5 bài học về xung đột của những người nữ trong Kinh Thánh

Oneway.vn – Bạn bắt gặp điều này thường xuyên trên ti vi: phụ nữ tranh cãi và đấu đá nhau, họ đánh nhau tập thể và quay phim lại những hành động vô cùng xấu xí đó.

Phụ nữ trong cuộc xung đột thường được thấy như là cáu kỉnh, kịch tính, trẻ con, đặc biệt là với cách một số phụ nữ có thể nuôi sự dận giữ trong lòng không nguôi. Ngay cả trong Kinh thánh cũng có ví dụ về những người nữ tranh cạnh – và nó thường xoay quanh đến vấn đề về trẻ em.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần nhận ra khi đọc những câu chuyện này là làm sao để giải quyết cuộc xung đột, chứ không phải niềm tin rằng tất cả phụ nữ đều khó khăn và lúc nào cũng bất đồng quan điểm.

Từ Sa-ra và con đòi A-ga đến câu chuyện của vua Sa-lômôn về hai người phụ nữ tranh dành nhau đứa con, cách giải quyết cho những xung đột này mang đến chúng ta những bài học trong hiện tại dựa trên đức tin.

Sa-ra và A ga.

Một trong những xung đột đầu tiên giữa 2 người phụ nữ được chép trong Sáng-thế ký 16-23 là giữa vợ Áp ra ham là Sa-rai (sau này tên Sa-ra) và người hầu gái của bà A-ga. Sa-ra và Áp-ra-ham được Chúa hứa sẽ có con khi về già. Nhưng Sa-ra, tin rằng điều đó sẽ không xảy ra, bà thuyết phục Áp-ra-ham đến ăn nằm với đầy tớ gái của mình để có được đứa con như Lời Chúa hứa. Họ đã có con với nhau và đặt tên là Ích-ma-ên và nuôi dưỡng đứa trẻ cho đến khi Sa-ra thụ thai Y-sác.

Xung đột giữa Sa-ra và A-ga nảy sinh do nghi ngờ và thiếu sự kiên nhẫn. Sự bốc đồng của Sa-ra đã dẫn đến sự thù địch giữa 2 người phụ nữ. Sự thù nghịch này càng tăng lên khi Y-sác được sanh ra, và Sa-ra đã đuổi A-ga cung Ích-ma-ên ra khỏi nhà.

Điều chúng ta có thể học được từ câu chuyện của họ đó là chúng ta phải chờ đợi vào Lời hứa của Đức Chúa Trời và đừng cố làm điều đó xảy ra theo riêng. Mặc dù Đức Chúa Trời vẫn dõi theo và chăm sóc A-ga cùng Ích-ma-ên, nhưng nếu Sa-ra và Áp-ra-ham biết chờ đợi Lời Hứa, cuộc xung đột này có thể đã không xảy ra.

Ra-chên và Lê-a

Cuộc xung đột giữa Ra-chên và Lê-a, được chép trong Sáng-thế ký 29-36, bắt đầu khi cha của họ là La-ban lừa dối Gia cốp. Yêu Ra-chên ngay từ cái nhìn đầu tiên, Gia-cốp đã mặc cả với La-ban để làm việc tại nhà La-ban và trong 7 năm hầu cưới được Ra-chên. Nhưng vào ngày cưới, em gái của Ra-chên là Lê-a lại được gả cho Gia cốp mà chàng không được biết. Sau đó, để cưới được Ra-chên, Gia cốp đã phải làm việc trong nhà La-ban thêm 7 năm nữa.

Xung đột này nảy sinh từ nhu cầu và mong muốn chung của những người nữ thời bấy giờ: việc có con cái.

Ra-chên đã đấu tranh với việc hiếm muộn trong khi Lê-a lại sinh được con trai này đến đứa con trai khác. Điều này thậm chí khiến cho Ra-chên yêu cầu Gia-cốp cho nàng một đứa con nếu không cô ấy sẽ chết. Tuy nhiên, ngay cả khi Ra-chên có những đứa con trai là Giô-sép và Bên-gia-min, thì sự xung đột chưa bao giờ được giải quyết giữa 2 người phụ nữ.

Bài học chúng ta học được từ câu chuyện này là sự so sánh không bao giờ đem đến ích lợi cho bất kỳ người nào. Ngay cả khi người khác có những thứ hoặc trải nghiệm mà bạn mong muốn, việc so sánh những gì họ có và những gì bạn không có sẽ luôn dẫn đến việc cảm thấy mình không được may mắn. Hay luôn nhớ rằng ơn phước từ Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài cho cuộc đời của bạn là xứng đáng để chờ đợi!

An-ne và Phi-nê-a

Nhiều người nữ hiếm muộn thường tìm đến hy vọng và sự khích lệ qua câu chuyện của An-ne. An ne là một trong hai người vợ của Ên-ca-na, và cô ấy liên tục bị bắt nạt về tình trạng vô sinh của mình bởi người vợ còn lại của Ên-cana, Phi-nê-a, người sanh được nhiều con. Tuy nhiên, có 2 mặt trong cuộc tranh luận này. Phi-nê-a  đã nói ra điều buồn bã đó khi cô ấy thấy Ên-ca-na chiều chuộng An-ne trước nỗi đau của nàng ấy. Chính vì điều này, Phi-nê-a đã trút những tổn thương của mình lên An-ne.

Bất chấp cách đối xử của Phi-nê-a, An-ne vẫn giữ đức tin và cầu xin với Đức Chúa Trời trong nước mắt, và rằng nàng sẽ dâng đứa con Lời Hứa ấy để phục sự Ngài. Đức Chúa Trời đã thành tín khi ban cho bà Sa-mu-ên, và những đứa con khác sau đó.

Điều này không chỉ làm mới lại đức tin của An-ne nhưng chính câu chuyện này cũng đã và đang đem đến những khích lệ lớn cho hàng ngàn người nữ ngày nay. Chúng ta học được rằng khi một người nào đó bắt nạt chúng ta, thường là từ nơi bị tổn thương, chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời thay vì trả đũa, giữ lòng hận thù.

Na-ô-mi và Ru-tơ

Câu chuyện của Ru-tơ lại là một kho báu khác về tình thương trong Kinh Thánh, được chép trong sách Ru tơ.  Ở câu chuyện này, Ru tơ và mẹ chồng của mình là Na-ô-mi kinh nghiệm một sự xung đột nhỏ khi Na-ô-mi cố gắng thuyết phục Ru-tơ đi tìm cuộc sống mới sau khi cả hai người chồng của họ qua đời. Ru tơ đã từ chối rời xa bà, thậm chí còn theo bà trở về quê hương Bết-lê-hem, điều này đã gây ra một khoảnh khắc khó xử giữa hai người phụ nữ.

Tuy nhiên Ru-tơ tin rằng cô ấy cần phải đi cùng mẹ chồng đang tâm trạng đau buồn, bất cứ nơi nào. Ru-tơ kiên định với quyết định của mình, ngay cả khi Na-ô-mi không ngừng thuyết phục Ru0tơ ở lại. Và tất nhiên, sự xung đột của họ xuất phát bởi yêu thương và cái kết trong phước lành, khi Ru-tơ chăm sóc Na-ô-mi và sau đó gặp, kết hôn cùng Bô ô. Na-ô-mi sau đó đã trở thành một phần trong dòng dõi vua Đa-vít từ cháu trai của bà.

Điều chúng ta học được từ sự xung đột này là nếu bạn được gọi đến để giúp đỡ ai đó, tốt nhất hãy vâng theo sự thúc dục của Đức Chúa Trời. Bạn sẽ không bao giờ biết Chúa sẽ dẫn bạn đến nơi nào tiếp theo.

Hai người phụ nữ và Vua Sa-lô-môn

Một trong những xung đột được biết đến nhiều nhất trong Kinh Thánh là sự xung đột giữa hai người phụ nữ được chép trong I Các vua 3:16-28, nơi mà Vua Sa-lô-môn đã phải xác định đâu mới thực sự là mẹ của đứa bé trai. 

Điều này bắt đầu sau khi một người phụ nữ (không phải là mẹ của đứa trẻ này) làm chết đứa con ruột và bà thủ đoạn để giành lấy đứa con của người mẹ kia, khi cả 2 sinh chỉ cách nhau 3 ngày. Điều khó nói ở đây là 2 người nữ này ở chung một nhà.

Vua Sa-lô-môn được yêu cầu cân nhắc về cuộc xung đột này. Ông đề nghị chia đôi đứa trẻ và trao cho mỗi người phụ nữ một nửa. Trong khi người mẹ – người không phải mẹ ruột của đứa trẻ vui vẻ đồng ý, thì người mẹ kia chọn chấp nhận trao đứa trẻ cho người phụ nữ kia, cứu mạng con mình. Và vua Sa lô môn đã kết luận rằng, người mẹ này mới thật sự là mẹ ruột khi chấp nhận nỗi đau, mất mát để con được bình an!

Điều chúng ta học được từ cuộc xung đột này là ngay cả trong lúc nóng giận, nếu điều đó làm cho một ai đó tổn thương thì không đáng để chúng ta tranh đấu. Tốt hơn, chúng ta chọn rộng lượng, hãy để sự xung đột sẽ dừng lại nếu kết quả không đi đến đâu. Trong trường hợp của hai người phụ nữ này, một người đã hy sinh cơ hội nuôi dạy con mình để giữ lại mạng sống cho con, cô ấy đã dừng lại cuộc tranh giành ngay cả khi cô ấy là người đúng.

Xung đột là điều mà chúng ta thường xuyên phải đối mặt với trong cuộc sống này. Những người nữ xung đột trong Kinh thánh đã chỉ ra phạm vi các tình huống có thể dẫn đến tranh cãi. Tuy nhiên, ngay cả trong những cuộc xung đột chúng ta vẫn có thể nhận được bài học quan trọng. Hãy đem nỗi lòng đến thở than với Chúa như An ne. Hãy chờ đợi sự chỉ dẫn từ Ngài như câu chuyện Sa-ra và A-ga hoặc Ra-chên và Lê a. Hãy chọn dừng tranh cãi nếu điều đó không đem đến kết quả tốt đẹp (cho dù không phải lỗi của bạn) giống như câu chuyện hai người mẹ. Và xung đột trong yêu thương đôi khi cũng là điều cần thiết để tìm đến một kết quả tốt đẹp hơn như câu chuyện Na-ô-mi và Ru-tơ.

Bài: Blair Parke; dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *