3 cách chống lại nỗi sợ khi bạn ở trong Chúa

Oneway.vn – Nhiều năm trước, tôi vật lộn với nỗi sợ hãi liên tục về căn bệnh Lyme của mình tái phát với những tổn thương tiềm tàng sẽ làm suy nhược cơ thể vốn đã yếu ớt của tôi. 

Mỗi ngày, tôi chống chọi với những suy nghĩ về tương lai: Liệu tôi có bao giờ được chữa lành khỏi Lyme không? Tôi sẽ lấy lại năng lượng của mình, hay phải quen với những cơn mệt mỏi mãn tính? Tôi còn có thể có con? Chúa sẽ vẫn chăm sóc tôi chứ?

Không thể hòa thuận với Đức Chúa Trời trong nghịch cảnh sẽ gây tổn hại cho niềm tin của chúng ta. Tâm trí chúng ta quay cuồng với những câu hỏi chưa được trả lời: Điều gì sẽ xảy ra nếu vợ/chồng tôi chết trong một tai nạn bất ngờ? Nếu tôi mất đứa bé này thì sao? Điều gì xảy ra nếu kết quả xét nghiệm của tôi dương tính? Nếu tôi không tìm thấy một công việc khác thì sao? Nhưng chúng ta thường không đặt câu hỏi quan trọng nhất: Làm thế nào tôi có thể học cách tin cậy Chúa bất kể điều gì xảy ra?

Thi thiên 34 – bài thơ tuyệt vời của tác giả Đa-vít về sự tốt lành của Chúa, giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Đa-vít dùng thể thơ chữ đầu (acrostic) thể hiện tấm lòng vô lượng của Đức Chúa Trời qua bảng chữ cái tiếng Hebrew – là một cách thể hiện “từ A đến Z” bản chất nhân từ của Thượng Đế.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đa-vít phấn đấu hằng ngày bằng tình yêu thương của Chúa. Điều này được thể hiện qua nhiều phân đoạn Kinh Thánh (xem Thi Thiên 68-70). Khi những thử thách ập đến, và cái bóng sự chết bao trùm lấy ông, Đa-vít đã dựa vào điều ông tin chắc và luôn luôn đúng: Chúa là Đấng tốt lành.

Trong Thi Thiên 34, Đa-vít hướng dẫn chúng ta qua ba bước để tin cậy Chúa và chiến đấu với nỗi sợ hãi của chúng ta.

1. Chống lại nỗi sợ bằng sự ngợi khen.

Theo Thi Thiên 34, Đa-vít là một thanh niên kiệt sức và đau khổ, người đã chạy trốn khỏi Sau-lơ – vua Israel, người đã cố tìm cách giết Đa-vít.

Bạn có thể tưởng tượng được tình cảnh bị đuổi giết? Không có nơi gối đầu vì đang lẩn trốn trong hang động? Không biết tin tưởng ai? Thật kinh hoàng! Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh đáng sợ của mình, Đa-vít ca ngợi Chúa: “Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi.” (Thi Thiên 34:1)

Đa-vít biết có sức mạnh trong lời khen ngợi, giống như cũng có sức mạnh đằng sau sự sợ hãi. Chọn ca ngợi Chúa về những đặc tính chân thật, đáng tôn của Ngài, Đa-vít đã vượt qua sự nghi ngờ và sợ hãi bằng Lẽ thật. Thay vì đi theo cảm tính, ông điều hướng tấm lòng mình. Đa-vít đặt sự ca ngợi Chúa ở môi miệng mình khiến cho tấm lòng ông cũng luôn trong tâm thế ngợi khen Chúa.

Chúng ta cũng có thể làm như vậy: để đức tin ngày một trưởng thành hơn trong sự tốt lành của Chúa, chúng ta sống theo định nghĩa của niềm tin: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11: 1). Chúng ta ca ngợi Chúa ngay cả khi tâm trí và con tim chúng ta đang chịu thử thách. Chúng ta bước đi bởi đức tin không phải bằng mắt thấy.

2. Chống lại nỗi sợ hãi bằng sự hồi tưởng

Tiếp theo, Đa-vít nói về thời gian ông giả vờ điên loạn để trốn thoát khỏi kẻ thù (xem 1 Sa-mu-ên 21). Ông kể lại sự tốt lành của Chúa đã giải cứu ông: “Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, Giải cứu người khỏi các điều gian truân.” (Thi Thiên 34:6)

Ghi nhớ sự tốt lành của Chúa một cách có ý thức sẽ giúp chúng ta làm mạnh mẽ hơn đức tin nơi Ngài. 

Trong bài bình luận về Thi Thiên 34, Charles Spurgeon nói: “Thật tốt khi chúng ta khắc cốt ghi tâm những phước lành của Chúa như cách người ta ghi khắc những đài tưởng niệm”. Đó chính xác là những gì Đa-vít làm.

Kinh Thánh đầy những kỷ niệm. Chúa thường truyền cho dân Ngài ghi nhớ các công việc Ngài làm (Giô-suê 4:7; Lu-ca 22:19). Tại sao? Bởi vì Ngài biết chúng ta hay quên, và Chúa biết sự tưởng nhớ sẽ củng cố niềm tin và giúp chúng ta chiến đấu với nỗi sợ hãi.

Vì vậy, khi bạn tranh đấu với nỗi sợ hãi, hãy nhớ lại sự thành tín của Chúa:

Chúa đã cứu bạn bằng ân điển Ngài như thế nào?

Chúa đã đáp lời cầu nguyện ra sao?

Ngài đã cứu bạn khỏi những rắc rối nào?

Chúa giúp bạn vượt qua những nỗi sợ ra sao – dù ở mức độ nào đi chăng nữa?

3. Chống lại nỗi sợ bằng viễn cảnh vĩnh cữu

Đa-vít đưa bài thơ lên cao trào với lời tuyên bố về sự tốt lành của Chúa, và một lời khích lệ đối với con dân Ngài:

“Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài! Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính sợ Ngài; Vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết. Sư tử tơ bị thiếu kém, và đói; Nhưng người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” (Thi Thiên 34:8-10)

Chúng ta thường nghi ngờ sự tốt lành của Chúa khi Ngài cất đi, thay đổi hoặc giữ lại điều gì đó mà chúng ta cho rằng chúng ta cần hoặc xứng đáng. Đôi khi những mất mát vô cùng nặng nề, và đôi khi chúng là những thiếu thốn hàng ngày, phổ biến đối với nhiều người trong chúng ta. Trong bất kỳ đau khổ nào, dù nhỏ bé hay đến mức khiến cuộc sống chúng ta đảo lộn, Thi Thiên 34 bày tỏ niềm hy vọng nhất định của chúng ta: “kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết. Người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì.”

Với Chúa, ngay cả khi mất đi điều gì đó tốt đẹp, chúng ta vẫn chẳng thiếu gì. Với Chúa, ngay cả khi gặp điều tồi tệ, chúng ta vẫn có mọi điều tốt lành.

Nhưng làm sao có thể được?

Thi Thiên dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Thế và là Chúa Phục Sinh. Tội lỗi khiến chúng ta xứng đáng nhận sự chết. Nhưng, thật đáng ngạc nhiên, Chúa ban cho chúng ta điều gì? Chúng ta có thể nhìn lại Thi Thiên 34 để thấy câu trả lời: “Đức Giê-hô-va chuộc linh hồn của kẻ tôi tớ Ngài; Phàm ai nương náu mình nơi Ngài ắt không bị định tội.” (Thi Thiên 34:22)

Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc – chính là Con Một của Ngài. Ngài ban một nơi nương tựa khỏi sự định tội mà chúng ta phải chịu. Khi những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất qua đi (hoặc sợ chúng có thể xảy ra), chúng ta có thể thử để thấy lòng nhân từ của Chúa giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh. 

Sự khổ nạn đến mức mồ hôi tuôn như máu khi Chúa đối diện nỗi sợ lớn nhất – uống chén phạt của Đức Chúa Trời trên thập tự giá – cũng qua đi khi Ngài gánh thay sự chết của chúng ta trên thánh giá. 

Lòng tin của chúng ta vào sự tốt lành của Chúa sẽ tăng lên khi chúng ta nếm biết sức mạnh trong sự phục sinh của Chúa Jesus. Ngài đã vượt qua sự chết – là điều mà chúng ta không bao giờ tự “thử chết” được để chúng ta được dầm thấm trong tình yêu thương và sự sống vĩnh cửu. 

 

Bài: Kristen Wetherell; dịch: Janebie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *