Oneway.vn – Đấng Christ không kêu gọi chúng ta thay đổi lòng người. Ngài cần chúng ta gieo giống, còn biến đổi tấm lòng là việc của Ngài.
Trên bước đường theo Chúa, chúng ta tin vào tầm quan trọng của việc truyền bá Phúc Âm, nhưng lại không chắc niềm tin đó có thể trở thành hành động thực tế hay không.
Tôi thường nghẹn lời khi nói đến việc truyền giảng. Tôi phải nói gì bây giờ? Phải lèo lái cuộc trò chuyện như thế nào để tôi có thể nói về Đấng Christ? Làm sao để tiếp tục chia sẻ nếu bạn tôi muốn biết thêm?
Có những lần tôi liên tục bị từ chối. Đôi khi mọi người không muốn nghe vì họ không quan tâm. Nhưng qua những tranh đấu, Chúa đã dạy tôi ba điều về cách truyền giáo hiệu quả.
1. Can đảm
Phao-lô viết trong thư Phi-líp: “Điều tôi mong mỏi và hi vọng là sẽ không bị hổ thẹn về điều gì cả, nhưng thừa lòng can đảm, để bây giờ cũng như trong mọi lúc, dù sống hay chết, thì Đấng Christ vẫn được tôn vinh trong đời sống tôi” (Phi-líp 1:20).
Câu 27 và 28a: “Điều cốt yếu là anh em phải sống xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ, để khi đến thăm anh em hay lúc vắng mặt, tôi đều nghe rằng anh em vẫn đứng vững, đồng tâm chí, đồng lòng cùng chiến đấu vì đức tin của Tin Lành, và không hề sợ hãi bất cứ điều gì từ những kẻ chống đối”.
Nói về xác thịt, cuộc sống không hề công bằng với Phao-lô. Ông đang cống hiến cuộc đời để rao giảng Phúc Âm, nhưng lại bị cầm tù và có thể phải trả giá bằng mạng sống. Nhưng ông can đảm vì có Chúa. Phao-lô không cầu xin Chúa giải thoát mình khỏi nhà tù, vì ông hiểu rằng Chúa đang hành động trong sự khôn ngoan Ngài, và Ngài sẽ chiến thắng.
Tương tự, công việc truyền giảng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chúng ta có thể bị phản đối và chối từ. Chúng ta có thể đánh mất mối quan hệ. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta truyền giáo. Đấng Christ không kêu gọi chúng ta thay đổi lòng người. Ngài cần chúng ta gieo giống, còn biến đổi tấm lòng là việc của Ngài.
Chúng ta có hy vọng, vì bất kể người khác phản ứng như thế nào khi chúng ta truyền bá Phúc Âm, Chúa vẫn đang làm việc vì danh Ngài. Ngài sẽ làm những công việc vượt xa trí óc hạn hẹp của chúng ta, vì Ngài là Đức Chúa Trời tốt lành tối cao, Đấng luôn quan tâm đến con dân Ngài.
2. Lời chứng cá nhân
Nghe có vẻ giáo điều và rập khuôn khi cố gắng nói về Chúa Jêsus cho người khác. Khi bắt đầu nói về tội lỗi, Cứu Chúa Jêsus Christ, Thập tự giá, phục sinh và những việc xảy ra từ 2000 năm trước, mọi người có thể đặt câu hỏi: “Điều này liên quan gì đến tôi? Sao tôi biết có thật hay không?” Sử dụng quá nhiều biệt ngữ tôn giáo chỉ khiến mọi người lạc lối.
Không cách nào chia sẻ Tin Lành Đấng Christ tốt hơn là kể câu chuyện của chính bạn: Đức Chúa Trời ở cùng tôi như thế nào, Ngài đã làm việc ra sao trong cuộc đời tôi, và tại sao Ngài là Đấng quan trọng hơn hết thảy.
Sách Lu-ca ghi lại việc Chúa chữa lành người bị quỷ ám. Sau khi phép lạ xảy ra, Chúa Jêsus nói: “‘Con hãy về nhà, thuật lại những việc lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm cho con’. Vậy người ấy đi, rao truyền khắp thành những điều lớn lao mà Đức Chúa Jêsus đã làm cho mình” (Lu-ca 8:39).
Thật ra, người này đang truyền giáo! Ngày nay chúng ta cũng có thể làm được như vậy.
Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta một câu chuyện khác nhau để chia sẻ. Khi bày tỏ những kỷ niệm thân mật trên bước đường với Chúa Jêsus, chúng ta đang vẽ nên một bức tranh sống động, để mọi người thấy được viễn cảnh đời sống tuyệt vời của chính họ khi nhận được tình yêu thật sự. Chúng ta cho họ thấy rằng Cơ Đốc giáo vẫn luôn tuyệt vời dù là xưa hay nay. Bức tranh ấy giúp mọi người thấy rằng cuộc sống này sẽ trở nên có mục đích ý nghĩa đến thế nào.
Hơn nữa, việc chia sẻ lời chứng cá nhân cũng nhắc nhở chính chúng ta về tình yêu Chúa, củng cố đức tin chúng ta trong quá trình này.
3. Cầu nguyện
Cầu nguyện là điều cực kỳ quan trọng. Trong công việc truyền giáo, chúng ta đang đối diện với những vấn đề tâm linh.
Rất có thể, chính kẻ thù đang đứng sau những tấm lòng cứng cỏi, không hưởng ứng sứ điệp Phúc Âm. Đó là lý do chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, chống lại kẻ thù đang cản trở công việc truyền giáo.
Chúng ta phải cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan để nói những lời thích hợp, vào đúng thời điểm, cho đúng người. Chúng ta phải cầu nguyện để có đồng một tâm tình với Chúa và đồng đi với Thánh Linh.
Với lời cầu nguyện, chúng ta hành động. Qua 1 Sa-mu-ên 14, Chúa dạy chúng ta tầm quan trọng của kết hợp cầu nguyện với hành động khi truyền bá Phúc Âm. Trong phân đoạn này, Giô-na-than và người vác binh khí của ông đang băng qua lãnh thổ Phi-li-tin, với đức tin rằng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng họ để đánh bại kẻ thù.
“Giô-na-than nói với người vác khí giới cho ông: ‘Nào, chúng ta hãy tiến sang đồn của những kẻ chẳng chịu cắt bì kia. Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ hành động vì chúng ta. Dù ít người hay nhiều người, không có gì cản trở Đức Giê-hô-va cho chúng ta chiến thắng’.” (1 Sa-mu-ên 14:6)
Giô-na-than có thể cầu xin Đức Chúa Trời giáng lửa xuống người Phi-li-tin và tiêu diệt họ. Nhưng ông không làm vậy. Giô-na-than biết rằng trận chiến là của Chúa – nhưng Chúa sẽ sử dụng ông để chiến đấu. Ông chắc chắn thanh gươm của mình đủ sắc bén, và tin cậy Chúa sẽ sử dụng ông để đánh bại quân Phi-li-tin.
Đây là lý do chúng ta phải kết hợp cầu nguyện và hành động. Khi cầu nguyện, chúng ta giải quyết vấn đề thuộc linh. Khi hành động, chúng ta giải quyết vấn đề thể xác. Khi kết hợp cả hai, chúng ta được chứng kiến công trình vĩ đại của Đức Chúa Trời.
Còn rất nhiều điều Chúa sẽ bày tỏ cho chúng ta trong công việc truyền giáo, nếu chúng ta mở lòng đón nhận. Đừng bỏ lỡ cơ hội, chúng ta hãy cùng nhau làm công việc Chúa!
Bài: Eugene Tan; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thirst.sg)
Leave a Reply