Oneway.vn – “Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công vụ 2:36).
1. Chính Chúa Jêsus làm chứng cho sự phục sinh từ cõi chết của Ngài.
Chúa Jêsus đã bày tỏ về điều sẽ xảy đến: Ngài bị đóng đinh, chịu chết và sẽ sống lại. “Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại” (Mác 8:31; Ma-thi-ơ 17:22; Lu-ca 9:22).
Những người không tin vào sự phục sinh của Đấng Christ sẽ nói rằng Chúa Jêsus đã tự lừa dối mình hoặc Hội thánh đầu tiên đã lừa dối mọi người. Nhưng những người đọc các sách Phúc âm cách không định kiến sẽ thấy rằng Đấng đã phán ra những lời vô cùng thuyết phục qua những nhân chứng này chắc chắn không phải chỉ là nhân vật tưởng tượng hay lừa dối.
Chúa Jêsus nói trước về sự phục sinh không chỉ bao gồm những tuyên bố thẳng thừng, mà còn là những lời ẩn dụ và gián tiếp, khó có khả năng là “phát minh” của các môn đồ bị lừa dối. Chẳng hạn, hai nhân chứng làm chứng theo hai cách riêng biệt cho lời tuyên bố của Chúa Jêsus, rằng nếu kẻ thù Ngài phá hủy đền thờ (cơ thể Ngài), Ngài sẽ xây dựng lại sau ba ngày (Giăng 2:19; Mác 14:58; xem Ma-thi-ơ 26:61).
Ngài cũng từng nói về “dấu lạ của tiên tri Giô-na” – ở trong lòng đất ba ngày ba đêm (Ma-thi-ơ 12:39; 16:4), và nhắc lại một lần nữa trong Ma-thi-ơ 21:42: “Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà”.
Trái với những người chứng kiến tận mắt về sự phục sinh sắp tới, những kẻ buộc tội Ngài nói rằng đây là một phần trong yêu sách của Chúa Jêsus: “Thưa chúa, chúng tôi nhớ người gian dối nầy, khi còn sống, có nói rằng: Khỏi ba ngày thì ta sẽ sống lại” (Ma-thi-ơ 27:63).
Vì vậy, bằng chứng đầu tiên về sự phục sinh: chính Chúa Jêsus đã nói trước về điều đó. Một Hội thánh “sùng đạo” không thể tự tạo ra những câu nói với mức độ và bản chất vĩ đại như vậy.
2. Ngôi mộ trống trong ngày lễ Phục sinh.
Nhiều tài liệu từ xa xưa tuyên bố điều này: “Nhưng, bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus”. (Lu-ca 24:3). Và kẻ thù của Chúa Jêsus đã xác nhận điều đó khi tuyên bố rằng các môn đồ đã đánh cắp xác Ngài (Ma-thi-ơ 28:13).
Người ta không tìm thấy xác Chúa Jêsus. Có bốn cách để giải thích cho việc này.
1. Kẻ thù Ngài đã đánh cắp xác Ngài. Nếu điều này đúng (họ chưa bao giờ tuyên bố đã làm như vậy), họ chắc chắn sẽ đem xác Ngài ra để phủ định Phúc âm về sự Phục sinh đang được truyền bá rộng rãi trong chính thành phố từng đóng đinh Ngài. Nhưng họ đã không thể đưa xác Ngài ra.
2. Bạn bè Ngài đã đánh cắp xác Ngài. Đây là một tin đồn (Ma-thi-ơ 28: 11-15). Có khả năng xảy ra không? Liệu họ có thể vượt qua hàng loạt lính canh tại ngôi mộ? Quan trọng hơn, làm sao họ có thể rao giảng Phúc âm về Chúa Jêsus với uy quyền lớn đến thế, trong khi biết rằng Ngài không hề sống lại? Liệu họ có dám mạo hiểm mạng sống và chấp nhận bị đánh đập vì điều mà họ biết là lừa dối?
3. Chúa Jesus không chết, nhưng chỉ bất tỉnh khi người ta đặt Ngài vào ngôi mộ. Ngài tỉnh dậy, lăn hòn đá, vượt qua bọn lính canh và biến mất khỏi lịch sử sau vài cuộc gặp với các môn đồ, và thuyết phục họ rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngay cả kẻ thù của Chúa Jêsus cũng không tin điều này. Rõ ràng Ngài đã chết. Dân La Mã đã chứng kiến điều đó. Hòn đá chắn cửa không thể bị di chuyển bởi một người khỏe mạnh từ bên trong, huống chi là người vừa bị giáo đâm và đóng đinh trên thập tự giá suốt 6 giờ.
4. Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết. Đây là điều Ngài đã nói sẽ xảy ra. Đây là điều các môn đồ làm chứng. Nhưng những người “hiện đại” nói rằng chúng ta không thể giải thích về sự phục sinh một cách siêu nhiên. Điều này không hợp lý. Tất nhiên, chúng ta không muốn nhẹ dạ cả tin. Nhưng chúng ta cũng không muốn chối bỏ sự thật chỉ vì nó siêu nhiên. Cần lưu ý rằng quan điểm của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lối sống, để từ đó định nghĩa cách chúng ta nhìn nhận sự phục sinh. Nếu sứ điệp của Chúa Jêsus đã cho bạn thấy lẽ thật của Đức Chúa Trời và nhu cầu được tha thứ, thì tâm trí bạn sẽ thoát khỏi quyền lực của thứ gọi là “chẳng có gì siêu nhiên cả”. Có thể bạn phải mở lòng, không phải để làm tan biến định kiến về sự phục sinh, mà là để tự do khỏi quyền lực của những định kiến đang âm thầm bắt bạn làm nô lệ cho nó.
3. Các môn đồ được biến đổi ngay lập tức
Từ những người vô vọng và sợ hãi sau khi Chúa Jêsus bị đóng đinh (Lu-ca 24:21, Giăng 20:19) thành những người tự tin và là nhân chứng đầy năng quyền của sự phục sinh (Công vụ 2:24, 3:15, 4:2).
Lời giải thích về sự thay đổi này: họ đã chứng kiến Đấng Christ phục sinh và được trao cho quyền phép làm nhân chứng của Ngài (Công vụ 2:32). Nhiều người cho rằng họ tự tin là do ảo tưởng. Suy nghĩ này có nhiều điều không ổn. Các môn đồ không hề nhẹ dạ cả tin, thậm chí còn vô cùng hoài nghi ngay cả trước và sau phục sinh. (Mác 9:32, Lu-ca 24:11, Giăng 20: 8-9, 25). Hơn nữa, giáo lý sâu sắc và cao quý của những người đã chứng kiến Đấng Christ phục sinh có phải là điều viển vông dẫn dắt con người đi sai hướng không? Vậy những bức thư tuyệt vời Phao-lô đã viết cho người Rô-ma là gì? Cá nhân tôi thấy khó có thể nghĩ rằng trí tuệ vĩ đại và linh hồn thánh khiết sâu sắc này lại thuộc về một con người ảo tưởng dối trá, người tuyên bố đã nhìn thấy Đấng Christ phục sinh.
4. Phao-lô tuyên bố: không chỉ ông, mà năm trăm người khác cũng đã nhìn thấy Đấng Christ phục sinh, và nhiều người vẫn còn sống khi ông công bố điều này.
“Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống” (1 Cô-rinh-tô 15:6). Điều này được viết cho người Hy Lạp – những người hoài nghi về tuyên bố này, rằng nhiều nhân chứng ấy vẫn còn sống. Vì vậy, nếu đây là dối trá, chỉ cần đi hỏi vài người thì họ sẽ biết ngay thôi.
5. Sự tồn tại thịnh vượng của Hội thánh chứng minh Chúa phục sinh là có thật
Hội thánh công bố năng quyền của chứng ngôn: “Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công vụ 2:36).
Sứ điệp về Đấng Christ được lan truyền khắp các quốc gia chính bởi lẽ thật rằng Ngài đã chiến thắng cái chết. Đây là sứ điệp đã lan truyền khắp thế giới! Sứ điệp năng quyền vượt thời gian, vượt mọi nền văn hóa và dựng nên một dân tộc mới của Đức Chúa Trời – liệu còn một bằng bằng chứng nào mạnh mẽ hơn nữa!
6. Sứ đồ Phao-lô được biến đổi, ủng hộ lẽ thật về sự phục sinh.
Ông lập luận trong Ga-la-ti 1: 11-17 rằng Tin Lành của ông đến từ Chúa Jêsus phục sinh, không phải từ con người. Trước khi nhìn thấy Chúa Jêsus phục sinh trên đường đến thành Đa-mách, ông đã bắt bớ đức tin Cơ Đốc giáo dữ dội (Công vụ 9:1). Nhưng bây giờ, trước sự kinh ngạc của mọi người, ông đang mạo hiểm mạng sống mình cho Phúc âm (Công vụ 9:24-25). Lời giải thích của ông: Chúa Jêsus phục sinh đã hiện ra với ông và ban quyền phép để ông đi đầu trong sứ mệnh truyền đạo cho người ngoại (Công vụ 26: 15-18). Liệu chúng ta có thể tin không? Điều này dẫn đến tranh luận tiếp theo.
7. Các nhân chứng trong Tân Ước không mang dấu ấn lừa bịp hoặc giả dối.
Quyết định tin tưởng một người làm chứng bằng chứng không giống như hoàn thành một phương trình toán học. Khi một nhân chứng đã chết, chúng ta chỉ có phán đoán về anh ta dựa vào những gì anh ta từng viết và lời chứng của người khác về anh ta. Làm sao mà những điều Phi-e-rơ, Giăng, Ma-thi-ơ và Phao-lô từng viết có thể khớp nhau đến thế?
Theo đánh giá của tôi, điều những người này viết không biểu lộ họ là kẻ cả tin, hoặc lừa dối. Những hiểu biết của họ về bản chất con người vô cùng sâu sắc. Cam kết cá nhân của họ rất tỉnh táo và cẩn thận. Giáo lý của họ mạch lạc, không giống như phát minh của những kẻ bất ổn. Tiêu chuẩn đạo đức và tâm linh rất cao. Và họ dành cả cuộc đời để sống cho lẽ thật và vinh hiển Chúa.
8. Vinh quang trong sự thương khó và phục sinh của Đấng Christ đầy dẫy trong lời kể của các nhân chứng.
Tân Ước dạy rằng Đức Chúa Trời đã sai Đức Thánh Linh đến để tôn vinh Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 16:13). Đức Thánh Linh không nói thẳng với chúng ta rằng Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết. Nhưng Ngài mở mắt để chúng ta thấy được vinh hiển của Đấng Christ trong lời chứng về sự thương khó và phục sinh Ngài. Thánh Linh giúp chúng ta nhìn thấy Chúa Jêsus cách sống động, tuyệt vời và vinh hiển vô cùng. “Cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời . . . Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Cô-rinh-tô 4: 4, 6).
Suy cho cùng, đức tin về sự thương khó và phục sinh không phải là kết quả của những lý luận đúng đắn về các sự kiện lịch sử. Đó là kết quả của sự soi sáng tâm linh để chúng ta nhìn thấy được sự thật ấy: sự mặc khải về lẽ thật và vinh hiển Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ – Đấng hằng sống hôm qua, ngày nay cho đến đời đời.
Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(nguồn: desiringgod.org)