Oneway.vn – “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (I John/ I Giăng 1:9). Dưới đây là 4 điều bạn có thể làm để học cách tha thứ cho bản thân.
1. Sự thật đặt trên cảm xúc
Rất nhiều người trò chuyện với tôi rằng họ đã làm quá nhiều điều tệ hại trong đời sống, nhưng khi tôi giải thích rằng Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính, họ nói họ tin vào điều này nhưng vẫn cảm thấy không thể tha thứ cho chính bản thân mình. Vấn đề ở đây là họ đang dựa quá nhiều vào cảm xúc của bản thân và không đủ niềm tin nơi Lời Chúa. I John/Giăng 1:9 luôn đúng, bất kể bạn cảm thấy thế nào, vì vậy tôi cố gắng bày tỏ cho họ thấy rằng họ phải tin vào những gì Chúa nói và Lời Chúa là rõ ràng. Chúng ta có thể được tha thứ khỏi mọi tội lỗi mình và được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời (2 Corinthians/2Cô-rinh-tô 5:21), nên việc họ cảm nhận thế nào không ảnh hưởng gì đến Lời Chúa. Những cảm xúc thường hời hợt, không đáng tin và chủ quan; nhưng Lời Chúa thì đầy năng quyền, luôn đúng và khách quan. Cảm xúc là sự thực chủ quan, nó có thể đúng hoặc sai; nhưng Lời Chúa thì luôn đúng, cho dù bạn cảm thấy như thế nào và sự thật không bị thay đổi bởi cảm xúc của bạn. Bạn muốn tin tưởng điều nào hơn? Cảm xúc hay sự thật?
2. Một tiêu chuẩn cao hơn
Bất cứ ai cảm thấy họ không thể được Chúa tha thứ là thật ra họ đang đặt 1 tiêu chuẩn tha thứ thậm chí cao hơn cả những điều Chúa đặt ra. Nếu ai đó đã ăn năn và tin cậy nơi Chúa Jesus, họ được tẩy sạch và được tha thứ, vậy tại sao họ không thể tha thứ cho chính bản thân mình? Hoặc bởi họ đặt ra tiêu chuẩn tha thứ cao hơn, hoặc họ cảm thấy tội lỗi của họ quá nhiều, ngay cả Chúa cũng không thể tha thứ. Hay cũng có thể bởi họ đang sống trong tội lỗi. Câu hỏi tôi dành cho họ là, “Có bao nhiêu tội lỗi còn ở phía trước bạn khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá?”. Câu trả lời đương nhiên là tất cả, vậy tại sao một số người lại tin rằng huyết Chúa Jesus không đủ để che phủ tội lỗi của họ? Lại một lần nữa, chúng ta quay trở lại vấn đề cảm xúc đặt trên sự thật. Nếu Chúa nói rằng chúng ta có thể được tha thứ khỏi mọi tội lỗi, chúng ta cần tin vào Ngài. Chúa không nói dối, nhưng cảm xúc thường đánh lừa chúng ta. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết không thể tha thứ cho bản thân, hãy hỏi họ, “Bạn không nghĩ rằng cuộc đời hoàn hảo của Chúa Jesus, sự chịu thương khó, sự chết và sự phục sinh của Ngài đủ để cứu bạn sao? Nếu không thì tại sao vậy?” Chúa Jesus đến hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mark/Mác 10:45), và không phải Ngài sẽ cứu hầu hết những người kêu cầu danh Ngài mà là tất cả. Sứ đồ Phao-lô nói, “vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jesuslà Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu” (Romans/Rô-ma 10:9).
3. Mọi việc đã hoàn tất
Tôi thường nghe nhiều tín hữu nói rằng nếu bạn không được làm báp-têm, nếu bạn không dâng hiến hay làm điều này điều kia thì sẽ không được cứu, nhưng chẳng phải mình Chúa Jesus là đủ sao? Chúng ta có thực sự cần Chúa Jesus cộng thêm những thứ khác nữa mới nhận được sự cứu chuộc? Chúa biết những điều Ngài đang làm bằng cách gửi Con Một vô tội của Ngài xuống thế gian để chết thay cho những con người đáng nhận cơn thịnh nộ của Chúa, nhưng khi Chúa Jesus chết thế cho chúng ta, vậy đã đủ rồi. Chúa Jesus nói, “Mọi việc đã hoàn tất” (John/Giăng 19:30), trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Đã trả đủ”, vậy tại sao nhiều người trong chúng ta lại muốn cộng thêm vài điều vào những gì Chúa Jesus nói là đã hoàn tất? Bản năng của con người chúng ta luôn muốn thêm thứ gì đó vào sự cứu rỗi. Đó là lý do có rất nhiều tôn giáo trên thế giới nói phải làm điều này điều kia. Sự thực không phải là, “làm, làm, làm”, nhưng đúng hơn, là “đã được làm” trong Đấng Christ.
4. Sự kết án
Đáng buồn thay, một số Cơ Đốc nhân nhìn và phán xét anh em mình và tin rằng họ không được cứu. Rất nhiều lần nó đến từ sự suy xét sai, hoặc dựa trên những điều không quan trọng. Họ có thể nói những điều như thế này: “Sao bạn có thể làm điều đó? Bạn là một Cơ Đốc nhân cơ mà” Nhưng điều mà họ nên hiểu là, người tin Chúa không hoàn hảo và vẫn có thể phạm tội, ngay cả sau khi họ được cứu (1John/1Giăng 1:8;10). Nếu chúng ta đang cảm thấy mình bị phán xét hoặc bị kết tội bởi người khác, tin tốt lành là chúng ta không phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Chúng ta sẽ đứng trước Chúa, và nếu Chúa đã tha thứ cho chúng ta, “Ai là người sẽ kết án họ khi mà Đấng Christ Jesuslà Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta” (Romans/Rô-ma 8:34), và “Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta” (Romans/Rô-ma 8:31)? Những câu hỏi này không yêu cầu câu trả lời đúng hay sai. Phao-lô đưa ra câu hỏi, không phải để nhận lại câu trả lời, mà để đưa ra lời khẳng định. Không một con người nào có thể kết án người Chúa đã nhận. Không một ai hoặc bất kỳ thứ gì có thể chia rẽ chúng ta khỏi Chúa, một lần nữa, vì nếu Chúa đứng về phía bạn, ai hoặc điều gì có thể nghịch lại bạn đây? Ai có thể chiến đấu và giành thắng lợi?
Việc đọc Lời Chúa rất ích lợi khi bạn thấy mình “không được tha thứ” Những phân đoạn Kinh Thánh như Romans/Rô-ma 8, Ephesians/Ê-phê-sô 2, John/Giăng 10, 11 có thể giúp chúng ta đặt sự đảm bảo trong Lời Chúa, không phải trong cảm xúc của chúng ta. Chúng ta không nên đặt bản thân, hoặc người khác, vào những tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của Chúa bởi việc đáp ứng những tiêu chuẩn này là không thể.
Bạn và tôi phải bám vào lời của Chúa Jesus, “Mọi việc đã hoàn tất” hay món nợ đã được trả đủ là lẽ thật. Bây giờ, không còn sự kết án, sự phân cách và sự không tha thứ; và vì Chúa đứng về phía chúng ta, ở cùng và tiếp nhận chúng ta, tại sao đôi khi chính chúng ta lại từ chối tha thứ cho bản thân mình? Một câu hỏi hay phải không nào?
Hồng Hạnh
(Nguồn: hoithanhhanoi.com)