7 việc làm của Cơ Đốc nhân đang xem thường ơn cứu rỗi

Oneway.vn – Trước giả sách Hê-bơ-rơ viết rằng “thì làm sao chúng ta tránh khỏi hình phạt nếu chúng ta xem thường ơn cứu rỗi lớn dường ấy” (2:3 TTHD)

Từ ‘xem thường’ trong tiếng Hy Lạp là “amelēsantes”, (gốc trong tiếng Hy Lạp là “đã bỏ qua”), có nghĩa là không chú ý đến, xem nhẹ hoặc lơ là. 

Hãy xem Ma-thi-ơ 22: 5 (TTHD), một ví dụ khác mà từ này được sử dụng “họ chẳng quan tâm”.

Nhiều Cơ Đốc nhân đang có thói quen bỏ qua những điều cơ bản của đức tin, họ cho rằng sự cứu rỗi của họ luôn luôn tồn tại bất chấp họ sống như thế nào. 

Tuy nhiên, đây không phải là lời dạy của các sứ đồ ban đầu, những người đã viết Kinh Thánh. Ngay cả sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên các tín đồ phải xác định sự kêu gọi và sự lựa chọn của họ (2 Phi-e-rơ 1:10).

Sau đây là bảy điều mà chúng ta có thể xem thường sự cứu rỗi của mình:

1.Không trung tín đi nhà thờ: 

Khi tôi đến nhà thờ lần đầu tiên vào cuối những năm 1970, các tín đồ hiếm khi bỏ nhóm lễ ngày Chúa nhật. 

Sau đó, khoảng hai thập kỷ trước, các tín đồ đến nhà thờ khoảng ba lần mỗi tháng. 

Sau đó, khoảng 14-15 năm trước, những người được gọi là tín đồ bắt đầu đến nhà thờ một hoặc hai lần mỗi tháng hoặc ít hơn. 

Khoảng năm 2008, số người nhóm tại nhà thờ giảm khoảng 25%. Tôi nghĩ rằng nhiều người đã rời khỏi nhà thờ, nhưng khi tôi kiểm tra thì số tín đồ không mất đi mà họ chỉ ít đến nhà thờ hơn.

Người viết thư cho các tín hữu Hê-bơ-rơ cảnh báo chúng ta đừng bỏ sự nhóm lại ở nhà thờ mà hãy khuyên nhủ nhau hàng ngày, kẻo chúng ta bị cứng lòng (Hê-bơ-rơ 3:12-13; Hê-bơ-rơ 10:25). 

Nếu không thường xuyên có mối tương giao và sự khuyên nhủ lẫn nhau thì chúng ta sẽ bị cứng lòng, dẫn đến việc xem thường sự cứu rỗi (Hê-bơ-rơ 10:26).

2. Không có trách nhiệm trong cuộc sống

Hê-bơ-rơ răn dạy chúng ta cần phải khuyên nhủ nhau hằng ngày, có nghĩa là các tín hữu không thể nghĩ chỉ cần đến nhà thờ vào Chúa Nhật là đủ (Hê-bơ-rơ 3:13). Hội Thánh đầu tiên nhóm họp hằng ngày trong đền thờ cũng như từng nhà (Công vụ 2:46).

Do đó, tất cả chúng ta cần có mối quan hệ mật thiết với những Cơ Đốc nhân trưởng thành để sống có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn Kinh Thánh, tìm kiếm Đức Chúa Trời và theo đuổi mục đích thiêng liêng. 

Chúng ta xem thường sự cứu rỗi khi không chịu trách nhiệm trước những Cơ Đốc nhân trưởng thành.

3. Để những xu hướng mới dẫn dắt bản thân

Trong vài năm qua, nhiều Cơ Đốc nhân trung tín đã bị phân tâm bởi các thuyết âm mưu như QAnon, những lời dạy lạ, vô số lời tiên tri thất bại và hơn thế nữa. 

Sứ đồ Phi-e-rơ đã hướng dẫn Hội Thánh khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết để họ có thể lớn lên (1 Phi-e-rơ 2:2). Sa-tan cám dỗ các thánh đồ làm họ mất sự chân thật và tinh sạch đối với Đấng Christ (2 Cô-rinh-tô 11:3).

Khi chúng ta ngừng học hỏi lời Đức Chúa Trời, chúng ta ngăn trở sự phát triển thuộc linh của mình. Đây là lý do tại sao sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê phải giữ đức tin chân thành với tấm lòng trong sạch và tránh những phỏng đoán, thuyết âm mưu, chuyện huyễn hay bất cứ thứ gì gây ra tranh cãi hơn là đức tin (2 Ti-mô-thê 1:6). 

Thật đáng buồn khi nhiều người đã đi chệch mục tiêu vì họ không tập trung vào phúc âm (1 Ti-mô-thê 1:6).

Tôi từng nói chuyện với một Cơ Đốc nhân bị ám ảnh bởi các thuyết âm mưu liên quan đến COVID và anh ta muốn tôi dành hàng giờ để thảo luận. Sau vài phút nói chuyện điện thoại, tôi hỏi anh ta, “Anh đã đưa được bao nhiêu người về với Chúa rồi, và anh có đang môn đồ hóa ai không?” Anh ta im lặng một lúc, sau đó trả lời, “Không”. Tôi  nói với anh rằng hãy tập trung vào điều đó và quên đi những thuyết âm mưu.

Chúng ta có thể đang xem thường sự cứu rỗi của mình bằng cách liên tục theo đuổi mọi thuyết âm mưu và những lời dạy lạ. (Lời dạy lạ mà tôi đang đề cập đến là điều mà trước đây chưa được giảng dạy trong suốt lịch sử Hội Thánh hoặc được trích dẫn là dị giáo tại một trong những Hội đồng đại kết lớn).

4. Không chịu nghe Lời giảng dạy

Kinh Thánh cho thấy tầm quan trọng của việc bền bỉ ngồi lắng nghe lời rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa. 

Sứ đồ Phao-lô nói “đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” nghĩa là chúng ta phải học hỏi liên tục với những người thầy được xức dầu (Rô-ma 10:17).

Khi tín đồ ngừng được cho ăn từ những người chăn trưởng thành, đáng tin cậy, những người được kêu gọi để chăn bầy của Đức Chúa Trời, họ đã xem thường sự cứu rỗi. 

Ngoài ra, Phi-e-rơ dạy rằng chúng ta cần được người chăn của mình cho ăn (1 Phi-e-rơ 5:2). Ông không ám chỉ đến việc lắng nghe bất kì người thuyết giáo nào, mà là ngồi dưới các môn đồ Chúa để được dạy dỗ và tiếp tục thực hiện sứ mạng của mình. 

Chúng ta xem thường ơn cứu rỗi của mình khi không thường xuyên học Lời Chúa ở Hội Thánh địa phương.

5. Không sống với tư cách môn đồ theo Kinh Thánh

Mỗi người đều được kêu gọi để làm môn đồ và môn đồ hóa muôn dân cho Chúa. 

Phao-lô khuyên Ti-mô-thê ủy thác cho những người đàn ông trung tín, có khả năng dạy dỗ người khác. (2 Ti-mô-thê 2:2). 

Chúa Jêsus đặt ra một quá trình đào tạo môn đồ bằng cách gia nhập vào thân thể của Đấng Christ qua phép báp têm bằng nước, sau đó là học các giáo lý của đức tin (Ma-thi-ơ 28:19-20). 

Mỗi người theo đạo trong Hội Thánh đầu tiên đều được hướng dẫn về giáo lý của các sứ đồ (Công vụ 2:42; Hê-bơ-rơ 5:12-6:3). 

Bằng cách từ chối tư cách môn đồ trong Kinh Thánh, chúng ta xem thường sự cứu rỗi của mình.

6. Không tìm kiếm Chúa và vương quốc của Ngài trước hết

Phao-lô dạy Ti-mô-thê tránh xa những dục vọng của tuổi trẻ và theo đuổi đức tin, tình yêu thương và hòa thuận với những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng thanh sạch (2 Ti-mô-thê 2:22). 

Là một người chăn từ đầu những năm 1980, tôi thấy rằng không phải tất cả mọi người là tín đồ nhà thờ đều tìm kiếm vương quốc của Ngài trước hết với tấm lòng trong sạch. 

Chúa Jêsus cho biết điều răn lớn bao gồm yêu Đức Chúa Trời hết lòng và yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22:37-40). 

Khi từ chối tìm kiếm vương quốc của Ngài trước tiên, chúng ta xem thường sự cứu rỗi của mình (Ma-thi-ơ 6:33)

7. Cứng lòng vì thử thách và gian truân

Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời cho phép những thử thách xảy ra để thử nghiệm đức tin của chúng ta và nó sẽ trở nên như vàng ròng (1 Phi-e-rơ 1:7). 

Thử nghiệm và kiểm tra có thể làm cho chúng ta tốt hơn hoặc trở nên cay đắng. 

Theo lời dạy của Chúa Jêsus, những người cứng lòng vì khó khăn và bị xao nhãng trong thế gian không tiếp nhận lời bằng tấm lòng ngay thẳng (Mác 4:13-20).

Khi chúng ta cứng lòng thay vì tìm kiếm Chúa trong cơn thử thách của cuộc đời, chúng ta đang xem thường ơn cứu rỗi.

 

Bài: Dr. Joseph Mattera ; dịch: Quỳnh Hương
(Nguồn: charismanews.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *