Oneway.vn – Điều đáng buồn là những người hướng dẫn thờ phượng trên thế giới đang thay đổi giờ thờ phượng của Hội Thánh (dù họ thường không cố tình) thành những chương trình trình diễn. Trước khi thảo luận tình hình hiện nay của chúng ta, hãy cùng nhìn lại quá trình lịch sử.
Trước thời cải chánh, việc thờ phượng được thực hiện phần lớn là dành cho tín hữu. Âm nhạc được trình bày bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp và hát bằng những ngôn ngữ xa lạ (tiếng Latinh).
Cuộc cải chánh đem mọi người trở lại với sự thờ phượng, bao gồm việc hội chúng hát ngợi khen. Giờ thờ phượng sử dụng những giai điệu nhẹ nhàng, âm điệu có thể đạt được sự đồng nhất, lời thánh ca được thể hiện trong ngôn ngữ của mọi người.
Sự thờ phượng một lần nữa trở thành sự thờ phượng có sự tham gia của các tín hữu. Cuộc cách mạng với sự xuất hiện của những bản thánh ca được in ấn đã mang đến sự bùng nổ trong việc hát ngợi khen của cả hội chúng cũng như làm gia tăng lòng yêu mến của hội thánh trong việc hát ca ngợi.
Tiếp sau đó là sự ra đời của công nghệ trình chiếu. Hội thánh bắt đầu chiếu lời bài hát lên màn hình. Và số lượng bài hát tùy theo ý của Hội thánh tăng lên theo cấp số nhân.
Đầu tiên, sự phát triển trong công nghệ đã đưa hội chúng đến việc ngợi khen Chúa cách mạnh mẽ, nhưng không lâu sau, sự thay đổi trong việc hát dẫn thờ phượng bắt đầu đem hội chúng trở lại thời kỳ trước khi cải cách trong tư cách là những khán giả.
Những gì đã diễn ra có thể được xem như sự tái chuyên nghiệp hóa trong âm nhạc của nhà thờ và làm mất đi mục tiêu chính của việc hướng dẫn thờ phượng, đó là để cho mọi người được hát ngợi khen Chúa.
Nói một cách đơn giản, chúng ta đang tạo ra một văn hóa biến tín đồ trong hội thánh thành những khán giả. Thay vì mọi người được dự phần trong giờ thờ phượng thì chúng ta đã biến nó thành chương trình biểu diễn âm nhạc. Việc thờ phượng đang quay trở lại với tình trạng như trước thời Cải chánh.
Có 9 lý do tín hữu không còn hát trong giờ thờ phượng nữa:
1. Tín hữu không biết bài hát.
Mỗi tuần có nhiều bài hát mới được phát hành và số lượng những bài hát do người ở hội thánh địa phương sáng tác càng gia tăng nhiều hơn. Những người hướng dẫn thờ phượng đang đem đến một “thực đơn” đều đặn về những bài hát thờ phượng mới nhất và tuyệt vời nhất. Thật vậy, chúng ta nên hát những bài hát mới, nhưng tần suất của những bài hát mới được đem vào quá nhiều trong giờ thờ phượng có thể “giết chết” tỷ lệ tham gia của chúng ta và biến hội chúng trở thành khán giả trong chương trình. Tôi nhìn thấy điều này ở mọi lúc. Tôi ủng hộ việc không đưa nhiều hơn một bài hát mới trong một buổi thờ phượng, và sau đó lặp lại bài hát đó trong vài tuần đến khi hội thánh biết hát nó. Tín hữu thờ phượng tốt nhất với những bài hát mà họ biết, vì vậy chúng ta cần phải dạy và củng cố những sự thể hiện mới trong giờ thờ phượng.
2. Những bài hát không phù hợp cho hội chúng
Ngày nay có rất nhiều bài hát thờ phượng mới và hay, nhưng trong một loạt các bài hát mới, có nhiều bài không phù hợp cho cả hội chúng cùng hát bởi nhịp điệu của chúng (quá khó cho những người hát bình thường) hoặc một quãng rộng (hãy nghĩ về người có giọng hát trung bình chứ không phải là ngôi sao hát trên sân khấu).
3. Hát những nốt quá cao so với những người có giọng hát trung bình.
Nhìn chung tín hữu mà chúng ta đang hướng dẫn trong giờ thờ phượng có giọng hát bị giới hạn và không có giọng cao. Khi chúng ta đưa bài hát vào những nốt quá cao, hội chúng sẽ ngừng hát, hết hơi và cuối cùng bỏ cuộc, trở thành những khán giả. Hãy nhớ rằng trách nhiệm của chúng ta là cho hội chúng hát những lời ngợi khen Chúa, không phải để giới thiệu giọng hát tuyệt vời của mình bằng cách đưa ra những bài hát trong tông giọng nội lực của mình. Tông cơ bản của những người hát trung bình là quãng tám và thứ tư từ la đến rê.
4. Hội chúng không thể nghe mọi người xung quanh họ hát.
Nếu nhạc mở quá lớn đến nổi tín hữu không thể nghe người bên cạnh mình hát, thì âm thanh thật sự là quá to. Ngược lại, nếu nhạc quá yên tĩnh, thông thường, hội thánh sẽ không hát lớn với tất cả nội lực. Hãy quân bình một cách vừa phải, to nhưng đừng quá mức chịu đựng.
5. Chúng ta biến những buổi thờ phượng thành những sự kiện dành cho khán giả, xây dựng một môi trường biểu diễn.
Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc sắp xếp một không gian tuyệt vời cho buổi thờ phượng, bao gồm ánh sáng, âm thanh mang tính nghệ thuật và nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, khi không gian của chúng ta dẫn mọi thứ đến một mức độ gọi là tập trung quá mức đến những thứ trên sân khấu hoặc làm sao lãng sự thờ phượng Chúa, chúng ta đã đi quá xa. Tôi đồng ý chúng ta phải làm một cách xuất sắc nhưng đề cao sự trình diễn chuyên nghiệp thì không nên.
6. Hội chúng cảm thấy người ta không muốn họ hát
Là những người hướng dẫn thờ phượng, chúng ta thường tham gia vào việc tạo ra những sản phẩm thờ phượng mang tính chuyên nghiệp nhưng lại mất đi tính chân thật. Chúng ta hãy mời hội chúng vào trong sự thờ phượng, và sau đó làm tất cả những gì chúng ta có thể để hướng dẫn kinh nghiệm đó trong việc hát những bài hát quen thuộc, giới thiệu những bài hát mới cụ thể, và tất cả hát đúng giọng của hội thánh.
7. Chúng ta không có khuôn mẫu chung cho bài Thánh ca.
Với sự sẵn có của nhiều bài hát mới, chúng ta thường trở nên “ngẫu hứng” trong kế hoạch thờ phượng, lấy nhiều bài hát từ nhiều nguồn mà không cần xem lại các bài hát và giúp hội thánh tiếp nhận nó như một sự thể hiện thường xuyên trong giờ thờ phượng. Ngày xưa, nguồn đó chính là quyển thánh ca. Ngày nay, chúng ta cần tạo ra danh sách bài hát để sử dụng khi lên chương trình thờ phượng.
8. Người hướng dẫn thờ phượng nói quá nhiều.
Giữ giai điệu rõ ràng và mạnh mẽ. Hội Thánh được tạo thành từ những con người thuộc mọi tầng lớp khác nhau và hạn chế về khả năng âm nhạc. Khi chúng ta đi lạc từ giai điệu đến lời hướng dẫn, “con chiên” sẽ cố gắng để theo chúng ta và kết thúc với sự thất vọng và bỏ hát. Một số lời hướng dẫn hay có thể thêm vào sự thờ phượng, nhưng đừng để nó dẫn “chiên” của bạn lạc đường.
9. Người hướng dẫn thờ phượng không kết nối với hội chúng.
Chúng ta thường bị lôi cuốn bởi những sản phẩm âm nhạc tuyệt vời của thế giới mà đánh mất tập trung về mục đích giúp hội chúng tôn vinh Chúa. Hãy để cho họ biết bạn mong muốn họ hát. Trích dẫn Kinh thánh để khích lệ bày tỏ tấm lòng thờ phượng của mình. Hãy để ý xem hội chúng đang theo sự hướng dẫn của bạn như thế nào và điều chỉnh khi cần thiết.
Một khi những người hướng dẫn thờ phượng lấy lại được khải tượng về việc để cho hội chúng tham gia vào quá trình thờ phượng, tôi tin rằng chúng ta có thể đem sự thờ phượng trở lại với tín hữu một lần nữa.
Bài:
Kenny Lamm; Hồng Nhung dịch
(Nguồn: churchleaders.com)
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!