7 nguyên tắc Kinh Thánh về tiết kiệm và đầu tư tiền bạc

Oneway.vn –  Hầu hết Cơ Đốc nhân biết họ nên tiết kiệm và đầu tư cho tuổi về hưu hay khi tật bệnh.

Nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khó tiếp nhận một thần học thực tiễn đối với việc quản lý tiền bạc, đặc biệt trong vấn đề tiết kiệm và đầu tư cho một tương lai xa vời và không chắc chắn.

Đây là một chủ đề khó, bởi vì có quá nhiều quan điểm khác nhau. Một số người đề cao cuộc sống kiêng khem, chối từ bất cứ điều gì xa hoa cũng như những khoản tiết kiệm vì ích lợi của Nước Trời. Một số khác đề xuất việc lập ngân sách, tránh nợ nần, tiết kiệm dần dần để có thể thoải mái chi tiêu và giúp đỡ người khác về sau.

Trong văn hóa rộng lớn hơn, phong trào FIRE (độc lập tài chính/nghỉ hưu sớm; Financial Independence/Retire Early) nhấn mạnh đến lối sống cực kỳ cần kiệm và để dành để có thể nghỉ hưu trước tuổi 40.

Trước tất cả những thông điệp dường như mâu thuẫn và không nhất quán này, làm thế nào để có được một thần học cá nhân về tiền bạc cân bằng giữa quan điểm Kinh Thánh chính thống với thực tiễn trong vấn đề tiết kiệm và đầu tư cho tương lai?

Hy vọng 7 nguyên tắc Kinh Thánh sau đây có thể giúp ích:

1. Tiết kiệm cho tương lai là điều phù hợp với Kinh Thánh

Một số Cơ Đốc nhân không tiết kiệm cho việc nghỉ hưu vì cho rằng làm thế là không vâng lời Chúa (thường trích dẫn Mat. 6:19-20), hoặc cảm thấy có lỗi khi mình cất tiền đi trong khi nhiều người còn đang rất khó khăn. Một số khác tin rằng để dành tiền là không cần thiết vì Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc họ (Êsai 46:4). Số khác thì muốn tiết kiệm nhưng cứ tiêu hết tiền họ làm ra (Châm 13:18).

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng việc tiết kiệm thật ra lại được khuyến khích trong Kinh Thánh, và Kinh Thánh chấp nhận sự dành dụm cho những nhu cầu có thể đoán biết trước trong tương lai (Sáng 41; Châm 6:6–11; Châm 21:5; Châm 21:20).

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng việc tiết kiệm thật ra lại được khuyến khích trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh dạy rằng chúng ta có thể tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan cho tương lai, trong khi vẫn “giàu có nơi Đức Chúa Trời” và “tích trữ của cải ở trên trời” (Lu-ca 12:21; Mat. 6:19–21).

2. Tiết kiệm trong sự tôn kính Chúa và phục vụ người khác

Rất dễ xem việc tiết kiệm là hành động ích kỷ. Trường hợp này quả thật có thể xảy ra – chúng ta cần đọc về người giàu dại dột trong Lu-ca 12 – nhưng không nhất thiết phải như thế.

Hành động tiết kiệm tôn kính Đức Chúa Trời bởi vì nó thể hiện sự quý trọng tiền bạc như một món quà Ngài ban cho chúng ta (Gia-cơ 1:16–17). Thay vì tiêu xài phung phí, bốc đồng, không có kế hoạch, sự tiết kiệm khôn ngoan nói lên tầm quan trọng của việc quản trị các tặng phẩm của Đức Chúa Trời (Lu-ca 12:47–48).

Sự quản trị đúng đắn giúp bạn ứng phó tốt hơn với những nhu cầu quan trọng phát sinh (Êph 4:28). Bạn có thể đáp ứng nhanh chóng hơn và theo cách có ý nghĩa hơn (Châm 3:27). Sự dành dụm cũng có thể cho phép bạn để lại một di sản cho con cháu mình, để họ cũng là một sự chúc phước cho người khác nữa (Châm 13:22).

3. Sự trì hoãn là một sai lầm

Chúng ta thường có xu hướng chần chừ. Nhưng nếu không tiết kiệm từ sớm, bạn đã đánh mất một trong những nguồn tài lực mạnh nhất: tiền lãi kép không bị đánh thuế, hoặc lãi sinh lãi.

Hầu hết mọi người trì hoãn việc tiết kiệm không phải vì cho rằng tiết kiệm không quan trọng, nhưng vì họ muốn có nhiều thu nhập khả dụng hơn (còn gọi là thu nhập sau thuế và bảo phí; dispensable income), hoặc họ đang có nhiều nhu cầu khẩn cấp hơn trong cuộc sống, như trả nợ, lương thấp, chi phí y tế, để dành tiền cho việc học của con cái… Họ nghĩ mình sẽ tiết kiệm sau.

Nhưng cho dù mọi thứ trong tương lai có thay đổi đi chăng nữa thì tiền tiết kiệm để nghỉ hưu về sau sẽ có ít thời gian để sinh lợi hơn (Mat. 25:27), nghĩa là cuối cùng bạn sẽ phải góp nhiều hơn để có được khoản tiền đó thay vì bắt đầu ngay hôm nay.

Chỉ cần bắt đầu làm những gì có thể trong lúc này và có đà dần dần theo thời gian.

4. Nợ nần làm suy kiệt

Kinh Thánh không hề im lặng trước sự mượn nợ. Rõ ràng không có nợ tín dụng hoặc vay ngân hàng trong thời của Chúa Jêsus, nhưng việc vay và cho vay vẫn có trong bối cảnh kinh tế lúc bấy giờ. Kinh Thánh không cấm đoán mượn nợ, nhưng vẫn mô tả món nợ như một dạng gông cùm (Châm 22:7).

Ngoài ra, còn có mối tương quan trực tiếp giữa việc tiêu xài quá mức và mắc quá nhiều nợ với tỉ lệ tiết kiệm thấp. Trong vấn đề tiết kiệm, nợ nần khiến người ta phải trả giá. Số tiền lãi phải trả khi vay, tức là tiền chủ nợ thu được, là khoản tiền không thể được dùng cho bất kỳ điều gì khác. Đó là “chi phí cơ hội” (opportunity cost) của món nợ. So sánh việc mượn $1000 và trả lãi 12% ($120) với việc tiết kiệm $1000 và có được mức đầu tư 6% ($60), phần lợi nhuận thực tế là 18% ($180)!   

5. Sự đầu tư khôn ngoan là điều đúng đắn và tốt lành

Sự đầu tư không giống như mua bán chứng khoán. Không phải kiểu như đặt cược cả một trang trại theo lời khuyên hấp dẫn của ông anh rể! Những khoản đầu cơ như thế giống như đánh bạc vào tương lai, và hầu hết người ta lỗ nhiều hơn là lời (Châm 28:19; 1 Tim. 6:10).

Sự đầu tư thật ra được tán thưởng nếu được thực hiện khôn ngoan. Đó là việc đặt tiền vào những công việc kinh doanh thật sự, có thuê mướn nhân công và sản xuất những sản phẩm tốt cho khách hàng, với hy vọng doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư sẽ làm tốt và mang lại lợi nhuận tương xứng với khoản đầu tư của chúng ta (Châm 31:10–31; Truyền đạo 11:1–6).

Hầu hết chúng ta sẽ làm tốt việc đầu tư với chi phí thấp, quản lý thụ động, đầu tư vào các quỹ đầu tư tương hỗ và quỹ đầu tư theo danh mục (mutual and exchange-traded index funds, ETFs) thay vì vào trái phiếu và cổ phiếu cá nhân. Chúng ta cũng cần để mắt tới những khoản chi phí cao (chúng có thể làm cho việc hoàn vốn rất chậm), không đủ đa dạng (quân bình các khoản), mua và bán không đúng thời điểm (do cảm xúc), thiếu kiến thức đầu tư (đừng mua những thứ bạn không hiểu).

6. Tiết kiệm có thể đưa đến những cám dỗ

Chúng ta có thể bị cám dỗ để tiết kiệm với động cơ sai trật: xuất phát từ sự sợ hãi, lòng tham, hoặc mong muốn độc lập khỏi Chúa và người khác.

Nếu dành dụm vì lo sợ cho tương lai, bạn đang không tin cậy Chúa (I Tim. 6:17). Nếu động cơ là lòng tham, bạn đã hoàn toàn đánh mất ý nghĩa của sự tiết kiệm (Châm 1:19; Mác 8:36; Lu-ca 12:15). Nếu đã có được một tài sản kha khá, hãy đừng để cho mình giống như người chất chứa của cải trong Truyền đạo 5:13 hoặc người giàu dại dột trong Lu-ca 12. Vấn đề ở hai nhân vật này không phải là việc thâu trữ, mà là việc họ đã tập chú vào bản thân và đặt lòng tin vào sự giàu có của mình thay vì vào Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể bị cám dỗ tiết kiệm với động cơ sai trật: vì lo sợ, tham lam, hoặc mong muốn độc lập khỏi Chúa và người khác.

Những người thâu trữ luôn bị thôi thúc bởi nhu cầu phải bảo toàn tài sản thay vì mạo hiểm chi dùng nó cho những mục đích hiệu quả và ích lợi cho người khác. Điều này cũng đưa đến sự nguyền rủa (Châm 11:26) và đoán phạt (Lu-ca 12:16–21; Gia-cơ 5:3; Thi 39:6; Truyền đạo 5:13; Xa 9:3).

7. Bí quyết chính là sự quân bình

Việc tìm được sự quân bình là chìa khóa ở đây.

Một mặt, chúng ta cần dành ra một khoản để đầu tư khôn ngoan cho tương lai. Mặc khác, chúng ta cần hào phóng với người khác và duy trì sự nhờ cậy nơi Chúa, nhận biết rằng Ngài mới chính là nguồn chu cấp và Đấng duy nhất nắm giữ tương lai.

Dù chúng ta quyết định thế nào thì nó đều phải xuất phát từ lòng biết ơn Chúa vì lòng rộng rãi nhân từ của Ngài dành cho chúng ta và từ sự khôn ngoan dựa theo Kinh Thánh mà Ngài ban cho chúng ta trong chủ đề này. Ngài luôn là Đấng đầy lòng thương xót, ân điển và yêu thương (Thi 107:8–9).

 

Bài: Chris Cagle; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Tác giả: Chris Cagle là một kiến ​​trúc sư Công nghệ thông tin và một chiến lược gia CNTT. Ông phục vụ trong vai trò chấp sự tại hội thánh Crossway Community Church ở Charlotte, Bắc Carolina, nơi ông tiên phong mở ra mục vụ tài chính và làm tư vấn, khai vấn tài chính. Ông viết blog về công tác Quản gia Hưu trí (Retirement Stewardship) và là tác giả của quyển Reimagine Retirement: Planning and Living for the Glory of God (B&H, 2019) (tạm dịch: Tái Xem Xét Về Sự Hưu Trí: Lập Kế Hoạch Và Sống Làm Vinh Hiển Đức Chúa Trời)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *