Ăn năn thật không chỉ là ân hận

Oneway.vn – Không ai thích cảm giác rằng mình đã sai.

Nó bắt đầu với sự dày vò bên trong, tiếp đến là những trạng thái thường đi kèm: xấu hổ, nhục nhã, hối tiếc, thậm chí có một chút gì đó tuyệt vọng. “Lẽ ra mình không nên làm thế. Sao mình không dừng được? Lẽ ra mình phải biết chứ.”

Có lẽ chúng ta sẽ xin lỗi người mình đã làm tổn thương, nói với Chúa rằng sẽ không bao giờ muốn làm như vậy nữa, và mọi thứ ổn trở lại, cho đến khi… chúng ta lại làm điều đó.

Hàng loạt câu hỏi ập đến: Phải chăng mình đã ăn năn không đúng? Tại sao mình cứ tái diễn nó? Liệu mình có bao giờ thoát khỏi cái tội này không? Có lý do nào Chúa vẫn chưa cất bỏ tội lỗi này ra khỏi mình không?

Điều tôi muốn nói là: Toàn bộ niềm tin Cơ Đốc đều xuất phát từ sự ăn năn. Đó là bước đầu tiên của việc cầu nguyện xưng tội và tiếp nhận Chúa. Chúng ta ăn năn tội lỗi mình, cầu xin sự tha thứ bởi huyết Chúa Jesus đã đổ ra vì chúng ta (Mat. 26:28), nhận biết rằng chỉ bởi dòng huyết hoàn hảo của Ngài chúng ta mới được tẩy sạch khỏi những vi phạm và được phục hòa với Đức Chúa Trời.

Nhưng nếu tôi cứ phạm tội hết lần này đến lần khác, đó có phải là tôi chưa thật sự ăn năn không?

Trong tinh thần của ngày lễ Phục Sinh, tôi muốn chia sẻ một vài điều mà tôi học được qua chính kinh nghiệm bản thân về việc tái phạm tội và liên tục cần đến sự thương xót đối với bản chất con người sa ngã của mình.

Tôi cũng góp nhặt một số điều bổ ích từ những bài giảng của tiến sĩ Josh McDowell khi ông chia sẻ cho các hội nghị ở Singapore.

Nếu tôi cứ phạm tội hết lần này đến lần khác, có phải là tôi chưa thật sự ăn năn?

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ ĂN NĂN

1. Bạn phải thay đổi tâm trí mình

“Ăn năn” trong Kinh Thánh là “quay lại” hoặc “trở lại”. Điều này bao hàm việc quay lưng khỏi tội lỗi và hướng đến điều tốt lành. Đó là sự thay đổi cách suy nghĩ và đòi hỏi bạn nhìn nhận tội lỗi theo đúng bản chất của nó: Tội lỗi là điều khiến bạn xoay lưng khỏi Đức Chúa Trời.

“Bạn phải gọi nó là tội”, tiến sĩ McDowell giải thích khi người ta hỏi ông làm thế nào để được tự do khỏi các thói nghiện. “Nếu không gọi nó là tội thì sẽ rất khó mà bỏ được”. Làm thế nào bạn thay đổi được suy nghĩ của mình nếu vẫn còn đang giằng co để xác định xem một hành vi hay tư tưởng nào đó có sai trái hay không?

“Vậy, anh em hãy ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời để tội lỗi mình được xóa bôi, hầu cho các thời kỳ tươi mới mà Chúa ban cho sẽ đến.” (Công-vụ 3:19, 20a)

Nếu chúng ta không cẩn thận xác định điều gì là tội thì chúng ta sẽ lặp lại nó. Sự ăn năn chung chung cũng giống như uống thuốc Panadol để chữa bệnh ung thư! Sư ăn năn cụ thể cho phép chúng ta gọi đích danh tội đó và công bố rằng chúng ta đã thay đổi suy nghĩ của mình – chúng ta không muốn nó tồn tại trong đời sống chúng ta nữa.

Sự ăn năn chung chung giống như uống thuốc Panadol để chữa bệnh ung thư!

2. Bạn phải xưng ra tội của mình

Một trong những mưu kế thâm hiểm của ma quỷ là giữ chúng ta xa cách Đức Chúa Cha thông qua sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi.

“Chắc chắn lần này Chúa không tha cho mày đâu.

Chắc chắn Chúa rất thất vọng về mày.

Chắc chắn lần sau mày có thể tự chủ tốt hơn và chuộc lại lỗi lầm lần này.”

Và thế là chúng ta giữ im lặng về điều mình đã phạm, với hy vọng có thể tự xử lý được nó để lần sau có thể đến trước mặt Chúa “sạch sẽ” hơn một chút. Tôi biết tôi có khuynh hướng làm điều đó, thậm chí với những người có chức quyền cao hơn mình trên đất này: Tự xử lý nó để nếu người ta có biết thì cũng không đến nỗi quá tệ!

Thế nhưng, mọi thứ diễn ra không giống như vậy; nó chỉ có tệ hơn mà thôi! Tội lỗi không được xưng ra sẽ phát triển. Cách duy nhất và phải làm ngay tức khắc đối với tội lỗi là: Xưng nó ra và công bố sự tha thứ đã được Đức Chúa Trời hứa ban cho bạn. (I Giăng 1:9).

Việc xưng nhận cụ thể sự vi phạm nghe có vẻ hổ nhục, nhưng hãy can đảm: Đức Chúa Trời không xấu hổ về chúng ta. Khi chúng ta đang phạm tội thì Ngài ở ngay đó! Chúng ta có thể mạnh dạn đối diện với Ngài bởi vì Ngài luôn vì chúng ta. Ngài muốn chúng ta được tự do, không phải giấu mình như A-đam đã làm trong vườn Ê-đen.

3. Bạn phải giải phóng và tiếp nhận sự tha thứ

Khi đến với Chúa để xưng tội bằng tấm lòng tan vỡ, chúng ta đang để cho Đức Thánh Linh hành động trong những lĩnh vực đời sống mà lương tâm không nhận ra hoặc không chú ý đến.

Đây là quyền năng của sự thanh tẩy mà Chúa hứa trong I Giăng 1:9 – Ngài đổi mới tâm trí và tấm lòng của chúng ta cách triệt để. Ngài không chỉ làm những việc bề ngoài, nhưng hành động để đưa chúng ta đến với sự tinh sạch và khôi phục trọn vẹn.

Tội lỗi được thể hiện trong đời sống thường chỉ là triệu chứng của những gãy đổ sâu sắc hơn. Tất cả chúng ta đều nứt gãy theo những cách khác nhau. Đối với một số người, những vết nứt đó có thể đến từ tuổi thơ hay những sự việc mà nếu nhớ lại, chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng. Có thể nói rằng có điều gì đó đã bị chết đi trong chúng ta, hoặc điều gì đó đã xảy ra khiến chúng ta bị khóa chặt trong một quan điểm hay lối suy nghĩ.

Những tội lỗi được thể hiện trong đời sống thường chỉ là triệu chứng của những sự gãy đổ sâu sắc hơn.

“Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con.” (Ma-thi-ơ 6:14-15)

Khi Chúa bày tỏ một sự gãy đổ sâu sắc trong tôi gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ, lời nói và hành động của tôi – những điều tôi đã cầu nguyện nói với Chúa rằng tôi ăn năn – thì cuối cùng, tôi được đưa đến chỗ mà tôi biết rằng mình phải tha thứ cho người khác và tiếp nhận sự tha thứ, thậm chí từ chính bản thân. Những vết nứt có thể sâu hơn chúng ta tưởng, nhưng sự tha thứ hàn gắn nhiều hơn chúng ta biết.

 4. Bạn phải khao khát sống đúng

Ma-thi-ơ 3:8 và Lu-ca 3:8 nói cùng một điều: Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Nếu xác định rằng mình đã lặp lại thói cũ, đã đến với Chúa để cầu xin sự tha thứ, đã kinh nghiệm sự hành động sâu sắc của Ngài trong lòng chúng ta và đổi mới tâm trí chúng ta (Rô 12:2), điều đó sẽ và phải được thể hiện ra bên ngoài, qua việc chúng ta lựa chọn cách sống.

Tôi luôn nói những điều này, nhưng hãy tự vấn bản thân bạn những câu hỏi không mấy dễ chịu sau: Lòng tôi có thật sự khao khát sự tinh sạch không? Tôi có thật sự muốn sống đúng trước mặt Chúa và người khác không? Tôi có trân quý sự thánh khiết không?

Mc Dowell nhắc chúng ta về tấm gương của chàng trai trẻ Đa-ni-ên, người đã xác định rằng chàng sẽ không làm ô uế chính mình trong khi phục vụ cho một vị vua ngoại bang (Đa-ni-ên 1:8).

“Vậy nên, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (1 Cô 10:12). Điều này có nghĩa chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để nhận biết những cạm bẫy và cám dỗ kéo chúng ta trở lại với tội lỗi.

Chúng ta có lẽ từng xử lý những vấn đề gốc rễ, nhưng thật dại dột khi cho rằng chúng ta đã miễn nhiễm với những kích thích quen thuộc. Chúng ta phải để ý, phải canh chừng, phải cảnh giác. Hãy nhớ lại cả một chặng đường bạn đã đi qua: Cái giá để sa vào tội lỗi cũ và tìm cách thoát ra lại là quá đắt.

 5. Bạn phải nhờ cậy Đức Thánh Linh

Giống như việc bạn không thể trả được án tội của bản thân, bạn cũng không thể chiến đấu với tội bằng sức của mình. Khao khát sống đúng và không phạm tội nữa là một chuyện; nhận thức được xu hướng phạm tội của con người là chuyện khác. Đừng quên rằng chính sứ đồ Phao-lô phải rên xiết rằng ông “có ý muốn làm điều thiện” nhưng không thể làm được bởi vì tội lỗi ở trong ông (Rô 7:18–20), thay vào đó ông lại làm điều mà ông không muốn.

Ở đây, ta lại thấy một mưu kế khác của ma quỷ: Khi Sa-tan làm cho bạn sống đúng bằng sức riêng, bạn trước sau gì cũng sẽ ngã. Sự bực tức và căng thẳng giữa việc muốn làm điều thiện nhưng cứ ngã hết lần này đến lần khác khiến chúng ta bỏ cuộc. Và rồi chúng ta buông xuôi.

“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào.” (Ê-phê-sô 2:8-9)

Đó là lý do chúng ta nhận ra chỉ có thể cắt đứt được chu kỳ phạm tội bằng Ân điển.

Ân điển đã tha thứ cho bạn trong quá khứ cũng chính là ân điển sẽ giữ bạn tinh sạch trong hiện tại, cũng như hứa rằng sẽ đưa bạn đến một tương lai đắc thắng.

Đứng trước cám dỗ để thỏa hiệp, chúng ta không thể chạy khỏi, chống cự và chiến thắng mà không có ân điển liên tục của Đức Thánh Linh. Sự ăn năn luôn gồm hai phần: Quay lưng khỏi tội lỗi và hướng về Đức Chúa Trời.

Cảm giác trỗi dậy sau mỗi lần bạn nhận ra mình đã sai, không khiến bạn quay lưng khỏi Chúa, nhưng hướng bạn về Chúa. Đó chính là sự cáo trách của Đức Thánh Linh để dẫn bạn trở lại với Cha Thiên Thượng.

Đây là một câu trích dẫn mà tôi rất yêu thích: “Tôn giáo nói: ‘Mình gây chuyện rồi. Cha sẽ giết mình mất’. Nhưng một đứa con nói: ‘Mình gây chuyện rồi. Mình cần gọi cho Cha ngay’”. Với Chúa, luôn có thêm sự ăn năn, thêm chữa lành, thêm năng lực, thêm tự do. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không đứng ở ngoài sự hiện diện của Ngài để cảm thấy ân hận nữa, nhưng giống như người con trai hoang đàng, hãy trở về như một đứa con.

SUY NGẪM VÀ HÀNH ĐỘNG

Những lĩnh vực nào bạn còn đang thỏa hiệp trong đời sống mình? Hãy nhìn lên Chúa để thay đổi tâm trí bạn.

Bạn có đang không tha thứ cho ai không? Hãy ân điển như Chúa đã ân điển với bạn.

Có điều gì bạn cần ăn năn không? Không điều gì có thể phân rẽ bạn khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời.

 

Bài: Joanne Kwok; dịch: Blessie

(Nguồn: thir.st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *