Oneway.vn – Những câu chuyện Phúc Âm và tinh thần Tin Lành đã được đưa lên màn ảnh như thế nào?
Di sản của cuộc cải chánh Tin Lành đã vang vọng qua nhiều thế kỷ trong hầu hết mọi lĩnh vực cuộc sống. Vậy còn lĩnh vực điện ảnh thì sao? Những câu chuyện Phúc Âm và tinh thần Tin Lành đã được đưa lên màn ảnh như thế nào?
Mặc dù có rất nhiều nhân vật trong phim ảnh là Cơ Đốc nhân (và đáng buồn thay, họ thường là những nhân vật phản diện), một số ít phim về Martin Luther, nhưng liệu có bộ phim nào đã truyền tải một cách đúng đắn những lẽ thật của Tin Lành, dù chỉ là gián tiếp?
Tôi cùng với một số biên kịch và học giả điện ảnh Cơ Đốc đã nghiên cứu về câu hỏi này, và đề xuất những bộ phim mang tính chất “Tin Lành”, hoặc bày tỏ quan điểm đúng đắn về một chân lý Tin Lành cụ thể, đặc biệt là sola gratia – quan điểm cho rằng sự cứu rỗi không đến bởi việc làm mà bởi ân điển ban cho những kẻ không xứng đáng.
Dưới đây là 20 bộ phim chúng tôi đề xuất cho bạn: có thể đây không phải là những bộ phim “tôn giáo” thuần túy, nhưng vẫn phản ánh các quan điểm thần học và các luận đề của cuộc cải chánh:
1. Ordet – Ngôi Lời (Carl Theodor Dreyer, 1955): Được quay dựng theo phong cách tối giản, chậm rãi nhằm lột tả quang cảnh đơn sơ, lòng mộ đạo khắt khe và những cảm xúc kìm nén trong bối cảnh vùng nông thôn Đan Mạch, bộ phim của Dreyer tuy không dễ cảm thụ nhưng rất đáng để bõ công.
Ordet (tiếng Đan Mạch là “Ngôi Lời”) thể hiện chân lý trọng tâm của Tin Lành, rằng con người có được sự cứu rỗi nhờ mối thông công cá nhân với Chúa Jêsus, chứ không phải chỉ cần gia nhập một tổ chức tôn giáo “chuẩn mực” là đủ.
Mỗi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi tận hiến trọn cuộc đời mình để hết lòng bước theo Đấng Christ. Và trong phim, Dreyer nhắc chúng ta nhớ “cuồng tín” khác với “phép lạ” như thế nào – kiểu đức tin mù quáng như vậy xuất hiện ở ngay cả trong nơi được gọi là “văn minh Cơ Đốc”.
[Xem free trên M4U] – John McAteer (Ashford University)
2. Chariots of Fire (Những cỗ xe rực lửa) (Hugh Hudson, 1981): Khi viết những dòng này, tôi đang ở thị trấn St. Andrews, nơi nhà cải cách Tin Lành John Knox đã giảng những bài giảng đầu tiên tại Hội Thánh Holy Trinity. Chariots of Fire thể hiện niềm tin Cơ Đốc thông qua đức tin của một vận động viên điền kinh Olympic, kiêm nhà truyền giáo của Hội Thánh Scotland Eric Liddell (Ian Charleson).
Eric xem khả năng chạy của mình là ân tứ Chúa ban, đức tin mạnh mẽ của anh tỏa sáng trong từng bước chạy ở mọi chặng đua.
[Mua phim trên Amazon] – Joel Mayward (CineMayward.com; @JoelMayward)
3. Babette’s Feast (Bữa tiệc của Babette) (Gabriel Axel, 1987): Bộ phim của Gabriel Axel được dàn dựng công phu, dựa trên một giai thoại được viết bởi Isak Dinesen, kể về một người tị nạn Pháp (Stéphane Audran) sống trong ngôi làng cổ ở Đan Mạch vào cuối thế kỷ 19, và cách cô bất ngờ trở thành nguồn ân điển khi chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn dành cho những kẻ mộ đạo cứng nhắc trong thị trấn.
Trong phân cảnh cuối cùng, những bất hòa cũ nhường chỗ cho lòng tha thứ và giải hòa, giúp khán giả thấy được một kế hoạch ẩn giấu khôn ngoan tài tình, bày tỏ sự hiện diện thiên thượng giữa những vật chất thế tục tầm thường. [Mua phim trên Amazon] — Nathaniel Bell (Azusa Pacific University)
4. Le Fils (The Son) (Con Trai) (Luc và Jean-Pierre Dardenne, 2002): Anh em nhà làm phim người Bỉ Jean-Pierre và Luc Dardenne đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh đầy xúc động hàm ý bày tỏ về ân điển lớn lao.
Người thợ mộc Olivier (Olivier Gourmet) đã nhận cậu thiếu niên Morgan Marinne vào học nghề và chỉ bảo cho cậu, mặc dù vẫn còn do dự vì cậu có những hành vi khác thường. Khán giả không khỏi hồi hộp về những động cơ đáng ngờ của Olivier, cho đến khi phân cảnh cuối cùng bùng nổ với cảm giác xúc động về lòng nhân từ mãnh liệt.
Với phong cách mang đậm chủ nghĩa hiện thực, Le Fils không đi theo khuôn mẫu và phá vỡ mọi suy đoán của khán giả. Bộ phim là một trải nghiệm tuyệt vời về cả phần nghe và phần nhìn. [Mua phim trên Amazon] — Joel Mayward (Cinemayward.com; @JoelMayward)
5. The Return (Sự trở về) (Andrey Zvyagintsev, 2003): Trong The Return—một bộ phim Nga khai thác những khía cạnh phức tạp trong tình cảm cha con—Ivan trẻ tuổi (Ivan Dobronravov) vừa khóc vừa hỏi người cha xa cách đã lâu của mình (Konstantin Lavronenko): “Tại sao cha quay lại? Cha có cần chúng con đâu”. Người cha đã trả lời thế nào? “Cha muốn bên cạnh các con”.
Trọng tâm của bộ phim này là cách người cha chinh phục các con mình, mang đậm nét đặc trưng Cơ Đốc. Người cha bẻ bánh và rót rượu cho các con vào bữa ăn tối, dành thời gian cùng con chèo thuyền câu cá rồi đốt lửa bên bãi biển, và đuổi theo khi các con phá phách. Mặc dù hành động của người cha đôi lúc nghiêm khắc, nhưng luôn luôn xuất phát từ tình yêu thương. [Mua phim trên Amazon] — Brett McCracken (@BrettMcCracken)
6. Sophie Scholl: The Final Days (Những ngày cuối cùng của Sophie Scholl) (Marc Rothemund, 2005): Rất ít phim nào khắc họa rõ rệt tinh thần cuồng nhiệt của cuộc cải chánh như bộ phim của Marc Rothemund, Sophie Scholl: The Final Days – một câu chuyện của thế kỷ 20 sánh ngang với Foxe’s Book of Martyrs (Sách Của Các Nhà Tuận Đạo).
Bộ phim kể chi tiết về những ngày cuối cùng của một thành viên 21 tuổi trong phong trào kháng chiến chống phát xít Đức. Đó là một câu chuyện cảm động sâu sắc về đức tin và lòng dũng cảm khi bị bắt bớ—và cách Đức Chúa Trời sử dụng những phương tiện lạ lung để làm kim chỉ nam cho lẽ thật. Đây là bộ phim về đức tin hay nhất. [Xem free trên YouTube] — David Kern (@DaKern)
7. Secret Sunshine (Ánh dương bí mật) (Lee Chang-dong, 2007): Bộ phim chính kịch đầy bi thảm, tàn khốc của nhà làm phim Hàn Quốc Lee Chang-dong kể về một người phụ nữ sầu thảm tìm được niềm an ủi giữa vòng các Cơ Đốc nhân. Trong phim, có một phân cảnh phản ánh về ân điển cực kỳ nổi bật, và cũng không kém phần nghiệt ngã. Shin-ae (Do-yeon Jeon) vào tù thăm kẻ giết con trai mình và muốn trực tiếp nói lời tha thứ cho hắn. Nhưng, cô bị sốc khi biết rằng hắn đã trở thành Cơ Đốc nhân trong tù và tiếp nhận ân điển của Chúa. “Chúa … đã tha tội cho cậu rồi ư?” – Cô bàng hoàng lẩm bẩm. “Đúng vậy” – anh ta trả lời – “Tôi đã ăn năn và được Chúa tha thứ, nên giờ đây tôi được bình an”.
Giống như rất nhiều người khác, Shin-ae không thể chấp nhận kiểu ân điển này: chỉ có Chúa mới có thể ban cho, và sẵn sàng ban ân điển vô điều kiện cho cả kẻ sát nhân lẫn nạn nhân vô tội. [Xem free trên Puncrele] — Brett McCracken (@BrettMcCracken)
8. The Road (Hậu Tận Thế) (John Hillcoat, 2009): Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết năm 2006 của Cormac McCarthy, khai thác kỹ càng về một thế giới bại hoại hoàn toàn. Khung cảnh u ám, hoang tàn, hậu tận thế của bộ phim thật rùng rợn và ảm đạm. Nhưng trong một thế giới bại hoại, nơi con người bất chấp mọi thủ đoạn ấy, có một người cha (Viggo Mortensen) và con trai (Kodi Smit-McPhee) đã kinh nghiệm lòng thương xót, ân điển, tình yêu không điều kiện và sự hy sinh – cả hai đều thể hiện những điều ấy, và quan trọng hơn cả là đón nhận những điều ấy với lòng biết ơn. [Xem free trên Youtube] — Brett McCracken (@BrettMcCracken)
9. True Grit (Báo thù) (Joel và Ethan Coen, 2010): Joel và Ethan Coen là hai nhà làm phim Cựu Ước, nhưng họ đã lấn sân sang Tân Ước với phiên bản làm lại của bộ phim phim John Wayne Western, kể về một cảnh sát trưởng người Mỹ nghiện rượu (Jeff Bridges) được một cô gái trẻ (Hailee Steinfeld) thuê để bắt gã đã sát hại cha cô. Đó là một nhiệm vụ trả thù sai trái, và liên tục bị cáo trách bởi những ca từ trích trong bài Thánh ca vĩ đại của Solus Christus: “Giờ mà tôi dựa nương tay Chúa vĩnh sinh”. [Mua phim trên Amazon] — Josh Larsen (Think Christian/Filmspotting)
10. The Interrupters (Những người can thiệp) (Steve James, 2011): Những gì chúng ta “xứng đáng” phải nhận sẽ không còn quan trọng nữa, một khi chúng ta đã được cứu chỉ bởi ân điển. Lẽ thật ấy được lột tả trong bộ phim tài liệu xúc động nói về một chiến dịch can thiệp tội phạm ở Chicago.
Khi đối mặt với một thiếu niên vướng vào bạo lực, thì thay vì còng tay, “người can thiệp” sẽ rao truyền sứ điệp hòa giải bằng cách hỏi: “Bạn có muốn được yêu thương không? Chắc chắn có. Bạn có nghĩ rằng mình xứng đáng được yêu thương không? Chắc chắn có”. Nói cách khác, tình yêu thương của Chúa dành cho cô thậm chí còn cao cả hơn, bất kể cô đã làm hay chưa làm gì. [Mua phim trên Amazon] — Josh Larsen (Think Christian/Filmspotting)
11. The Mill and the Cross (Lech Majewski, 2011): Bộ phim tuyệt mỹ và gay cấn này của nhà làm phim người Ba Lan, Lech Majewski, là 95 phút lột tả cuộc khổ nạn của Đấng Christ qua những nhân vật trong bức họa “Con đường thương khó” của Pieter Bruegel vào thế kỷ 16. Bức họa của Bruegel mô tả cuộc đàn áp tàn bạo của người Tây Ban Nha với phong trào cải chánh ở Hà Lan. Trong phim cũng giống trong tranh, Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá bởi quân đội Tây Ban Nha, mặc dù toàn bộ phim không bao giờ chiếu cận cảnh khuôn mặt Chúa Jêsus. Bruegel nói trong phim: “Ai nấy đều nhìn vào Si-môn” – người đang phụ vác thập tự giá – “chứ không nhìn vào Đấng Cứu Rỗi”. [Mua phim trên Amazon] — Emily Belz (World Magazine)
12. The Tree of Life (Cây sự sống) (Terrence Malick, 2011): Kiệt tác của Malick là một bán tự truyện về mối quan hệ khó khăn của anh với người cha khắc nghiệt (Brad Pitt) ở Texas vào những năm 1950. Lấy chủ đề và cấu trúc song song từ cả sách Gióp và Tự thuật của Augustine, Malick đưa một câu chuyện nhỏ nói về quá trình trưởng thành vào bối cảnh vĩ đại trải dài từ kỳ sáng tạo cho đến ngày tận thế, tiết lộ ý nghĩa tối hậu trong cuộc đời của mỗi người và dạy chúng ta nhìn xem vinh quang Chúa đang vận hành trong thiên nhiên tuyệt đẹp, trong đời sống hàng ngày và cả trong nỗi đau của chúng ta. [Xem free trên Puncrele] — John McAteer (Ashford University)
13. The Kid With a Bike (Cậu Bé Với Chiếc Xe Đạp) (Luc và Jean-Pierre Dardenne, 2012): Bộ phim hiện thực xã hội gai góc này của anh em nhà Dardenne người Bỉ (Jean-Pierre và Luc) tập trung vào một cậu bé thiếu niên (Thomas Doret) luôn thương nhớ người cha đã bỏ rơi mình, và mối quan hệ của cậu với người thợ làm tóc (Cécile de France), là người đã đứng ra bênh vực và bảo vệ cậu. Dardennes dốc toàn lực để mô tả tình huống thực tế một cách khách quan, cho nên khi ân điển được bày tỏ qua tình yêu thương một cách dồi dào và bất ngờ, bộ phim bỗng được bao trùm bởi sự thăm viếng thiêng liêng [Xem free trên Vimeo] — Nathaniel Bell (Azusa Pacific University)
14. All is Lost (Mất tất cả) (J. C. Chandor, 2013): Bộ phim giật gân “sống sót trên biển” này kể về Robert Redford bị lạc ở Ấn Độ Dương một mình và thuyền của anh lênh đênh trên mặt nước. Đến tận những giây cuối cùng, bộ phim là bức chân dung lột tả bản năng của một con người lạc lối tận dụng tất cả trí thông minh, lòng can đảm và sức mạnh mình có để tìm cách tự cứu lấy mình. Nhưng liệu bấy nhiêu đã đủ để cứu anh ta chưa? Hay cuối cùng, sự cứu giúp sẽ đến từ bên ngoài? [Xem free trên Youtube] — Brett McCracken (@BrettMcCracken)
15. Captain Phillips (Thuyền trưởng Phillips) (Paul Greengrass, 2013): Với thông điệp “chúng ta cần phải cảm nhận bản thân bất lực hoàn toàn để có thể tiếp nhận ân điển vô điều kiện của Chúa”, Captain Phillips với sự tham gia của diễn viên Tom Hanks trong vai vị thuyền trưởng có thật của một con tàu chở hàng bị cướp biển Somali đánh cướp vào năm 2009. Phillips cố gắng giành lại tay lái, nhưng cuối cùng, sự cứu giúp lại đến hoàn toàn từ ngoại lực chứ không phải chính bản thân ông. C.S.Lewis từng công nhận rằng “chúng ta sinh ra đã bất lực”. Đôi khi chúng ta phải suy sụp như Phillips ở cuối phim thì mới chịu thừa nhận điều đó. [Xem free trên Bilibili] — Josh Larsen (Think Christian/Filmspotting)
16. Short Term 12 (Rắc rối tuổi teen) (Destin Daniel Cretton, 2013): Short Term 12 là một trong những bộ phim khai thác chạm đến sâu thẳm tấm lòng Đức Chúa Trời – và thúc đẩy chúng ta noi gương Ngài. Bộ phim theo chân Grace (Brie Larson), công việc của Grace là coi sóc một trung tâm dành cho trẻ vị thành niên gặp vấn đề và những bạn trẻ được nhận nuôi. Mặc dù câu chuyện của các nhân vật khá thô kệch và nặng nề, nhưng Short Term 12 để lại ấn tượng với niềm vui và hy vọng hơn là nỗi buồn và cảm giác mất niềm tin vào cuộc sống. Nhấn mạnh vào việc bày tỏ tình yêu thương và lòng thương xót đối với những thiếu niên kém cỏi nhất, bộ phim đưa người xem đến với cái nhìn Cơ Đốc về lòng thương xót và hy sinh quên mình. [Xem free trên Soap2dayHD] — David Roark (@DavidRoark)
17. The Overnighters (Jesse Moss, 2014): The Overnighters là câu chuyện về cơn sốt vàng kinh điển tại Mỹ, một bộ phim tài liệu về sự bùng nổ của phương pháp khai thác thủy lực ở Bắc Dakota. Nhưng nhân vật chính lại là Jay Reinke, mục sư của Giáo hội Luther Missouri Synod ở Williston, Bắc Dakota, nhà thờ tại đây mở cửa đón nhận những người vô gia cư, những cựu tù nhân không thân nhân và những người nghiện ma túy trên khắp thị trấn. Bộ phim phản ánh nhu cầu của cả các cựu tù nhân lẫn mục sư về ân điển và sự tha thứ. [Xem free trên Vimeo] — Emily Belz (World Magazine)
18. Selma (Giấc Mơ Thay Đổi Thế Giới) (Ava DuVernay, 2014): Bộ phim của DuVernay không chỉ nói về biểu tượng Tin Lành – Mục sư Martin Luther King, Jr. (David Oyelowo) và việc ông bị tấn công khi đang diễu hành ôn hòa, mà còn nói về cách kẻ yếu sẽ trở nên mạnh mẽ, kẻ bị hạ xuống sẽ được nhấc lên, và những thứ tưởng như đã chết sẽ sống lại trong vương quốc Chúa. Có một phân cảnh thực sự ấn tượng: King đến nhà xác và gặp gia đình của Jimmie Lee Jackson – một thanh niên tham gia biểu tình ôn hòa bị quân đội chính phủ giết vào năm 1965. Gặp ông nội của Jackson, King lặng im vài phút để bày tỏ lòng thương tiếc. Cuối cùng King nói: “Tôi không biết phải nói gì. Nhưng tôi có thể đảm bảo với ông một điều chắc chắn rằng: nếu có ai khóc thương cho cháu trai của ông đầu tiên, thì đó chính là Chúa”. [Mua phim trên Amazon] — Emily Belz (World Magazine)
19. Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn) (Denis Villeneuve, 2016): Mở đầu có vẻ giống với những bộ phim bom tấn về sự xâm lược của người ngoài hành tinh, Arrival hóa ra lại phản ánh những lẽ thật thần học sâu sắc, và có lẽ là bộ phim khoa học viễn tưởng mô tả Thần học Calvin đúng nhất mọi thời đại. Bên cạnh nỗi đau, lời tiên tri, ý chí tự do và quyền tể trị của Đức Chúa Trời, Arrival còn bày tỏ hình ảnh tuyệt đẹp về sự nhập thể. Tất cả những ý tưởng độc đáo này được truyền tải trên tinh thần khiêm tốn: chúng ta không và không thể biết hết mọi thứ, nhưng chúng ta có thể nhận ra món quà khi chúng ta nhìn thấy nó. [Xem free trên Fmovies] — Brett McCracken (@BrettMcCracken)
20. Silence (Yên lặng) (Martin Scorsese, 2017): Bộ phim của Martin Scorsese được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng năm 1966 của Shusaku Endo theo phong cách đầy gai góc nhưng cũng không kém phần nghệ thuật, kể về cuộc hành trình khám phá ân điển đầy gay cấn. Bộ phim phản ánh nỗi đau, sự nghi ngờ và bội đạo. Kịch bản nói về hai linh mục Dòng Tên (Andrew Garfield và Adam Driver), họ bị bắt bớ của Nhật Bản vào thế kỷ 17 khi đang đi tìm cố vấn của mình. Ngay cả trong giáo hội Công giáo đầy rẫy những luật lệ và lễ nghi khắt khe, Silence vẫn thể hiện sự thành tín của Đức Chúa Trời – tình yêu thương vô lượng vô biên, không thay đổi, bất chấp thái độ vô tín của con dân Ngài. [Xem free trên Soap2dayHD] — David Roark (@DavidRoark)
Bài: Brett McCracken; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply