8 câu hỏi trước khi bạn muốn rời khỏi Hội Thánh từng rất yêu thương

Oneway.vn – Rời bỏ Hội Thánh là chuyện chẳng dễ dàng gì. Vậy nên, xin đừng vội quyết định để rồi phạm sai lầm.Thật khó để rời bỏ Hội Thánh mà bạn từng yêu quý – và có thể vẫn còn yêu quý.

Nhiều tín đồ trong Hội Thánh buộc phải đưa ra quyết định đau lòng: rời khỏi một Hội Thánh mà họ đã gắn bó cả đời. Tôi không nói về những người lơ là, chán nản hay thiếu đức tin. Tôi đang nói đến những người chưa từng lường trước điều này – rằng sẽ có lúc họ phải cân nhắc rời bỏ Hội Thánh mà mình từng cam kết tận hiến.

Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự, sau đây là 8 nguyên tắc giúp bạn ra đi bình an – hoặc ở lại hạnh phúc.


1. Hãy nói chuyện thẳng thắn từ đầu

Nếu bạn đang cân nhắc việc rời Hội Thánh, hãy nói chuyện với các lãnh đạo và anh chị em trong Hội Thánh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Với tư cách mục sư, tôi rất buồn bực khi có người rời bỏ Hội Thánh chỉ vì những hiểu lầm không đáng có. Nếu họ nói ra sớm hơn, có lẽ chúng ta đã có cách giải quyết. Nhưng khi tôi biết chuyện, họ đã quyết tâm rời đi và không còn muốn nghe thêm nữa.

Nhưng khi các tín đồ thẳng thắn trò chuyện với tôi về những bất mãn của họ ngay từ đầu, chúng ta có thể cùng nhau khắc phục vấn đề, giải quyết hiểu lầm, xoay chuyển tình thế và giữ các tín đồ chân chính ở lại với Hội Thánh – giúp họ có niềm hy vọng mới và tấm lòng sốt sắng theo Chúa.

Những cuộc trò chuyện như vậy không hề dễ dàng. Nhưng nếu Hội Thánh đủ mạnh mẽ để trò chuyện thẳng thắn với nhau thì Hội Thánh cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách.


2. Rời đi vì lý do chính đáng

Tôi không có ý liệt kê các lý do “chính đáng” để rời bỏ Hội Thánh. Điều đó tùy thuộc vào quyền tự do cá nhân, lương tâm và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Tuy nhiên, một số lý do đáng cân nhắc có thể là: đường hướng sai trật với Kinh Thánh, quy cách lãnh đạo tiêu cực, hay xung đột nặng nề trong các mối liên hệ.


3. Rời đi trong bình an, êm đẹp

Nếu bạn vẫn quyết định rời đi, hãy rời đi trong tình yêu thương. Đó là điều tốt nhất cho chính bạn và cho cả những người ở lại.

Thật khó khăn khi phải rời bỏ Hội Thánh mà bạn yêu quý. Nhưng còn khó khăn hơn cho những người ở lại khi phải giải quyết nhiều phiền toái, xung đột sau khi bạn ra đi.

Vì vậy, xin hãy chia sẻ thật lòng với những người liên quan, nhưng đừng nói xấu hay gây rắc rối trước khi bạn rời Hội Thánh.

4. Đừng tách mình hỏi những mối liên hệ Cơ Đốc lành mạnh

Nếu bạn là tín đồ tích cực tại một Hội Thánh trong suốt nhiều năm, thì đó không chỉ là nơi bạn ngồi hàng giờ vào những buổi sáng Chúa nhật mà thôi. Đó còn là một phần quan trọng trong đời sống thuộc linh, tinh thần, xã hội, kinh tế và tình cảm của bạn.

Hãy nhớ rằng Hội Thánh không phải là một tòa nhà, một giáo phái hay một tổ chức. Đó là một đại gia đình yêu mến Chúa Jêsus và yêu thương nhau.

Vì vậy, ngay cả khi bạn phải rời khỏi Hội Thánh này, đừng bao giờ cắt đứt những mối liên hệ lành mạnh với anh chị em cùng đức tin. Chính những mối liên hệ đó sẽ nâng đỡ bạn trên hành trình tìm kiếm một Hội Thánh mới.

Thật ra, việc duy trì mối liên hệ lành mạnh với các tín hữu khác sẽ quyết định liệu bạn có đến với một Hội Thánh mới không, hay sẽ rời xa mối thông công Cơ Đốc – và có nguy cơ xa rời đức tin hoàn toàn.

Chúng ta cần có nhau.


5. Tìm kiếm Chúa Jêsus

Ngày càng có nhiều người nói rằng họ ra khỏi Hội Thánh không có nghĩa là đang rời bỏ Chúa đâu – mà là đang tìm lại Ngài. Điều này thật sự rất đau lòng.

Cho dù bạn đã trải qua nhiều tổn thương gây ra bởi các Cơ Đốc nhân khác hay bởi môi trường Hội Thánh, đừng bao giờ rời mắt khỏi Chúa Jêsus.

Chẳng ai cam kết gắn bó với một Hội Thánh trong một thời gian dài mà lại thuận buồm xuôi gió 100% – họ đã học cách vượt qua thời kỳ khó khăn và luôn gắn bó với Chúa Jêsus.

Tôi biết vì tôi cũng đã từng trải qua hoàn cảnh đó. Tôi đã bị tổn thương sâu sắc bởi những trải nghiệm tồi tệ ở Hội Thánh. Nhưng tôi luôn gắn bó với Hội Thánh (đôi khi chuyển nhà thờ, đôi khi ở lại), không phải vì Hội Thánh hoàn hảo, nhưng vì tôi cần ở bên cạnh những con người không hoàn hảo đang cố gắng đi theo Chúa Jêsus như tôi.


6. Đừng coi thường Hội Thánh cũ hoặc tôn sùng Hội Thánh mới

Mọi người thường mắc một trong hai sai lầm khi đến Hội Thánh mới: hoặc là chọn một Hội Thánh giống hệt với Hội Thánh họ đã rời đi, hoặc là chọn một Hội Thánh đối lập với Hội Thánh cũ.

Cả hai thái cực đó đều không tốt.

Dễ hiểu thôi khi người ta chọn một Hội Thánh hoàn toàn khác với nơi mà họ đã rời đi. Nhưng nếu mọi việc bị đẩy đi quá xa, có thể bạn đang đổi một loạt vấn đề này chỉ để lấy một loạt vấn đề khác phức tạp hơn.

Mặt khác, nếu Hội Thánh mà bạn sắp chuyển đến gần giống với Hội Thánh bạn sắp rời đi, vậy tại sao không ở lại và tìm cách giải quyết mọi việc?


7. Đừng lao vào cam kết với Hội Thánh mới quá nhanh – hoặc quá chậm

Những người bận rộn thường tìm cách tiếp tục giữ mình bận rộn. Còn khi phải đột ngột dừng lại, họ có thể trở nên trì trệ.

Thật không dễ để cân bằng.

Hãy cẩn thận đừng để rơi vào một trong hai cái bẫy này. Đừng vội lao vào bất kỳ Hội Thánh nào, tôn sùng nơi đó rồi lại cam kết quá mức. Hãy dành chút thời gian để nghỉ ngơi, xốc lại tinh thần và suy ngẫm.

Nhưng cũng đừng phạm sai lầm khi để thời gian nghỉ ngơi trở thành thói quen lười biếng, hoặc để thời gian suy ngẫm trở thành một lối sống chỉ biết hưởng thụ.8. Tái kết nối với một Hội Thánh chân chính

Khi các tín đồ lâu năm rời bỏ Hội Thánh, nguy cơ bị mất kết nối là rất cao.

“Thỉnh thoảng tôi sẽ đi chơi với bạn bè Cơ Đốc” – điều này là không đủ. Và chắc chắn là không đủ nếu bạn chỉ dự nhóm trực tuyến qua mạng.

Cho dù là Hội Thánh truyền thống, tư gia hay nhóm họp theo một hình thức nào khác, nếu muốn duy trì đời sống thuộc linh sốt sắng và trưởng thành trong đức tin, thì chúng ta cần thường xuyên thông công với các tín hữu khác.

Chúng ta phải thông công nhóm họp với Hội Thánh ít nhất là một lần một tuần. Và chúng ta phải tham gia đầy đủ các hoạt động thờ phượng, thông công, Tiệc Thánh, truyền giáo và môn đồ hóa.

Nếu không đủ các yếu tố này thì không phải là một Hội Thánh đúng nghĩa. Nhưng nếu chúng ta đòi hỏi nhiều hơn thì đó chỉ là ham muốn cá nhân.

Chúng ta cần Chúa Jêsus.

Chúng ta cần thông công với những người yêu mến Chúa Jêsus.

Và những người yêu mến Chúa Jêsus cũng cần chúng ta.

Bài: Karl Vaters; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianitytoday.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *