3 dấu hiệu đã đến lúc bạn nên buông bỏ

Oneway.vn – Chúng ta thường cố chấp giữ lấy một điều gì đó quá lâu: có thể là mối quan hệ mà chúng ta biết là không đẹp lòng Chúa, hay một công việc không phù hợp.

Chúng ta thường cảm thấy thật sai trái khi bỏ cuộc. Rồi chúng ta bắt đầu suy nghĩ: “Những kẻ bỏ cuộc không bao giờ thành công”, “Đừng bỏ cuộc”. Khi nghĩ đến việc buông bỏ, cảm giác tội lỗi và sợ sệt bỗng ập đến. Vì vậy, chúng ta tiếp tục kiên trì và nỗ lực theo đuổi, ngay cả khi việc đó chẳng dẫn chúng ta đến đâu cả.

Mặc dù Kinh Thánh nói rất nhiều về việc không bỏ cuộc (Lu-ca 18:1, 2 Cô-rinh-tô 4:1, Ga-la-ti 6:9, Hê-bơ-rơ 12:3), nhưng điều này liên quan đến việc tìm kiếm Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài, chứ không phải là ngoan cố giữ chặt một công việc, một mối quan hệ hoặc một thói quen vì danh dự hoặc sợ hãi.

Như Truyền-đạo 3:3 chép, “Có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất”. Việc nhận biết khi nào nên từ bỏ và việc gì cần từ bỏ đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm về động cơ của mình, và hành động theo sự khôn ngoan Chúa ban, cho đến khi chúng ta trở nên trưởng thành và giống với hình ảnh Đấng Christ.

Mục sư John Piper đã nói: “Đôi khi việc bỏ cuộc biểu hiện sự yếu kém về tính cách hoặc thiếu đức tin nơi sự chu cấp của Đức Chúa Trời. Nhưng cũng có những trường hợp, việc từ bỏ biểu hiện sự mạnh mẽ trong tính cách và đức tin nơi Đức Chúa Trời”.

Dưới đây là ba gợi ý giúp chúng ta quyết định lúc nào nên buông bỏ:

  1. Việc đó khiến chúng ta dễ phạm tội hơn

Nghe có vẻ đây là điều hiển nhiên, nhưng tội lỗi có cách xâm nhập vào cuộc sống chúng ta mà không bị chú ý, ngụy trang như những hành động “bình thường” và “chính đáng”.

Liệu công việc chúng ta làm có đang cám dỗ chúng ta đi ngược lại lương tâm và những gì Kinh thánh dạy không? Bạn có nói dối, che đậy, hoặc không nói toàn bộ sự thật không?

Liệu một người thân thiết có đang quyến rũ chúng ta phạm tội không? Hay bất kỳ thói quen không lành mạnh nào đang diễn ra hằng ngày như xem phim hoặc chơi điện tử quá nhiều?

Ngay cả khi bạn chưa phạm tội, thì liệu việc tiếp tục theo đuổi những điều đó có khiến bạn rơi vào tình huống cám dỗ và dễ vấp ngã hơn không? Điều đó có ngăn bạn khao khát những việc tốt lành và tin kính không?

Đức Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta làm nhân chứng giữa thế gian cho Ngài (Giăng 17:18), nhưng Ngài cũng nhắc nhở chúng ta phải tránh xa khỏi cái ác và sự cám dỗ (Châm ngôn 22:3, 5; 2 Ti-mô-thê 2:22; 1 Phi-líp 5:8).

Vậy nên, nếu có điều gì trong cuộc sống khiến bạn quay lưng với Đức Chúa Trời và hướng tới tội lỗi, thì có lẽ đã đến lúc buông bỏ.

  1. Nỗi sợ hãi kiềm hãm chúng ta 

Có thể bạn biết rằng nên kết thúc một công việc hoặc một mối quan hệ tiêu cực. Nhưng ý nghĩ từ bỏ và chuyển sang một giai đoạn mới khiến bạn sợ hãi.

Có lẽ bạn sợ rằng việc từ bỏ sẽ:

  • Khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn cho bạn

“Nếu tôi bỏ công việc này, công việc tiếp theo có thể sẽ không được như ý hoặc không có lương cao; tôi sẽ phải điều chỉnh lối sống của mình và tiêu xài ít đi”.

  • Khiến người khác nghĩ xấu về bạn

“Nếu tôi từ bỏ, mọi người sẽ nghĩ tôi thật ngu ngốc, ngay cả khi họ không biết chuyện gì thực sự đang xảy ra”.

  • Làm giảm giá trị bản thân hoặc khiến bạn cảm thấy cô đơn

“Nếu tôi chia tay với anh ấy/cô ấy, tôi sẽ phải cô đơn”.

Những nỗi sợ hãi này nghe có vẻ hợp lý, nhưng ẩn sâu bên trong là do thiếu tin tưởng vào sự chu cấp của Đức Chúa Trời, không sẵn lòng ra khỏi vùng an toàn của mình, hoặc quá sợ hãi việc mất đi thứ mà bạn yêu quý.

Nếu đây là trường hợp của bạn, hãy xem Lời Chúa nói gì về nỗi sợ hãi (Ma-thi-ơ 6: 25-34, Giăng 14:27, Phi-líp 4: 6-7, 2 Ti-mô-thê 1:7), và hãy kính sợ Đức Chúa Trời, nhận biết và sẵn lòng đầu phục quyền năng Ngài, vượt qua mọi nỗi sợ hãi của bạn (Rô-ma 8:31).

  1. Việc đó ngăn chúng ta sống đúng với danh tính Chúa ban

“Tôi yêu công việc này và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ nó, ngay cả khi nó làm mất đi phẩm giá của tôi hoặc khiến tôi phải đánh đổi mọi thứ trong cuộc sống”.

“Tôi yêu người này và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ người ấy, ngay cả khi tôi phải thay đổi con người mình chỉ để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người ấy”.

Thực sự rất khó để từ bỏ điều mà chúng ta yêu thích, đặc biệt nếu điều đó không hoàn toàn trái đạo đức hoặc thiếu lành mạnh. Đôi khi những điều đó không phải là vấn đề, mà cách chúng ta hành động mới là vấn đề. Rất nhiều người bị cuốn vào công việc đến mức bỏ bê các mối quan hệ và thậm chí cả sức khỏe; hoặc vì người mình yêu mà đột nhiên trở thành một người hoàn toàn khác, và bỏ quên tất cả những người khác xung quanh họ.

Thế gian nói rằng “hãy là chính mình và làm những gì mình thích”, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận và yêu bản thân theo cách Đức Chúa Trời nhìn nhận và yêu thương chúng ta (Thi-thiên 139: 13-14, Lu-ca 12: 7, Ma-thi-ơ 22:39, Ê-phê-sô. 5:28 -29, 1 Giăng 3:1). Thay vì điên cuồng theo đuổi những gì mình yêu thích, chúng ta phải trở lại với tình yêu ban đầu (Khải huyền 2: 4-5), Đấng hôm qua, hôm nay và đời đời không hề thay đổi (Hê-bơ-rơ 13: 8).

Khi làm vậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng danh tính của mình không được xác định bởi công việc, mối quan hệ hoặc thói quen mà mình đang cố giữ – mà Chúa nói bạn là ai mới là điều quan trọng.

Dù hiện tại bạn đang ở đâu, hoàn cảnh bạn ra sao, hãy cầu nguyện và hy vọng rằng Đức Chúa Jêsus sẽ luôn là cơ nghiệp và phần thưởng lớn nhất của bạn (Ma-thi-ơ 6:21).

“. . . lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình” (Ê-phê-sô 1:18-19).

Bài: Hannah Go; dịch: Jennie
(Nguồn: ymi.today)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *