Oneway.vn – Tôi đã thực hiện công tác khai vấn tài chính cho Hội thánh được vài năm và nhìn thấy nhiều tình huống khác nhau.
Tôi nhận thấy có một số người quá ít quan tâm đến các vấn đề tài chính của họ, số khác lại quá nhiều. Một số người đều đặn lập ngân sách, lên kế hoạch và tiết kiệm, số khác thì không. Một số ban cho rộng rãi, số khác giữ lại.
Hầu hết ai cũng có lý do (hoặc viện cớ) cho quyết định của mình. Dù vậy, họ thường hành động dựa trên những cách hiểu sai trật về sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn theo Thánh Kinh về tài chính cá nhân.
Trong vấn đề này, tôi nhận thấy có 5 quan niệm sai lầm phổ biến như sau:
1. “Chúa quan tâm đến tấm lòng của tôi hơn là cách xài tiền của tôi”.
Chắc chắn Đức Chúa Trời rất quan tâm đến trạng thái tấm lòng của chúng ta, dù vậy, có một sự nối kết giữa “đức tin và việc làm” không thể bị bỏ qua ở đây. Một tấm lòng được biến đổi bởi Phúc âm sẽ có những sự thay đổi không chỉ về niềm tin đối với tiền bạc mà còn hành động đối với tiền bạc (Gia-cơ 2:11–17, 26).
Tiền bạc là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh. Chúng ta được hướng dẫn về tiền bạc (hơn 2000 câu Kinh Thánh) hơn bất kỳ chủ đề nào khác trong Kinh Thánh. Chúa Jêsus kể nhiều ẩn dụ về tiền bạc, các vị sứ đồ cũng nói nhiều đến nó.
Chúng ta được dạy không được yêu tiền bạc (I Tim 6:6–10) mà phải chọn Chúa thay vì chọn tiền (Lu-ca 16:13) để có thể rộng rãi và sẵn sàng ban cho (Mat. 6:2, 5, 16) và đặt lòng tin của chúng ta vào Chúa hơn vào của cải (I Tim 6:17–19).
Chúng ta cũng được khuyến khích lập kế hoạch và tiết kiệm (Châm 21:20), cũng như chăm sóc nhu cầu của gia đình và người khác (I Tim 5:8; Hêb. 13:16).
2. “Dâng bao nhiêu không quan trọng, miễn tôi có làm là được”.
Cơ Đốc nhân không tranh cãi nhiều về việc có nên dâng hiến/ban cho hay không, thậm chí xem đây là mạng lệnh trong Kinh Thánh (Mal. 3:6–12; Mat. 23:23; I Cô 16:1–2). Nhưng khi bắt đầu đặt ra câu hỏi “bao nhiêu” thì vấn đề trở nên lắt léo.
Một số người nói rằng chúng ta được tự do dâng nhiều hay ít tùy vào “lòng mình cảm thấy như thế nào”, bởi vì chúng ta không còn bị ràng buộc bởi “luật pháp” đối với việc dâng phần mười. Đúng là sự dâng hiến/ban cho trong thời kỳ Tân Ước không nên là việc làm mang tính luật lệ, nhưng Chúa Jêsus cũng như các sứ đồ đều dạy dỗ về sự dâng hiến/ban cho theo tỉ lệ, thậm chí một cách hy sinh, xuất phát từ tấm lòng biết ơn và thờ phượng, và vì thế một số người tin rằng nó còn hơn cả một phần mười (Mác 12:41–44; I Cô 16:2; II Cô 9:5–6).
Cơ Đốc nhân vẫn còn rất yếu trong việc vâng theo lời dạy này. Tùy vào các nghiên cứu mà bạn đọc được, trong số những người xưng mình là Cơ Đốc nhân dự nhóm với hội thánh thường xuyên, chỉ khoảng 5% người dâng ít nhất 10% thu nhập của họ (“phần mười” theo truyền thống). Nếu tính bình quân tất cả những người có dâng hiến thì tỉ lệ chỉ là 2.5% thu nhập.
3. “Nợ là điều không thể tránh khỏi và cũng không thành vấn đề, miễn là tôi có trả lại và giữ mức tín dụng tốt”.
Việc vay nợ là điều phổ biến ngày nay; tất cả các hình thức nợ tiêu dùng đều đang tăng lên. Một số khoản nợ đôi khi có thể cần, nhưng hầu hết đều có thể tránh được bằng cách lên kế hoạch cẩn thận và có kỷ luật.
Kinh Thánh không tuyệt đối cấm đoán việc vay mượn và cho vay, nhưng vẫn dạy rằng món nợ là một dạng “gông cùm”, bởi vì nó khiến người vay trở thành đầy tớ của món nợ (Châm 22:7), cũng như đầy tớ của người cho vay, theo nghĩa là người cho vay có “quyền sở hữu” phần thời gian mà người vay phải làm việc để trả nợ.
Nếu không xảy ra nhu cầu quá lớn buộc phải vay mượn thì chúng ta không nên tự đặt mình vào gông cùm của việc mượn nợ. Chí ít, chúng ta không nên thường xuyên vay mượn và nên trả lại càng sớm càng tốt nếu phải vay (vốn là điều khôn ngoan bất kể thế nào).
4. “Chúa sẽ ban cho tôi thịnh vượng tài chính nếu tôi làm việc chăm chỉ và có đủ đức tin”.
Trong lịch sử, có hai quan điểm về sự thịnh vượng tài chính và đời sống Cơ Đốc nhân.
Quan điểm thứ nhất cho rằng bởi vì tình yêu tiền bạc là gốc rễ của mọi điều ác (I Tim 6:10) nên càng có nhiều tiền, bạn càng ít công chính. Quan điểm thứ hai dạy rằng Đức Chúa Trời muốn mọi Cơ Đốc nhân đều giàu có và thịnh vượng; nếu không thịnh vượng thì lý do là vì chúng ta không có đủ đức tin.
Một quan điểm đúng với Kinh Thánh hơn là: Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài ban cho một số người nhiều hơn, một số người ít hơn, để họ quản trị thay cho Ngài (I Sa 2:7; Mat 16:11). Lý do và phương cách Ngài làm điều đó thì chỉ có Ngài biết, đó không phải là việc của chúng ta. Cơ Đốc nhân trưởng thành có thể có nhiều tài sản hay ít tài sản (Châm 22:2).
5. “Chúa hứa rằng sẽ chăm sóc tôi, nên tôi không cần phải lo lắng về tiền bạc”.
Đức Chúa Trời hứa sẽ luôn chăm sóc con dân Ngài (Mat 6:25–27; Phil 4:19), nhưng Ngài cũng hướng dẫn chúng ta cách để đảm nhận trách nhiệm (và hành động) trong hoàn cảnh của chúng ta (Châm 10:4–5). Trong vấn đề tài chính, chúng ta phải làm phần của mình.
Nhờ vào việc bám chặt những lời hứa của Đức Chúa Trời, chúng ta không cần phải lo lắng vì biết rằng Chúa sẽ chăm lo cho chúng ta, và với sự hướng dẫn khôn ngoan đã được Ngài ban, chúng ta cần kháng cự lại tính thụ động hoặc không làm gì cả; đây là sự ỷ lại vào lòng nhân từ của Đức Chúa Trời.
Tiền bạc là một phần quan trọng trong đời sống, vì vậy chúng ta rất cần có một hiểu biết rõ ràng và đúng đắn về sự dạy dỗ của Kinh Thánh dành cho nó. Hãy dành thời gian tự học Kinh Thánh và áp dụng vào hoàn cảnh của bạn, tìm đọc những sách tốt dạy về sự quản trị theo Kinh Thánh. Trên hết, hãy cố gắng trở thành quản gia trung tín đối với mọi điều mà Đức Vua đã giao vào tay chúng ta (I Cô 4:2).
Bài: Chris Cagle; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply