12 nguyên tắc ca hát trong Hội Thánh (P.2)

Oneway.vn – Trong giờ thờ phượng sáng Chúa Nhật, các Hội Thánh có vô số bài Thánh Ca để lựa chọn.

Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn thường hay dẫn đến xung đột. Có muôn vàn câu hỏi nảy ra: chúng ta nên hát bài nào? Thánh Ca hay Biệt Thánh Ca? Tiết tấu nhanh hay chậm? Nên sử dụng loại nhạc cụ nào? Bài hát có phù hợp bối cảnh không? 

Tuy không thể trả lời tất cả những câu hỏi đó, nhưng có một số nguyên tắc chung để đưa ra quyết định sáng suốt khi chọn Thánh Ca thờ phượng. Sau đây là 10 nguyên tắc mà Hội Thánh có thể tham khảo:

Mời bạn xem lại Phần 1

6. Tập trung xây dựng thì giờ ca ngợi xuất sắc 

Tôi không có ý nói rằng bài hát nào cũng phải có giai điệu cao siêu. Một bản nhạc phải tương đối đơn giản để hàng trăm hoặc hàng nghìn người có thể hát cùng một lúc. Nhưng chúng ta vẫn có thể tập trung hoàn toàn để xây dựng một bài ca ngợi xuất sắc. 

Chúng ta không nên để khả năng âm nhạc kém cỏi hay bài giảng yếu kém của mình trở thành chướng ngại trên con đường đến thập tự giá. 

Mặc dù có thể sử dụng nhiều phong cách khác nhau trong việc thờ phượng, nhưng phải công nhận rằng có những bài hát hay hơn những bài khác, giai điệu này truyền tải tốt hơn giai điệu khác. Và khi nói đến lời bài hát, cần tránh những lời cẩu thả hoặc những câu sáo rỗng.

Một số bài hát cực kỳ đơn giản, số khác lại cực kỳ sâu sắc. Nhưng có một cách để trung hòa cả hai. Với rất nhiều bài hát để lựa chọn, không có lý do gì mà các Hội Thánh không chọn những bài có ý nghĩa sâu sắc về lời nhạc và toàn vẹn về giai điệu. 

Điệp khúc “Ha-lê-lu-gia” lặp đi lặp lại nhưng rất thú vị về mặt giai điệu. Nhưng cũng có những bài với điệp khúc không đủ hay để lặp đi lặp lại nhiều lần.

7. Trọng tâm khi ca ngợi là tiếng hát của hội chúng

Mọi người đều có trách nhiệm hát ca ngợi. Cô gái trẻ vút cao giọng và vị lão niên hòa âm nốt trầm. Điều thật sự quan trọng trong sự thờ phượng là tấm lòng của bạn. Và cho dù bạn thờ phượng cách kĩnh kiềng hay sôi động, nhưng nếu không có ai hát, thì cũng chẳng ích chi.

Và nếu âm thanh chính là tiếng hát của hội chúng, thì chúng ta cần xem xét kỹ điều này khi chọn bài hát và chơi nhạc. 

Hội chúng hát được bài này không? Hãy chú ý đến quãng giọng (quá cao hoặc quá thấp), cẩn thận với hiện tượng đảo âm, cũng như những nhịp điệu bất thường. Đảm bảo giai điệu có ý nghĩa trực quan, đặc biệt nếu bạn không có bản nhạc để xem.

Nhạc cụ giúp bài hát hay hơn hay cản trở hội chúng hát? Chúng ta cần kiểm tra âm lượng. Âm nhạc có quá nhỏ để hỗ trợ giọng hát của mọi người? Hay quá to đến nỗi át đi tiếng hát không? Không nhất thiết phải sử dụng mọi nhạc cụ trong một bài hát, mà chỉ nên chọn những nhạc cụ phù hợp.

Bài hát này có quen thuộc không? Hội chúng không thể thích nghi ngay với bài hát mới. Hãy gắn bó với giai điệu cơ bản và các bài hát trọng tâm của Hội Thánh mình rồi phát triển từ đó. Đôi khi bạn phải thừa nhận rằng: “Đó là một bài hát tuyệt vời, nhưng tôi không nghĩ mọi người đều sẽ hát được.”

8. Học thêm những bài hát mới và mở rộng tầm hiểu biết về âm nhạc

Điều này không nhất thiết phải diễn ra quá thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cần học một bài hát mới và làm quen với thể loại âm nhạc mới, có thể là Biệt Thánh Ca từ nước ngoài, hoặc một bài Thánh Nhạc thời xa xưa. 

Thật tốt khi được nhắc nhở rằng chúng ta thuộc về một Hội Thánh chung trên toàn cầu với truyền thống âm nhạc lâu đời.

9. Lời bài hát phải phù hợp với giai điệu và nhạc cụ

Giai điệu nên hỗ trợ chủ đề của bài hát. Lời hát khác nhau mang đến tâm trạng khác nhau. 

Ví dụ, bài hát sôi nổi sẽ không phù hợp trong khung cảnh đau buồn của tang lễ, chia ly. Hay giai điệu từ từ sẽ không lột tả được trạng thái mừng Chúa Phục sinh đắc thắng.

Phong cách âm nhạc không phải là phạm trù cứng nhắc. Không có ranh giới rõ ràng giữa đương đại và truyền thống, cổ điển và đại chúng, hay trình độ văn hóa cao và thấp. 

Không cần phải đưa ra những quy tắc tuyệt đối về phong cách âm nhạc, nhưng chúng ta cần phải lựa chọn thông minh.

10. Lời bài hát phải chính xác với Lời Kinh Thánh

Chúng ta phải bắt đầu bằng câu hỏi: lời bài hát này có đúng không? Không chỉ đúng, mà còn chính xác với Kinh Thánh. Nghĩa là, chúng ta không cần phải thay đổi lời bài hát để khiến mọi thứ ổn hơn. Chúng ta đang tìm kiếm sự rõ ràng. Không nên chọn những bài hát khiến chúng ta phải tự hỏi “chính xác thì lời hát này có nghĩa là gì?”

Lời bài hát phải dạy dỗ mọi người về Chúa. Nếu chúng ta không được học kiến thức Thần Học và lẽ thật Kinh Thánh qua lời ca ngợi, thì có thể là do chúng ta không quan tâm nhiều đến lời bài hát, hoặc chúng ta không quan tâm nhiều đến sự phong phú trong lẽ thật Kinh Thánh, hoặc cả hai.

 

Bài: Kevin DeYoung; dịch: Jennie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *