4 lý do theo đuổi sự khiêm nhường

Oneway.vn  – Văn hóa ngày nay luôn khuyến khích chúng ta xây dựng lòng tự trọng và lối suy nghĩ đề cao chính mình. Tuy nhiên, Kinh Thánh thúc giục chúng ta làm điều ngược lại: theo đuổi sự khiêm nhường và đó thực sự là cuộc theo đuổi đầy vinh dự.

Hình ảnh có liên quan

1. Chúng ta không thể kiểm soát bất cứ điều gì

Chúng ta cho rằng mình đang nắm quyền kiểm soát, chúng ta lên kế hoạch, lên danh sách, đặt vé máy bay, đánh dấu lịch trình. Nhưng sự thật là chúng ta không thể kiểm soát điều gì cả.

Bây giờ, hỡi anh em là những người đang nói: “Hôm nay hoặc ngày mai chúng ta sẽ đến thành phố kia, ở đó một năm, buôn bán và kiếm lời”. Nhưng anh em không biết ngày mai sẽ thế nào, sự sống của anh em là gì? Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay. Đúng ra anh em phải nói: “Nếu Chúa muốn và chúng ta còn sống thì sẽ làm việc nọ việc kia.”  (James/Gia-cơ 4:13-15 – BTTHĐ)

Chúng ta không biết ngày mai sẽ thế nào, không biết một giờ tiếp theo sẽ ra sao hoặc thậm chí là 5 phút tiếp theo là gì. Một động mạch nhỏ trong não chúng ta có thể thình lình vỡ ra, một cuộc điện thoại với một tin tức làm thay đổi cuộc sống ta vĩnh viễn. Đừng sống trong nỗi sợ hãi của những điều chưa biết, nhưng hãy khiêm nhường khi suy ngẫm về việc chúng ta không thể kiểm soát cuộc đời mình.

Chúng ta chỉ ở đây trong một khoảng thời gian rất ngắn. “Sự sống của anh em là gì? Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay.” Đây là sự khiêm nhường! Chúng ta không là gì cả. Trong chớp mắt, chúng ta sẽ biến mất. Chúng ta không thể giữ cho trái tim mình đập hoặc duy trì hơi thở của mình, không thể kéo dài sự sống. Chúng ta có thể tập thể dục và ăn uống lành mạnh, nhưng nó có giá trị ở một mức nào đó và không thể kéo dài cuộc đời chúng ta thêm một giờ nào. Đức Chúa Trời đã ấn định số ngày chúng ta sống trên đất.

2. Chúng ta bị hạn chế trong nhận thức về bản thân.

“Hãy biết mình”, một nhà triết học nói. Chúng ta có thể biết nhiều điều về bản thân, nhưng cũng có nhiều điều chúng ta không biết. Chúng ta hoàn toàn không thể biết hết được tấm lòng và động cơ của chính mình. Chúng ta hoàn toàn không thể biết hết được những điểm yếu và tội lỗi của mình hoặc thấy chúng. Proverbs/Châm ngôn 12:15 (BTTHĐ) nói rằng, “Đường lối của kẻ ngu dại vốn ngay thẳng theo mắt nó, Nhưng người khôn ngoan lắng nghe lời khuyên dạy.” Vì vậy, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là suy nghĩ người kia sai và mình đúng – đúng theo cách nhìn của tôi. Đó là lý do tại sao chúng ta cần anh chị em khác giúp đỡ, như đã nói trong Psalm/Thi thiên 141:5 (BTTHĐ): “Nguyện người công chính đánh con vì lòng nhân từ, Và sự sửa dạy của họ là dầu tốt nhất xức cho con,  Đầu con sẽ không từ chối”. Lòng nhân từ là khi một anh chị em nào đó chỉ ra tội lỗi hoặc điểm yếu của chúng ta. Khi kiêu ngạo nổi lên, chúng ta bị cám dỗ “từ chối không lắng nghe” nhưng một người khiêm nhường nhận được sự sửa dạy bởi vì họ biết rằng mình bị giới hạn trong sự tự nhận biết bản thân.

3. Lòng kiêu ngạo dẫn đến hậu quả khủng khiếp; sự khiêm nhường mang lại phước lành.

Châm ngôn 18:12 (BTTHĐ) nói, “Lòng tự cao đi trước sự suy bại, Nhưng sự khiêm nhường đi trước sự tôn trọng.” Tôi thà có sự tôn trọng hơn là sự suy bại. Vì vậy, tôi phải đề phòng lòng kiêu ngạo, điều luôn ẩn nấp trong tâm hồn tôi. “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường”

(Gia-cơ 4:6 – BTTHĐ). Tôi không thích bị mọi người chống đối, và chắc chắn không muốn Đức Chúa Trời chống cự tôi. Đây thực sự là lý do đầy thuyết phục để khiêm nhường. “Khi kiêu ngạo đến, sỉ nhục cũng đến theo; Nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường” (Châm ngôn 11:2 – BTTHĐ). Sự suy bại, sự chống cự của Đức Chúa Trời, sự sỉ nhục – là những hậu quả nghiêm trọng của lòng kiêu ngạo. “Bởi vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Luke/Lu-ca 14:11 – BTTHĐ).

4. Sự khiêm nhường giữ chúng ta tránh khỏi tội lỗi.

Một người khiêm nhường biết mình đã sa ngã trong quá khứ theo nhiều cách và có khả năng phạm tội nữa. Một người khiêm nhường biết rằng nếu Đức Chúa Trời không giải cứu mình khỏi sự cám dỗ và sự dữ, họ sẽ bất lực. Một người khiêm nhường không nghĩ mình đủ mạnh để đùa giỡn với tội lỗi, vì vậy họ tránh xa sự cám dỗ. Một người khiêm nhường biết rằng Đức Chúa Trời đang hành động và biến đổi họ.

Đây là một số lý do để theo đuổi sự khiêm nhường. Nguyện tất cả chúng ta đều cố gắng để có tinh thần hạ mình, giống như Người khiêm nhường nhất từng bước đi trên đất này, là Đấng Cứu Thế của chúng ta.

Thảo Nguyên dịch

(Nguồn: christianity.com)

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *