4 cách giúp bạn chiến thắng tội lỗi trong hôn nhân

Oneway.vn – Có lẽ chúng ta ai cũng biết câu chuyện nổi tiếng về con ngựa thành Troy. 

Các chiến binh Hy Lạp cổ đại đã bao vây thành Troy suốt 10 năm, nhưng người dân kiên quyết bảo vệ thành của họ. Cuối cùng, Hy Lạp đã phải từ bỏ tấn công trực diện và chuyển sang cách lừa dối. Họ tạo ra một con ngựa gỗ khổng lồ, nhét một nhóm biệt kích vào bụng nó và rút quân.

Người dân thành Troy cho rằng những kẻ bao vây đã bỏ cuộc, và tò mò về con ngựa, họ đã kéo bức tượng gỗ vĩ đại ấy vào thành và đi ngủ. Đêm đó, người Hy Lạp nhảy ra từ bụng con ngựa và đánh bại thành Troy từ bên trong.

Satan cũng đặt một con ngựa thành Troy vào cuộc hôn nhân của chúng ta. Vì không thể tấn công trực diện bằng việc ngoại tình hay bạo lực, nên nó sử dụng loại vũ khí ẩn giấu, quỷ quyệt này. Và giống như người dân thành Troy, hầu hết chúng ta không hề phát hiện ra cho đến khi nó hoàn thành công việc chết người. Kinh Thánh đặt tên cho loại vũ khí tiềm ẩn này: rễ đắng.

“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng” (Hê-bơ-rơ 12:15)

Bất đồng nhỏ, tác động lớn

Rễ đắng vô cùng mạnh mẽ và quỷ quyệt, vì nếu thường xuyên bỏ qua những bất đồng nhỏ mà không giải quyết, chúng sẽ tích tụ dần. Nhưng cay đắng như vậy sẽ làm ô uế cả cuộc hôn nhân và mối quan hệ giữa bạn với Chúa.

Tôi đang đề cập đến những bất bình và tổn thương hàng ngày – một phần không thể tránh khỏi khi sống trong mối quan hệ mật thiết với một con người sa ngã khác. Tôi không nói đến những tội lỗi nặng nề như bạo lực hoặc ngoại tình, đó lại là một vấn đề khác nằm ngoài phạm vi bài viết này.

Ví dụ, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, người chồng vẫn vứt quần áo bẩn trên sàn nhà vì biết vợ chắc chắn sẽ nhặt cho mình. Người vợ lại cảm thấy bị coi thường. Hoặc người vợ không muốn bỏ lỡ sự kiện trong lớp học của con mình, nên không có hứng thú đi ăn tối với chồng. Cô ấy yêu con hơn chồng. Người chồng sẽ cảm thấy mình không quan trọng và bị lợi dụng.

Bạo hành và ngoại tình rõ ràng sẽ hủy hoại hôn nhân, nhưng những tội lỗi nhỏ, nếu cứ tích tụ trong lòng chúng ta, có thể âm thầm dẫn đến cay đắng và giết dần giết mòn cuộc hôn nhân.

Các cặp vợ chồng khôn ngoan sẽ biết sợ sức mạnh của sự cay đắng: làm khô héo tình cảm, bóp nghẹt sự thân mật và niềm vui. Khi bạn nghe nói: “Tôi chỉ đơn giản không còn yêu bạn đời của tôi nữa”, thì thủ phạm thường là sự cay đắng không được giải quyết. Tuy nhiên, “Sự khôn ngoan của người khiến cho người chậm nóng giận; Và người lấy làm danh dự mà bỏ qua tội phạm” (Châm ngôn 19:11).

Những năm tháng bận rộn khi năm đứa con còn nhỏ, vợ chồng tôi đã có một thời kỳ khó khăn. Judy quá áp lực khi nuôi dạy con cái đến nỗi cô ấy không còn thời gian dành cho tôi. Tôi về nhà trong bực bội oán trách. Sau vài ngày, nhận ra vấn đề, tôi ăn năn về sự cay đắng của mình, quyết định bỏ qua những gì tôi cho là xúc phạm và bắt đầu tìm cách giúp đỡ cô ấy.

Cay đắng và không ăn năn cuối cùng sẽ nghiền nát mọi thứ.

Vợ nói chồng bất công; thay vì lắng nghe, anh ta oán giận. Những oán giận khác tích tụ dần, và khoảng cách ngày càng lớn hơn. Chồng liên tục không gọi điện báo cho vợ khi về nhà muộn; vợ bực bội. Những bất bình khác cứ chồng chất, và ba năm sau họ ngủ riêng mỗi người một phòng.

Không sẵn lòng tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm nhỏ cũng làm ô uế mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Chúa Jêsus cảnh báo:

“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6: 14-15)

Và Kinh Thánh chép rằng “tình yêu thương che đậy vô số tội lỗi” (1 Phi-e-rơ 4:8) và “sự khôn ngoan của người khiến cho người chậm nóng giận; Và người lấy làm danh dự mà bỏ qua tội phạm” (Châm ngôn 19:11), nhưng sao có thể sống hết ngày này qua ngày khác trong một mối quan hệ trần thế thân mật nhất giữa hai tội nhân? Sau đây là 4 cách để chống lại cay đắng trong hôn nhân.

1. Phát triển khả năng nhìn thấy tội lỗi của chính mình qua đôi mắt Chúa

Vũ khí chính trong cuộc chiến này là khả năng nhìn thấy tội lỗi của chính mình chứ không phải lỗi của người bạn đời. Sự sẵn lòng tha thứ tỷ lệ thuận với khả năng tự nhìn thấy núi tội lỗi đã được Đấng Christ tha thứ bằng chính dòng huyết Ngài.

Trong nhiều năm, tôi đã xem nhẹ tội lỗi mình phạm với Chúa, nhưng lại đặt nặng lỗi lầm vợ phạm với tôi. Tôi không thấy tội lỗi mình trong khi Chúa thấy, nên tôi đã không hiểu được lý do tại sao mình nên tha thứ cho vợ mình. 

Sau 14 năm hôn nhân, tôi bắt đầu nghe các bài giảng của Jonathan Edwards. Edwards giúp tôi thấy sự thánh khiết Chúa và tội lỗi cá nhân tôi lớn như thế nào. Khi nhìn thấy cả núi tội lỗi mình đã được Chúa tha thứ, tôi hiểu rằng lỗi của vợ tôi chỉ là một đống cát không đáng để so sánh. Làm sao tôi có thể tiếp tục oán giận vợ mình khi những lỗi lầm của cô ấy quá nhỏ so với tội lỗi tôi? Mù quáng không nhìn thấy tội lỗi mình chính là lý do khiến tôi mang nỗi cay đắng với vợ.

Kiêu ngạo là gốc rễ của sự cay đắng. Kiêu ngạo khiến tôi thấy tội lỗi mình thật mập mờ, nhưng lỗi của vợ mình thì rõ mồn một.

Kiểu tự cao tự đại này sẽ giết chết hôn nhân, và làm mất đi sự tha thứ. Cơ Đốc nhân tha thứ vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Cuối cùng, sự tha thứ của Đấng Christ qua thập tự giá giúp chúng ta có thể tha thứ cho người khác.

2. Tha thứ là một quyết định hơn là một cảm xúc.

Vũ khí thứ hai có thể khó khăn hơn. Ngay cả sau khi người phối ngẫu đã ăn năn, chúng ta cũng đã tha thứ và tha thứ, nhưng tổn thương vẫn còn nguyên. Vết thương vẫn rỉ máu, cơn đau vẫn dày vò.

Chúng ta không thể kiểm soát cảm xúc, nhưng có thể kiểm soát quyết định của mình. Chúa yêu cầu chúng ta hãy sẵn sàng tha thứ nhiều lần và liên tục cho người bạn đời của mình, và biết rằng chúng ta cũng là tội nhân.

3. Kiên trì tha thứ cho đến khi cảm xúc theo sau.

Khi Phi-e-rơ hỏi Chúa Jesus có nên tha thứ cho kẻ thù bảy lần không, “Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18:22). Trong Kinh Thánh, bảy mươi lần bảy là biểu tượng cho sự bền bỉ không bao giờ kết thúc. Nói cách khác, tha thứ, tha thứ và không bao giờ dừng tha thứ. Trong mỗi cuộc hôn nhân tin kính, hai vợ chồng phải ăn năn và tha thứ cho nhau nhiều lần, cho đến khi lòng thương xót Chúa làm tan biến những tổn thương cản trở sự thân mật của họ.

Hãy chia sẻ cảm xúc với nhau. Cảm xúc rất quan trọng. Dù là tội lỗi nhỏ, đừng để chúng chồng chất. Hãy trung thực. Nói với người phối ngẫu về những gì bạn không hài lòng. Hãy khiêm tốn và hành động để ăn năn hối lỗi khi cần, luôn hướng tới sự tha thứ và hòa giải dứt điểm.

4. Chấp nhận rằng cảm giác tổn thương và cay đắng của bạn có thể không chính đáng.

Có thể bạn đang tổn thương vì điều gì đó mà bạn không nên? Chúng ta không thể nào hiểu được lòng người khác 100% và thường tự lừa dối mình.

Bạn có đang mong đợi điều gì vô lý từ người phối ngẫu hay không? Nếu có, giải pháp là ăn năn chứ không phải tổn thương hoặc cay đắng. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn sẵn sàng tra xét lại tấm lòng mình trước khi cay đắng bắt đầu nảy mầm.

Một anh chồng rất buồn vì không được thân mật ‘giường chiếu’ với vợ thường xuyên. Sự tức giận với nung nấu suốt nhiều tháng, nhưng cuối cùng anh nhận ra kỳ vọng của mình thật vô lý, gây ra sự cay đắng đối với vợ mình. Anh là người cần phải ăn năn chứ không phải vợ. Vì vậy, anh xin cô tha thứ cho anh, và cô đã làm được. Chúng ta phải nhận biết những kỳ vọng không chính đáng, vì điều đó khiến chúng ta nghĩ người khác có lỗi và đòi hỏi họ ăn năn trong khi lỗi nằm ở chính mình. Điều này có thể dẫn đến cay đắng tàn phá hôn nhân.

Chăm nhìn nơi Chúa Jêsus

Đừng giống như người dân thành Troy cổ đại. Chiến thắng của người Hy Lạp không có được bằng cách tấn công trực diện, nhưng nhờ sự lừa dối. Kẻ ác sẽ cố gắng làm như vậy với chúng ta. Satan sẽ âm thầm giết chết sự thân mật trong hôn nhân bằng nỗi cay đắng chồng chất vì những vấn đề trông có vẻ nhỏ nhặt.

Trên hết, hãy nhìn xem thập tự giá. Rộng lượng tha thứ vì Chúa Jesus đã tha thứ bạn. Hãy tâm tình với nhau. Hãy tha thứ cho nhau thật nhiều, và rễ đắng sẽ không thể làm ô uế niềm vui hôn nhân.

 

Bài: William P. Farley; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *