Tháng vừa qua, hai người bạn của tôi, Matt và James, đã lái xe nhiều giờ đồng hồ từ Nam Carolina và Alabama đến để cầu nguyện với tôi về một số quyết định quan trọng mà tôi đang phải đối diện. Họ không đòi hỏi tôi phải trả cho họ tiền xăng hay là thức ăn. Họ cũng không tính tiền vì đã tư vấn cho tôi. Họ chỉ muốn làm điều mà những người bạn cần phải làm – họ hy sinh thời gian của chính mình để bày tỏ yêu thương, đóng góp lời khuyên và giúp đỡ. Họ biết rằng tôi cũng sẽ làm điều đó cho họ.
Tình bạn khi ấu thơ
tuổi xuân thì
tuổi xuân thì
hay khi trở về già…
mãi mãi đẹp tươi… (hình ảnh minh hoạ: từ internet)
Từ đó tôi đã học được rằng những người bạn tốt giá trị hơn cả tiền bạc, danh vọng hay thành công trong sự nghiệp. Mặc dù vậy, rất nhiều những Cơ Đốc nhân mà tôi quen biết lại đang gặp vấn đề trong mối quan hệ bạn bè. Nhiều người tôi đã gặp – thậm chí có cả mục sư – họ thừa nhận rằng mình không hề có bạn. Rất nhiều Hội Thánh tràn đầy với những con người cô đơn, họ luôn đói khát những người bạn nhưng lại không biết cách để kết bạn.
Hội Thánh hiện đại không luôn đặt nặng giá trị của tình bạn. Mặc dù Kinh Thánh Tân Ước dạy chúng ta phải “yêu thương anh em cách thật thà” (I Phi-e-rơ 1:22), nhưng chúng ta lại phát triển một văn hóa tập thể lạnh nhạt. Chúng ta chấp nhận với việc dồn những con người vào trong những tòa nhà cho những buổi lễ thờ phượng rồi lại cho họ đi. Điều mà chúng ta quan tâm đó là họ có chỗ ngồi hay không, và họ lắng nghe bài giảng như thế nào. Nhưng họ có mối liên hệ với nhau hay không? Thậm chí trong những Hội Thánh cố gắng nuôi dưỡng những mối quan hệ, chỉ một phần các tín hữu tham gia vào các nhóm nhỏ
Riêng cá nhân tôi, tôi không tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy năng quyền phục hưng của Tân Ước hoặc tác động của Tân Ước nếu chúng ta không yêu bằng tình yêu nồng nhiệt mà Tân Ước đã nói. Tuy nhiên, tình yêu thương đó sẽ không có khả thi nếu không có sự chữa lành từ bên trong và nghiêm túc thay đổi thái độ. Đây là năm lý do chính vì sao Cơ Đốc nhân ngày nay phải tranh đấu trong các mối quan hệ:
1. Tập chú vào chính mình. Đức Chúa Giê-xu đã định nghĩa tình yêu khi Ngài nói rằng, “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” (Giăng 15:13). Tình bạn chân thật luôn phải biết hy sinh. Chúng ta thường muốn mối quan hệ bạn bè theo định nghĩa của cá nhân mình; chúng ta muốn được yêu thương, được khích lệ và an ủi. Nhưng nếu chúng ta mong muốn tình yêu thương đó, chúng ta phải sẵn sàng ban cho người khác trước hết. Một giáo sư giảng Tin Lành người Anh, Charles Spurgeon đã viết: “Bất cứ ai cũng có thể ích kỷ mong muốn có được một người bạn giống như Giô-na-than; tuy nhiên, ngược lại người bạn đó cũng mong muốn tìm được một Đa-vít, là người mà người ấy có thể đóng vai Giô-na-than được.”
2. Thiếu sự trung thực. Quá nhiều người ngày nay sống trong những bí mật. Chúng ta lại là những bậc thầy trong việc giả mạo những điều đó. Chúng ta che giấu nỗi đau cá nhân đằng sau những chiếc mặt nạ và bộ áo giáp dày. Chúng ta biểu lộ những cử chỉ và nói những lời phải lẽ – nhưng cuộc sống của Hội Thánh sẽ trở nên cạn cợt và bề mặt nếu không có sự chân thành. Những người bạn thật phải gỡ bỏ áo giáp của họ đi, phải thể hiện sự hổ thẹn của chính mình và chia sẻ tấm lòng của mình cho những người bạn – và họ xưng tội cùng nhau (Gia-cơ 5:16). Đây là con đường dẫn đến sự chữa lành thực sự.
3. Sự cay đắng. Phao-lô đã nói với các tín hữu tại Ê-phê-sô, “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay lại không bao giờ quăng đi sự oán giận của họ. Họ không nhận ra rằng những người giận dữ vì những nỗi đau trong quá khứ lại làm hại cho chính họ – và điều đó khiến họ không thể phát triển mối quan hệ bạn bè thân thiết được. Sự cay đắng sẽ làm cho bạn trở nên không có thiện cảm – và người khác sẽ tránh né bạn bởi vì bạn là chất độc hại. Chúng ta phải học cách tập trung vào tấm lòng của mình và gột rửa bất kỳ sự hận thù nào đã đâm rễ vào trong linh hồn của chính mình.
4. Đánh giá thấp bản thân. Đức Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải yêu người lân cận như chính mình (Mác 12:31). Tuy nhiên, lòng yêu thương dành cho người khác bị cản trở khi chúng ta nghĩ rằng mình chẳng có điều gì để ban cho trong một mối quan hệ. Nhiều người thiếu sự tự tin để bước ra và kết bạn bởi vì họ không nghĩ rằng mình xứng đáng để được yêu thương. Nếu bạn tranh chiến với việc yêu chính bản thân mình, bạn phải sẵn sàng bước ra khỏi chiếc vỏ ốc của mình và tìm sự giúp đỡ. Hãy đến với những con người xung quanh bạn. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một ai đó để cầu nguyện với bạn!
5. Nỗi sợ bị chối bỏ. Tôi đã gặp những người bỏ nhóm nhà thờ bởi vì họ bị phản bội. Một số người thậm chí còn bỏ cả cương vị hầu việc Chúa của mình bởi vì những người bạn quay lưng lại với họ. Thái độ của họ là “Tôi sẽ không bao giờ để một người nào làm tổn thương mình lần nữa.” Nhưng có đáng hay không khi bạn đóng lại cánh cửa tình bạn chỉ vì một hoặc hai trải nghiệm tồi tệ? Châm ngôn 18:24 viết rằng, “Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình, nhưng có một bạn tríu mến hơn anh em ruột.” Những người bạn trung thành trong cuộc đời tôi vượt hơn mọi sự thất vọng mà tôi gặp phải. Tình bạn là điều đáng để mạo hiểm.
Khi Đức Chúa Giê-xu đem vương quốc thiên đàng đến với nhân loại, Ngài đã tập hợp một nhóm những môn đồ là những người được xem là bạn của Chúa (Giăng 15:15). Ngài đã kêu gọi họ đi theo Ngài với cương vị là những môn đồ, nhưng Ngài cũng kêu gọi họ có mốt liên hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ chiều dọc của chúng ta với Đấng Christ tạo nên một sự kết nối chiều ngang với những anh chị em của chúng ta. Đừng để điều gì ngăn trở bạn có một mối quan hệ tốt đẹp.
Tác giả: J. Lee Grady là cựu biên tập của hãng tin Charisma. Các bạn có thể xem những bài viết của ông trên Twitter tại địa chỉ @leegrady. Ông là tác giả của cuốn sách 10 Điều Dối Trá Mà Con Người Tin và những quyển sách khác.
Mạnh Tuấn. Theo: charismanews.com