Oneway.vn – Không gì lạ khi ai đó nói rằng cô ấy muốn nuôi dạy con cái hoặc truyền giáo hay quản lý tiền bạc cách có chủ đích hoặc có thể là duy trì một lối sống lành mạnh.
Nghe có vẻ hay khi chúng ta nói về điều đó, thế nhưng phần khó khăn là tìm ra cách để thực hiện nó.
Trong cuốn sách mới của mình, Cultivate: A Grace-Filled Guide to Growing an Intentional Life (tạm dịch: Hướng dẫn đầy ân sủng để phát triển một cuộc sống có chủ đích), Lara Casey xem xét ý nghĩa của việc sống có chủ đích và đưa ra những ý tưởng thiết thực để thực hiện điều đó.
Casey – một người vợ, người mẹ của ba đứa con, và là người sáng lập Tạp chí Southern Weddings – tập trung vào quyền năng biến đổi của phúc âm để thay đổi không chỉ địa vị của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, mà còn giải thoát mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Xuyên suốt cuốn sách, Casey rút ra những bài học cho đời sống thuộc linh của mình từ kinh nghiệm trồng vườn của mình. Mặc dù cô ấy không coi mình là một người làm vườn thành công, nhưng khi cô canh tác đất trong khu vườn của mình, Chúa đã ban cho cô một vụ mùa của sự khôn ngoan về cách trau dồi một cuộc sống có chủ đích.
Casey lập luận rằng “trau dồi một cuộc sống có chủ đích là phục vụ Chúa cho các mục đích của Ngài và phát triển những gì là quan trọng đối với Ngài”.
Cuốn sách chứa đầy những ý tưởng thiết thực về cách trau dồi một cuộc sống có chủ đích. Dưới đây là chín điều yêu thích của tôi.
1. Hãy suy gẫm
Suy ngẫm là điều mà Casey biểu thị nhiều hơn cô giải thích.
Cốt lõi của cuốn sách là cô suy ngẫm về những gì Chúa đã dạy qua khu vườn của mình và sau đó xem xét cách cô và những người khác có thể áp dụng những bài học đó.
Việc thực hành này là điều cơ bản nhưng lại dễ bị bỏ qua. Khi chúng ta chỉ đơn giản liệt kê những kinh nghiệm hàng ngày của mình mà không cân nhắc cách Chúa có thể sử dụng chúng trong cuộc sống, thì chúng ta đã thất bại trong việc sống có chủ đích.
2. Thay lời dối trá bằng lẽ thật
Mỗi chương trong số 10 chương của cuốn sách đều tập trung vào việc thay thế một lời nói dối thông thường bằng lẽ thật.
Ví dụ, chương năm đề cập đến lời nói dối “Tôi phải biết mọi chi tiết về những sự việc phía trước” và thay thế nó bằng: “Đắn đo suy tính trước là việc quan trọng, nhưng đức tin mới là điều cần thiết”.
Đúng là những cặp lời nói dối trá và lẽ thật này sẽ có tác động mạnh hơn nếu lẽ thật được trích trực tiếp từ Kinh Thánh, nhưng dầu vậy, nguyên tắc mà Casey biểu thị vẫn rất hữu ích.
Sống có chủ đích liên quan đến việc xác định những lời dối trá mà chúng ta tin và chống lại chúng bằng lẽ thật của Đức Chúa Trời, giống như Chúa Jêsus đã làm khi Ngài bị cám dỗ trong đồng vắng.
3. Gắn liền cảm xúc của bạn với lẽ thật
Mặc dù cảm xúc là một phần tốt lành trong cách Chúa tạo dựng chúng ta, nhưng Casey nhắc nhở rằng chúng ta phải có chủ đích trong cách xử lý chúng.
Cô ấy giải thích: “Cảm xúc không phải là kẻ thù, nhưng đôi khi chúng có thể khiến chúng ta xa rời lẽ thật”.
Vì vậy, một cách để trở nên có chủ đích là “nắm lấy cảm xúc của bạn và gắn mỗi cảm xúc đó vào một lẽ thật mang lại sự sống”.
Cô ấy đưa ra những ví dụ như: “Đôi khi tôi có thể cảm thấy đơn độc, bị cô lập và cô đơn, nhưng tôi biết rằng Chúa không bao giờ rời bỏ tôi”.
4. Nắm lấy thời kì của bạn
Casey giải thích tầm quan trọng của các thời kỳ lành mạnh và nở rộ của khu vườn của cô ấy, đồng thời nhắc nhở rằng điều này cũng đúng với cuộc sống của chúng ta.
Bất kể chúng ta đang ở thời kỳ, giai đoạn nào của cuộc đời, cô ấy khích lệ chúng ta mở rộng tấm lòng và đôi tay của mình để đón nhận những gì [Chúa] dành cho chúng ta.
Những giai đoạn khó khăn của bạn sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng nó có thể có điều gì đó thực sự tốt dành cho bạn mà bạn không muốn bỏ lỡ, chiến đấu với những thay đổi hoặc với những cảm giác không hoàn hảo.
5. Thiết lập những mục tiêu tốt
Việc thiết lập mục tiêu được công nhận cách rộng rãi rằng nó là một phương pháp hữu ích, nhưng để tận dụng nó cách hiệu quả nhất, chúng ta phải cẩn thận để đặt mục tiêu phù hợp.
Casey viết: “Những mục tiêu tốt là cách quản lý tốt những gì bạn được ban cho: các mối quan hệ, tiền bạc, của cải, công việc, nhà cửa, sức khỏe và thời gian của bạn”.
6. Tiến một bước
Thay vì cảm thấy tê liệt khi một nhiệm vụ dường như quá lớn hoặc quá khó, Casey khuyến khích chúng ta chỉ thực hiện một bước. Làm điều kế tiếp. Hồi tưởng lại kinh nghiệm nhận con nuôi của mình, cô ấy viết: “Chúng tôi thực hiện bước tiếp theo là gửi email cho một cơ quan nhận con nuôi. Từng bước từng bước một, Ari và tôi điền vào hàng núi giấy tờ và cầu nguyện qua nhiều nỗi sợ hãi và cảm giác về việc không được trang bị cho việc này”.
Việc nhận con nuôi của họ bắt đầu bằng một email và kết thúc với một bé gái được thêm vào gia đình.
7. Hãy là người mời gọi
Đối với các mối quan hệ, nuôi dưỡng một cuộc sống có chủ đích có nghĩa là sẵn sàng nắm thế chủ động.
Như Casey giải thích: “Đừng đợi cộng đồng xuất hiện trước cửa nhà bạn nhưng bạn hãy là người mời gọi. Mời ai đó qua nhà bạn cho dù nó khá bừa bộn”.
8. Bằng lòng với sự tiến bộ từng chút một
Nhiều người trong chúng ta có thể đồng cảm với Casey khi cô ấy chia sẻ rằng cô ấy từng “nghiện sự hài lòng tức thời, tìm kiếm sự hài lòng trong bất cứ điều gì dễ dàng và nhanh chóng”.
Để chống lại xu hướng này, cô ấy khuyến khích chúng ta ngừng “sống trong sự ngắn hạn và chắp vá mọi thứ cho qua ngày” mà thay vào đó hãy có tầm nhìn dài hạn.
Có chủ đích không phải là có nhiều kết quả cách nhanh chóng mà đó là “sự tiến bộ từng chút một và việc tin tưởng vào Đức Chúa Trời để làm cho [mọi thứ] phát triển theo thời điểm của Ngài”.
9. Lưu giữ và ghi nhớ
Giống như Casey và con gái của cô ấy làm mứt để bảo quản trái cây đã thu hoạch cho tương lai, cô thách thức chúng ta lưu giữ những kỷ niệm về sự thành tín của Đức Chúa Trời cho những giai đoạn sắp tới. Cô gợi ý những việc có thể làm như trang trí một bức tường ảnh, làm một lọ phước lành, viết ghi chú bên lề cuốn Kinh Thánh của gia đình hoặc nhật ký.
Trong khi Casey cung cấp ta rất nhiều điều chúng ta có thể làm để sống có chủ đích, cô ấy cũng nhắc nhở rằng điều cuối cùng định nghĩa cuộc sống của chúng ta không phải là những gì chúng ta làm, mà là những gì Chúa Jêsus Christ đã làm cho chúng ta.
Cô ấy viết: “Chúng ta không cần phải sửa chữa cuộc sống của mình; chúng ta chỉ cần tập trung vào Ngài. Và không phải vì chúng ta phải làm vậy, mà vì ân điển của Ngài khiến chúng ta muốn làm như vậy. Và chính Ngài sẽ giúp chúng ta”.
Bài: Winfree Brisley; dịch: Abby
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply