7 cách đọc Kinh Thánh

Bạn là Cơ Đốc nhân và bạn tin rằng đọc Kinh Thánh là một điều quan trọng. Nhưng nếu đây là lần đầu tiên bạn đọc Kinh Thánh, thì bạn nên đọc Kinh Thánh như thế nào là tốt nhất? Và bạn nên đọc Kinh Thánh với thái độ như thế nào?

Đức Chúa Trời quan tâm sâu sắc đến vấn đề trên. Dưới đây là 7 cách mà bạn có thể tiếp cận Lời của Chúa.

1. Đọc một cách khiêm nhường

Kinh Thánh là bằng chứng xác thực rằng Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên vạn vật. Chính Ngài đã bày tỏ, mặc khải, và phán với chúng ta. Trên tất cả, chỉ có 2 cách để hiểu được Lời của Chúa: sự mặc khải và suy gẫm. Ngài phán cho chúng ta hoặc chúng ta tự suy luận.

Và Ngài đã phán. Chúa tể của vũ trụ đã từ bỏ những bí mật của Ngài

để trở thành người bạn của chúng ta thông qua một cuốn sách. Kinh Thánh là chìa khóa hé mở trí tuệ và ý muốn của Đức Chúa Trời.

Chúng ta biết rằng, con người không phải là tạo vật duy nhất được tạo dựng từ bụi đất, nhưng chính con người là tạo vật nổi loạn, chống lại Đức Chúa Trời. Điều này thật đáng kinh ngạc. Chúa có toàn quyền bỏ mặc chúng ta chìm sâu trong biển cả của sự kiêu ngạo và tội lỗi.

Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài đã mặc khải, cho chúng ta biết được Thánh ý của Ngài.

Những sự hiểu biết chắc chắn về Đức Chúa Trời chỉ có qua sự mặc khải hào phóng của chính Ngài cho chúng ta. Chỉ bằng cách đọc Kinh Thánh, chúng ta biết được Chúa là ai? Ngài như thế nào? Ngài muốn chúng ta làm điều gì, và chúng ta biết về Ngài như thế nào? Những điều này giúp chúng ta trở nên kiêm nhường tột độ.

 2. Đọc một cách toàn tâm toàn ý

Khi truyền lại những điều răn cuối cùng của Chúa trước khi ông rời xa cõi trần, Môi-se đã nói với người dân Israel rằng: “Đây không phải là những lời nói vô ích đối với anh em đâu mà là sự sống của anh em” (Phục Truyền 32.47). Lời của Chúa không chỉ là “bánh sự sống” giúp chúng ta được sống lại trong đời sống thuộc linh (Gia-cơ 1:18, I Phi-e-rơ 1:23) mà còn giúp chúng ta vượt qua những thử thách nữa. Chúa Giê-xu từng nói: “Có lời chép rằng: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4)

Trước giả sách Thi Thiên cũng khao khát khi nghe lời của Ngài: “Linh hồn con hằng khát khao mong mỏi, về các phán quyết của Chúa”; “Con gắn bó với các chứng ước của Chúa…; Con mở miệng và khát khao vì mong ước điều răn của Chúa” (Thi Thiên 119:20, 31, 131)

Linh hồn bạn sẽ khô héo và chết đi nếu không được tưới mát bằng Lời Kinh Thánh. Hãy đọc Kinh Thánh một cách toàn tâm, toàn ý.

3. Đọc một cách nghiêm túc

Giả sử bạn hỏi về vợ của tôi, và tôi trả lời rằng: “Cô ấy thật đáng kinh ngạc – người phụ nữ quyệt vời nhất mà tôi từng biết! Cô ấy đến từ Oregon, tóc đỏ bồng bềnh và ghét ăn sô-cô-la”. Vậy, người vợ của tôi có hài lòng về những miêu tả như vậy không? Tất nhiên là không rồi. Tôi thật sự thô thiển khi nói những lời “bên ngoài” như vậy về vợ mình. Cô ấy sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu tôi không nói được cô ấy là ai.

Vậy, tại sao chúng ta quá bất cẩn khi suy nghĩ và nói về Đấng Tạo hóa của mình?

“Công việc của Đức Giê-hô-va thật vĩ đại. Tất cả những ai ham thích đều sẽ suy ngẫm đến.” (Thi Thiên 111:2). Tân Ước cũng có chép: “Những người Do Thái ở đây có tinh thần cởi mở hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca, họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xem xét lời giảng có đúng không?” (Công vụ các Sứ đồ 17:11).

Hãy đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc và xin Chúa dạy bạn những điều tuyệt vời.

4. Đọc một cách vâng lời

Trước giả Thi Thiên đã không chỉ mong muốn hiểu được những điều răn của Chúa mà ông mong muốn vâng lời Ngài:“Chúa đã truyền cho chúng con các kỷ cương của Chúa. Để chúng con cẩn thận giữ lấy. Ôi! Ước gì đường lối con được vững chắc. Để con tuân giữ các luật lệ Chúa!… ; Xin Chúa ban cho con sự thông sáng để con vâng giữ. Và hết lòng tuân theo luật pháp của Ngài…; Con nhanh chóng, không hề chậm trễ. Mà vâng giữ các điều răn Chúa.” (Thi Thiên 119:4-5, 34, 60)

Sách Tân Ước nhấn mạnh thêm sự cấp bách của việc đầu phục Kinh Thánh: “Người nào nói: “Tôi biết Ngài,” mà không vâng giữ các điều răn của Ngài là người nói dối, và sự chân thật không ở trong người ấy. Nhưng ai vâng giữ lời Ngài thì sự kính mến Đức Chúa Trời thật là hoàn hảo trong người ấy. Nhờ đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài.” (I Giăng 2:4- 5 ). Hay là như Gia-cơ đã cảnh báo: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22)

5. Đọc với niềm hân hoan

Là một người cha, tôi quan tâm khi con cái vâng lời mình cách vui lòng. Bất cứ một ai cũng có thể chỉ làm theo lời chỉ dạy, với sự miễn cưỡng trong lòng. Tuy nhiên, sự vâng lời thật sự chỉ đến từ sự yêu kính và hân hoan. “Nếu các con yêu mến ta thì sẽ vâng giữ lời răn của ta.” (Giăng 14:15)

Sách Thi Thiên bắt đầu với một người “…vui thích về luật pháp của Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 1:2). Lời của Ngài không bao giờ là đủ. Giống như tiên tri Giê-rê-mi đã từng thừa nhận: “Gặp được lời Ngài, con đã ăn nuốt rồi; Lời Ngài là sự vui mừng, hớn hở của lòng con;” (Giê-rê-mi 15:16a). Ngay cả Chúa Giê-xu cũng nói rằng mục đích của Lời Ngài là đem lại niềm vui: “Ta nói với các con những điều nầy để niềm vui của các con được trọn vẹn” (Giăng 15:11)

 Đôi khi việc mở Kinh Thánh ra, đối với bạn giống như là một nhiệm vụ, nhưng Kinh Thánh được viết ra để dành cho bạn. Chúng ta chỉ là những con người trong một thế giới sa ngã. Khi bạn cảm thấy như vậy, hãy tiến lên và vượt qua nó. Bạn hãy mở Kinh Thánh ra, cầu xin sự giúp đỡ và sự vui mừng đến từ Chúa. Đó là lời cầu nguyện mà Cha yêu thương luôn sẵn lòng lắng nghe và trả lời.

6. Đọc với niềm hy vọng tràn trề

Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, đó là quyển sách đầy quyền năng. Lời Kinh Thánh có thể làm tan chảy những trái tim: “Lời Ta chẳng phải như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê-rê-mi 23:29), và thay đổi những cuộc đời. (Giăng 17:17)

Bạn có biết rằng ngay cả những cuốn sách khó hiểu như Lê-vi ký và Áp-đia đều được viết ra là để khích lệ bạn? “Những gì đã được chép từ xưa đều nhằm dạy dỗ chúng ta, để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh Thánh mà chúng ta có niềm hi vọng” (Rô-ma 15:4). Tất cả mọi điều mà Phao-lô nói ở đây là toàn bộ Cựu Ước được viết ra để hướng dẫn, khích lệ, giúp bạn thêm sự nhịn nhục và mang đến cho bạn sự hy vọng tràn trề trong tâm hồn.

Khi bạn mở Kinh Thánh, hãy đọc cuốn sách với niềm hy vọng. Sự An ủi (Thi thiên 119:50), sự Mạnh mẽ (Thi thiên 119:28), sự Hướng dẫn (Thi thiên 119:105), Hy vọng (Rô-ma 15:4), sự Đảm bảo (I Giăng 5:13), và sự Thay đổi (Giăng 17:17) đang chờ đợi bạn ở khắp mọi nơi.

7. Đọc một cách thường xuyên

Kinh Thánh cũng chỉ ra rõ ràng rằng, điều chúng ta cần, là phải lắng nghe Lời của Chúa một cách thường xuyên. Sách Thi Thiên viết: “Con thức trước rạng đông và kêu cầu; Con hi vọng nơi lời Chúa. Suốt các canh đêm, mắt con mở ra. Để suy ngẫm lời Chúa.”, “Con giơ tay lên hướng về điều răn Chúa mà con yêu mến. Và suy ngẫm các luật lệ Ngài.”, “Con yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày con suy ngẫm luật pháp ấy.” (Thi thiên 119: 147-148, 48, 97).  Để Lời của Đấng Christ sống sung mãn trong đời sống mình (Cô-lô-sê 3:16), bạn phải đắm chìm trong Lời của Ngài giống muối được hòa tan trong nước vậy.

Bạn thân mến, không có một điều gì giống như Lời của Chúa. Hãy tiếp nhận Lời của Chúa một cách khiêm nhường, toàn tâm toàn ý, nghiêm túc, vâng lời, hân hoan, hy vọng tràn trề và thường xuyên nữa.

Tôi sẽ rất vui mừng vì bạn đã làm điều đó.

Matt Smethurst

Người dịch: Naomi Nguyễn

(nguồn: http://www.christianity.com)

Matt Smethurst làm việc như là một biên tập viên cho Liên hiệp Truyền giáo. Ông có vợ và hai con, sống ở Louisville, Kentucky, thuộc về Giáo Hội Third Avenue Baptist. Bạn có thể theo dõi ông ta trên Twitter.


“Không ai có thể tự hào với những hiểu biết về Đức Chúa Trời, bởi vì tất cả mọi thứ chúng ta biết về Ngài chỉ là nhờ ơn thương xót của Ngài mà thôi. Carl FH Henry đã rất tuyệt vời khi ông nói về sự mặc khải như là tiết lộ có chủ ý của Thiên Chúa, trong đó ông đã từ bỏ bản ngã để nhận biết được Ngài. “(Albert Mohler,” Có Ai Nghe Tiếng Thiên Chúa… và sống sót? Phần thứ hai “. Truy cập ngày 19 Tháng 10 năm 2014.  http://www.albertmohler.com/2006/09/12/has-any-people-heard-the-voice-of-god-speaking-and-survived-part-two.)

Phần lớn quan điểm của tôi trong phần này dựa vào bài viết về Thi Thiên 119, chương dài nhất trong Kinh Thánh; trong đó Kevin DeYoung phản ánh: “Chắc chắn Thi Thiên này có ý nghĩa phong phú, tỉ mĩ, là một bài thơ về tình yêu dài nhất trong Kinh Thánh- không phải là về hôn nhân, con cái, thức ăn, thức uống, hoặc núi rừng, hoàng hôn hay sông biển, nhưng về chính Kinh thánh “(Kevin DeYoung, Tìm kiếm Đức Chúa Trời bằng Lời của Ngài: Tại sao Kinh Thánh là toàn tri, hiện hữu và toàn năng, và có ý nghĩa gì cho Bạn và tôi

, 10). Thật vậy, Thi Thiên 119 là một trong những “lời ngợi khen nóng cháy” từ một trái tim sẵn sàng để học Lời Chúa.

Thi Thiên 119:7, 12, 18–19, 26, 29, 33–34, 64, 66, 68, 71, 73b, 102, 104b, 108, 124, 130, 135, 171..

Thi Thiên 119:4–5, 10, 24, 56, 59–60, 100, 133, 136, 146, 158, 166–68.

Thi Thiên 119:14, 16, 24, 35, 47–48, 70, 72, 77, 92, 97, 103, 111, 113, 119, 127, 129, 140, 143, 159, 162–65, 167, 174.

Xem thêm I Cô-rinh-tô 9:10; 10:6, 11; II Ti-mô-thê 3:16.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *