Oneway.vn – Gần như mọi thanh thiếu niên vào một thời điểm nào đó họ đều cảm thấy bản thân bị mắc kẹt trong những căng thẳng, câu hỏi và nghi ngờ.
Nhưng không cần phải tuyệt vọng vì biết rằng bạn không cô đơn. Tất cả những người theo Chúa đều từng cảm thấy như vậy trong suốt hành trình trên đất này, kể cả những nhân vật được ghi lại trong Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đã sử dụng để hoàn thành mục đích của Ngài. Chúa đã giúp họ vượt qua những vấn đề của họ. Và Ngài cũng sẽ giúp bạn vượt qua.
1. Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 1)
Chúa đến với Giê-rê-mi và nói rằng trước khi ông được sinh ra, Ngài đã chọn ông để làm tiên tri cho các dân tộc. Đây có thể là một nhiệm vụ lớn lao đối với Giê-rê-mi, vì ông ngay lập tức nghĩ rằng mình quá trẻ để làm việc đó.
Chúa đã nhắc nhở Giê-ri-mi. Quá trẻ không phải là lý do để không được Chúa sử dụng. Ông không cần phải sợ phản ứng của mọi người vì chính Chúa sẽ ở cùng và bảo vệ ông. Chúa đã ban cho Giê-rê-mi sức mạnh để bước theo theo gọi của mình.
Và Đức Chúa Trời cũng sẽ ban cho bạn sức mạnh để tiếp tục theo gọi của bạn. Hãy nhìn về Ngài. Bạn không quá trẻ để làm việc vĩ đại cho Chúa. Và thêm vào đó: Bạn cũng không quá __________. Điền vào chỗ trống với bất kỳ tính từ nào mà bạn đôi khi áp dụng cho bản thân: già, trẻ, béo, nhút nhát, thiếu kinh nghiệm, lười biếng, v.v. Chúa có thể sử dụng bạn bất chấp, bất kỳ sự tự ti nào bạn có. Bạn được tạo ra một cách có mục đích và tuyệt vời. Ân điển của Ngài sẽ bao phủ mọi sự tự ti của bạn.
2. Đa-vít (1 Sa-mu-ên 16)
Đa-vít là đứa con út trong tất cả các anh em của mình. Chính cha cậu đã bỏ qua cậu khi tiên tri Sa-mu-ên đến để tìm và xức dầu cho vị vua tiếp theo của đất nước. Tất cả các anh em của Đa-vít đều được đưa ra trước Sa-mu-ên. Nhưng Đức Chúa Trời không cảm động lòng Sa-mu-ên và Sa-mu-ên hỏi còn ai nữa không. Cha của Đa-vít miễn cưỡng nói rằng ông còn một đứa con út đang chăn chiên ngoài đồng. Sa-mu-ên yêu cầu được gặp cậu. Khi Đa-vít được đưa đến, Đức Chúa Trời đã khiến Sa-mu-ên biết rằng cậu chính là người được chọn.
Chúa phán với Sa-mu-ên đừng xét đoán theo vẻ ngoài hay chiều cao. Chúa không nhìn con người như chúng ta thường nhìn. Con người đánh giá bằng vẻ ngoài, nhưng Chúa nhìn vào tấm lòng.
Khi bạn so sánh mình với người khác, bạn có thể cảm thấy mình không bằng họ. Bạn sẽ thường xuyên nhận ra những điểm mình chưa đủ. Nhưng hãy luôn nhớ rằng Chúa không nhìn như những gì chúng ta nhìn. Con người nhìn vào những đặc điểm và thân hình đẹp đẽ. Chúa nhìn vào vẻ đẹp thực sự trong tâm hồn.
3. Giô-suê (Giô-suê 1)
Giô-suê đã theo chân Môi-se và học hỏi nhiều điều từ ông. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-suê thay thế Môi-se để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên, có lẽ ông cảm thấy thiếu tự tin. Giô-suê có thể nghĩ rằng mình không đủ khả năng để lấp đầy “đôi giày lớn” mà Môi-se để lại và thậm chí muốn rút lui.
Nhưng Đức Chúa Trời đã đến cùng Giô-suê, phán hứa rằng Ngài sẽ ở với ông như Ngài đã ở với Môi-se. Giô-suê được giao nhiệm vụ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa, điều mà Môi-se không được phép thực hiện. Sự bảo đảm và cam kết từ Đức Chúa Trời đã giúp Giô-suê bước đi với sự mạnh mẽ và can đảm, hoàn thành sứ mệnh mà Chúa giao phó.
Những người trong quá khứ có thể được xem là những người khổng lồ trong đức tin, và đôi khi chúng ta cảm thấy mình không thể sánh ngang với họ. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đồng hành cùng tất cả các thế hệ. Hãy suy ngẫm Lời Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm, vì Ngài sẽ sử dụng bạn theo cách Ngài đã định.
Chúa sẽ không bao giờ rời bỏ bạn hay quên lãng bạn. Bạn không cần phải trở thành bản sao của người đi trước. Hãy là chính mình – con người mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên để thực hiện kế hoạch tốt lành của Ngài.
4. An-ne (1 Sa-mu-ên 1)
An-ne và Phê-ni-na đều là vợ của Ên-ca-na. Phê-ni-na thường chế nhạo An-ne vì nàng có con còn An-ne thì không. Năm này qua năm khác, Phê-ni-na liên tục bắt nạt và làm tổn thương An-ne, khiến nàng vô cùng buồn bã về sự son sẻ của mình.
Nhưng An-ne không để nỗi buồn đó đè nặng mãi. Nàng mang tất cả những cảm xúc đau khổ và tủi hờn của mình đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Nàng khóc lóc, dốc cạn lòng mình trước mặt Ngài. Đức Chúa Trời đã thương xót An-ne, và chẳng bao lâu sau, Ngài ban cho nàng một đứa con trai.
Đứa con lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho An-ne chính là lời đáp trả đầy uy quyền trước những kẻ độc ác và kiêu ngạo. Ngài khiến họ phải hổ thẹn và bày tỏ sự công chính của Ngài qua cuộc đời An-ne.
Khi bị tổn thương hay bắt nạt, hãy đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Hãy xin Ngài hướng dẫn, giúp đỡ, và tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh nếu cần.
Bạn có thể vượt qua bất kỳ sự bắt nạt nào. Hãy cầu nguyện cho những người làm tổn thương bạn, để lòng họ được thay đổi. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ gặt hái những gì mình gieo, và họ cũng vậy.
5. Ma-ry (Lu-ca 1)
Khi còn là một thiếu nữ, Ma-ry đã được Chúa giao cho một nhiệm vụ dường như không thể thực hiện được. Điều này hẳn sẽ khó tin đối với một nàng thiếu nữ trẻ. Nàng phải nói với hôn phu của mình rằng nàng đã mang thai, với hy vọng rằng chàng sẽ không bỏ rơi nàng. Nhưng Chúa đã giúp đỡ bằng cách sai thiên sứ đến báo tin cho Giô-sép, để chàng biết sự thật và quyết định ở lại bên Ma-ry. Sau đó, nàng còn phải đối mặt với sự phán xét của những người xung quanh, họ nghĩ nàng là người vô đạo đức.
Cuối cùng, Ma-ry hiểu rằng Chúa ở cùng nàng, và điều đó là đủ. Ngài sẽ giúp nàng vượt qua những tình huống dường như không thể. Vì vậy, nàng sẵn sàng phục vụ Ngài với cả tấm lòng.
Ma-ry ngợi khen Chúa ngay cả khi nàng không hiểu hết mọi điều. Nàng ghi nhớ tất cả những điều xảy ra trong suốt 34 năm tiếp theo, biết rằng Chúa đang thực hiện một công việc kỳ diệu, dù không rõ tại sao hay làm thế nào.
Những nhiệm vụ dễ dàng thường không mang lại giá trị lâu dài. Những việc tưởng như khó khăn, thậm chí không thể, lại có thể được thực hiện từng bước một với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chúa.
6. Giô-sép (Sáng-thế Ký 37-50)
Giô-sép nhận được một giấc mơ từ Đức Chúa Trời, nhưng chàng không hiểu hết ý nghĩa của nó. Chàng kể lại giấc mơ ấy với các anh mình, khiến họ ghen tị và tức giận. Trong cơn giận, họ bán Giô-sép làm nô lệ, đẩy chàng xa khỏi gia đình. Thế nhưng, chính hành động đó lại nằm trong kế hoạch tốt lành của Đức Chúa Trời dành cho Giô-sép.
Dù bị bắt làm nô lệ, Giô-sép được Phô-ti-pha yêu mến và tin tưởng. Đức Chúa Trời ban phước, giúp Giô-sép vượt qua nghịch cảnh, để từ một nô lệ, chàng trở thành quản gia trong nhà Phô-ti-pha.
Nhưng rồi, vợ của Phô-ti-pha lại để ý đến Giô-sép. Khi bị rơi vào bẫy cám dỗ, chàng đã chọn làm điều đúng đắn – chạy trốn khỏi sự quyến rũ. Hành động ngay thẳng này khiến vợ Phô-ti-pha tức giận. Trong cơn giận, bà vu khống rằng Giô-sép chính là người chủ động. Vì vậy, Phô-ti-pha, nghĩ rằng Giô-sép phản bội lòng tin của mình và ném chàng vào tù.
Ngay cả trong tù, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục ở cùng Giô-sép. Chúa khiến cai ngục nhận ra khả năng của chàng, giao cho chàng trách nhiệm quản lý các tù nhân khác.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Chúa, Giô-sép giải mã chính xác được giấc mơ của vua Pha-ra-ôn và chàng được lập lên cầm quyền cả Ai Cập, chỉ đứng sau nhà vua.
Khi nạn đói xảy ra, Giô-sép đã hòa giải với gia đình mình khi họ đến Ai Cập để mua lương thực. Nhìn lại mọi sự, chàng nhận ra rằng những điều các anh làm với chàng trong cơn giận dữ đã được Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn thành kế hoạch tốt lành. Đức Chúa Trời là Đấng luôn đồng hành, thúc đẩy Giô-sép qua mọi thăng trầm, và chàng chỉ cần giữ lòng kiên trung và vâng phục.
Đức Chúa Trời kiểm soát mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của bạn. Tình huống hiện tại của bạn không phải là hành trình cuối cùng. Nó chỉ là một phần trong hành trình đó. Bạn có thể không hiểu mọi điểm trên đường đi, nhưng với sự dẫn dắt của Chúa, bạn có thể tin tưởng rằng cuối cùng của hành trình sẽ thật tuyệt vời. Ngài sẽ làm nhiều điều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.
Bài: Jennifer Heeren; dịch: S.D
(Nguồn: crosswalk.com)
Leave a Reply