đã đợi con trai mình quá lâu và bây giờ Ngài muốn con giết con mình? Điều này quá khó để con có thể vâng lời”. Rất may, chúng ta biết kết thúc của câu chuyện là Đức Chúa Trời đã ngăn Áp-ra-ham hy sinh Y-sác, nhưng Áp-ra-ham vẫn phải trải qua cảm giác “chết trong lòng”. Ông không biết rằng Đức Chúa Trời sẽ dừng việc này lại. Ông là một người của đức tin thật sự!

3. Nô-ê: Người chịu đựng

Trong Sáng Thế Ký chương 6, Đức Chúa Trời phán với Nô-ê về trận đại hồng thủy sắp quét sạch mọi tạo vật và sai ông đóng một chiếc tàu cho gia đình mình, 1 cặp cho mỗi loại động vật (đực và cái), 7 cặp tất cả các con vật tinh sạch và 7 cặp chim trời. 

Vấn đề là đây: Nô-ê đã hơn 500 tuổi khi ông phải đóng tàu. Dù có các con trai của ông phụ giúp, nhưng một số người cho rằng phải mất ít nhất 55 năm để đóng xong con tàu đó! 

Trong 55 năm đó, Nô-ê và các con trai của ông vẫn phải lao động để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu mỗi ngày (thức ăn, nước uống, v.v…) Nô-ê hẳn đã vô cùng kiệt sức khi đóng xong con tàu. Ông đã chịu đựng và miệt mài thực hiện một dự án kéo dài tối thiểu 55 năm để cứu gia đình mình và mọi tạo vật khỏi trận lụt. Ông là một người chịu đựng!

4. Ê-li: Người can đảm

Ê-li là người can đảm nhất trong tất cả các tiên tri. 

Khi sự gian ác và thần giả Ba-anh xuất hiện khắp nơi trong xứ, Ê-li vẫn trung thành với Đức Chúa Trời. Ê-li đến gặp vị vua gian ác A-háp và nói với ông: ““Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên mà thề rằng: Những năm sắp tới đây, nếu không có lời của ta thì sẽ không có sương, cũng chẳng có mưa” (1 Các Vua 17:1). Ông không sợ một vua nào trên đất. 

Trong 1 Các Vua 18:20-40, ông đánh bại các tiên tri của Ba-anh và tàn sát tất cả họ tại suối Ki-sôn. Ê-li không phải là người sợ hãi, ông mạnh dạn làm theo điều Chúa truyền trong mọi hoàn cảnh.

5. Đa-ni-ên: Người tận hiến

Đức tin và lòng tận hiến của Đa-ni-ên đối với Đức Chúa Trời không hề dao động. Ông từ chối không chịu để mình bị ô uế bởi thức ăn và rượu của vua Nê-bu-cát-nết-sa, ông chỉ xin rau và nước (Đa-ni-ên 1:8-16). 

Khi sắc lệnh được ban hành, rằng trong 30 ngày, không ai được phép cầu nguyện với bất kỳ vị thần hay con người nào ngoại trừ nhà vua, Đa-ni-ên đã liên tục cầu nguyện 3 lần một ngày với Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, dù biết rằng hình phạt là bị ném vào hang sư tử. 

Sau đó, ông đã bị những kẻ mưu mô bắt ném vào hang thú dữ. (Đa-ni-ên 6:10-16) Đa-ni-ên không sợ loài người hay sự chết. Ông hoàn toàn tận hiến mọi điều cho Chúa.

6. Đa-vít: Người đẹp lòng Chúa

Đa-vít được biết đến là người đẹp lòng Đức Chúa Trời vì sự đam mê công lý và lòng dũng cảm của mình. 

Ông luôn muốn làm mọi thứ cách ngay thẳng. Khi người Phi-li-tin cùng với Gô-li-át đến thách thức Y-sơ-ra-ên, Đa-vít là người duy nhất sẵn sàng chiến đấu. (1 Sa-mu-ên 17) 

Đa-vít gầy gò trong khi Gô-li-át cao tới gần 3 mét. Chúa trao người khổng lồ Gô-li-át vào tay chàng Đa-vít tí hon. Khi Đa-vít có quyền giết Sau-lơ, ông quyết định để cho hắn sống. (1 Sa-mu-ên chương 24).

Giữa cảnh hỗn loạn, Đa-vít luôn tìm kiếm Đức Chúa Trời để cầu xin sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ngài. “Xin cứu con khỏi vũng bùn, đừng để con lún sâu trong đó. Nguyện con được giải thoát khỏi những kẻ ghét con và khỏi dòng nước sâu. Nguyện dòng nước không cuốn trôi con, vực thẳm không nuốt lấy con, hầm sâu không khép miệng chôn con trong đó. Đức Giê-hô-va ôi! Xin hãy đáp lời con vì sự nhân từ Ngài là tốt lành; Tùy lòng thương xót dư dật của Ngài, xin quay lại cùng con” (Thi-thiên 69:14-16).

Đa-vít là người kiên định và chính trực. Ông tìm kiếm Chúa hàng ngày để được Ngài hướng dẫn và giúp đỡ.

7. Gióp: Người bền chí

Gióp đã bền chí vượt qua những hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Ông mất tất cả con cái, gia súc và người hầu của mình cùng một lúc! (Gióp 1:13-19), nhưng ông vẫn bền lòng thờ phượng Chúa! (Gióp 1:20-21). 

Sau đó, ông bị tấn công với những vết lở loét ghê tởm khắp người. (Gióp 2:7) Ông thể hiện lòng bền chí bằng cách thẳng thắn quở trách tội báng bổ của vợ và tuyên bố rằng Đức Chúa Trời có quyền tể trị dù chúng ta được ban phước hay bị giáng họa. (Gióp 2:9-10) 

Sau đó, ba người bạn chế nhạo ông về hoàn cảnh dường như không lối thoát, nhưng ông vẫn vững vàng vượt qua tất cả. Ông rất mạnh mẽ và kiên cường vượt qua những thời điểm cực kỳ khó khăn. 

Qua lòng trung tín ấy, Đức Chúa Trời đã phục hồi và ban cho ông nhiều hơn những gì ông từng có trước đây.

8. Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô: Người yếu thế

Đây là một trong những câu chuyện về những người yếu thế nhất trong Kinh Thánh. 

Ba người này đã từ chối thờ lạy thần tượng bằng vàng do Vua Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên, mặc dù biết rằng họ sẽ bị ném vào lò lửa hực. Lò nóng đến nỗi những lính canh đến gần để ném họ vào cũng đã chết! Họ trung thành với Chúa và Chúa đã giải thoát họ khỏi lò lửa. 

Đứng cạnh họ là một hình dáng trông như “giống như con trai của các thần“, Đấng đã bảo vệ họ vượt qua tất cả. (Đa-ni-ên 3) Chúng ta biết rằng ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, Đức Chúa Trời có thể làm bất cứ điều gì cho con cái Ngài!

9. Phao-lô: Người tạo nên kỳ tích

Phao-lô, trước đây được gọi là Sau-lơ, là một kẻ bắt bớ lớn Cơ Đốc nhân. Ông liên tục ném các tín đồ vào tù và thậm chí giết họ. Ai lại nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ chọn ông làm một trong những trước giả Kinh Thánh có ảnh hưởng nhất! 

Ông đã viết 13 sách Tân Ước! Khi Phao-lô trở thành Cơ Đốc nhân, ông đã làm những điều phi thường cho Vương quốc Trời. Ông là người gây dựng Hội Thánh và là cố vấn cho Ti-mô-thê. 

Rất có thể hiện tại, có một người nào đó khiến bạn nghĩ rằng họ sẽ không thể nào đến với Đấng Christ. Nhưng, Đức Chúa Trời là Đấng làm phép lạ! Nếu Sau-lơ có thể được biến đổi, thì bất cứ ai cũng có thể!

10. Cứu Chúa Jêsus: Chiên Con Chuộc Tội

Trong Kinh Thánh, không ai có thể truyền cảm hứng hơn Chúa Jêsus. Ngài đến để gánh lấy tội lỗi chúng ta, để chúng ta trở nên không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời. Và nếu như vậy vẫn chưa đủ, thì hãy nhớ rằng Ngài hoàn toàn vô tội! Ngài không phạm bất cứ tội lỗi nào. Giờ thì chắc chắn Ngài là một người truyền cảm hứng! Ngài đã trải qua tất cả những cám dỗ như chúng ta. Ngài đã bị cám dỗ về mọi mặt và Ngài đã chiến thắng tất cả! Ngài đã hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta, và đó là hành động yêu thương vĩ đại nhất. “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng để trở nên giống Chúa Jêsus hơn!

 

Kết luận

Đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong số rất nhiều nhân vật truyền cảm hứng từ Kinh Thánh: Gia-cốp, Giô-sép, Ê-xơ-tê, Giô-suê, Ghê-đê-ôn, Phi-e-rơ, Sa-lô-môn, v.v… Hy vọng bạn sẽ dành thời gian để suy ngẫm về những nhân vật đã ảnh hưởng đến bạn và noi gương họ. Xin Chúa tiếp tục ban phước và giúp bạn sống một cuộc đời xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài!

 

Bài: Derek Hill; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *