8 bước của một tấm lòng ăn năn thật

Oneway.vn – Khi suy ngẫm Thi thiên 51 (Đa-vít viết sau khi tiên tri Na-than quở trách tội lỗi ông), tôi nhận ra rằng lời xưng tội của mình trước nay thiếu sót như thế nào. 

Chúng ta thường coi việc ăn năn như một lời tuyên bố. Câu nói “Con xin lỗi, xin Chúa tha thứ cho con” làm giảm bớt cảm giác tội lỗi và mang đến hy vọng. Nhưng nếu xem xét kỹ Thi thiên 51, chúng ta thấy rằng ăn năn là quay lưng lại với tội lỗi và hướng về Đức Chúa Trời. Đó là cả một quá trình: không chỉ đơn thuần là giảm cảm giác tội lỗi, mà còn nuôi dưỡng niềm vui sâu sắc.

Vậy làm thế nào để chúng ta có một tấm lòng ăn năn thật? 8 bước dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Định nghĩa tội lỗi

Bước đầu tiên để xưng tội là hiểu về tội lỗi. Đa-vít sử dụng ba từ ngữ khác nhau để định nghĩa tội lỗi trong Thi thiên 51: “vi phạm”, “gian ác” và “tội” (câu 1–3). Mỗi thuật ngữ được lựa chọn cách có chủ đích với ý nghĩa độc đáo. “Sự vi phạm” là nổi loạn chống lại thẩm quyền và luật pháp Đức Chúa Trời, “gian ác” là bóp méo những gì đúng đắn, và “tội” là những điều sai trái. Đa-vít cũng nói rằng tội lỗi ông rất nặng – không thể bào chữa hay giảm nhẹ.

2. Cầu xin Chúa thương xót

Thi thiên 51 bắt đầu: “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con theo lòng nhân từ của Chúa” (câu 1).

Ở đây, Đa-vít cầu xin sự tha thứ dựa trên những đặc tính ông biết về Chúa: rằng Ngài là Đấng nhân từ. Đa-vít biết Đức Chúa Trời cam kết với ông một tình yêu thương không đổi dời. Và khi đến trước mặt Chúa để ăn năn, chúng ta cũng hãy làm như vậy vì giao ước của Ngài với chúng ta qua Đấng Christ.

3. Không bào chữa và hướng về Chúa

Tội lỗi của Đa-vít đã làm tổn thương nhiều người. Ông đã ngoại tình, dàn dựng giết người và cố gắng che đậy tất cả. Tuy nhiên, ông nói với Đức Chúa Trời, “Con đã phạm tội với Chúa, chỉ với một mình Chúa thôi; và làm điều ác dưới mắt Chúa” (câu 4). Tại sao lại như vậy? Vì tội lỗi thiếu đi sự công bình của Đức Chúa Trời. Tội lỗi làm tổn thương người khác, và chúng ta phải xin họ tha thứ, nhưng tất cả tội lỗi rốt cuộc đều chống lại Đức Chúa Trời.

4. Nhìn lên Chúa Jêsus

Đa-vít viết, “Xin lấy chùm bài hương tẩy sạch tội lỗi con thì con sẽ được tinh sạch” (câu 7). Ông biết rằng cây bài hương biểu thị cho sự thanh tẩy bằng huyết (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 24), và ông biết rằng chỉ có dòng huyết mới có thể thanh tẩy ông sạch sẽ. Điều ông không biết chính xác là việc này sẽ được thực hiện như thế nào. Nhưng chúng ta biết. Chúng ta được mặc khải đầy đủ về Chúa Jêsus, Đấng “đã hiện ra một lần đủ cả vào cuối các thời đại để dâng mình làm sinh tế cất tội lỗi đi” (Hê-bơ-rơ 9:26).

5. Cầu xin Chúa phá vỡ và lại chữa lành

Đa-vít cầu nguyện, “Để các xương cốt mà Ngài đã bẻ gãy được hoan lạc” (câu 8). Khi Đức Chúa Trời tiết lộ tội lỗi chúng ta, điều đó thật đau đớn. Thật không hề dễ chịu khi phải đối mặt với sự thật rằng chúng ta xấu xa đến mức nào. Nhưng giống như bác sĩ sắp xếp lại một khúc xương bị gãy, chính Chúa là Đấng bẻ gãy, Đấng sắp đặt và Đấng chữa lành.

6. Được Đức Thánh Linh an ủi

Tiếp theo Đa-vít cầu nguyện: “Đừng cất Thánh Linh Chúa khỏi con” (câu 11).

Việc Đa-vít đau buồn về tội lỗi là dấu hiệu cho thấy Thánh Linh đang hành động trong ông.

Bạn đã bao giờ chán nản vì tội lỗi của mình đến mức tự hỏi: “Làm sao Chúa có thể yêu thương con? Con không xứng đáng là một Cơ Đốc nhân”. Nỗi đau bạn đang trải qua là một dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Linh đang hành động trong lòng bạn, khiến bạn ghét những gì mà Đức Chúa Trời ghét.

7. Hãy vui mừng và công bố lẽ thật

Trong câu 12–15, Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời khiến ông vui mừng về sự cứu rỗi đến nỗi ông phải mau chóng công bố Phúc âm cho người khác: “Chúa ơi, xin mở môi con, và miệng con sẽ truyền ra sự ca ngợi Chúa”.

Điều này rất quan trọng, vì chúng ta thường làm ngược lại: đắm chìm trong tội lỗi mình và từ chối phục vụ người khác, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng. Nhưng niềm vui khi được tha thứ buộc chúng ta phải chia sẻ tin mừng với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và hàng xóm.

8. Quyết tâm vâng lời

Nếu đã thực hiện tất cả các bước ở trên, nhưng chúng ta lại có ý định phạm tội, thì ân điển sẽ không thể thật sự bén rễ. Điều Đức Chúa Trời mong muốn là tấm lòng ăn năn thực sự – một tấm lòng “tan nát” vì tội lỗi và thực sự “ăn năn”.

Như mục sư Thomas Watson đã viết: “Khi vẫn còn cay đắng trong tội lỗi, bạn sẽ không nhận được sự ngọt ngào nơi Đấng Christ.”

Khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời bằng tấm lòng vâng phục, thì Ngài sẽ “không khinh dể” đâu, vì Đấng Christ đã hy sinh thay cho chúng ta (câu 17).

Thực hành 8 bước ăn năn này đã mang đến niềm vui sâu sắc, khi tôi học cách ghét tội lỗi mình và yêu mến Đấng Cứu Rỗi. Điều đó cũng khiến tôi cởi mở với người khác, không tìm cách che đậy tội lỗi, cầu thay cho nhau và xây dựng một cộng đồng cùng nhau chống lại tội lỗi.

Giống như Đa-vít, tôi rất vui khi được nói với mọi người về ân điển và sự tha thứ của Đức Chúa Trời, cũng như nương cậy vào Đấng Christ từng bước trên linh trình phía trước.

Bài: Catherine Parks; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *