Oneway.vn – Kinh Thánh kể cho chúng ta những câu chuyện đáng kinh ngạc về lòng biết ơn.(Ảnh: Focus on the Family)
Thật dễ để cảm tạ Chúa khi cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp. Lòng tôi tự nhiên trào dâng lòng biết ơn vào những ngày con cái ngoan ngoãn, vào những lúc lời cầu nguyện được đáp lại mạnh mẽ, hoặc vào những khi tôi có tiền rủng rỉnh để mua sắm…
Nhưng còn những ngày tôi kiệt sức trong việc nuôi dạy con cái, hay lúc chờ đợi quá lâu mà không thấy Chúa đáp lời, hay khi không đủ tiền để mua lấy niềm vui, thì sao? Lúc ấy chẳng dễ gì mà biết ơn. Nhưng Kinh Thánh nói rõ về sức mạnh của lòng biết ơn.
Chúa kêu gọi chúng ta biết ơn trong mọi sự.
Khi tìm hiểu sâu trong Kinh Thánh, tôi phát hiện lòng biết ơn ở những chỗ mà tôi không ngờ tới.
Hãy cùng tôi xem 6 câu chuyện đáng ngạc nhiên về lòng biết ơn trong Kinh Thánh.
1. Đa-ni-ên tạ ơn bất chấp nguy hiểm
Đa-ni-ên sinh ra trong gia đình quý tộc nhưng phải trở thành nô lệ khi còn là một thiếu niên. Ông bị lưu đày khỏi quê hương, cắt đứt khỏi gia đình và được huấn luyện để hòa nhập vào nền văn hóa Ba-by-lôn. Tuy nhiên, Đa-ni-ên đã hết lòng theo Chúa và luôn giữ mình trong suốt thời kỳ thăng trầm của hai vương quốc. Khi vua Ba Tư muốn thăng Đa-ni-ên lên vị trí cao thứ hai trong vương quốc, các quan chức khác đã âm mưu hạ bệ Đa-ni-ên. Họ thuyết phục Vua Đa-ri-út ban hành một lệnh cấm bất di bất dịch: chỉ kêu cầu một mình nhà vua, còn nếu không thì sẽ bị ném vào hang sư tử.
Vì tính mạng của mình, lẽ ra Đa-ni-ên đã quỳ xuống. Ông lẽ ra đã quay lưng với Chúa. Nhưng Đa-ni-ên vẫn kiên định trung thành. Theo thông lệ, Đa-ni-ên cúi xuống cầu nguyện và tạ ơn Chúa ba lần một ngày. Đa-ni-ên đã chọn biết ơn bất chấp nguy hiểm.
Tôi rất muốn biết Đa-ni-ên đã cảm tạ Chúa về điều gì – sự cung cấp liên tục của Chúa? Sự thành tín của Ngài mọi lúc mọi nơi? Hay sự tốt lành của Ngài dù chuyện gì xảy ra? Đức Chúa Trời vẫn mang tất cả những đặc điểm này ngay cả khi Ngài không bao giờ giải cứu Đa-ni-ên. Đúng như lệnh cấm của nhà vua, Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử suốt một đêm, nhưng Đức Chúa Trời đã bịt miệng sư tử, và Đa-ni-ên không những sống sót mà còn không hề bị xây xát gì.
2. Giô-na đã tạ ơn trong bụng cá
Không giống như Đa-ni-ên, Giô-na gặp khó khăn vì những việc tự ông làm ra. Đức Chúa Trời sai Giô-na đi cảnh báo thành Ni-ni-ve về sự phán xét sắp xảy ra nếu họ không ăn năn. Nhưng không, Giô-na lại lánh mặt xuống con tàu đi Ta-rê-si. Khi một cơn bão dữ dội đe dọa lật úp con tàu, Giô-na biết rằng đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho mình, và bảo các thủy thủ ném ông xuống khỏi tàu. Rồi ông bị một con cá lớn nuốt chửng.
Giô-na có thể hờn dỗi hoặc bỏ cuộc, nhưng trong bụng cá, ông ăn năn và cảm tạ Chúa. Sau lời cầu nguyện với lòng biết ơn của Giô-na, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho con cá lớn nhổ ông ra trên đất khô, và Giô-na tiếp tục đi đến Ni-ni-ve để rao giảng.
3. An-ne đã chọn Đấng Ban Tặng thay vì món quà
Được chồng yêu quý nhưng lại không có con, An-ne phải chịu đựng sự khinh miệt và chế nhạo từ người vợ kia của chồng, vì bà ấy sinh được nhiều con. An-ne thậm chí không thể ăn uống nổi vì quá đau buồn. Trong cơn sầu khổ, bà đi đến đền tạm và kêu cầu với Đức Chúa Trời, hứa nguyện rằng nếu Ngài cho bà sinh một con trai, bà sẽ dâng cậu bé để phục sự Ngài suốt đời.
Chúa đã ban cho An-ne một con trai. Trong vài năm sau đó, khi chồng bà đi dâng của lễ hàng năm, An-ne vẫn ở nhà với con trai bà, Sa-mu-ên. An-ne đã giữ lời hứa của mình, và sau khi cai sữa, bà đưa Sa-mu-ên đến ở với thầy tế lễ ở Giê-ru-sa-lem. An-ne không hối hận cũng không buồn bực vì lời hứa của mình. Thay vào đó, bà vô cùng biết ơn. Mặc dù rất yêu thương Sa-mu-ên, An-ne đã chọn tôn thờ Đấng Ban Tặng chứ không phải món quà của Ngài (1 Sa-mu-ên 2:1-2).
“Lòng con hoan hỉ trong Đức Giê-hô-va, nhờ Đức Giê-hô-va, sức lực con phấn chấn. Miệng con cười nhạo kẻ thù con; Vì sự giải cứu của Ngài làm cho con vui mừng. Chẳng ai thánh như Đức Giê-hô-va; Chẳng có Chúa nào khác ngoài Ngài! Không có tảng đá nào như Đức Chúa Trời của chúng ta”.
4. Phao-lô tạ ơn giữa cơn bão
Câu chuyện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 27 giống như một cuộc phiêu lưu gay cấn thời hiện đại. Phao-lô đã bị bắt giam và đưa lên một con tàu đến Rô-ma dưới sự canh gác của lính La Mã. Con tàu bỗng bị cuốn vào một trận cuồng phong dữ dội. Đầu tiên, thủy thủ đoàn cố gắng giữ vững con tàu bằng cách dùng dây cáp buộc chặt xung quanh, sau đó họ ném bớt hàng hóa xuống biển để tàu không bị chìm. Đến ngày thứ 14, khi không còn nhìn thấy mặt trời hay các vì sao, họ đã “chẳng còn hi vọng được cứu nữa”.
(Ảnh: GJM)
Nhưng đêm đó, một thiên sứ xuất hiện với Phao-lô trong giấc mơ, đảm bảo với ông rằng sẽ không có ai phải chết cả. Cơn bão hoành hành và con tàu trông thật tả tơi. Họ thả bốn chiếc neo và cầu nguyện xin ánh sáng chiếu soi. Không ai ăn uống suốt 14 ngày, và ngay trước khi mặt trời mọc, Phao-lô kêu gọi mọi người ăn để lấy lại sức. Giữa cơn giông tố, Phao-lô cầm lấy bánh, tạ ơn Đức Chúa Trời trước cả con tàu, bẻ bánh và phân phát. Ngày hôm sau, tất cả 276 người trên tàu đã vào bờ an toàn.
Nếu Phao-lô có thể tạ ơn ngay trong cơn bão chứ không phải sau khi cơn bão qua đi, mà, thì chúng ta cũng có thể làm như vậy.
5. Chúa Jêsus tạ ơn trước khi được ban cho
Khi Chúa Jêsus hóa bánh cho 5000 người ăn, Ngài vô cùng đau buồn khi biết tin anh họ của ngài, Giăng Báp-tít đã bị chặt đầu. Ngài cũng đã mệt mỏi và cố gắng đi đến một nơi yên tĩnh với các sứ đồ của mình để nghỉ ngơi. Nhưng đám đông lại đi theo, và với lòng nhân từ cao cả, Chúa Jêsus đã giảng dạy hàng giờ liền. Thấy dân sự đói khát, Chúa Jêsus cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, “ngước mắt lên trời tạ ơn rồi bẻ bánh ra”. Các sứ đồ phân phát thức ăn cho đám đông, dân chúng ăn cho đến khi no nê và gom lại còn 12 giỏ thức ăn thừa.
Chắc chắn 100% Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Có thể chúng ta chưa thấy, nhưng Chúa đã hứa và Ngài sẽ thực hiện. Khi cầu xin Chúa đáp ứng nhu cầu của mình, chúng ta có thể cảm tạ Chúa trước vì sự ban cho chắc chắn của Ngài.
6. Chúa Jêsus đã tạ ơn trước khi đi đến thập tự giá
Vào buổi tối Tiệc Thánh, Chúa Jêsus nói rằng Ngài “rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các con” với các sứ đồ. Biết mình sắp bị phản bội, bị bắt, bị chế giễu, bị đánh đập và bị đóng đinh, Chúa Jêsus vẫn tạ ơn.
Tác giả Nancy Leigh Demoss lưu ý độc giả rằng Chúa Jêsus đã dừng lại ba lần trong bữa ăn để tạ ơn – trong bữa ăn tối trước khi uống chén, trước khi bẻ bánh và sau bữa ăn tối trước khi uống chén lần nữa. Chúa Jêsus tạ ơn vì bánh và chén tượng trưng cho thân thể Ngài tan nát, huyết Ngài đổ ra cho chúng ta.
“Đây không phải là lời tạ ơn bắt buộc trước bữa ăn. Toàn bộ bữa ăn phản ánh sự hy sinh to lớn mà Chúa Jêsus sắp thực hiện. Khi tạ ơn về bánh và chén, vào trao cho các môn đồ, thực chất Chúa Jêsus đang nói rằng: “Vâng, thưa Cha, con sẵn lòng phó chính sự sống mình theo sứ mệnh Cha dành cho con, bất kể giá nào.” Ngài phó chính mình vì Đức Chúa Trời và thế gian, không phải bởi ép buộc, nhưng với thái độ bằng lòng… và với lòng biết ơn, biết ơn vì đặc ân được vâng lời Cha Ngài và làm trọn sứ mệnh Ngài đã được sai đến thế gian để hoàn thành.”
7. Đa-vít tạ ơn khi đối mặt với sự bất công sâu sắc
Trong Thi Thiên 69, Đa-vít kêu cầu Đức Chúa Trời cứu ông khỏi kẻ thù đã vu cáo ông. Ông đang chìm trong đau khổ, bị chế giễu, ô nhục và bất công, điều này gây ra tổn thất lớn cho thể chất và tinh thần của ông. Trong Thi-thiên 69:4, Đa-vít mô tả hoàn cảnh của mình: “Những kẻ ghen ghét con vô cớ nhiều hơn số tóc trên đầu con; Những kẻ thù hung bạo vô cớ muốn hủy diệt con; Con phải bồi thường vật mà con không ăn cắp”. Có lẽ Đa-vít đã viết Thi Thiên này trong suốt tám năm ông chạy trốn Sau-lơ, không ngừng cố gắng để cứu mạng sống mình. Có thể Đa-vít đã viết thư này khi Y-sơ-ra-ên bắt đầu nội chiến và không còn công nhận ông là vua hoặc có thể ông viết thư này sau khi chạy trốn khỏi cuộc nổi dậy của chính con trai ông, Áp-sa-lôm.
Nhưng giữa những đau khổ bất công này, Đa-vít vẫn tạ ơn Chúa:
“Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời; Lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài. Điều ấy sẽ đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn tế lễ bằng bò đực, hoặc con bò đực có sừng và móng rẽ” (Thi thiên 69:30-31)
Lời tạ ơn của Đa-vít trong cơn khốn khó tốt hơn bất kỳ của lễ nào mà ông có thể dâng lên Chúa. Thật là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng lòng biết ơn của chúng ta chính là của lễ đẹp đẽ dâng lên Đức Chúa Trời.
Bài: LISA APPELO; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: lisaappelo.com)
Leave a Reply