12 hòn đá kỷ niệm: “Ơn Chúa mãi không quên”

Oneway.vn – Sau bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc, người Do Thái chuẩn bị vượt sông Giô-đanh để vào Đất Hứa.
(Ảnh: Wikipedia)

Theo mạng lệnh của Chúa, các thầy tế lễ mang Hòm Giao Ước đi trước dân Do Thái. Khi chân các thầy tế lễ chạm xuống nước, Đức Chúa Trời làm cho nước trên thượng nguồn dồn lại, nước dưới hạ lưu rút đi, lòng sông Giô-đanh trở thành cạn khô. Các thầy tế lễ đến giữa sông, dừng tại đó, chờ dân Do Thái qua sông.

Dựa vào quân số của người Do Thái, các sử gia ước tính đoàn người có thể từ vài trăm ngàn đến một triệu người đã vượt qua sông bình an mà không cần tàu thuyền, không cần cầu, nhưng họ đã đi bộ như đi trên đất khô.

Khi toàn dân Do Thái đã qua sông, Đức Chúa Trời truyền cho Giô-suê chọn 12 người, mỗi bộ tộc một người. Mỗi đại diện đã lấy một hòn đá tại nơi các thầy tế lễ đang đứng mang theo đến chỗ đóng quân tại Ghinh-ganh.

Là một nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi, lúc đó Giô-suê có nhiều nỗi lo: quân thù trước mắt, nước lũ bên hông, ông phải chuyển một đoàn người rất đông, gồm cả phụ nữ, trẻ em, súc vật, sang sông trong một thời gian rất ngắn; việc dừng lại lấy 12 tảng đá dường như là một việc không quan trọng và không cần thiết vào lúc đó. Tuy nhiên Giô-suê đã vâng lời làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời; bởi vì công việc dường như nhỏ mọn này lại rất cần thiết, rất quan trọng, và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tương lai.Tại Ghinh-ganh, Giô-suê dùng 12 hòn đá lập một đài kỷ niệm. Giô-suê giải thích cho người Do Thái rằng một mai, khi con cháu họ hỏi những hòn đá này có ý nghĩa gì, thì họ sẽ giải thích cho con cháu mình rằng Đức Chúa Trời đã rẽ nước sông Giô-đanh, giống như Ngài đã làm tại Biển Đỏ, để họ đi qua. Những hòn đá này đã được lấy từ giữa dòng sông, nơi nước dừng lại. Đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh nhắc người Do Thái nhớ ơn Chúa đã giải cứu họ; và đây cũng là một bằng chứng lịch sử để các dân tộc trên thế giới nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời đã thực hiện để cứu giúp người Do Thái và tôn kính Ngài.

Đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh nhắc người Do Thái nhớ ơn Chúa đã giải cứu họ; và đây cũng là một bằng chứng lịch sử để các dân tộc trên thế giới nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời đã thực hiện để cứu giúp người Do Thái và tôn kính Ngài.

Đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh đã đánh dấu một giai đoạn mới tươi đẹp trong lịch sử của người Do Thái. Sau khi lập đài kỷ niệm xong, Chúa truyền cho người Do Thái làm phép cắt bì cho thế hệ mới, tái lập giao ước với Ngài. Sau đó, người Do Thái dự lễ Vượt Qua đầu tiên tại Đất Hứa. Lễ Vượt Qua kết thúc, Chúa ngưng cấp bánh Ma-na, và cho phép người Do Thái bắt đầu hưởng những sản vật phong phú của xứ Ca-na-an. Một thời gian sau, người Do Thái nhận lãnh thổ mà Đức Chúa Trời đã hứa cho họ.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người và Ngài hiểu rõ tấm lòng của con người. Cuộc sống sung sướng sung túc thường làm con người tự mãn, quên ơn Đấng Tạo Hóa. Do đó, Đức Chúa Trời truyền cho Giô-suê lập một đài kỷ niệm để nhắc nhở thế hệ tương lai về cội nguồn, về ân điển mà Ngài đã dành cho tổ phụ của họ.
(Ảnh: OCA)

Giô-suê là một người rất sâu sắc. Kinh Thánh cho biết bên cạnh việc vâng lời Chúa lập đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh, Giô-suê cũng lập thêm một đài kỷ niệm ngay giữa dòng sông Giô-đanh. Ông cho dựng 12 hòn đá ngay giữa lòng sông, nơi các thầy tế lễ đã đứng. Sau khi các thầy tế lễ lên bờ, nước sông Giô-đanh chảy trở lại và đài kỷ niệm đó chìm dưới dòng nước lũ.

Nhiều người cần phải thấy một đài kỷ niệm cụ thể để được nhắc nhở về ơn cứu rỗi của Chúa. Đối với Giô-suê và một số người kinh nghiệm sự giải cứu kỳ diệu của Chúa, đài kỷ niệm của họ được dựng ngay giữa lòng sông Giô-đanh, nơi phép lạ đã xảy ra. Theo dòng thời gian, cuộc sống với nhiều bận rộn như dòng nước phủ trùm những hòn đá kỷ niệm. Giô-suê và thế hệ của ông dầu không thấy đài kỷ niệm hiện đang chìm dưới dòng nước, nhưng ơn cứu rỗi của Chúa không bao giờ phai nhạt trong tâm trí họ. Có những lúc họ gặp khó khăn, cuộc sống như dòng nước cạn đi trong mùa nắng hạn; khi đó những vầng đá kỷ niệm lại hiện ra rõ ràng; nhắc nhở họ mạnh mẽ hơn về ân điển và quyền năng của Chúa.

Hòn đá kỷ niệm mà Chúa muốn bạn lưu giữ là gì? Bạn đặt những hòn đá đó tại đâu? Như Giô-suê, có lẽ đài kỷ niệm của bạn đã chìm xuống tại một nơi nào đó giữa biển Đông, tại trại tỵ nạn, trên đường vượt biên, trong một trại tù, bên một giường bệnh, hay tại một nơi nào đó ở quê nhà. Dầu đài kỷ niệm của bạn ở đâu, mong bạn và tôi không bao giờ quên ơn Chúa.

Hãy nhắc thế hệ tương lai về những ơn lành mà Đức Chúa Trời đã dành cho gia đình bạn.


Phước Nguyên
(Nguồn: huongdionline.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *