7 cách để đắc thắng tội lỗi qua tấm gương Chúa Jêsus

Oneway.vn – Làm sao tôi có thể chiến thắng tội lỗi?Kinh Thánh nói rõ với chúng ta, là Cơ Đốc nhân, phải sống đắc thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi. 

Và chúng ta không chiến thắng theo kiểu “sứt đầu mẻ trán:” nhưng chúng ta toàn thắng mà không tổn hại gì (Rô-ma 8:37), và Chúa luôn dẫn đầu chúng ta trong cuộc diễu hành chiến thắng!” (II Cô-rinh-tô 2:14).

Dẫu vậy, dù tôi muốn sống đẹp lòng Chúa, nhưng thật khó khi đối diện với những phản ứng xuất phát từ bản chất của tôi trước các sự việc và tình huống trong đời sống hàng ngày. Tôi nghĩ, nói và làm những điều không đẹp ý Chúa.

Phao-lô mô tả điều đó rất rõ trong Rô-ma 7:18-19: “Vì tôi biết rằng điều thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Tôi có ý muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng để làm. Vì tôi không làm điều thiện mình muốn, mà lại làm điều ác mình không muốn”. 

Có vẻ như tội lỗi cố hữu trong xác thịt tôi quá mạnh mẽ để có thể chống lại. 

Vậy, làm sao tôi có thể chiến thắng tội lỗi đây?


1. “Như chính Ta đã thắng”

Chúa Jêsus phán một điều không tưởng trong Khải Huyền 3:21: “Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta, như chính Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai của Ngài”

Những lời này rất tuyệt vời, nhưng cũng khá khó hiểu! Mọi tín hữu đều tin rằng nhờ sự chết của Chúa Jêsus mà chúng ta nhận được sự tha tội và được hòa giải với Đức Chúa Trời. Nhưng ở đây Chúa Jêsus lại phán rằng tôi cũng có thể chiến thắng tội lỗi như Chúa Jêsus đã thắng! Nghĩa là còn điều gì đó khác nữa ngoài sự tha tội.

Vậy, để biết cách chiến thắng tội lỗi, tôi cần nhìn vào Chúa Jêsus, Đấng đi trước và là tấm gương vĩ đại của tôi, nhìn xem Ngài đã làm điều đó như thế nào.

 

2. “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con”

Khi Chúa Jêsus đến thế gian này, Ngài công bố: “Nhưng Chúa đã chuẩn bị một thân thể cho tôi, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:5-7). 

Tương tự, những ngày cuối trên đất, khi đối diện với những thử thách cam go, Ngài đã nói: “…xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” (Lu-ca 22:42).

“Ý Con” là cách nói khác của “tội lỗi trong xác thịt” mà tất cả chúng ta đều phải gánh lấy. 

Là con người, Chúa Jêsus cũng có ý riêng và cũng bị cám dỗ, nhưng Ngài đã kiên quyết dứt khoát ngay từ đầu: “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” 

Với tôi, để đắc thắng như Ngài đã thắng, tôi cần phải đưa ra quyết định tương tự và trung tín thực hiện nó, bất kể điều gì xảy ra hoặc tôi cảm thấy thế nào.

 

3. Hạ mình

“Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Jêsus đã có, Ngài … đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:5-8). 

Chúa Jêsus vốn ở thiên đàng, có hình Đức Chúa Trời và bình đẳng với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã tự nguyện làm người vì cớ chúng ta. 

Có thể bạn sẽ nghĩ đây là hành động khiêm nhường tột bậc. Song Lời Chúa chép rằng: Ngài đã tự hạ mình xuống và vâng phục như một người

Để chiến thắng, Chúa Jêsus đã phải tự hạ mình xuống. Ngài đã phải chiến đấu chống lại tội lỗi, và thực hiện lời Ngài đã hứa nguyện: “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!”

Hạ mình luôn ở trong tâm thức của Chúa Jêsus, và cũng phải là thái độ của tôi với tư cách là môn đồ Ngài

4. Lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện đầy nước mắt

“Khi còn sống trong thân xác, Đấng Christ đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện và nài xin đầy nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết; và bởi lòng thành kính, Ngài được nhậm lời. Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:7-8). 

Chúa Jêsus chịu trong thân phận con người như chúng ta. Đức Chúa Trời đã không ban cho Ngài bất kỳ đặc ân nào hay khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho Ngài, vì nếu vậy toàn bộ công tác cứu rỗi sẽ thất bại và chẳng đáng giá gì. 

Chúa Jêsus đã tận lực chiến đấu chống lại tội lỗi trong xác thịt của Ngài và Ngài cần được giúp đỡ. Lời cầu nguyện “lớn tiếng và đầy nước mắt” của Ngài đã được nhậm vì chúng là thật, là kết quả của việc chỉ muốn phục vụ Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời đã dạy Ngài vâng lời, ban cho Ngài quyền năng và lòng kiên quyết mà Ngài cần để tự bỏ mình đi, trong mọi lúc. 

Tôi đã tuyệt vọng đến thế nào để giành được chiến thắng? Tiếng kêu xin của tôi lên Chúa lớn đến mức nào? Tôi sẵn lòng vâng lời như thế nào? Tôi có muốn được cứu khỏi chết không? Để thắng như Ngài đã thắng, tôi cần noi theo Chúa Jêsus trong mọi sự, cũng như trong cách tôi cầu xin Chúa vùa giúp tôi. 

Đối với hoàn cảnh của tôi, những dục vọng trong xác thịt và những áp lực bên ngoài có thể sừng sững như núi cao. Trận chiến này có vẻ bị áp đảo. Nhưng tôi không đơn độc.


5. Ân điển giúp đỡ kịp thời

Chúa Jêsus hiểu làm người là thế nào. “Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). 

Trước khi Ngài rời thế gian, Chúa Jêsus đã hứa với các môn đồ sẽ sai Đức Thánh Linh, Đấng An Ủi đến với họ, là Đấng sẽ dẫn họ vào chân lý. (Giăng 14:16-17, 26; Giăng 15:26).

“Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai Đức Chúa Trời để nhận lãnh tình thương và ơn phước giúp ta khi cần thiết” (Hê-bơ-rơ 4:16 – KTHD). 

“Khi cần thiết” là khi tôi bị cám dỗ, khi tôi nhìn thấy và cảm nhận tội lỗi trong xác thịt, là khi tôi tranh chiến để giữ mình thánh sạch và không phạm tội. 

Nếu tôi lớn tiếng cầu xin sự giúp đỡ như Chúa Jêsus, trong sự hạ mình và đầy nước mắt, tha thiết mong muốn được chiến thắng và được cứu khỏi chết, thì tôi sẽ được giúp đỡ.

Đức Thánh Linh sẽ đến và cho tôi biết đâu là con đường phải đi. Và con đường đó luôn luôn là: “Hãy chịu khổ về phần xác, như Chúa Jêsus đã chịu!” 

Nếu tôi hạ mình và sẵn lòng vâng lời, Ngài sẽ ban cho tôi sức mạnh và lòng kiên quyết mà tôi cần để kiên trì đánh trận chiến của mình. Ngài sẽ ban cho tôi sự sáng và sự thông hiểu để nhìn biết tội lỗi ghê tởm đến mức nào, và sự kêu gọi thiên thượng của tôi vĩ đại ra làm sao. 

Ngài sẽ ban cho tôi Lời Chúa để dẫn dắt, giúp đỡ và làm khí giới của tôi. Ngài sẽ ban quyền năng để tôi chiến thắng tội lỗi!


6. Lời Chúa làm vũ khí

Lời Đức Chúa Trời là gươm (Ê-phê-sô 6:17; Hê-bơ-rơ 4:12). 

Đó là chân lý tuyệt đối và là khí giới quyền năng để chống lại sự lừa dối của sa-tan và tội lỗi. 

Khi Chúa Jêsus chịu ma quỷ cám dỗ, câu trả lời của Ngài luôn bắt đầu bằng “Có lời chép rằng…!” (Ma-thi-ơ 4:1-11). Nhưng Chúa Jêsus không chỉ trích dẫn Lời Chúa; Ngài có thẩm quyền khi nói ra Lời, bởi vì Ngài cũng sống theo Lời đó. 

Trong Giăng 1:14, chúng ta đọc thấy những lời đáng kinh ngạc: “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta”

Chúa Jêsus có thể được mô tả như là Lời được nhân cách hóa. Toàn bộ cuộc đời của Ngài làm ứng nghiệm Lời Đức Chúa Trời, và nhờ đó, hoàn tất ý muốn của Đức Chúa Trời.

Khi đọc Kinh Thánh, tôi được đầy dẫy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Đó là khí giới Ngài ban cho tôi; những lời dùng để chống lại sự lừa dối của sa-tan như cách Chúa Jêsus đã làm, những lời chỉ cho tôi biết phải làm gì và an ủi tôi. 

Tôi phải làm chính xác những gì tôi đọc được. Sau đó, tôi sẽ cầm gươm của Thánh Linh, là Lời Đức Chúa Trời. Tôi sẽ phơi bày toàn bộ mọi lời dối trá và lừa gạt của sa-tan và chiến thắng mọi khuynh hướng tội lỗi trong xác thịt mình. Sống theo Lời Chúa làm cho tôi bất khả chiến bại.


7. Chịu khổ trong thể xác, đoạn tuyệt với tội lỗi

“Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong thể xác, thì anh em cũng hãy lấy tư tưởng ấy làm vũ khí; vì người nào đã chịu khổ trong thể xác thì đã đoạn tuyệt với tội lỗi, để bao lâu còn sống trong thể xác thì anh em không sống theo những dục vọng con người, mà theo ý muốn Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:1-2).

Sự chịu khổ ở đây không phải là chịu khổ về thể xác trên thập tự giá tại đồi Calvary. Mà là sự chịu khổ hàng ngày của Ngài trên thập tự giá, khi nói “Không” với ý riêng và tội lỗi trong xác thịt, ngay cả khi nó tấn công Ngài không ngừng bằng những đòi hỏi và sự hấp dẫn quỷ quyệt. Tội lỗi trong bản chất Ngài đã nhận án tử hình khi Ngài nói: “Xin ý Cha được nên”, và án phạt này đã được thi hành trong thời gian Ngài chịu cám dỗ.

Là môn đồ của Chúa Jêsus, tôi phải ghét mạng sống mình, từ bỏ chính mình và vác thập giá mình (Lu-ca 9:23; Lu-ca 14:26). Có cái giá phải trả cho việc đó. Cái giá đó là ý riêng của tôi, là đời sống tôi. Tôi phải cầu nguyện và kêu xin Chúa, để những dục vọng trong xác thịt tôi phải cảm nhận nỗi đau bị khước từ. Trên “thập tự giá hàng ngày”, chúng phải chịu khổ và chết đi. Hầu cho tôi sẽ đoạn tuyệt với tội lỗi.

Đây là con đường mà Thầy tôi đã đi. Nếu tôi theo Ngài, tôi sẽ có kết cục giống như Ngài!

“Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta, như chính Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai của Ngài” Khải Huyền 3:21.

 

Bài: Milenko van der Staal; dịch: Ruth
(Nguồn: activechristianity.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *