Ăn năn “giả”

Oneway.vn – Tôi nhớ cha tôi nói: “Cha xin lỗi. Cha rất tiếc, và cha yêu con”.

Cha không nói cha xin lỗi vì điều gì. Cha không nhắc đến những vết bầm trên đôi bàn tay nhỏ bé của tôi, đứa trẻ 11 tuổi. Cha dường như không hiểu tôi sợ và đau đớn như thế nào. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi nghe cha nói lời xin lỗi, và cảm thấy nhẹ nhõm như cơn mưa mát lành sau đợt hạn hán kéo dài.

Trong tâm trí tôi, một giọng nói nhỏ vang lên: “Đừng tin điều này. Cha chỉ xin lỗi vì mẹ dọa sẽ nói với Mục sư Jim nếu cha không chịu xin lỗi”. Tôi cố phớt lờ giọng nói đó, phớt lờ những nghi ngờ của mình. Tôi đã cầu nguyện rất lâu xin Chúa cho cha thay đổi. Tôi đã cố gắng trở thành một đứa con gái tốt, nhắc nhở ông về Chúa Jesus.

Lời xin lỗi của ông tuy mơ hồ, nhưng chính là hy vọng và dấu hiệu cho thấy Chúa đang làm việc. Phải vậy không?

Sự tàn nhẫn của việc ăn năn giả dối

Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình với mục sư, gia đình và bạn bè, cha tôi cũng thừa nhận và xin lỗi về những việc ông đã làm, nhưng sau đó vài tuần hoặc thậm chí mới vài ngày, ông lại tuyên bố ông không nhớ gì về nó. Ông không nhớ việc đánh đập tôi, ném tôi xuống cầu thang, hoặc thậm chí là không nhớ lời xin lỗi gần đây của ông. Ông không nhớ những lời bỡn cợt về tình dục, việc ném dao vào tôi hoặc dọa bắn tôi. Ông xin lỗi, sau đó nuốt lời. Nhớ, rồi quên. Điều này lặp đi lặp lại có lẽ đã một năm, đến khi tôi cảm thấy như mình đang mất trí.

Một ngày nọ, tôi đã nói với cha qua điện thoại: “Con không biết phải nghĩ gì!”. Chạy vào sàn bếp, tôi nức nở. “Con nên tin rằng cha là người điên và không biết mình đang làm gì, hay cha là kẻ ác và cha hoàn toàn hiểu điều đó”.

“Cha không điên”, ông bình tĩnh trả lời. “Chắc con phải chấp nhận rằng cha là kẻ ác rồi”.

Tìm kiếm sự năn thật

Tôi đã đối phó với nhiều người không có thiện chí: nhiều kẻ  lạm dụng trẻ em suốt hai thập kỷ, bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục. Thêm vào đó là việc lạm dụng tâm lý, điều này vẫn tiếp tục thậm chí khi tôi đã 30. Vì tình trạng gia đình mình, tôi đã tích lũy được một số kiến thức thực tế. Vì đức tin của mình, tôi đã chú tâm vào Kinh Thánh để được hướng dẫn phân biệt đâu là sự ăn năn thật, và đâu là giả.

Có những tội nhân ngoan cố không chịu nhận lỗi, những kẻ nhận lỗi nhưng lại không hề biết lỗi, và những kẻ đạo đức giả thực sự tin rằng họ đã ăn năn nhưng lại không hiểu gì về sự ăn năn trong Kinh Thánh. Vậy đâu là những thuộc tính của sự ăn năn thật? 

1. Kinh sợ tội lỗi

Kinh sợ trước những gì họ đã làm, hạ mình xuống, đau buồn vì nỗi đau họ đã gây ra. Như tiên tri than khóc trong Ê-sai 6: 5: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!”.

2. Cố chuộc lỗi

Lu-ca 19: 1-10 là câu chuyện về Xa-chê và sự hào phóng thể hiện ông đã ăn năn. Xa-chê, người thu thuế, kẻ trộm và kẻ áp bức con dân Chúa, nay đã sửa đổi: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư (câu 8). Và Chúa Giê-xu đã xác nhận sự ăn năn của Xa-chê là thật: “Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy (câu 9).

3. Chấp nhận hậu quả

Một người thực sự ăn năn sẽ chấp nhận hậu quả. Mất niềm tin nơi người khác, từ bỏ địa vị xã hội hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi tên trộm trên thập tự giá ăn năn, ông nói với bạn đồng hành mình: “Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác” (Luke 23: 40-41). Và Chúa Jesus đã khen ngợi sự ăn năn của ông: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43).

4. Không đòi hỏi được tha thứ

Người ngược đãi tôi thường nói với tôi rằng: “Nếu bạn không tha thứ cho tôi, Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn”. Nhưng kiểu đe dọa này cho thấy họ không thật ăn năn. Người có tội lúc này không chấp nhận hoặc không hiểu được những lỗi lầm nghiêm trọng của họ. Khi Gia-cốp ăn ăn năn với Ê-sau, ông không hề mong đợi lòng thương xót, chứ đừng nói đến được tha thứ. Trong Sáng thế ký 32, ông cảm thấy rất sợ hãi và đau khổ. (Câu 7). Ông lo rằng mình sẽ bị tấn công (câu 11) và cho rằng mình không xứng đáng được tha thứ (câu 10). Thực tế, Gia-cốp đã chuẩn bị để chịu bị trả thù: ông đã tách vợ, con và người hầu mình ra, vì sợ rằng cơn giận của Ê-sau sẽ liên lụy đến họ.

5. Cảm nhận được nỗi đau sâu sắc mình đã gây ra

Một người ăn năn không cố gắng giảm thiểu, hạ thấp hoặc bào chữa cho những gì họ đã làm. Họ không cố dùng những việc tốt họ đã làm để che lấp cái xấu. Họ xem những việc tốt mình cũng như “áo nhớp” và “héo như lá”. Họ chịu đựng sự tức giận và trách móc. Họ không đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, họ sẽ chịu trách nhiệm, thừa nhận thiệt hại mình đã gây ra và bày tỏ sự hối hận.

6. Thay đổi 

Người thực sự ăn năn sẽ nhận ra họ cần Chúa thánh hóa tấm lòng mình. Họ chủ động hành động để thay đổi, tránh xa tội lỗi và cám dỗ. Có thể là gặp một cố vấn, nhờ bạn bè, mục sư hoặc cơ quan thực thi pháp luật giám sát và buộc họ phải chịu trách nhiệm. Hãy xem xét sự tương phản rõ rệt giữa kẻ bắt bớ Hội Thánh – Sau-lơ – trước và sau khi được cứu. Công vụ 9 cho biết mặc dù một số Cơ Đốc nhân đã do dự không biết có nên tin ông hay không, nhưng tính cách của ông đã thay đổi đáng kể.

7. Dành không gian để chữa lành

Bông trái của Thánh Linh bao gồm sự nhịn nhục, nhân từ, hiền lành và mềm mại (Gal. 5: 22-23). Người thực sự ăn năn sẽ chứng minh những điều này một cách nhất quán. Họ cảm thấy mình không có quyền được tin tưởng hoặc chấp nhận; họ sẽ nhịn nhục, khiêm tốn, sẵn sàng hy sinh những mong muốn và nhu cầu của riêng vì lợi ích của nạn nhân. Họ không ép buộc chúng ta phải nhanh chóng bỏ qua lỗi lầm của họ. Thay vào đó, họ sẽ thấu hiểu sự ngờ vực của chúng ta, thừa nhận nỗi đau của chúng ta và tôn trọng những ranh giới chúng ta yêu cầu.

Kẻ lạm dụng yêu tội lỗi của họ hơn là yêu bạn. Nhưng một tội nhân hối cải sẽ yêu bạn nhiều hơn tội lỗi và niềm kiêu hãnh của họ.

8. Kinh ngạc khi được tha thứ

Họ không cảm thấy mình xứng đáng được tha thứ. Khi Gia-cốp được Ê-sau tha thứ, ông đã rất kinh ngạc, ông khóc: “Xin anh, không. Nếu em được ơn trước mặt anh, hãy nhậm lấy lễ vật bởi tay em làm ra đi; vì em thấy được mặt anh khác nào người ta thấy được mặt Đức Chúa Trời, và anh đã đẹp lòng tiếp rước em” (Sáng thế ký 33:10). Gia-cốp nhận ra rằng tha thứ là phép lạ thiêng liêng, là bức tranh về Đấng Mê-si và là dấu hiệu lòng thương xót của Chúa. Mặc dù Gia-cốp và Ê-sau đã không nói chuyện trong 40 năm, ông biết rằng Chúa đã khiến Ê-sau tha thứ cho ông bởi ân điển Ngài.

Sự ăn năn và tha thứ đến từ Chúa

Khi tám dấu hiệu ăn năn này thể hiện cách xác thực, chúng ta sẽ được ban phước. Tội nhân từ bỏ cái ác, và Chúa hòa bình được tôn vinh. Nhưng chúng ta phải làm gì khi những dấu hiệu này không xuất hiện? Khi ai đó ăn năn giả dối để tránh hậu quả, hoặc lợi dụng thiện chí của chúng ta để tổn thương chúng ta một lần nữa?

Trong hơn ba thập kỷ, tôi cầu xin Chúa gọi người cha vũ phu của mình ăn năn. Nhưng giống như Pha-ra-ôn, ông ngày càng cứng lòng. Giả vờ thay đổi hóa ra là một chiến lược ông dùng để tiếp tục phạm tội. Tình yêu và niềm tin của tôi lại bị lợi dụng để phản bội tôi.

Cuối cùng, tôi vẫn phải chấp nhận rằng cha tôi đã không muốn ăn năn. Và cho dù tôi có yêu ông ấy đến mức nào, muốn ông ăn năn, thay đổi, trở thành một người cha tốt, yêu tôi và yêu Chúa Jesus, thì cứu rỗi vẫn là công việc của Chúa, và tôi không thể thay đổi cha tôi. Đôi khi hành động yêu thương nhất chúng ta có thể làm cho một người chính là không để họ làm tổn thương chúng ta nữa.

 

Bài: Jennifer Greenberg, dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *