7 bí quyết để chia sẻ Lời Chúa cho thiếu niên

Oneway.vn – Chia sẻ Lời Chúa cho thiếu niên có thể là điều cực kỳ thách thức với một người hướng dẫn thiếu niên, nhưng cũng là điều vô cùng đáng giá.

Sau nhiều năm làm việc trong vai trò một mục sư đặc trách thiếu niên, tôi đã học được một vài điều về việc giảng Lời Chúa cho thiếu niên.

Đây là những bài học “xương máu” được đúc kết qua thử nghiệm và sai lầm mà hầu hết là sai lầm. 

Đây không phải là danh sách đầy đủ những điều bạn cần biết. Tuy nhiên, hy vọng những lời khuyên này sẽ giúp một vài bạn không phải quá khó để học được điều này như tôi đã từng.

7 bí quyết để giảng Lời Chúa cho thiếu niên

  1. Hãy chân thật

Hãy là chính bạn. Đừng cố gắng tỏ vẻ mình “cool ngầu” và cũng đừng cố gắng hành động như một thiếu niên hay sử dụng ‘tiếng lóng’ để nói chuyện với chúng. Bọn trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra sự giả tạo ngay.

Thật ra, thiếu niên muốn biết: Bạn có thật sự quan tâm đến các em không? Bạn có thật sự sống trong mối liên hệ thật với Chúa Jêsus chưa? Và bạn thật sự sống đúng những gì bạn chia sẻ?

Sự chân thật là một trong những điều quan trọng nhất bạn cần có với tư cách là một diễn giả. Dẫu những chia sẻ của bạn có bóng bẩy ra sao, nhưng nếu bạn không có sự chân thật các em thiếu niên sẽ không lắng nghe.

  1. Tương tác cùng nhau

Hãy thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến bằng cách dơ tay. Yêu cầu các em nói lớn những câu trả lời. Mời một vài em tiến lên phía trên để làm ví dụ minh họa hay yêu cầu các em đứng lên, ngồi xuống, nhảy lên, nhắm mắt lại, nhìn vào điều gì đó, làm ồn, làm một hành động nào đó, chơi một trò chơi hay nhảy múa…

Dù bạn làm gì đi nữa, thì các em thiếu niên thích được tương tác với diễn giả. Tốt hơn, bạn nên kéo các em vào trong những mức độ tương tác với mình hơn là chỉ bắt chúng ngồi, yên lặng và lắng nghe.

  1. Hãy kể những câu chuyện

Chúa Jêsus là một diễn giả xuất sắc nhất. Ngài kể rất nhiều câu chuyện. Là một đặc trách thiếu niên, bạn cũng nên học theo Ngài.

Chúng ta sống trong một thế giới bị ám ảnh với những câu chuyện. Mọi chương trình truyền hình, sách, phim và trò chơi điện tử mà một em thiếu niên dành nhiều giờ trong ngày để xem đều chứng tỏ rằng những câu chuyện ấy có sức mạnh và quan trọng với các em ấy.

Những câu chuyện hay thu hút sự chú ý của các em. Những câu chuyện giúp các em khám phá một lẽ thật cho chính mình trước khi bạn trực tiếp nói đến điều đó. Chỉ cần bạn lưu ý đừng kể một câu chuyện chỉ nhằm mục đích cho có chuyện để kể.

  1. Hãy hài hước

Các em có đang cười không? Không phải cười bạn, nhưng là cười với bạn.

Bạn không cần phải trở thành một chú hề. Thậm chí bạn cũng không cần phải có những chuyện hài hay nhất. Chỉ cần khôi hài. Thiếu niên muốn vui cười. Hãy cho các em lý do để cười.

Tiếng cười phá vỡ bức tường ngăn cách giữa bạn với các em và mang các em đến gần bạn hơn. Tiếng cười cũng giúp dịu đi những căng thẳng trong phòng sau một vài lời khó nghe.

Những người truyền đạt tốt nhất biết làm thế nào để thính giả cười sảng khoái phút trước và tiếp tục chăm chú lắng nghe vào phút sau.

  1. Đừng vòng vo

Bạn nói trong bao lâu? Tôi không tin là sứ điệp dành cho thiếu niên chỉ vỏn vẹn 15 phút. Thiếu niên có thể ngồi nghe giảng từ 30-40 phút. Nhưng điều cần là sự hấp dẫn và lôi cuốn.

Nếu bạn kể một câu chuyện quá dài để vào vấn đề chính, bạn sẽ thất bại. Hay nếu bạn nói thật chậm suốt thời gian kể chuyện, bạn cũng sẽ thất bại.

Không gì tệ hơn việc nghe một thông điệp cho thiếu niên cách vòng vo, dông dài trong 15-20 phút mà không đi vào trọng tâm bài giảng. Đây thường là hậu quả của việc thiếu chuẩn bị.

Sau khi bạn viết ra sứ điệp, hãy nghiêm chỉnh cắt bỏ những chi tiết không cần thiết. Hãy xóa bỏ những trùng lặp. Tránh để những điều này làm sao nhãng ý chính.

  1. Hãy giữ trọng tâm

Ý tưởng lớn là gì?

Những sứ điệp ảnh hưởng đến thiếu niên hầu hết không phải ở việc bạn giảng một bài giảng gồm 52 ý chính trong tất cả mọi lĩnh vực các em cần biết về cuộc sống. Trái lại, những sứ điệp tuyệt vời nhất đều tập chú vào một ý cụ thể.

Hãy nhấn mạnh vào một ý cho đến khi khắc sâu vào lòng các em.

Nếu bạn không thể tóm tắt toàn bộ sứ điệp trong một câu đơn giản, bạn chưa sẵn sàng để giảng chúng.

  1. Dùng những ví dụ 

Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể xuyên suốt sứ điệp.

Nhiều thiếu niên, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, đều gặp khó khăn trước những suy nghĩ trừu tượng. Thiếu niên cần những ví dụ cụ thể để giúp các em hiểu điều bạn muốn các em làm. Thiếu niên cần hành động cụ thể trong những vấn đề để giúp các em áp dụng sứ điệp vào cuộc sống hằng ngày.

Nếu bạn nói về sự phục vụ, hãy nói làm thế nào để trung tín phục vụ. Nếu bạn nói về việc yêu kẻ thù nghịch, hãy cho một ví dụ làm thế nào các em có thể bày tỏ tình yêu với đứa em trai hay làm chúng khó chịu hay những người hay bắt nạt các em ở trường.

Hãy đặt mình vào thế giới của các em và cho các em những ý tưởng đơn giản và thiết thực về cách các em có thể áp dụng những điều mình học được.

Danh sách kiểm tra những bí quyết giúp giảng Lời Chúa hiệu quả cho thiếu niên:

Tóm lại, đây là một danh sách kiểm tra nhanh. Hãy dùng những câu hỏi này để lượng giá sứ điệp kế tiếp của bạn.

  1. Có điều nào không chân thật không?
  2. Các em sẽ tương tác như thế nào?
  3. Tôi đang kể chuyện gì?
  4. Có gì vui không?
  5. Có điều gì quá dài, lặp lại hay không cần thiết không?
  6. Trọng tâm của sứ điệp là gì?
  7. Tôi đang thách thức các em áp dụng điều này như thế nào?

Bài: Bradon Hilgemann; dịch: Sophie

(Nguồn: churchleaders.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *