5 Điều Sai Trật Cần Phải Bỏ Khỏi Bài Giảng Mùa Thương Khó | Phục Sinh

Nếu bạn muốn chia sẻ cho người lần đầu tiên biết về Tuần Lễ Thánh, hãy bắt đầu bằng việc bỏ đi những điều sai trật thông dụng sau.

oneway

1. Đừng nói Đức Chúa Giê-xu chịu chết khi Ngài 33 tuổi.

Điều được khẳng định một cách rộng rãi này dường như là có lý, bởi nếu Đức Chúa Giê-xu “bắt đầu chức vụ” khi Ngài “khoảng ba mươi tuổi” (Lu-ca 3:23) và thi hành ba năm chức vụ (Giăng đề cập đến ba kỳ lễ vượt qua, và có thể có thêm một kỳ lễ thứ tư nữa), vậy có nghĩa là Chúa chịu chết khi Ngài 33 tuổi. Tuy nhiên, gần như không một học giả nào tin rằng trên thực tế Đức Chúa Giê-xu chịu chết khi Ngài 33 tuổi. Đức Chúa Giê-xu được sinh ra trước khi vua Hê-rốt Đại Đế ban hành sắc lệnh giết “hết thảy các bé trai từ hai tuổi trở xuống tại làng Bết-lê-hem và trong khu vực” (Ma-thi-ơ 2:16) và trước khi vua Hê-rốt băng hà vào mùa xuân năm 4 trước công nguyên. Nếu Đức Chúa Giê-xu được sinh ra vào mùa thu năm thứ 5 hoặc thứ 6 trước công nguyên, và nếu chúng ta nhớ rằng chúng ta không đếm năm thứ “0” giữa trước và sau công nguyên, như vậy Đức Chúa Giê-xu có thể đã 37 hoặc 38 tuổi khi Ngài chịu chết năm 33 sau công nguyên (như chúng ta tin rất có thể là vào năm này). Thậm chí nếu Đức Chúa Giê-xu chịu chết năm 30 sau công nguyên (khả năng khác duy nhất), thì tuổi của Ngài cũng khoảng 34 hoặc 35, không phải là 33. Không một giáo lý chính nào bị ảnh hưởng bởi quan niệm sai lầm này. Nhưng đừng làm mất lòng tin của bạn nơi người khác khi tự tin tuyên bố từ bục giảng “những sự thật” nhưng lại không đúng.

oneway4

2. Đừng giải thích việc con chiên không được nhắc đến trong Bữa Tiệc Cuối Cùng bằng cách chỉ nói rằng Đức Chúa Giê-xu là con chiên cuối cùng của lễ Vượt Qua.

Mặc dù Đức Chúa Giê-xu chính là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian” (Giăng 1:29), điều này không có nghĩa là không có một con chiên của Lễ Vượt Qua trong bữa tiệc của Chúa. Thực ra, gần như điều này là đúng: “Đến ngày lễ ăn bánh không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus sai Phi-e-rơ và Giăng đi, mà phán rằng: ‘Hãy đi dọn lễ Vượt qua cho chúng ta ăn.’” (Lu-ca 22:7-8; đối chiếu Mác 14:12). Thậm chí nếu điều đó đặc biệt không được đề cập trong các sách Phúc Âm, việc ăn thịt chiên con là một phần rất quan trọng trong mỗi kỳ lễ Vượt Qua của người Do Thái (Xuất Ê-díp-tô ký 12:2). Đó là lý do tại sao các môn đồ đã dùng bữa cùng với nhau theo một nhóm, trong đêm, bên trong cổng thành, nơi mà họ có thể dùng bữa với rượu đỏ và ăn hết trước khi bẻ bánh và hát một bài thánh ca. Mặc dù có ý kiến phản bác về bản chất của Bữa Tiệc Cuối Cùng, chúng tôi cho rằng rõ ràng Đức Chúa Giê-xu đã tổ chức lễ Vượt Qua với mười hai môn đồ trong đêm trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá – bằng việc Đức Chúa Giê-xu thể hiện rằng Ngài cũng đã đặt chính mình vào truyền thống về sự giải cứu năng quyền của Đức Chúa Trời đối với dân tộc Israel khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập bởi huyết của chiên con chịu chết.

oneway5

3. Đừng nói rằng chính đoàn dân đông đã tung hô và lót lá khi Chúa vào thành ngày Chủ Nhật nhưng rồi la lớn đòi đóng đinh Ngài trên thập tự giá.

Đây là điều làm cho một bài giảng trở nên mạnh mẽ hơn khi minh chứng sự hay thay đổi của lòng người đối với Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si. Tuy nhiên có một số điều cần phải thêm vào. Đầu tiên, chúng ta không hoàn toàn biết rõ rằng đám đông đã tung hô “Hô-sa-na!” ca ngợi sự vào thành một cách khải hoàn của Đức Chúa Giê-xu cũng là nhóm người đã nhóm lại trước Bôn-xơ Phi-lát và la lớn rằng “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” Nhóm đầu tiên có thể hầu hết là những người hành hương từ xứ Ga-li-lê cùng với các môn đồ của Đức Chúa Giê-xu, trong khi nhóm còn lại dường như phần đông là từ Giê-ru-sa-lem. Thứ hai, cả hai đám đông đều bày tỏ cảm xúc mãnh liệt dựa trên sự hiểu lầm. Khi Đức Chúa Giê-xu cưỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, sự phấn khích của những ngươi tung hô “Hô-sa-na!” đó là dựa trên quan niệm sai lầm của dân tộc về Đấng Mê-si. Và khi Đức Chúa Giê-xu đứng cùng với Bôn-xơ Phi-lát trước những người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem, bị kích động bởi những lãnh đạo của họ là những người đã vu cáo Đức Chúa Giê-xu với tội nói phạm thượng, lời kết án của họ cũng dựa trên một quan niệm sai lầm về danh tính của Đấng Mê-si. Điểm chung của cả hai đoàn dân không phải là sự hay thay đổi của lòng người, nhưng ở chỗ họ thiếu sự hiểu biết chính xác và đã không thờ phượng một Đấng Mê-si khiêm nhường và là một Đầy Tớ chịu khổ.

oneway6

4. Đừng bỏ qua vai trò của người phụ nữ là những nhân chứng về sự sống lại của Đấng Christ.

Số lượng và danh tính của những người nữ trong câu chuyện sự sống lại của Chúa Giê-xu có thể rất khó để xác định, đây là một trong số những lý do tại sao chúng tôi lại cung cấp một bảng chú giải trong cuốn The Final Days of Jesus (Những Ngày Cuối Cùng Của Đức Chúa Giê-xu) như là một sự hướng dẫn. Chẳng hạn như, một trong số những điều làm cho chúng ta rối đó là có ít nhất bốn người nữ có tên Ma-ri: (1) Ma-ri Ma-đơ-len; (2) Ma-ri mẹ Chúa Giê-xu; (3) Ma-ri mẹ Gia-cơ và Giô-sép; và (4) Ma-ri vợ của Clô-ba (người chồng có thể là anh của Giô-sép của thành Na-xa-rét). Thêm vào đó, còn có Giô-an-na (chồng là Chu-za, làm quản gia cho Hê-rốt An-ti-pa) và Sa-lôm (có thể là mẹ của sứ đồ Gia-cơ và Giăng).

Khi bạn giảng trong mùa Phục Sinh này, dừng bỏ qua lời chứng của những người nữ như một chi tiết tình cờ. Trong thế kỷ đầu tiên, phụ nữ thậm chí không có đủ tư cách để làm chứng trước tòa án của người Do Thái. Giô-sê-phút nói rằng thậm chí lời chứng của nhiều người nữ cũng không được công nhận “bởi vì tính nhẹ dạ và cả gan trong giới tính của họ.” Ce-lút, nhà phê bình Cơ Đốc Giáo ở thế kỷ thứ hai, đã chế giễu ý tưởng rằng Ma-ri Ma-đơ-len là một nhân chứng cho sự sống lại của Đấng Christ, chỉ ra rằng bà là một “người nữ kích động… bị phù thủy mê hoặc.”

Vấn đề về bối cảnh này là quan trọng bởi vì nó nói đến hai lẽ thật cốt yếu. Đầu tiên, đây là một sự nhắc nhở về mặt thần học rằng vương quốc của Đấng Mê-si làm đảo ngược mọi trật tự của đời này. Trong nền văn hóa này, Đức Chúa Giê-xu hoàn toàn khẳng định phẩm giá trọn vẹn của người phụ nữ và giá trị đầy sức sống trong lời chứng của họ. Thứ hai, nó là một sự nhắc nhở đầy hối tiếc về tính đúng đắn trong lịch sử của câu chuyện Chúa phục sinh. Nếu đó là những chuyện “khéo đặt để” (II Phi-e-rơ 1:16), thì những người nữ sẽ chẳng bao giờ được hiện diện như là những người chứng kiến tận mắt sự sống lại của Đấng Christ.

oneway7

5. Đừng tập trung vào sự khổ nạn của Đức Chúa Giê-xu đến mức bỏ qua sự vinh hiển của Thập Giá trong và qua sự sống lại của Ngài.

Một số truyền thống Cơ Đốc Giáo dường như tập trung hầu hết vào sự khổ nạn của Đức Chúa Giê-xu trên thập tự giá, vào sự đau đớn mà Ngài phải chịu, và vào sự nhục nhã cũng như sự phân cách khỏi Đức Chúa Trời. Điều này có thể thấy được trong các miêu tả trên phim ảnh như của đạo diễn Mel Gibson Cuộc Khổ Nạn Của Đấng Christ, sự tái diễn con đường đến thập tự giá của Hội Thánh Công Giáo La Mã với Via Dolorosa (Con Đường Đau Khổ) trong chặng đường Thánh Giá, và trong một số bài giảng mà chúng ta đều đã nghe trong các nhà thờ Tin Lành (chưa kể rất nhiều bài thánh ca yêu thích của chúng ta). Dĩ nhiên, bốn sách Phúc Âm, đặc biệt là Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca, đã cùng kể lại sự đau khổ của Đức Chúa Giê-xu Christ đã chịu vì chúng ta khi Ngài phó chính mạng soogns mình để cứu rỗi chúng ta để chúng ta có thể được tha tội.

Mặc dù vậy, còn có một khía cạnh khác của câu chuyện Chúa phục sinh. Nó được tóm gọn một cách tốt nhất trong Giăng rằng Đức Chúa Giê-xu, khi Ngài “biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Khi giới thiệu không chỉ khung cảnh rửa chân cho các môn đồ, nhưng còn có cả toàn bộ câu chuyện thương khó, Giăng đã viết như sau:“ Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn…” (13:3-4; đối chiếu 14:28).

Nói cách khác, Giăng đang cố gắng trình bày rằng Thập Giá không phải là một kết thúc bằng cái chết, nhưng là một điểm dừng chân trên con đường quay trở lại nhà Cha của Đức Chúa Giê-xu! Đó là lý do tại sao ông lại viết nên một ghi chú về sự khải hoàn trước tường thuật về sự chết của Đức Chúa Giê-xu: Đức Chúa Cha đã ban cho tất cả cho Đức Chúa Giê-xu, và Đức Chúa Giê-xu đang trên đường quay lại nơi vinh hiển vốn có của Ngài, nơi Ngài ở cùng Đức Chúa Cha (17:5, 24)! Như tác giả sách Hê-bơ-rơ đã viết, “vì sự vui mừng đã đặt trước mặt” Ngài, để Đức Chúa Giê-xu “chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục” (12:2). Trong mùa Phục Sinh năm nay, hãy chắc rằng chúng ta không loại bỏ sự “vinh hiển” khi kể về câu chuyện thương khó của Đức Chúa Giê-xu. Không nghi ngờ gì nữa, Thập Giá chính là sự vinh hiển trong và của chính nó khi thể hiện sự vâng phục trọn vẹn của Đức Chúa Giê-xu, tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người, và sự chuộc tội của Thần-Nhân dành cho tội nhân. Công việc trên đất của Đức Chúa Giê-xu thực tế đã “xong” (Giăng 19:30), nhưng công việc vinh hiển của Ngài, đó là cai quản, tể trị, và giải hòa vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

oneway8

Tác giả: Andreas Köstenberger là giáo sư trưởng nghiên cứu của Khoa Thần Học Kinh Thánh và Tân Ước tại Chủng Viện Thần Học Báp-tít Nam Phương ở Wake Forest, Bắc Carolina. Justin Taylor là phó chủ tịch và nhà xuất bản sách của Crossway. Họ cùng viết cuốn The Final Days of Jesus: The Most Important Week of the Most Important Person Who Ever Lived (Những Ngày Cuối Cùng Của Đức Chúa Giê-xu: Tuần Lễ Quan Trọng Nhất Của Con Người Quan Trọng Nhất Trên Thế Giới Này – Crossway).

Thanh Xuân. Theo: ChristianityToday.com

Bài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *