4 cách để con cái chúng ta giữ vững đức tin trong cơn thách thức

Oneway.vn – Với những đứa con trai lớn đang ở tuổi thanh thiếu niên, tôi và chồng nhận thức rõ rằng những ngày các con còn ở với mình là ngắn ngủi. 

Với những đứa con trai lớn đang ở tuổi thanh thiếu niên, tôi và chồng nhận thức rõ rằng những ngày các con còn ở với mình là ngắn ngủi. Khi chuẩn bị cho chúng bước ra khỏi vùng an toàn của gia đình, chúng tôi đã cân nhắc về việc làm thế nào chuẩn bị cho các con cách tốt nhất để chúng sống cho Đấng Christ trong những thời điểm khó khăn.

Trải qua đại dịch, căng thẳng chủng tộc và bất ổn chính trị trong những năm gần đây, chúng ta mới được nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đổ nát, bị tàn phá bởi sự nguyền rủa của tội lỗi. Nhưng sự thật là chúng ta luôn luôn sống trong thời kỳ bất định, và không ai trong chúng ta biết ngày mai sẽ ra sao (Gia-cơ 4:14).

Trong khi chúng ta không biết chính xác những thử thách nào các con sẽ đối diện, chúng ta vẫn có thể chuẩn bị chúng để định hướng thế gian. Tôi nhận thấy 2 Ti-mô-thê phù hợp cho các bậc cha mẹ và hội thánh ngày nay. Trong thư này, Phao-lô đưa ra bốn cách chúng ta có thể chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp để sống trung tín dẫu cho bất cứ điều gì xảy đến.

 

  • Giúp chúng hiểu về các thời kỳ.

 

Vài người cho rằng 2 Ti-mô-thê là ý nguyện và chúc thư cuối cùng của Phao-lô nơi ông truyền lại những sự khôn ngoan cuối cho đứa con thuộc linh của mình. Ông viết: “Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn” (2 Ti-mô-thê 3:1) Cụm từ “những ngày cuối cùng” có thể có vài ý nghĩa; trong trường hợp này, Phao-lô dường như muốn nói về thời gian Đấng Christ bắt đầu chức vụ và sẽ còn tiếp tục cho đến lúc Chúa Jêsus trở lại. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng. 

Nếu chúng ta muốn chuẩn bị các con để sống cho Đấng Christ trong thế hệ của chúng, chúng ta cần giúp chúng hiểu đúng về các thời kỳ. Trên thực tế, điều này bắt đầu bằng sự hiểu biết rằng sẽ có “những thời kỳ” hoặc những thời đại của sự “khó khăn” cho các tín hữu. Dầu cho Chúa Jêsus đã chiến thắng trong trận chiến cuối cùng trên thập tự, chúng ta vẫn đang tham gia vào cuộc chiến chống lại tội lỗi diễn ra trên một chiến trường đầy chông gai. 

 

Chúng ta cần dạy thế hệ tiếp theo rằng kẻ thù của chúng không phải là những người không tin hay là những người có suy nghĩ khác hơn chúng, nhưng đó là ma quỷ. Như Phao-lô giải thích: “Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý, và tỉnh ngộ để thoát khỏi cạm bẫy của ma qủy, vì họ đã bị ma quỷ bắt giữ để làm theo ý nó” (2 Ti-mô-thê 2:24-26).

 

  • Dạy chúng Lời Chúa. 

 

Phao-lô nói với Ti-mô-thê rằng: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16-17). Chúng ta muốn các con chúng ta yêu thương được hoàn thiện và trang bị khi chúng bước ra thế giới, và Lời Chúa là có ích – hiệu quả và hữu ích – hướng tới những mục tiêu đó.

Điều này đúng cho cả Kinh Thánh, không chỉ cho những câu Kinh Thánh yêu thích hay những phân đoạn có lựa chọn. Các con chúng ta phải biết Kinh Thánh dạy về tất cả các khía cạnh của các vấn đề, từ tình dục đến sự khổ nạn, để chúng không bị ngạc nhiên hay lừa dối khi đối phó với những vấn đề đó trong nền văn hóa này (2 Ti-mô-thê 3:10-13; 1 Phi-e-rơ 4:12). Tất nhiên, một số chủ đề nên có sắc thái phù hợp cho các lứa tuổi nhỏ hơn, nhưng điều quan trọng là ngay cả các con nhỏ cũng hiểu được rằng theo Chúa Jêsus rất đáng giá, nhưng phải trả giá để theo Ngài (Ma-thi-ơ 8:18-22).

Đức Chúa Trời hứa với các mục sư và các bậc cha mẹ rằng lời của Ngài “sẽ thực hiện ý Ta muốn” (Ê-sai 55:11). Ngay cả khi các con tuổi thanh thiếu niên dường như lãnh đạm, thờ ơ. Ngay cả khi tấm lòng các con cứng cỏi. Ngay cả khi một em bé tập đi cắt ngang thời giờ đó. Lời của Chúa sẽ làm phần việc của mình, Chúng ta nên giữ việc gieo trồng những hạt giống đó trong mảnh đất của tấm lòng các con và để Ngài làm cho lớn lên (1 Cô-rinh-tô 3:7).

 

  • Là một hình mẫu cho chúng.

 

Đức tin chân thành của Ti-mô-thê đã có mối liên hệ mật thiết với vài người, cụ thể là bà ngoại Lô-ít và mẹ Ơ-nít (2 Ti-mô-thê 1:5). Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê: “Về phần con, hãy giữ vững những gì con đã học và tin quyết, vì con biết mình đã học những điều đó với ai” – nghĩ về Lô-ít, Ơ-níít và chính mình ông là Phao-lô – “và từ thuở thơ ấu con đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ Jêsus” (2 Ti-mô-thê 3:14-15).

Trong kinh nghiệm của Ti-mô-thê, mối quan hệ và thông điệp được kết nối với nhau, và nó cũng nên như vậy trong ngôi nhà và hội thánh của chúng ta. Lời Chúa được rao truyền bởi những người đưa tin, và những người đưa tin có thể ảnh hưởng đến cách thông điệp được tiếp nhận.

Tuy nhiên, dù nó là đặc ân khi được làm mẫu về đời sống Cơ Đốc cho các con, nhưng điều này cũng có thể khiến chúng ta lo lắng. Khi chúng ta nói mà thiếu suy nghĩ và không nhất quán trong sự cầu nguyện? Khi chúng ta làm cha mẹ trong sự sợ hãi thay vì trong đức tin thì sao? Một hình mẫu trung tín bao gồm sự hạ mình đối với các con. Thú nhận tội lỗi với Chúa và với con sẽ ở cánh cửa cho cuộc trò chuyện Phúc Âm. Không ai trong chúng ta có thể làm mọi việc cách hoàn hảo, nhưng mỗi ngày mang đến những cơ hội mới để dạy và sống bởi đức tin một cách thu hút trước các con.

 

  • Nhắc các con về phần thưởng.

 

Trong 2 Ti-mô-thê 4, Phao-lô thành thật một cách tàn bạo về những khó khăn mà ông đối mặt – và rằng Ti-mô-thê cũng sẽ đối diện với nó. Ông dự báo trước “sẽ đến một thời điểm người ta không chịu nghe giáo lý chân chính”, và ông khuyến khích anh bạn trẻ để “tiết độ trong mọi sự, chịu đựng gian khổ, làm công việc của người truyền giảng Tin Lành và chu toàn chức vụ của mình” (2 Ti-mô-thê 4:3-5). Sau đó ông đi một bước xa hơn.

Ông nói về phần thưởng.

Phao-lô mô tả cách sống động đời sống của Cơ Đốc nhân như một trận chiến và cuộc đua, nhưng ông đảm bảo với Ti-mô-thê rằng ông “giữ được đức tin” và trông đợi “mão triều thiên công chính” – một phần thưởng không chỉ dành cho sứ đồ Phao-lô nhưng cho tất cả những người tin (2 Ti-mô-thê 4:7-8).

Vâng, các con chúng ta có thể chịu đựng gian khổ (2 Ti-mô-thê 4:5). Thời kỳ sẽ trở nên càng khó khăn trong tương lai bất định của chúng. Nhưng nếu niềm hy vọng của chúng được đặt trên Chúa Jêsus, chúng có phần thưởng đời đời để trông đợi. Và trong khi chịu khổ là thực tế, là có thật, thì phần thưởng cũng thực tế và có thật, thậm chí nó còn tồn tại lâu hơn nữa. 

Bài: Katie Faris; dịch: Abby
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *